Ảnh minh họa

Một phần của tài liệu Loại hình tạp chí và chuyên san dành cho phụ nữ và văn hóa đọc của độc giả nữ hiện nay (Trang 72 - 77)

Trong báo chí, “một bức ảnh có giá trị hơn cả một bài diễn văn dài” [26]. Các nhà nghiên cứu về báo chí đều khẳng định rằng trong cả trang báo, tạp chí, sự hiện diện của một bức ảnh sẽ làm cho độc giả phải dừng lại, tức là khả năng độc giả đọc trang báo, tạp chí đó sẽ tăng lên. Do vậy, bức ảnh phải tham gia vào việc trình bày thông tin sao cho hấp dẫn, lôi kéo được người đọc. Nếu trong báo in,

đôi khi vai trò của ảnh minh họa bị “lép vế” hơn so với nội dung bài viết, hoặc ảnh thường không được xử lí một cách cầu kỳ, đơn giản chỉ mang ý nghĩa “minh họa” thì với tạp chí, chuyên san, và nhất là những ấn phẩm dành cho nữ giới, yếu tố ảnh minh họa lại rất được coi trọng, nhiều khi tạo nên diện mạo riêng và đóng vai trò quan trọng để tạo nên “linh hồn” của ấn phẩm. Xét đến yếu tố ảnh minh họa của các tạp chí, chuyên san dành cho phụ nữ thì không thể không chú trọng tới 2 phần: ảnh bìa và ảnh ở các trang nội dung.

2.3.2.1. Ảnh bìa

Trên thị trường báo chí sôi động với hàng trăm ấn phẩm tạp chí, chuyên san như hiện nay, để thu hút sự chú ý và giữ được độc giả, bắt buộc các toà soạn không còn cách nào khác phải tạo ra điểm nhấn và ấn tượng cho cuốn tạp chí, chuyên san của mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và yếu tố hàng đầu để làm nên ấn tượng ấy chính là tấm ảnh bìa của mỗi số phát hành. Thực tế cho thấy, đây không chỉ là yêu cầu có tính bắt buộc đối với tạp chí Việt Nam mà ngay cả những tạp chí của nhiều quốc gia cũng vô cùng chú trọng tới ảnh bìa. Thế nên bức ảnh bìa luôn được coi là diện mạo ban đầu của cả một ấn phẩm báo chí và thậm chí còn góp phần làm nên thành công, tiếng vang cho tờ tạp chí.

Qua khảo sát 4 tạp chí và chuyên san dành cho phụ nữ, đặc trưng nổi trội nhất rất dễ nhận thấy, vì là tạp chí mang đặc thù về giới nên các gương mặt được xuất hiện trên ảnh bìa hầu hết là phái nữ, rất ít nhân vật nam giới có dịp hiện diện trên trang bìa. Như tạp chí “Thế giới phụ nữ” trong 2 năm (2007-2008) chỉ duy nhất có số 23/08, ra ngày 26/6/2008 chào mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là trên ảnh bìa có 2 nhân vật: một nam-một nữ với phong cách tượng trưng cho hình ảnh năng động của những người làm báo trẻ tuổi. Hay như chuyên san “Người đẹp Việt Nam”, cũng trong 2 năm qua, chỉ có 1 nhân vật nam duy nhất

được xuất hiện trên ảnh bìa là nam người mẫu-diễn viên Dương Hoàng Anh chụp cùng Á hậu Thế giới người Việt 2007 Teresa Sam trên bìa chuyên san số Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008. Và mặc dù dành phần chủ yếu cơ hội hiện diện trên bìa báo cho các gương mặt nữ, song ảnh bìa của mỗi ấn phẩm nói trên cũng có nét khác biệt, sự thể hiện cầu kỳ, công phu và tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cũng như dấu ấn riêng.

Với tạp chí “Thế giới phụ nữ” và chuyên san “Hạnh phúc gia đình”, vì 2 ấn phẩm này cùng thuộc một toà soạn và chung ban biên tập nên ảnh bìa do một nhóm đảm nhận (bao gồm khâu chọn người mẫu, lo trang điểm, trang phục) và người chụp ảnh thường là tác giả Minh Tuấn, Văn Thọ và Minh Tiến. Tuy nhiên, ảnh bìa tạp chí “Thế giới phụ nữ” thường là những gương mặt người mẫu trẻ có tuổi đời chưa quá 30 (chiếm tới 90% tỉ lệ nhân vật xuất hiện trên bìa tạp chí trong vòng 2 năm qua), còn lại thỉnh thoảng mới có một số ca sĩ, diễn viên xuất hiện trên bìa tạp chí. Mặt khác, “Thế giới phụ nữ” cũng vận dụng cách thức đăng tải hình ảnh gương mặt đang gây chú ý trong đời sống nghệ thuật (như một hoa hậu vừa mới đăng quang, một nữ diễn viên đang tham gia bộ phim trên truyền hình, một người mẫu vừa đoạt giải thưởng cao…) nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm đón đọc của độc giả. Về chất lượng ảnh, nhìn chung ảnh bìa tạp chí “Thế giới phụ nữ” không cầu kỳ về hoá trang cho người mẫu, bối cảnh đơn giản, chủ yếu chụp trong studio, góc chụp phổ biến là trực diện và nghiêng 2 bên, nhưng vẫn mang lại sự sinh động, đa dạng cho các bức ảnh bìa. Tuy vậy, cũng có một số bìa báo mà gương mặt người mẫu không đẹp lắm, khiến cho yếu tố thẩm mỹ của ảnh bìa bị ảnh hưởng.

Còn chuyên san “Hạnh phúc gia đình”, ảnh bìa thường được chọn phù hợp với chủ đề của từng số, gương mặt xuất hiện trong ảnh không nhất thiết là người

nổi tiếng hay người làm nghệ thuật, song nét mặt nhân vật phải có sự biểu cảm để góp phần thể hiện chủ đề mà các bài viết trong số chuyên san đó hướng tới. Bên cạnh người mẫu Việt Nam, có không ít ảnh bìa “Hạnh phúc gia đình” sử dụng người mẫu nước ngoài. Khung cảnh bức ảnh cũng không chỉ bó hẹp trong studio mà nhiều ảnh bìa của “Hạnh phúc gia đình” được chụp ở ngoài trời với phông nền chính là thiên nhiên xung quanh. Cộng thêm yếu tố nhân vật trong ảnh bao gồm cả những phụ nữ bình thường, ảnh bìa của chuyên san đã tạo được sự gần gũi, thân thiện cho người đọc ở nhiều lứa tuổi, đối tượng khác nhau.

So với hai ấn phẩm trên thì ảnh bìa của tạp chí “Đẹp” được chăm chút cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn. Để có một tấm ảnh bìa cho số tạp chí phát hành mỗi tháng 1 kỳ, luôn có cả một ê-kíp thực hiện tới gần chục người. Cùng với ảnh bìa, ở trang 3 còn có một bài viết ngắn giới thiệu chi tiết về quá trình chuẩn bị và thực hiện bức ảnh. Và mặc dù gương mặt xuất hiện trong ảnh bìa tạp chí “Đẹp” cũng chủ yếu là nữ người mẫu, ca sĩ, diễn viên nhưng họ đã được trang điểm, tạo hình khác hơn so với hình ảnh mà công chúng thường thấy. Chính đặc điểm này đã tạo nên giá trị riêng, giàu sáng tạo cho mỗi tấm ảnh bìa của tạp chí “Đẹp”. Ví dụ, ảnh bìa số 107, ra tháng 12/2007, nhóm thực hiện gồm 6 người: ý tưởng và phong cách-Nguyễn Thanh Hương, người mẫu-Võ Hoàng Yến, nhiếp ảnh-Phạm Hoài Nam, trang điểm-Đức Hiển, tạo mẫu tóc-Cường Hoàn Lệ, trang phục-Đức Duy. Và độc giả qua viêc tiếp nhận nội dung bài viết có thể thấy được sự công phu để làm nên bức ảnh bìa: “Siêu mẫu Hoàng Yến mới 19 tuổi nhưng ở cô, người ta đã thấy được sự trưởng thành của một người phụ nữ với vẻ mặn mà. Hoàng Yến khiến người đối diện bị thu hút bởi ánh nhìn quyến rũ và gương mặt ngời sáng. Chuyên gia trang điểm Đức Hiển đã nhấn vào đôi mắt bằng màu nâu nhạt tạo độ sâu cho mắt, nhưng điểm gây chú ý nhất có lẽ là cặp lông mày được

kẻ đậm mang dáng dấp của thập niên 60. Mái tóc được cắt ngắn khác hẳn với hình ảnh Hoàng Yến trước đây, làm tôn khuôn mặt và bờ vai thuôn gọn. Và ánh sáng của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam làm cho bộ trang phục của nhà thiết kế Đức Duy thêm rực rỡ. Màu vàng nhạt của trang phục như ánh nắng cuối thu đang le lói những tia cuối cùng, chuẩn bị nhường chỗ cho mùa đông giá buốt”. Việc mô tả chi tiết những khâu chuẩn bị để cho ra đời một tấm ảnh bìa như thế không chỉ thể hiện sự kỹ lưỡng, chuyên nghiệp của những người làm tạp chí “Đẹp” mà còn đem lại những thông tin hậu trường thú vị cho độc giả đằng sau những bức ảnh bìa mang dấu ấn phong cách riêng của “Đẹp”.

Chuyên san “Người đẹp Việt Nam” rất chú trọng đến yếu tố ảnh bìa nên ngoài bức ảnh, trong mỗi ấn phẩm còn dành hẳn 2 trang để thực hiện bài viết giới thiệu về “Gương mặt trang bìa”. Cũng giống như tạp chí “Đẹp”, chuyên san “Người đẹp Việt Nam” có hẳn một ê-kíp chuyên nghiệp đảm nhiệm việc thực hiện ảnh bìa, bao gồm: người xây dựng ý tưởng và triển khai thực hiện, người mẫu, nhiếp ảnh, trang điểm, trang phục, tạo mẫu tóc, làm kỹ thuật đồ họa. Các gương mặt xuất hiện trên bìa ấn phẩm này cũng khá đa dạng, có thể là người mẫu, diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, á hậu… và tiêu chí là càng nổi tiếng càng có nhiều cơ hội lên bìa “Người đẹp Việt Nam”. Quan niệm về ảnh bìa như vậy cũng là nhằm tạo nên sự phù hợp với nội dung chuyên san, tập trung vào các lĩnh vực nghệ thuật-giải trí và phong cách của những người nổi tiếng, người đẹp. Bố cục ảnh bìa cho chuyên san khá đa dạng, với nhiều góc máy khác nhau, lại có những bức ảnh chỉ chụp mỗi khuôn mặt của người mẫu và dàn ra toàn bộ trang 1 tạo nên ấn tượng nhất định (như số 105, ra ngày 1/3/2008 với gương mặt của siêu mẫu-hoa hậu Phạm Thanh Hằng) đã phát huy tác dụng gây sự quan tâm chú ý và níu mắt độc giả.

Một phần của tài liệu Loại hình tạp chí và chuyên san dành cho phụ nữ và văn hóa đọc của độc giả nữ hiện nay (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)