THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Cơ cấu xã hội (trong đó có cơ cấu xã hội giai cấp) hay kết cấu xã hội, là một nội dung lý luận có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Ph.Ănggen nêu rõ: “Trong mỗi thời đại lịch sử sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội- cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra- cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng thời đại ấy” [71, 509]. Vấn đề cơ cấu xã hội gắn sát thực với đời sống của cá nhân và cộng đồng.
Cơ cấu xã hội là tổng hợp những cộng đồng người có liên quan trực tiếp với nhau và toàn bộ các quan hệ do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng ấy tạo nên. Trong các khoa học lý luận chính trị, nghiên cứu cơ cấu xã hội, chủ yếu đề cập đến những cộng đồng được hình thành một cách khách quan trong xã hội. Cơ cấu xã hội rất phong phú, có thể chia thành các loại hình cơ bản như: cơ cấu xã hội- giai cấp, cơ cấu xã hội- dân số (nhân khẩu), cơ cấu xã hội- địa lý, cơ cấu xã hội- nghề nghiệp, cơ cấu xã hội- dân tộc, cơ cấu xã hội- tôn giáo… Các loại hình cơ cấu xã hội có liên quan đến nhau và tạo thành hệ thống cơ cấu xã hội của một xã hội trong giai đoạn lịch sử nhất định, trong đó, cơ cấu xã hội- giai cấp là bộ phận cơ bản và quan trọng nhất.
Cơ cấu xã hội- giai cấp là hệ thống các giai cấp và các tầng lớp xã hội (có quan hệ trực tiếp đến giai cấp) và những mối quan hệ giữa chúng. Nghiên cứu cơ cấu xã hội- giai cấp là chỉ ra được đầy đủ những giai cấp và tầng lớp tồn tại khách quan trong lịch sử xã hội, xác định rõ vị trí của các giai cấp và tầng lớp (cơ bản hay không cơ bản, thống trị hay bị trị, quan hệ bình đẳng hay không bình đẳng…), cho thấy xu hướng phát triển của các giai cấp và tầng
54
lớp ấy… Cơ cấu xã hội- giai cấp là bộ phận cơ bản và quan trọng nhất trong cơ cấu xã hội vì nó liên quan đến các đảng phái chính trị và nhà nước; sở hữu tư liệu sản xuất, địa vị xã hội của con người trong hệ thống sản xuất, tổ chức lao động và phân phối lợi ích xã hội. Cơ cấu xã hội- giai cấp quyết định đến bản chất và xu hướng vận động của các loại hình cơ cấu xã hội. Nó là yếu tố đặc trưng cho sự khác nhau về chất giữa cơ cấu xã hội của xã hội này với cơ cấu xã hội của xã hội khác.
Chủ nghĩa Mác cho rằng, khi hình thái kinh tế- xã hội phát triển từ giai đoạn này sang một giai đoạn khác, thì kết cấu xã hội- giai cấp cũng biến đổi theo; trong quá trình đó, có thể có giai cấp mất đi, giai cấp mới xuất hiện; vai trò, địa vị của mỗi giai cấp và mối quan hệ giữa các giai cấp cũng biến đổi tương ứng.
Kết cấu xã hội- giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta rất đa dạng và phức tạp, luôn biến động và phát triển trong xu hướng vừa mâu thuẫn, vừa liên minh với nhau giữa các giai tầng xã hội (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, tầng lớp doanh nhân…), dần xoá bỏ những hiện tượng bất bình đẳng giữa người với người, đưa đến sự gắn kết ngày càng chặt chẽ về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội. Trong khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta hiện nay, cùng với nền tảng là khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, thì tầng lớp doanh nhân đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng.