Đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học ngành khoa học xã hội tại trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên (Trang 25 - 33)

9. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học

a. Đánh giá

Khái niệm “Đánh giá” tương đương với khái niệm “Evaluer” trong tiếng Pháp và “Evaluate” trong tiếng Anh:

Từ điển Larousse (2002) giải thích “Evaluer” là “Déterminer la valeur, le prix, l’importance de”, tạm dịch là “Xác định giá trị, giá cả, tầm quan trọng”.

Từ điển Web Dictionary of Cybernetics and System định nghĩa “Đánh giá là sự sử dụng phương pháp và thủ tục khoa học để thu nhận và hạn chế thông tin nhằm mục đích so sánh một sự kiện thực tế hoặc một sự kiện trong giả thuyết với mục tiêu và giá trị chuẩn”

Từ điển Cobuild, 2001 giải thích “Evaluate” là “Khi bạn muốn đánh giá một người hoặc một sự vật náo đó, bạn cần xem xét chúng để phán xét về chúng, chẳng hạn, chúng tốt hoặc xấu như thế nào”.

Trong tiếng Việt: “Đánh giá” được hiểu theo một số nghĩa như sau:

+ Xem xét một công việc sau khi đã hoàn tất, xem xét mức độ đạt yêu cầu so với dự kiến ban đầu.

+ Xem xét một đề tài nghiên cứu về mặt số lượng và chất lượng kết quả nghiên cứu, hiệu quả nghiên cứu, đồng thời là cơ sở để xem xét có nghiệm thu kết quả nghiên cứu hay không.

Vũ Cao Đàm đưa ra khái niệm đánh giá: “Đánh giá là một sự so sánh, dựa trên một chuẩn mực nào đó, để xem xét một sự vật là tốt hơn hoặc xấu hơn một sự vật được chọn làm chuẩn, trong đó có những chỉ tiêu về chuẩn mực. [10, tr.77].

Như vậy, có thể hiểu: Đánh giá là một hoạt động nhằm xem xét, so sánh sự vật cần đánh giá với những tiêu chí chuẩn mực để xác định giá trị của sự vật đó. Cũng cần phân biệt “Đánh giá” với “Thẩm định”.

Thẩm định (Assessment) là sự đánh giá trước, Trong tiếng Việt “Thẩm định” được sử dụng trong một số trường hợp sau:

+ Xem xét đề tài trước khi quyết định nghiên cứu, là cơ sở để một cấp quản lý có phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu hay không.

+ Kiểm tra một phương án công nghệ xem nếu áp dụng nó có đưa lại hiệu quả hay không, chẳng hạn, thẩm định tác động môi trường của công nghệ, thẩm định hiệu quả kinh tế của công nghệ.

+ Kiểm tra lại một chỉ tiêu trước khi sử dụng, ví dụ, thẩm định đơn giá trước khi sử dụng nó để quyết đoán công trình.

Với những ý nghĩa trên có thể thấy thẩm định là sự “đánh giá trước”, khác với đánh giá là sự “đánh giá sau”. Mặc dù giữa thẩm định và đánh giá tuy có một số điểm khác nhau về một số chỉ tiêu và nội dung, còn cách làm về cơ bản là giống nhau.

b. Kết quả nghiên cứu (KQNC)

Theo Vũ Cao Đàm: KQNC“là sản phẩm được tạo ra nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học. Bản chất của kết quả nghiên cứu là những thông tin về bản chất của sự vật – đối tượng nghiên cứu”. [10, tr.89].

KQNC được thể hiện trên những hình thức rất khác nhau: Có thể là những thông tin về một quy luật bản chất của sự vật được phát hiện từ trong tự nhiên, xã hội, tư duy; có thể là những giải pháp trong công nghệ, trong tổ chức và quản lý; có thể là những vật mẫu với những thông số có giá trị khả thi về mặt kỹ thuật,…

Bản chất của các kết quả nghiên cứu là những thông tin, do đó chúng ta chỉ có thể tiếp xúc với các kết quả của nghiên cứu khoa học thông qua các loại vật mang khác nhau như: các báo cáo khoa học; băng ghi hình, băng ghi âm; bản mô tả quy trình, công thức, kỹ năng, bí quyết,…; vật mẫu (công nghệ mẫu, sản phẩm mẫu,…).

Như vậy, việc đánh giá kết quả nghiên cứu trên thực tế là đánh giá những thông tin chứa đựng trong các loại vật mang như đã nói ở trên. Chúng ta cũng cần phân biệt KQNC với “Hiệu quả nghiên cứu”. Hiệu quả nghiên cứu được hiểu là “lợi ích thu được sau khi áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học”. Như vậy, hiệu quả nghiên cứu chỉ xác định được sau khi áp dụng KQNC vào thực tiễn. Do đó, đánh giá hiệu quả nghiên cứu là công việc được thực hiện sau công việc đánh giá KQNC. Trên thực tế, không phải bất cứ KQNC nào cũng cho thấy ngay được hiệu quả, đặc biệt là những KQNC của khoa học xã hội. Do đó, đánh giá hiệu quả nghiên cứu cần phải được tiến hành theo những lộ trình nhất định, với những tiêu chí và phương pháp đánh giá nhất định. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc xây dựng những tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học ở giai đoạn đánh giá về số lượng, chất lượng sản phẩm nghiên cứu của đề tài để đi quyết định nghiệm thu và xác định mức độ đáp ứng của kết quả nghiên cứu so với mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra.

c. Đánh giá KQNC

Từ việc phân tích khái niệm đánh giá, kết quả nghiên cứu, chúng tôi hiểu: Đánh giá KQNC: là việc xem xét về mặt số lượng và chất lượng các kết quả nghiên cứu được tạo ra nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học dựa trên những tiêu chí chuẩn mực để xác định giá trị của các kết quả nghiên cứu đó, đồng thời là cơ sở để xem xét xem có nghiệm thu kết quả nghiên cứu đó hay không.

Theo Vũ Cao Đàm: đánh giá KQNC “là lượng định giá trị của kết quả nghiên cứu”. [10, tr.93]. Như vậy, khi đánh giá KQNC cần phải dựa vào những đặc trưng cần quan tâm của đối tượng cần đánh giá, cụ thể ở đây là một đối tượng đặc thù đó là KQNC và những chỉ tiêu chuẩn mực được sử dụng để đánh giá. Đây là những

chuẩn mực đối với một KQNC. Đặc biệt, khi nói đến đánh giá KQNC, chúng ta chỉ nói đến việc đánh giá thuần túy chất lượng của bản thân những kết quả thu nhận được sau quá trình nghiên cứu, chưa nói đến hiệu quả sau khi áp dụng.

Tóm lại, có thể thấy đánh giá kết quả nghiên cứu nhằm một số mục đích sau: - Là cơ sở để đánh giá tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trong hệ thống khoa học nói chung.

- Là cơ sở để đánh giá hiệu quả đầu tư vào khoa học.

- Là cơ sở để trả công cho người nghiên cứu và tôn trọng người nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đánh giá giá trị của KQNC cũng gặp những khó khăn:(1) Khó xác định được tính thông tin của KQNC, bởi tính thông tin là một đặc trưng tương đối trừu tượng trong đánh giá định lượng. Tính thông tin chỉ có thể đánh giá định tính qua ý kiến nhận xét của chuyên gia. Hoặc là cá nhân chuyên gia, hoặc là ý kiến của hội đồng.(2) Tính mới của KQNC, đây là một đặc trưng mang tính quyết định của một KQNC. Việc đánh giá tính mới của KQNC hiện nay chủ yếu cũng dựa vào ý kiến của các cá nhân và nhóm chuyên gia được tập hợp dưới dạng hội đồng.(3) “Độ trễ của áp dụng” của KQNC, bất cứ một KQNC nào cũng có một độ trễ trong áp dụng. Do đó, quy luật về độ trễ của việc áp dụng KQNC đòi hỏi phải được xem xét trong đánh giá các KQNC.(4) Tính rủi ro, đây là một đặc điểm luôn tồn tại trong NCKH và cũng được xem là một kết quả. Do đó trong đánh giá một KQNC cần phải được xem xét một cách khách quan.

d. Quan điểm về đánh giá KQNC

Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi sử dụng quan điểm đánh giá KQNC của Vũ Cao Đàm: Đánh giá KQNC “là lượng định giá trị của kết quả nghiên cứu”. Giá trị của KQNC có thể hiểu là mức độ quan trọng trong tính hữu ích về số lượng và chất lượng của những thông tin chứa đựng trong KQNC đó. Trong quá trình đánh giá KQNC của đề tài, cần phải thống nhất quan điểm sau:

- Giá trị của KQNC trước hết thể hiện ở giá trị tri thức: KQNC phải được đánh giá trước hết ở những tri thức mới chứa đựng trong kết quả. Do đó, không thể dựa trên số trang báo cáo khoa học của đề tài để đánh giá tính mới

trong các tri thức khoa học mà KQNC đóng góp. Điều đó có nghĩa là, không thể cho rằng một đề tài không có tính mới khi số trang của báo cáo khoa học này hạn chế và ngược lại. Có thể có những báo cáo rất ngắn gọn, nhưng những đóng góp về tri thức khoa học mới trong báo cáo lại rất lớn; cũng không thể dựa trên số “bít” thông tin để đánh giá một khối lượng tri thức mới và cũng không nên dựa vào số lần đề tài được trích dẫn nhiều hay ít để đánh giá đề tài có chất lượng hay không chất lượng, vì trích dẫn trong nhiều trường hợp rất có thể chỉ đơn thuần là trích dẫn để phê phán.

- Không lấy tiêu chuẩn “đã được áp dụng” để đánh giá KQNC: KQNC không thể đánh giá một cách đơn giản chỉ dựa trên việc có được áp dụng hay là không, nhất là trong nghiên cứu khoa học xã hội. Trên thực tế, có những KQNC không được đánh giá tốt của ngày hôm nay nhưng lại rất có giá trị cho những thời kỳ phát triển tiếp theo.

- Không dựa theo cấp hành chính để đánh giá KQNC của đề tài: Hiện nay, việc đánh giá thành tích khoa học theo “cấp hành chính” đang dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như: chạy chọt để ký hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để có “danh” là đề tài “cấp nhà nước”, sử dụng quyền lực để giành quyền làm chủ các chương trình, đề án cấp nhà nước. Ngoài ra, đây còn là nguyên nhân dẫn đến việc coi rẻ giá trị những đề tài “cấp cơ sở” vì một số người cho rằng những loại đề tài này không có giá trị cao khi đánh giá ý nghĩa ở tầm ứng dụng. Trên thực tế, đã có những công trình khoa học lớn để lại dấu ấn khoa học từ đời này qua đời khác của các nhà khoa học như Marx, Weber,…mà không phải là những đề tài “cấp nhà nước”, thậm chí cũng chưa đạt đến “trình độ” một đề tài cấp cơ sở, mà 100% đều “chỉ” là những đề tài “cấp cá nhân”. Giá trị khoa học của một kết quả nghiên cứu và ý nghĩa ứng dụng của đề tài là hai “đại lượng” không có “thứ nguyên” chung để so sánh. Do đó, đối với mỗi đề tài trong mọi lĩnh vực khoa học, trước hết phải được xem xét về ý nghĩa khoa học; tiếp đó đối với những đề tài công nghệ thì phải xem xét thêm ý nghĩa kỹ thuật.

Việc thống nhất quan điểm này trong đánh giá KQNC giúp chúng ta loại bỏ được tư tưởng hành chính hóa khi đánh giá KQNC – một trong những tư tưởng dễ dẫn đến những sai lầm “méo mó” trong cộng đồng khoa học.

e. Tiếp cận đánh giá KQNC

Có hai cách tiếp cận để đánh giá kết quả nghiên cứu do Vũ Cao Đàm đưa ra là: Tiếp cận phân tích và tiếp cận tổng hợp

*Tiếp cận phân tích: được thực hiện trên cơ sở chia nhỏ công trình nghiên cứu theo cấu trúc logic, tính bắt đầu từ sự kiện khoa học. Sau đó xem xét giá trị của KQNC theo từng yếu tố cấu thành cấu trúc logic. Xét về cấu trúc logic, một công trình nghiên cứu gồm 5 bộ phận cấu thành sau:

(1). Sự kiện khoa học: là cơ sở cho việc lựa chọn một chủ đề nghiên cứu. Sự kiện có thực sự mang tính khoa học không, có mang một giá trị khoa học không. Có tồn tại khách quan, không áp đặt chủ quan? Đây được xem là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng nghiên cứu.

(2). Vấn đề khoa học: là câu hỏi đặt ra liên quan đến sự kiện khoa học, là câu hỏi mà người nghiên cứu phải trả lời trong quá trình nghiên cứu của mình. Đây là yếu tố quyết định ý nghĩa của toàn bộ công trình nghiên cứu, là cơ sở để đặt ra các giả thuyết nghiên cứu.

(3). Luận điểm khoa học: là kết quả chứng minh giả thuyết khoa học của tác giả, là câu trả lời của tác giả vào vấn đề khoa học được đặt ra ở trên. Đây là yếu tố cốt lõi nhất đặc trưng cho giá trị tri thức của một công trình nghiên cứu, là phần đóng góp trí tuệ quyết định nhất của tác giả để đặt tác giả vào một vị trí riêng biệt trong khoa học.

(4). Luận cứ khoa học: là kết quả nghiên cứu của tác giả, là bằng cứ được sử dụng để chứng minh luận điểm khoa học.

(5). Phương pháp: là cách thức mà tác giả sử dụng trong quá trình nghiên cứu, là cơ sở đảm bảo độ tin cậy của các luận cứ.

Trên đây là 5 yếu tố của cấu trúc logic của một đề tài nghiên cứu khoa học được đưa ra theo phương pháp tiếp cận phân tích. Mỗi yếu tố có những thuộc

tính riêng, chúng độc lập với nhau nhưng lại mang tính logic rất chặt chẽ cùng hướng vào một mục tiêu nghiên cứu của đề tài, yếu tố này làm tiền đề, làm sáng tỏ cho yếu tố kia đảm bảo tính nhất quán cao của đề tài. Nếu không đề tài sẽ rất dễ mắc lỗi logic, ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả nghiên cứu.

Từ các yếu tố của cấu trúc logic trên, chúng tôi sử dụng các chỉ báo đánh giá theo tiếp cận phân tích do Vũ Cao Đàm đưa ra như sau:

- Sự kiện: Có dựa trên quan sát khách quan hay không? - Vấn đề: Có thực sự cấp thiết hay không?

- Giả thuyết: Có dẫn đến một luận điểm khoa học mới hay không? Có ăn cắp của đồng nghiệp hay không?

- Luận cứ: Có thực sự khách quan và đủ minh chứng giả thuyết hay không? Có ăn cắp của đồng nghiệp không? Có bịa đặt hoặc nhào lặn số liệu để làm luận cứ hay không?

- Phương pháp: Các phương pháp được sử dụng có đủ đảm bảo cho luận cứ đánh tin cậy hay không?

*Tiếp cận tổng hợp: được sử dụng để đánh giá kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học trong cả hai trường hợp thành công hoặc thất bại.

- Một kết quả nghiên cứu được đánh giá thành công thể hiện ở các yếu tố sau: + Tính mới: phải được thể hiện trong sự kiện khoa học, vấn đề khoa học và luận điểm khoa học.

+ Tính tin cậy: được kiểm tra qua lai chỉ tiêu là: Luận cứ đã được chứng minh là đủ tin cậy hay không? và phương pháp có đảm bảo rằng những luận cứ đưa ra là đúng đắn về mặt khoa học hay không?

+ Tính khách quan: được kiểm tra bởi luận cứ có được tạo lập một cách đáng tin cậy hay không? và các phương pháp tác giả đưa ra có đủ đảm bảo cho tính khách quan của các luận cứ hay không?

+ Tính trung thực: kiểm tra thông qua tính đúng đắn trong trích dẫn các luận cứ, trong sử dụng các luận cứ thực tiễn, trong phép suy luận của người nghiên cứu.

- Một kết quả nghiên cứu được xem là thất bại, cần phải được xem xét ở các khía cạnh sau:

+ Thất bại ở những yếu tố nào trong cấu trúc logic, do khách quan hay chủ quan. + Nguyên nhân của thất bại trong nghiên cứu.

+ Luận cứ để kết luận một kết quả nghiên cứu thất bại: Phải đủ tin cậy. Trong nghiên cứu khoa học, một nghiên cứu thất bại cũng được xem là một kết quả. Vì đó là bài học cho những người nghiên cứu sau không vấp phải.

1.2.2.Tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học

Theo Wikipedia, “tiêu chí” là các tiêu chuẩn dùng để kiểm định hay để đánh giá một đối tượng mà bao gồm các yêu cầu về chất lượng, mức độ, hiệu quả, khả năng, tuân thủ các quy tắc, quy định, kết quả cuối cùng và tính bền vững của các kết quả đó.

“Tiêu chí” còn được hiểu là: tính chất, dấu hiệu để làm căn cứ nhận biết, xếp loại một sự vật, một khái niệm.

Mỗi tiêu chí phải phản ánh được một yêu cầu của nội dung cần đánh giá,

Một phần của tài liệu Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học ngành khoa học xã hội tại trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)