6. Cấu trúc của luận văn:
3.3.5. Giọng hài hước, châm biếm
Hài hước là sự “phê phán nhẹ nhàng chủ yếu gây cười, mua vui trên cơ sở vạch ra sự mất hài hoà cân đối giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, đặc biệt là lí tưởng và thực tế (...) giúp người ta nhận ra sự trớ trêu của tình huống, mỉm cười mà phân biệt đúng sai”(Từ điển thuật ngữ văn học). Từ Nguyên Tĩnh đã sử dụng giọng điệu này trong việc phê phán những quan niệm, tư tưởng đáng cười của dòng họ Công trong truyện ngắn Họ hàng nông dân.
Hiện thực mà nhà văn hài hước, phê phán đó là tư tưởng háo danh của dòng họ Công. Đây là tư tưởng thâm căn cố đế ở nông thôn, lẽ dĩ nhiên công danh sự nghiệp trong một đời người ai mà chẳng khát khao vươn tới, song đối với dòng họ Công nó lại vượt ngưỡng trở nên khôi hài. Đó là chi tiết việc con trai chú Thầu suýt được
phong anh hùng do “đánh nhau rất máu me ở Hàm Rồng”, cái tin ấy làm náo nức cả dòng họ bởi đây là cơ hội để mở mày mở mặt với làng xóm, để xoá đi cái lí lịch “bốn đời là nông dân” và thất học. Nhưng sự việc chưa được loan tin, mới có anh cán bộ về thẩm tra chú đã “huyếnh hoáng” ngả con lợn ra liên hoan ầm ĩ, đến khi trật lất chú và cả họ “tiếc ngẩn ngơ hàng năm trời”. Ngôn ngữ và cách tác giả kể về chuyện sắp được phong anh hùng của chủ Thầu khá hài hước, nào là “đánh nhau rất máu me”, nào là “dòng họ náo nức”, nào là “liên hoan ầm ĩ” v.v…Rồi đến chuyện những cậu sinh viên đi điền dã về nhà chú Thầu không biết moi ra ở đâu bao “ý nghĩa thiêng liêng” cho chữ lót “Công” của dòng họ khiến chú Thầu cứ sướng rơn liền vật con cày tơ ra chiêu đãi lại còn đưa thêm cả cái bình cắm hương ra Hà Nội chụp ảnh. Hay việc chú luôn khát khao con cái có “danh giá”, phải có bằng Đại học “xịn” hẳn hoi. Nhưng khốn nỗi con chú chỉ qua được mức “hàm thụ” nên khi thằng con nuôi họ cứ bóng gió “- Xì! Đại học giả cày. Đại học Bia- Thịt chó” là chú tức lộn ruột. Những chi tiết hài hước, với một thứ ngôn ngữ hài hước đã tạo nên giọng điều hài hước cho những chuyện giở khóc giở cười.