3.2.2.1. Mục đích của biện pháp
Xây dựng môi trường học tập tích cực nhằm góp phần tạo nên động cơ, mục đích, hứng thú học tập cho SV đồng thời nó là tác nhân kích thích tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của SV đạt hiệu quả cao.
3.2.2.2. Nội dung của biện pháp
Môi trường học tập là toàn bộ những điều kiện vật chất và tinh thần diễn ra xung quanh người học, là nơi mà hoạt động học tập của SV được thực hiện. Môi trường học tập tốt là môi trường mà ở đó SV được nghe, được làm việc, được xem người khác làm, cùng làm và bảo ban người khác cùng làm...
Môi trường học tập bao gồm cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần do GV tạo ra, trong đó môi trường tinh thần giữ vị trí vai trò hết sức quan trọng vì nó góp phần tạo nên động cơ, mục đích, hứng thú học tập cho SV đồng thời nó là tác nhân kích thích tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của SV đạt hiệu quả cao. Như tạo điều kiện về mặt phương tiện và kỹ thuật để tiến hành hoạt động học tập, gây hứng thú học tập cho SV, tạo ra các mối quan hệ nhiều mặt của SV, để họ có thể tiếp thu thông tin đa chiều từ nhiều kênh thông tin khác nhau...
- Duy trì nề nếp tự học của SV: Nề nếp tự học nghiêm túc được thực hiện thông qua việc tổ chức chấp hành đầy đủ thời gian tự học, tự học có mục tiêu, có nội dung cụ thể, có phương pháp thích hợp và kế hoạch chặt chẽ, đạt chất lượng cao. Duy trì nề nếp tự học nghiêm túc là một yếu tố rất quan trọng góp phần xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong học tập và rèn luyện của người giáo viên Âm nhạc trong tương lai.
Hiện nay công tác quản lí nề nếp tự học của SV trong Khoa còn có nhiều bất cập và chưa hiệu quả.
- Coi trọng việc chấp hành các quy định nề nếp tự học là một tiêu chí để đánh giá thi đua: Việc làm này sẽ kích thích tâm lí thi đua, tự giác trong học tập và rèn luyện của SV trong cùng lớp, của SV giữa các lớp với nhau. Đồng thời biện pháp này cũng kích thích sự phát triển và thoả mãn nhu cầu về tự khẳng định mình, nhu cầu được tôn trọng của mỗi cá nhân trong tập thể. Từ đó, SV sẽ tự giác, tích cực, chủ động, hăng say hơn trong việc học tập và rèn luyện.
- Kết hợp với ban quản lí kí túc xá trong việc quản lí duy trì nề nếp học tập của SV ở kí túc xá: Quá trình học tập rèn luyện trong nhà trường, SV chịu sự tác động và quản lí từ nhiều lực lượng, bộ phận chức năng khác nhau.
Nhưng có thể khẳng định rằng sự tác động, quản lí trực tiếp từ GV chủ nhiệm đến SV là có hiệu quả nhất.
- Phối hợp với gia đình, xã hội trong việc quản lí và giáo dục SV: Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các điều kiện học tập, hình thành thói quen tự học cho SV từ nhỏ. Nếu trong quá trình học tập SV được sự quan tâm của gia đình, được động viên khuyến khích, nhắc nhở, yêu cầu, kiểm tra trong quá trình học tập thì sẽ có tác động tích cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ tự học của SV. Nhưng trong thực tế hầu như phụ huynh không quan tâm đến việc động viên, yêu cầu và kiểm tra việc học tập của SV. Vì vậy họ chưa có được những thông tin, những sự tác động tích cực đối với việc học tập của con em mình.
- Tìm hiểu quan tâm giúp đỡ những SV nghèo có hoàn cảnh khó khăn:
SV nhập học vào Khoa SP Nghệ thuật Trường ĐH Đồng Tháp với những điều kiện về lứa tuổi, về gia đình, về điều kiện kinh tế, trình độ chuyên môn nghề nghiệp rất đa dạng, khác nhau: Có em đã có thời gian công tác trong nghề, có em vừa tốt nghiệp THPT thi tuyển vào học; có em đã có tuổi cao và đã có chồng, có con… Nhưng tất cả họ đều được sống, học tập, rèn luyện trong cùng một môi trường Sư phạm, với cùng một mục tiêu phấn đấu nên họ rất cần được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ thường xuyên của Ban Chủ nhiệm Khoa, các GV, của cán bộ Đảng, cán bộ đoàn và đặc biệt là GV chủ nhiệm lớp.
- Xây dựng nhóm bạn học tập, phong trào học tập trong lớp, giữa các lớp với nhau: Trong quá trình học tập, mỗi một SV có khả năng nhận thức khác nhau, có sự lựa chọn và vận dụng các phương pháp học tập khác nhau sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất đối với từng môn học, đối với từng người. Trong thực tế không thể có một phương pháp tự học nào có hiệu quả và phù hợp nhất với mọi SV ở mọi nội dung học tập. Tuy nhiên trong thực tế
cũng không thể phủ nhận được vai trò hợp tác, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những phương pháp hay, có hiệu quả trong quá trình học tập.
3.2.2.3. Cách thực hiện biện pháp
- GV chủ nhiệm lớp cần tổ chức, xây dựng các nhóm học tập nhằm tạo cơ hội cho SV có điều kiện hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện.
- Kích thích hứng thú học tập của SV: Sử dụng các biện pháp như “tấn công não”, giải quyết các bài tập thực hành, sử dụng một mẩu chuyện nào đó trong thực tiễn giáo dục hay hệ thống những câu hỏi mang tính vấn đề... nhằm kích thích hứng thú học tập của SV.
- Để duy trì nề nếp tự học nghiêm túc, Ban Chủ nhiệm khoa và cụ thể là CB quản lí SV, GV chủ nhiệm tăng cường công tác quản lí giờ giấc, nề nếp tự học của SV bằng cách:
+ Quy định cụ thể về thời gian, thời điểm tự học trong ngày đối với SV và kiểm tra việc chấp hành những qui định đó.
+ Thành lập đội tự quản và phân công GV phụ trách, duy trì hoạt động của đội tự quản trong việc tổ chức kiểm tra việc thực hiện nề nếp học tập, sinh hoạt của SV trong kí túc xá và SV ở nhà trọ cần không gian tự học tại trường.
+ Tiến hành tổ chức hoạt động giao ban hàng tuần giữa khoa với GV chủ nhiệm, lớp trưởng, bí thư chi đoàn các lớp nhằm nắm bắt, cập nhật thông tin về việc chấp hành nề nếp tự học, sinh hoạt của SV trong kí túc xá để tìm những giải pháp tác động tích cực đối với SV.
- Thực hiện chế độ báo cáo về mọi hoạt động của SV của lớp hàng tuần về khoa là một việc làm cần được GV chủ nhiệm thực hiện một cách nghiêm túc. Để thực hiện nghiêm túc việc này, đòi hỏi GV chủ nhiệm phải thực sự quan tâm đến mọi hoạt động của lớp để nắm bắt tình hình, thu thập thông tin
và trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở, động viên, giúp đỡ SV trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập.
- GV chủ nhiệm phải là cầu nối, phải là người gửi thông tin về quá trình và kết quả học tập của SV tại trường cho gia đình họ. Để từ nguồn thông tin đó, gia đình SV sẽ cùng với nhà trường có những tác động tích cực nhằm thúc đẩy, động viên quá trình tự học của các em.
- Để duy trì tốt và có hiệu quả HĐTH của SV thì công tác đánh giá thi đua cần phải được xem xét trên cả hai phương diện kết quả và quá trình học tập. Việc xét điểm rèn luyện, xét khen thưởng, kỷ luật, học bổng; phân loại đoàn viên, xét kết nạp đảng đối với từng SV phải xét đến tiêu chí chấp hành quy định về thời gian tự học, lập kế hoạch tự học và cuối cùng mới là kết quả kiểm tra, thi học phần, học kỳ, thi tốt nghiệp.
Việc tổ chức giúp đỡ những SV có hoàn cảnh khó khăn là một việc làm có đạo đức và nhân văn cao cả. Do vậy hoạt động này cần được GV chủ nhiệm tổ chức và phát huy để tạo nên tình thương yêu, đoàn kết, tin tưởng trong tập thể, góp phần xây dựng bầu không khí thân ái, giúp đỡ nhau vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập rèn luyện trong tập thể SV.
- Tổ chức thi đua học tập gữa các lớp.
- Tổ chức trao đổi về phương pháp học tập hay. - Thành lập các tổ, nhóm học tập trong SV.
3.2.2.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
- Tạo ra sự gần gũi giữa SV với SV, giữa SV với GV.
- GV phải có nghệ thuật trong việc tạo hứng thú học tập cho SV. - GV phải có kinh nghiệm trong thực tiễn giáo dục phổ thông. - GV phải có kỹ năng xây dựng kế hoạch bài học.
- Được sự quan tâm của Ban Chủ nhiệm khoa và GV. - SV phải có động cơ và thái độ học tập đúng đắn.
- Ban quản lí kí túc xá tạo điều kiện cho SV học tập nhóm với nhau trong giờ tự học.
- Được gia đình khuyến khích, tạo điểu kiện giúp SV có thói quen học tập và kiểm tra việc học của SV.
- Toàn bộ cán bộ quản lí, GV, SV của trường phải nhận thức tầm quan trọng của tự học, phải xem tự học là quyết định cho chất lượng đào tạo.
- Phải giúp SV nhận thức rõ về ý nghĩa của bài học, chương học, học phần đối với nghề nghiệp trong tương lai.