Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề truyền thống đang có tốc độ phát triển nhanh, nhiều cụm công nghiệp. Các làng nghề ngày càng mở rộng và có quy mô sản xuất lớn hơn trước. Máy móc đã thay thế nhiều công đoạn làm thủ công nhưng cũng kèm theo đó là vấn nạn ô nhiễm đang ngày càng gia tăng: rác thải không có chỗ chứa, chất thành đống, bãi chứa chất thải chưa được quy hoạch, mùi hôi thối khó chịu vẫn bốc lên từng ngày. Khói bụi từ bãi rác thải tự phát luôn làm vẩn đục bầu không khí trong lành.
Chàng Sơn là xã có nhiều nghề truyền thống như nghề mộc, trạm trổ, làm quạt giấy, đan giát giường và phát triển nhất là nghề mộc bởi nó gắn bó lâu đời với người dân ở đây (đồ gỗ Chàng Sơn có từ thế kỷ XV – XVI). Chàng Sơn nhà nhà làm mộc, người người làm mộc, trong khi đó Canh, Dị Nậu ước tính cũng gần 500 hộ có xưởng mộc. Tất cả tạo nên sự đa dạng ô nhiễm làng nghề, từ tiếng ồn từ máy cưa, máy xẻ, máy bào đến ô nhiễm không khí từ bụi gỗ, hóa chất phun sơn. Chính vì vậy, số người mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang, thậm chí ung thư nơi đây ngày một gia tăng. Đa phần các
xưởng mộc nhỏ nằm ngay trong hộ gia đình nên việc ô nhiễm tiếng ồn, bụi, không khí, hoá chất ảnh hưởng tới nhiều thế hệ trong một gia đình.
Không những vậy, tất cả các xã đó đều đang thải ra môi trường hàng chục tấn rác mỗi ngày. Chàng Sơn hiện một ngày cũng có khoảng trên 10 tấn rác thải được đổ ra bãi, chủ yếu là rác thải sinh hoạt và rác thải từ sản xuất đồ mộc. Mỗi tháng cũng cần phải chở đi khoảng trên 20 xe trọng tải 15 tấn. Tại khu vực bãi rác, mùa hè nóng nực thì bốc mùi hôi thối, mùa mưa xuống một dòng nước đen ngòm chảy tràn ra đường, chảy xuống mương gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu và gây khó khăn trong việc đi lại của bà con. Vẫn đang chờ một quy hoạch.
Mặc dù Chàng Sơn đã có cụm công nghiệp dài gần 1000m, nhưng vẫn chưa giải quyết hết nguyện vọng muốn có xưởng mộc cách xa khu dân cư của người dân. Một phần quỹ đất không đủ, một phần giá đất cao nên các hộ gia đình không có đủ tiền thuê, mua đất làm lán trại, nhà xưởng. Quỹ đất không đủ, quy hoạch mới chưa có, người dân Chàng Sơn đã phải tìm cách tách xưởng bằng việc lấp ruộng làm mặt bằng. Nhiều xưởng tự phát từ ruộng lúa (mỗi xưởng rộng cũng đến trên 100m2) mọc lên như nấm.
Trong khi chờ quy hoạch làng nghề tập trung còn đang khó khăn thì việc quy hoạch bãi rác thải tập trung cho từng xã cũng chưa có hồi kết.
Làm gỗ tự nhiên thì độ ô nhiễm không quá lớn nhưng làm gỗ ván ép thì khủng khiếp lắm. Tại Chàng Sơn, những xưởng mộc lớn thường có các phòng sơn được quây bạt kín, mặc dù quạt thông gió quay vù vù mà vẫn không xua hết được mùi sơn nồng nặc. Mỗi thợ sơn vào lò chỉ trong 2 tiếng nhận được thù lao đến 300.000 đồng nhưng công đoạn này rất khó kiếm người vì nghề sơn tàn phá sức khỏe nên thường thợ sơn chỉ bám nghề không quá 10 năm. Đã khổ vì mùi sơn nhưng mùi gỗ ngâm còn làm cho người dân nơi đây khiếp sợ hơn nhiều. Nguồn nước ở đây trở nên ô nhiễm nặng bởi đủ các loại hóa chất độc hại sau quá trình ngâm tẩy gỗ, nước ngâm này xả thẳng vào hệ thống rãnh thoát nước chung, sau đó đổ vào những ao tù hoặc ngấm luôn vào
đất trong khi các hộ dân ở đây phải dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan. Bệnh đường hô hấp, ung thư ngày càng gia tăng ở Chàng Sơn.