Cảnh quan là kết quả tác động tương hỗ của các yếu tố tự nhiên và các hoạt động KTXH. Sự khác nhau về diện mạo của cảnh quan thể hiện sự khác nhau của các yếu tố thành tạo. Các đơn vị cảnh quan được phân chia dựa trên hệ quả tương tác của kiểu thảm thực vật tương ứng với các nhân tố sinh thái phát sinh gồm nền
tảng vật chất và nền tảng nhiệt ẩm. Trên thế giới đã hình thành những hệ thống quan điểm và chỉ tiêu phân hạng cảnh quan khác nhau. Ở Việt Nam quan điểm phân loại cảnh quan, trong đó quan điểm của Phạm Hoàng Hải (1992), Phạm Hoàng Hải và cộng sự (1992, 1997), Phạm Thế Vĩnh (2004), Lê Xuân Cảnh và Hà Quý Quỳnh (2009) đã thể hiện rõ đặc điểm của các đơn vị cảnh quan, do đó luận văn sử dụng quan điểm này để thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan khu vực vịnh Vân Phong [10] [23] [24] [25].
Theo quan điểm đã lựa chọn, hệ thống phân vị sinh thái cảnh quan khu vực vịnh Vân Phong được thành lập dựa trên mối quan hệ giữa nền tảng vật chất rắn và nền tảng nhiệt ẩm. Loại CQ là đơn vị phân loại cơ sở phản ánh sự phân hóa chi tiết giữa tổ hợp sinh vật và tổ hợp thổ nhưỡng. Đây là đối tượng của các mục tiêu nghiên cứu để ứng dụng vào việc lập bản đồ nhạy cảm môi trường với dầu tràn.
Bảng chú giải các cấp phân vị được thể hiện dưới dạng hàng và cột, với các cấp phân vị được phân chia, dựa trên nền tảng nhiệt ẩm kiểu CQ. Tổ hợp sinh vật được sắp xếp theo hàng ngang còn cấp phân vị dựa vào nền tảng vật chất rắn lớp CQ. Phụ lớp CQ được xếp theo cột dọc bảng. Sự kết hợp giữa hàng và cột trong bảng chú giải là sự sắp xếp của các loại CQ. Với hệ thống phân loại CQ cùng với các chỉ tiêu trên, bản đồ sinh thái CQ khu vực nghiên cứu được thành lập cùng với bảng chú giải dạng ma trận phát sinh. Các đơn vị cơ sở là Loại CQ được đánh số trong bản chú giải theo thứ tự từ trái sang phải, số thứ tự tăng dần từ số thấp đến số cao. Các Loại CQ trên bản đồ thể hiện theo các gam màu khác nhau.