NƯỚC THẢI NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường do hành vi gây ô nhiễm của công ty VEDAN và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải (Trang 50)

13. Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam

4.3. NƯỚC THẢI NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Ngoài nước thải công nghiệp và sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải. Trên lưu vực sông Thị Vải hiện nay, các hoạt động nông nghiệp chính là sản xuất muối, đánh bắt thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt… Trong đó, các hoạt động có tạo ra nước thải chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản. Đối tượng nuôi trồng thuỷ sản chính ở đây chủ yếu là tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), một số ít hộ nuôi các loại cá như cá chẽm, cá tráp, cá đối. Các đùng1 tôm phân bố chủ yếu ở khu vực xã Long Phước, Phước Thái (Long Thành, Đồng Nai) và xã Long Thọ, Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Ngoài ra, các hộ nuôi tôm còn tập trung đông tại khu vực xã Mỹ Xuân, thị trấn Phú Mỹ, xã Tân Phước, xã Phước Hòa (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). Tổng diện tích nuôi thủy sản trong khu vực bị ảnh hưởng của ô nhiễm từ sông Thị Vải của các xã nói trên theo số liệu thống kê từ các bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 của các địa phương liên quan là 2.465 ha. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế các năm 2008 – 2009, chúng tôi nhận thấy số lượng đùng tôm bị bỏ hoang khá nhiều do chất lượng nước mặt đã suy giảm nghiêm trọng theo thời gian. Đặc biệt là ở khu vực xã Long Phước, Phước Thái và Long Thọ, do đây là khu vực thượng nguồn, gần với các nguồn thải công nghiệp, nước thải của hoạt động công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản xả trực tiếp ra khu vực này và rất khó được đẩy ra biển. Chất lượng nước mặt bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Một số hộ vẫn hoạt động cầm chừng, đợi đến mùa mưa để lấy được nước nuôi tôm với chất lượng khá hơn. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.

Nước thải từ hoạt động nuôi tôm phát sinh chủ yếu sau khi thu hoạch. Phần lớn các hộ nuôi không tiến hành xử lý nước thải của ao tôm sau khi nuôi. Nước thải trong đùng tôm cùng với bã thức ăn thừa, chất thải của tôm và dư lượng các loại thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sẽ được thải trực tiếp vào lưu vực sông Thị Vải mà không qua xử lý. Theo khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên từ năm 2008 – 2009 tại khu vực nuôi tôm ở huyện Nhơn Trạch – tỉnh Đồng Nai, nước thải từ các đùng nuôi tôm có các đặc tính như sau (Bảng 4-2): TSS dao động từ 8 ÷ 21 mg/l, trung bình là 14,8 mg/l; BOD5 = 2 ÷ 23 mg/l, trung bình là 12,4 mg/l; COD = 33 ÷ 98 mg/l, trung bình là 63,8 mg/l; N-NH3 = 0,12 ÷ 0,22 mg/l, trung bình là 0,17 mg/l; tổng N = 0,82 ÷ 6,7 mg/l, trung bình là 3,64 mg/l; và tổng P = 0,09 ÷ 1,44 mg/l, trung bình là 0,42 mg/l.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường do hành vi gây ô nhiễm của công ty VEDAN và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w