Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá đang phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm của văn hoá tinh thần, trong đó có báo chí cũng trở thành hàng hoá -nhưng đó tất nhiên là loại “hàng hoá đặc biệt”. Thị trường với quy luật cung-cầu sẽ là nơi xác định các phương tiện và hình thức thoả mãn nhu cầu, sở thích thông tin của công chúng thông qua các chỉ số về số lượng và chất lượng. Tình hình đó tạo nên áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các tạp chí, chuyên san ở nước ta nói chung và loại hình tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ nói riêng.
Nhìn lại 4 tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ được khảo sát trong luận văn này gồm tạp chí “Thế giới phụ nữ”, chuyên san “Hạnh phúc gia đình”, tạp chí “Đẹp” và chuyên san “Người đẹp Việt Nam” tuy chưa phản ánh được toàn
bộ diện mạo của đời sống tạp chí Việt Nam nhưng đó có thể coi là những ấn phẩm đại diện tiêu biểu cho loại hình tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ ở nước ta, được đông đảo độc giả nữ giới yêu thích, đón đọc. Mặc dù mỗi ấn phẩm kể trên có nội dung và hình thức trình bày mang phong cách khác nhau, tuy nhiên, tựu chung lại, các tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ đều tương đồng ở mục đích: nhằm đi sâu vào bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về các lĩnh vực trong cuộc sống cho chị em phụ nữ. Người phụ nữ ở mọi địa vị, công việc, lứa tuổi, thiên chức khác nhau đều được tạp chí quan tâm để đưa ra những thông tin, lời tư vấn thích hợp, bổ ích trong các lĩnh vực của đời sống. Vì thế, không quá lời khi khẳng định rằng, ấn phẩm tạp chí dành cho phụ nữ như một “cuốn cẩm nang” thiết thực và gần gũi, góp phần giúp chị em có được những lời khuyên hữu ích để từ đó áp dụng vào thực tế cuộc sống và hoàn thiện hơn công - dung - ngôn - hạnh của mình.
Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt của tạp chí như hiện nay thì loại hình tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ cũng đang bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó trước tiên là việc tập trung quá nhiều vào việc phục vụ đối tượng độc giả nữ ở thành thị và những người có thu nhập cao mà dường như lãng quên bộ phận độc giả nữ nông thôn. Dễ nhận thấy nội dung bài viết trên tạp chí thường hướng tới đáp ứng nhu cầu của phụ nữ thành thị, nơi có mức sống cao và cuộc sống năng động hiện đại, trong khi đó những tin bài, hình ảnh về các vật phẩm “xa xỉ” trên tạp chí thực sự lạ lẫm và không phù hợp với độc giả nữ ở các vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, do sức ép của mục tiêu làm kinh tế nên không ít tạp chí đã quá lạm dụng phần quảng cáo, đưa nhiều bài viết mang tính chất quảng cáo, PR lên tạp chí, chuyên san để “đánh lừa” cảm giác ban đầu của độc giả. Nếu cứ tiếp tục cố tình đi theo chiều hướng này thì không chỉ ấn phẩm
bị nhuốm màu sắc thương mại hoá mà dần dần, độc giả cũng sẽ mất niềm tin vào chất lượng tạp chí và quay lưng lại với chính ấn phẩm mà họ từng yêu thích, đơn giản chỉ vì độc giả bỏ tiền ra mua tạp chí, chuyên san để được đọc những bài viết có chất lượng chứ không phải bị ép theo dõi những phần quảng cáo lộ liễu hoặc trá hình dưới dạng bài PR cho sản phẩm, doanh nghiệp nào đó.
Mặt khác, việc để cho những tạp chí, chuyên san mới xuất hiện ào ạt và đang có chiều hướng không kiểm soát nổi, hiện nay tạp chí không chỉ do cơ quan báo chí phát hành mà còn có cả loại tạp chí là sản phẩm do công ty tư nhân liên kết với nhà xuất bản để ấn hành, hoặc tạp chí do chính công ty tư nhân làm nhưng dưới danh nghĩa một toà soạn báo. Việc tồn tại quá nhiều tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ mà nội dung và hình thức na ná nhau, thậm chí trùng lặp đã gây lãng phí và có phần làm rối loạn thị trường báo chí trong nước. Mặc dù quan điểm của Đảng và Nhà nước không chấp nhận việc để tư nhân can thiệp vào nội dung hay quy trình xuất bản báo chí. Điều này cũng đã được quy định cụ thể ở Luật Báo chí sửa đổi, nhưng thực tế đời sống báo chí trong nước đang cho thấy, tư nhân vẫn có thể “lách luật” để tác động sâu vào quy trình thực hiện ấn phẩm báo chí. Hiện nay, thị trường báo chí đang tồn tại hàng trăm đầu tạp chí khác nhau, trong đó mảng tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ có không ít ấn phẩm do tư nhân thực hiện dưới hình thức “liên kết xuất bản”. Trong số 4 tờ tạp chí, chuyên san được khảo sát trong luận văn này thì tạp chí “Đẹp” chính là biểu hiện rõ nhất của hình thức “tư nhân hoá” quá trình thực hiện. Mặc dù trên bìa ấn phẩm vẫn ghi “Tạp chí Đẹp - Phụ san Báo ảnh Việt Nam - Thông tấn xã Việt Nam” tuy nhiên thực chất toàn bộ phần nội dung của tạp chí đều do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lê Anh&Em tại Hà Nội đảm nhiệm. Đội ngũ phóng viên thực hiện bài vở cũng là những người thuộc công ty, phần phát hành và quảng
cáo do bộ phận Le Media Jsc phụ trách. Cũng chính công ty này đã chủ trương tổ chức sự kiện thời trang Đẹp Fashion Show trong vòng 7 năm qua và khuếch trương, biến chương trình này trở thành một sự kiện thời trang uy tín và được chú ý nhất hiện nay. Không chỉ có riêng tạp chí “Đẹp”, công ty Le Anh&Em còn đang thực hiện thêm 3 tạp chí nữa là “Thể thao Văn hoá Đàn ông”, “Thế giới Vàng” và “Doanh nhân”. Trong đó, toàn bộ khâu nội dung bài vở, thiết kế trình bày hình thức, tập hợp quảng cáo, phát hành và tổ chức sự kiện cho các tạp chí này đều do đội ngũ nhân viên của công ty đảm nhận. Đây có thể thấy là biểu hiện rõ ràng của việc tư nhân “núp bóng” cơ quan báo chí của nhà nước để tham gia hoạt động báo chí.
Không riêng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lê Anh&Em, hiện nay nhiều ấn phẩm tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ mới xuất hiện trên thị trường báo chí cũng đều do tư nhân trực tiếp tham gia sản xuất. Hình thức phổ biến nhất là công ty tư nhân liên kết với các nhà xuất bản để ấn hành ấn phẩm dưới dạng sách, nhưng thực chất đó lại là sản phẩm báo chí. Theo đó, phía tư nhân sẽ bỏ vốn, thuê người để làm tạp chí, sau khi hoàn tất phần nội dung và hình thức của mỗi số thì chuyển qua cho đối tác là lãnh đạo cơ quan nhà nước liên kết xuất bản duyệt, rồi in nộp lưu chiểu lên Bộ Thông tin-Truyền thông và phát hành ấn phẩm ra thị trường.
Có thể kể ra đây một số ấn phẩm như tạp chí “Thế giới Tiêu dùng” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thời đại sản xuất, lấy danh nghĩa là chuyên san của báo “Thế giới&Việt Nam”, tạp chí “Phụ nữ Ngày nay” do Công ty cổ phần truyền thông Trí Tuệ Việt thực hiện và liên kết xuất bản với Nxb. Thể thao... Lại có trường hợp cá biệt như tạp chí “Her World-Thế giới Thanh nữ Việt Nam” là một phiên bản của tạp chí cùng tên rất nổi tiếng ở Singapore được phát hành tại
Việt Nam dưới danh nghĩa là ấn phẩm của Nxb. Phương Đông, trong đó không chỉ có vai trò sản xuất của tư nhân mà còn tồn tại cả sự tham gia thực hiện của đối tác nước ngoài. Điều này thể hiện ở chỗ một phần đáng kể nội dung ấn phẩm là giống với phiên bản tạp chí “Her World” của Singapore và bản quyền của tạp chí thuộc về Singapore Press Holding (được ghi rõ ngay trong phần đầu của ấn phẩm).
Trong Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo Kết luận 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị “Về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình mới” do đại diện Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương đọc tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí đã chỉ rõ một trong những khuyết điểm là: khuynh hướng tư nhân núp bóng cơ quan nhà nước để ra báo, kinh doanh dịch vụ truyền thông ngày càng tăng. Và tình trạng đó vẫn đang tiếp tục phát triển chứ không có xu hướng dừng lại. Mặc dù cho đến nay, những ấn phẩm tạp chí, chuyên san do tư nhân thực hiện vẫn chưa đi quá giới hạn cho phép, nhưng chưa có gì đảm bảo trong tương lai sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc. Và quan trọng hơn là việc tư nhân dễ dàng tham gia sản xuất, phát hành tạp chí đã khiến cho thị trường báo chí có phần bị “loạn” bởi các ấn phẩm xuất hiện ngày một nhiều nhưng lại na ná nhau về nội dung và hình thức, khiến cho độc giả có cảm giác bị bão hoà trước quá nhiều tờ tạp chí, chuyên san đang được phát hành.