Từ năm 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Loại hình tạp chí và chuyên san dành cho phụ nữ và văn hóa đọc của độc giả nữ hiện nay (Trang 33 - 40)

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đánh dấu sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, non sông đất nước liền một dải. HLHPNVN trên cơ sở hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Phụ nữ cứu quốc miền Nam. Báo “Phụ nữ Việt Nam” với bề dày gần 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan ngôn luận của HLHPNVN, là tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích cho phụ nữ, đồng thời thực hiện chức năng tuyên truyền về các mặt hoạt động của phụ nữ cả nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả nữ ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ chỗ chỉ có tờ báo “Phụ nữ Việt Nam” phát hành 2 số/tháng, kể từ năm 1976, báo phát hành 4 số/tháng và đến năm 1993 thì báo xuất bản thêm chuyên san “Hạnh phúc gia đình” với những câu chuyện, thông tin thiết thực về những vấn đề cần thiết để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Đảng và Nhà nước tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển chung của xã hội. Bên cạnh tổ chức HLHPNVN, ngày 12/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 41 thành lập Uỷ ban Quốc gia về Thập kỷ của Phụ nữ Việt Nam với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền ý nghĩa thập kỷ phụ nữ, tổng kết và giới thiệu thành tích các phong trào hoạt động giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ; tổ chức phối hợp, hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra các ngành, các cấp chấp hành các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ. Nhằm thực hiện bình đẳng giới thông qua việc không ngừng phát triển bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ, ngày 25/2/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 72/TTg chính thức thành lập Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam. Đến ngày 22/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2008/QĐ-TTg

về kiện toàn Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam. Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ trong phạm vi cả nước.

Một dấu mốc quan trọng trong tiến trình giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, đó là vào ngày 21/11/2006, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới gồm 6 Chương, 44 Điều, quy định nguyên tắn bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, những biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về giới và khoảng cách về giới trong thực tế. Cùng với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 và Luật Hôn nhân Gia đình; thông qua Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001-2010 và việc Việt Nam tham gia Công ước CEDAW của Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Như vậy, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy tích cực vai trò trong các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội… Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội (xấp xỉ 30%). Trên các lĩnh vực của đời sống, phụ nữ bên cạnh nhu cầu tự khẳng định mình còn được xã hội công nhận thông qua việc tích cực tham gia các công tác xã hội, đấu tranh vì quyền bình đẳng và điều này đã phát huy ý nghĩa đối với công cuộc giải phóng phụ nữ cũng như phong trào phụ nữ ở Việt Nam.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước và phong trào phụ nữ, đời sống báo chí nhìn chung có bước phát triển nhanh chóng, thể hiện ở sự tăng trưởng

mạnh mẽ số lượng các tờ báo, tạp chí, sự đa dạng, phong phú của các loại hình báo chí và sự nâng cao chất lượng, cải tiến hình thức của những sản phẩm báo chí. Nằm trong “guồng quay” đó, loại hình báo và tạp chí dành cho phụ nữ cũng có những sự phát triển trông thấy. Báo “Phụ nữ Việt Nam” từ năm 1995 phát hành thêm tạp chí “Thế giới phụ nữ” và “Phụ nữ Việt Nam cuối tuần” (đều ra 1 số/tuần). Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội có báo “Phụ nữ Thủ đô” và chuyên san “Đời sống gia đình” (ra 1 số/tuần). Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM có báo “Phụ nữ” ra 2 số/tuần và tạp chí “Phụ nữ Chủ nhật” ra 1 số/tuần.

Cùng trong hệ thống báo chí của các cấp Hội phụ nữ, một số địa phương đã ấn hành tạp chí riêng nhưng trên danh nghĩa lưu hành nội bộ. Ví như Ban Tuyên giáo cơ quan Trung ương HLHPNVN có tờ “Thông tin Phụ nữ” xuất bản 1 số/quý. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá có tạp chí “Phụ nữ xứ Thanh”… Đánh giá về báo chí của các cấp HLHPNVN, bà Lê Thị Thu -nguyên Phó chủ tịch thường trực HLHPNVN phát biểu tại “Hội nghị báo chí, xuất bản toàn quốc” (tháng 10/2001) khẳng định: “Báo chí xuất bản của HLHPNVN là cơ quan ngôn luận, là công cụ tuyên truyền chủ lực của phụ nữ Việt Nam. Báo chí của Hội đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chương trình công tác trọng tâm của Hội, truyền đạt thông tin, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, mạnh dạn đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, bênh vực bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, trẻ em, góp phần làm lành mạnh xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Đặc biệt báo chí của phụ nữ đã đề cao vai trò người mẹ, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, cung cấp kiến thức về pháp luật, về nuôi dạy con, về hạnh phúc gia đình, làm kinh tế,

phòng chống các tệ nạn xã hội… hình thành bản sắc riêng của cơ quan thông tin dành cho giới nữ” [15].

Bên cạnh hệ thống báo và tạp chí dành cho phụ nữ của các cấp HLHPNVN, từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, thị trường báo chí đã và đang chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các tờ tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ. Có thể kể đến một số tờ như “Phụ nữ & Thể thao” -chuyên san của báo “Thể thao Việt Nam”, “Phụ nữ Ngày nay” -ấn phẩm của Nxb. Thông tấn... Lại có nhiều tờ tạp chí tuy tên không nhắc đến “phụ nữ” nhưng rõ ràng nội dung thông tin hướng chủ yếu tới đối tượng độc giả nữ như “Đẹp”, “Người đẹp Việt Nam”, “Tiếp thị Gia đình”, “Thời trang Trẻ”, “Tóc đẹp”, “Mỹ phẩm”, “Cẩm nang mua sắm”, “Làm đẹp”, “Sống mới”…

Đáng chú ý là thời gian gần đây, đã manh nha xuất hiện cả những tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ do các đơn vị tư nhân và nước ngoài thực hiện, được phát hành dưới hình thức liên kết xuất bản. Như tạp chí “Thế giới Tiêu dùng” do công ty TNHH Thời đại sản xuất, lấy danh nghĩa là chuyên san của báo “Thế giới&Việt Nam”, tạp chí “Her World-Thế giới Thanh nữ Việt Nam” là một phiên bản của tạp chí cùng tên rất nổi tiếng ở Singapore được phát hành tại Việt Nam dưới danh nghĩa là ấn phẩm của Nxb. Phương Đông…

Nhìn vào lịch sử báo chí Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, có thể thấy báo chí dành cho phụ nữ là một bộ phận quan trọng của báo chí nước nhà, luôn gắn bó và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay của đất nước, báo chí dành cho phụ nữ ngày càng khởi sắc và phát triển, không chỉ đáp ứng nhu

cầu thông tin cho phụ nữ, tuyên truyền về phụ nữ ở mọi lĩnh vực của đời sống mà còn tích cực góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam.

1.4. Tiểu kết

Trong hệ thống tạp chí tiếng Việt hiện nay xuất hiện một số tạp chí không thuộc vào trong số những tạp chí lý luận-chính trị, tạp chí quân sự, tạp chí văn nghệ, tạp chí khoa học, tạp chí kinh tế-kỹ thuật hay tạp chí y tế-giáo dục… Chức năng nhiệm vụ của loại hình tạp chí này không phải là tuyên truyền, nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học. Nội dung phản ánh của loại tạp chí này thường là những tri thức tổng hợp về cuộc sống, những vấn đề văn hoá, xã hội, nghệ thuật. Đối tượng phục vụ của nó cũng không bị bó hẹp trong một nhóm chuyên gia hay những người có chuyên môn mà rộng rãi hơn, vươn tới phục vụ nhiều đối tượng độc giả khác nhau.

Đặc biệt là một số tạp chí có nội dung phong phú, gần gũi, hình thức trình bày sinh động, bắt mắt với số lượng bản in hàng vạn bản/kỳ phát hành như “Đẹp”, “Thời trang Trẻ”, “Người đẹp Việt Nam”, “Thế giới phụ nữ”, “Hạnh phúc gia đình”, “Mỹ phẩm”, “Tiếp thị Gia đình”, “Thế giới văn hoá”… Có người gọi đó là “tạp chí của tạp chí”, lại có ý kiến cho rằng đây là một dạng phụ san của tạp chí. Như vậy, có thể coi đây là loại tạp chí tuyên truyền phổ biến. Xét về nội dung có thể xếp các tạp chí này vào loại hình tạp chí văn hoá-nghệ thuật-giải trí-thường thức gia đình. (Đây là cách gọi của tác giả luận văn để giới hạn đối tượng khảo sát).

Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời, tồn tại và phát triển của loại hình tạp chí này nhưng có thế thấy nó vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống tạp chí nói riêng và các loại hình báo chí nói chung. Đáng chú ý là loại hình tạp chí và chuyên san văn hoá-nghệ thuật-giải trí-thường thức gia

đình đã trở nên thân thiết với đối tượng độc giả nữ và có những ảnh hưởng nhất định tới văn hoá đọc của phụ nữ Việt Nam. Trong số đó phải kể tới 4 ấn phẩm đang rất được ưa chuộng trên thị trường với tia-ra phát hành khá lớn là “Thế giới phụ nữ”, “Hạnh phúc gia đình”, “Đẹp” và “Người đẹp Việt Nam”. Chính những tạp chí, chuyên san này đã và đang góp phần đáng kể trong việc hiện đại hoá diện mạo báo chí Việt Nam, đáp ứng nhu cầu báo chí ngày càng cao của độc giả, từ đó phấn đấu bắt kịp và hội nhập với trình độ phát triển của các nền báo chí tiên tiến thế giới. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu thông tin trên các lĩnh vực giải trí, thư giãn, nhu cầu tiếp nhận báo chí của độc giả, nhất là độc giả nữ, các tạp chí và chuyên san kể trên cũng đang phát huy chức năng làm kinh tế, mang lại nguồn thu đáng kể cho các toà soạn báo chí, thông qua việc đăng tải quảng cáo và tăng số lượng phát hành.

Thực tế cho thấy, các tạp chí hay chuyên san như “Thế giới phụ nữ”, “Hạnh phúc gia đình”, “Đẹp” và “Người đẹp Việt Nam” không chỉ phụ vụ độc giả nữ mà các đối tượng khác, kể cả nam giới cũng có thể tìm đọc. Tuy nhiên, với những nét đặc thù thể hiện trong hiệu quả truyền thông của mình, có thể thấy đối tượng độc giả mà các tạp chí, chuyên san này hướng tới chủ yếu vẫn là nữ giới. Mặt khác, việc phân định như vậy chỉ mang ý nghĩa tương đối và để phục vụ mục đích của luận văn về khảo sát, nghiên cứu loại hình tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ và văn hoá đọc của độc giả nữ thể hiệu qua sự tiếp nhận, lĩnh hội và áp dụng thông tin từ loại hình báo chí này vào cuộc sống của những người đọc là nữ giới.

Những nghiên cứu trong khuôn khổ luận văn về loại hình tạp chí này, hy vọng sẽ như một sự đóng góp tích cực cho lí luận và thực tiễn nghiên cứu về loại hình tạp chí dành cho phụ nữ và văn hoá đọc tạp chí, chuyên san của độc giả nữ

hiện nay; đồng thời người viết đề xuất những ý kiến nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng của tạp chí, chuyên san hiện nay, không chỉ phục vụ nhu cầu đọc của độc giả mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Chương 2: HIỆU QUẢ BÁO CHÍ CỦA LOẠI HÌNH TẠP CHÍ, CHUYÊN SAN DÀNH CHO PHỤ NỮ VÀ VĂN HÓA ĐỌC

Một phần của tài liệu Loại hình tạp chí và chuyên san dành cho phụ nữ và văn hóa đọc của độc giả nữ hiện nay (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)