6. Cấu trúc của luận văn:
1.2.2. Hình ảnh Hàm Rồng hiên ngang,bất khuất
Song trong khói lửa đạn bom huỷ diệt, Hàm Rồng – xứ Thanh vẫn hiên ngang bất khuất. Là người trong cuộc, Từ Nguyên Tĩnh tự hào ngợi ca tinh thần kiên cường, dũng cảm, ý chí bất khuất của đồng chí, đồng đội, những người con của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Những chàng lái xe, những pháo thủ, những thiếu nữ, những cô
thanh niên xung phong… Hãy nghe một cuộc đối đáp của họ ở trạm gác Đò Lèn sẽ thấy những con người đang đối mặt với đạn bom ấy học sống như thế nào: “- Anh gì ơi! có tranh thủ giặt quần áo mà phơi đi kẻo máy bay nó đến đấy! Thật chả bõ cho đêm qua nghe cái giọng ra lệnh mới gắt chứ. Tôi đã bảo các anh phải lùi xe lại. Thì đồng chí cứ để cho bọn này đi né qua hố bom có được không? Không thể được, xe đi qua chỗ có bom nổ chậm nó kích nổ, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thì tính mạng của bọn này, việc gì đến cô. Này đồng chí bộ đội nói hay nhỉ? Lại có cái kiểu ăn nói thế à! Tôi nói thế phạm thượng gì đến o? Không o cháu gì sất, đề nghị ăn nói cho nghiêm túc trong lúc làm nhiệm vụ…Lái xe buông ra một câu đủ cho San và cô gái trẻ nghe thấy: Cậu ôm chặt lấy cô ấy cho mình lái xe có được không? – Này đồng chí trung sĩ ! không được ăn nói kiểu ấy nhé…v.v..”[33; 232]. Bom đạn cày xới suốt ngày nhưng không làm mất đi sự trong trẻo, hồn nhiên vô tư của họ nhưng nghiêm túc, trong công việc, là anh chàng pháo thủ kiêm nhà báo Bùi vừa đánh giặc vừa đi lấy tin ở trận địa kịp thời phục vụ cho trận chiến, chàng Lung mù mang tiếng hát của mình để át đi tiếng bom động viên anh em chiến đấu...Tất cả đều bị hút về vấn đề trọng tâm: vận mệnh dân tộc. Họ là những con người anh hùng bất khuất. kiên định vững vàng.
Hình ảnh hiên ngang bất khuất của Hàm Rồng trước hết được thể hiện qua những người lính đang trực tiếp chiến đấu để bảo vệ cây cầu huyền thoại. Bùi và Tân (Chuyện tình bên cầu Tào) là những người lính chiến đấu ở trận địa cầu Tào. Tân, chàng trai Hà Nội, ngày cùng đồng đội kéo pháo vào, tâm trạng náo nức được “chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng” song vị trí của họ là ở cầu Tào. Cầu Tào cách Hàm Rồng không xa là mấy và đều là cửa ngõ để vào thị xã Thanh Hoá. Những chàng pháo thủ nếu phát hiện từ xa có B52 mò vào rải thảm là họ quay pháo bắn trả để “chia lửa” với Hàm Rồng. Hàm Rồng mới là mục tiêu chính của bom Mỹ, nhưng nếu chỉ có mình quân dân Hàm Rồng thì vẫn không thể đứng vững. Hai anh chàng háo hức “chiến đấu vì mục đích lớn lao”, “cầu Tào có phải hi sinh cho Hàm Rồng cũng là vinh dự”.
Bom đạn cứ quần nhau trên đầu nhưng để “tiếng hát át tiếng bom”, đơn vị cử Bùi và Tân “có chữ viết đẹp làm bích báo” khích lệ tinh thần đồng đội. “Con người ta chạm đến sống chết cũng có nhiều tâm sự cao sang lắm”. Bây giờ còn bên nhau nhưng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào vì vậy họ yêu thương nhau, chắt chiu từng giây phút. Tuy nhiên, “chiến tranh tuy ác liệt”, “khẩu đội bị thương vong gần hết nhưng hai
thằng cứ trơ ra không hề suy xuyển”. Bom đạn không thể quật ngã được Bùi và Tân, số phận đã buộc hai con người yêu đời, dũng cảm lại với nhau. Tình đồng đội và ý chí quyết chiến của những người lính đã giúp họ vượt qua sự khắc nghiệt của chiến tranh. Và cây cầu Tào vẫn còn đó như là “số phận riêng của hai đứa, lúc lành lặn khi bị đánh gẫy vẫn nằm án ngữ trước mặt”. Vì vậy hết ông chính trị viên đại đội đến cán bộ tiếp thu cứ giữ hai người làm “nòng cốt cho đơn vị”, “chủ chốt cho trận địa”. Tân như nhà “sử gia” của đơn vị, anh “hí hoáy ghi chép những suy nghĩ, trận đánh” với niềm say sưa kì lạ. Có lẽ trong anh được chiến đấu cho Hàm Rồng là một sứ mệnh lớn lao đối với người lính, “biết trụ vững vị trí của mình đã là anh hùng”. Song họ chiến đấu không đơn lẻ, ngoài những người lính còn có dân quân cầu Tào. Sau trận oanh tạc của máy bay Mỹ, cầu Tào bị gãy, “Thuỷ đã vào tiếp đạn cho khẩu đội” Tân và Bùi. Thuỷ bị thương, Tân vừa tiếp tục chiến đấu vừa cứu sống Thuỷ bằng máu của mình. Dòng máu của Tân chảy trong huyết quản Thuỷ, ngay cả khi Tân hi sinh rồi, dòng máu ấy vẫn chảy và nồng ấm tình người. Tân đã ngã xuống nhưng tình yêu đối với Tổ quốc vẫn dạt dào gửi lại. “Anh không hề chết” [16; 220].
Nhưng có lẽ ác liệt hơn, kiên cường hơn vẫn là trận địa Hàm Rồng. Hàm Rồng Nam Ngạn là mục tiêu bảo vệ chính của quân dân Thanh Hoá lúc này. Sự sống còn của cầu Hàm Rồng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến, cả nước hướng về nơi đây với một niềm tin mãnh liệt cho ý chí quyết chiến quyết thắng. Vì vậy quân và dân Hàm Rồng chiến đấu kiên cường viết nên trang sử chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ dân tộc. Vốn là người lính Hàm Rồng, hiện thực của những năm chiến đấu ấy sống lại trong truyện ngắn Từ NguyênTĩnh chân thực và sinh động.
Nếu ở cầu Tào là những chàng trai ngày đêm “chia lửa” với Hàm Rồng thì ở trận địa Hàm Rồng là những chàng pháo thủ trực tiếp đón chờ B52 (Chờ B52). Chờ đợi sự huỷ diệt trong tư thế chủ động, bình tĩnh và tự tin. Tĩnh (nhân vật kể chuyện xưng “tôi”) cùng đồng đội phải phát hiện ra B52 vào thả bom để bắn ba phát về thị xã Thanh Hoá báo động. Nhiệm vụ lớn lao như vậy nhưng khẩu đội đã đi sơ tán một nửa, một số vào núi đá ẩn nấp, “chỉ còn ba số ở lại quyết chiến với B52 của địch”. Ba chiến sĩ, hai người mới đi bệnh viện về còn một người là sinh viên mới ra trường, tuổi đời và kinh nghiệm chiến đấu còn non nớt nhưng luôn luôn phải “trực để chiến đấu”.
Đông là trợ lý ra đa, anh có “độ nhạy cảm hết sức đặc biệt” trong cái đám nhiễu hiện lên màn huỳnh quang, anh nhận ra tín hiệu của B52. Anh luôn“ say mê giao giảng cho tôi về cách nhận bộ mặt B52” để tiêu diệt nó. Sự sống còn của thị xã và cây cầu Hàm Rồng phụ thuộc vào độ tinh nhanh và dũng cảm của những người lính. Tuy nhiên cũng có phút giây chờ đợi dài, đầy căng thẳng, hồi hộp lo lắng. Cả ba người “chui vào chiếc hầm chữ A sát bờ công sự, ép người như nêm”, “tiếng ù ù...ào ào ép sâu trong tai...Tôi cố nén sự run rẩy do lúng túng” 33; 264]. Căn hầm chật chội, chật tới mức nghe được tiếng “thì thụp của tim người bên cạnh”. Chỉ cần một người run lên là tạo nên sự phản ứng dây chuyền. Đó không phải là cái run của sự sợ hãi mà là nỗi lo không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ cần một chút sai sót là cả thị xã Thanh Hoá có thể bị san phẳng. Những chú lính trẻ “chưa một lần uống hơi thở đàn bà mà người ta dám nhìn thẳng vào quân thù mà bắn”, ra chiến trận là hiến thân cho đất nước lo gì đến cái chết. Bên ngoài, tiếng máy bay gào rú như xé nát bầu trời, chiếu những tia lửa tạc vào nền màn đêm hình ảnh bất tử của những anh chàng pháo thủ.
Đêm B52 vào trải thảm, tưởng như có thể “xoá sổ toàn bộ các đơn vị trên đồi cao” nhưng pháo của ta ở các trận địa vẫn “tung lên đỏ trời”, cả vùng Hàm Rồng như một biển lửa. Đó chính những chàng pháo thủ quyết sống mái cho cây cầu bất tử. “Chờ B52” mang ý nghĩa “trang trọng của sự chờ đợi và dĩ nhiên có sự bỡn cợt coi thường cái chết”.
Nếu những chàng pháo thủ trực ngoài chiến trận kiên cường bất khuất thì những cô thanh niên xung phong cũng vô cùng gan dạ. Họ là những cô gái trạm gác cầu Đò Lèn (Cô gái Đò Lèn) chân yếu tay mềm song cũng rất nguyên tắc, vừa rời khỏi ghế nhà trường đã xung phong ra trận địa. Công việc của các cô là “lấp hố bom, tháo bom nổ chậm, kịp cho đêm đến thông đường cho xe đi”. Có điều trong khi các cô lo sợ cho tính mạng của những chàng lái xe thì chính các cô lại đang đứng trên những túi bom khổng lồ. Để đảm bảo an toàn cho các anh, các cô khăng khăng “tính mạng của các anh không thể đem ra mà thách đố với bom nổ chậm được”. Có lúc cánh lái xe láu cá đã phải nghĩ ra “mẹo”để cho xe đi: “cậu ôm chặt lấy cô ấy để cho mình lái xe qua có được không?” hoặc “bế” cô gái lên ca bin. Chi tiết thể hiện vẻ đẹp ngời sáng của những con người trong lửa đạn. Nó vừa anh hùng vừa hết sức lãng mạn, vừa tinh nghịch, lém lỉnh vừa nghiêm túc, nhiệt tình trong công việc. Trong những điều kiện
khắc nghiệt của chiến tranh, đôi khi người ta phải biết thi vị hoá để tiếp tục sống và chiến đấu. Vì vậy trong thư, những người lái xe gửi về luôn một niềm cảm phục, yêu mến những cô gái phòng không nơi đây “lúc cần thì nguyên tắc ra phết. Nhưng giáp mặt sao dễ thương đến thế”. Các lớp người này ngã xuống rồi lại có những người khác “ngày đêm bám trụ”. Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để cây cầu gục ngã.
Nếu ở ngoài trận địa, cuộc chiến cấp bách, khẩn trương đòi hỏi ý chí và tinh thần cao độ của các chiến sĩ thì ở hậu phương công cuộc phục vụ kháng chiến của nhân dân cũng dũng cảm và gian nan, kiên trì không kém. Truyện ngắn Thuyền nan đã tái hiện lại không khí ấy.
Sát trận địa Hàm Rồng là vùng hậu cứ làng Giàng, Nam Ngạn. Cả làng Giàng, nhà nhà chống giặc, người người chống giặc. Trong làng, “Thanh niên trai tráng ra đi hết cả”, còn ở nhà người già và phụ nữ là hậu phương vững chắc. Dù thiếu thốn nhưng người dân vẫn cố gắng học chữ để “đánh nổi thằng sen đầm quốc tế”. Mọi người vừa sản xuất vừa chiến đấu và “tranh thủ giờ nghỉ trưa đến lớp” bất kể “máy bay của Mỹ bổ nhào trút bom đạn xuống cầu Hàm Rồng”.
Ngày đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Hàm Rồng, cả làng Giàng như một cuộc tổng động viên, số thanh niên còn lại được huy động “lên trận địa giúp bộ đội lau súng, tập thay thế làm pháo thủ”, chuẩn bị cho lực lượng sau này. Nhân dân trong làng được lệnh đan thuyền nan cho thanh niên đi hoả tuyến. Giặc đánh ta bằng đường bộ thì ta đi đường thuỷ nhằm đảm bảo cho miền Nam thân yêu không một ngày thiếu lương nhu đạn dược. Một chiếc thuyền nan cũng chở được “vài ba tấn, laị dễ cơ động, luồn lách”. Những ngày ấy “cả làng Giàng thệt sôi động. Người đi lên tận ngã ba sông chở nứa về. Người ở nhà đập nứa, vót nan. Tiếng dùi nện vào đòn kê nghe râm ran cả một vùng”. Nhịp sống ở đây thật náo nức, tất bật. “Đêm đan lát, giã gạo. Sáng ra bửng mắt đã quang gánh chợ búa khắp nơi(...) Trâu ra đồng cày cho kịp phần đêm, về nhà sẵn sàng lên trận địa tiếp đạn cho bộ đội. Người biết đan thuyền thì nhận về đan không công xá gì, kịp cho binh đoàn thuyền nan ra trận” [33; 301]tạo nên một không khí náo nhiệt, khẩn trương. Tất cả đều sục sôi quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Đến “ngày hạ thuỷ những chiếc thuyền nan, làng Giàng thật sự trở thành ngày hội”, các chiến binh từ khắp các huyện đổ về, háo hức học cách bơi, chèo thuyền sẵn sàng vào tuyến lửa.
Nổi bật lên trong hình ảnh dân quân làng Giàng là Ngân- cô cán bộ đoàn của xã. Cô vừa sản xuất, vừa làm công tác xã hội lại vừa tiếp tế cho bộ đội. Mọi công việc nặng nhọc cô giành lấy phần hơn mà không nghĩ đến bản thân mình. Hạnh phúc riêng rư Ngân đều gác lại. Ngân còn nghĩ đến nhiệm vụ, còn “muốn phụng dưỡng cha mẹ, nuôi đứa em mù loà tội nghiệp”. Có thầy giáo Dĩnh đến nhà ở trọ để dạy chữ, Ngân yên tâm cùng binh đoàn thuyền nan đi vào tuyến lửa. Người con gái vốn từ nhỏ đã “thạo sông nước và biết sửa thuyền ngấm nước” nay được giao nhiệm vụ làm đoàn phó binh đoàn thuyền nan là một niềm vinh dự, một sứ mệnh lớn lao. Quà tặng Ngân mang về cho em gái sau lần lên đường đầu tiên là mảnh dù pháo sáng, cô khoe “chiếc dù này rơi xuống thuyền của Ngân ở sông Son” như thể chiến công cô giành được. Và đó cũng là kỉ vật cuối cùng Ngân để lại cho Nga, “Ngân ra đi biền biệt từ ngày ấy”, từ bữa cào hến ở sông Mã và nằm lại ở chiến trường Quảng Bình nhẹ nhàng, thanh thản. Người lính vì đất nước thì chết ở đâu cũng là quê hương mình.
Qua khảo sát các truyện ngắn về đề tài chiến tranh của Từ Nguyên Tĩnh có thể thấy gắn với những câu chuyện về người lính, người dân quân trong truyện ngắn của ông là những chuyện tình trong sáng, cảm động. Tình yêu riêng tư đã hoà quyện với tình yêu quê hương đất nước tạo nên sức mạnh vô biên lấn át bom đạn của kẻ thù. Tân chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ cầu Tào bởi nơi thủ đô thân yêu vẫn có người con gái đang hướng về anh với niềm tin yêu, hi vọng. Tuyết Mai và San mỗi người ở một chiến tuyến nhưng hứa hẹn “sẽ ra quê Mai thưa chuyện với cha mẹ và họ hàng”. Ngân ra đi vào tuyến lửa bởi một niềm tin vững chắc về tình yêu và trách nhiệm của thầy giáo Dĩnh nơi quê nhà “Nhà Ngân mà có chàng rể như vậy thì phúc đời”. Chàng Lung mù- tác phẩm của “nhà điêu khắc chán đời” mỗi lần đệm đàn cho cô thanh niên Toàn hát “đôi tay như có ma lực, nhảy múa trên phím đàn”. Mỗi lần “liên hoan văn nghệ, hát mừng chiến thắng”, mỗi lần “lên trận địa gặp gỡ bộ đội vui hát cùng họ” tiếng hát của anh đã phần nào làm dịu đi nỗi đau thân thể của những người lính bị thương và khích lệ thêm tinh thần chiến đấu của họ.
Thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi con người là nỗi niềm về đất nước. Qua những trang văn của Từ Nguyên Tĩnh, những con người Việt Nam nói chung và Hàm Rồng Thanh Hoá nói riêng đi vào mặt trận thật hồn nhiên bản lĩnh. Là người lính viết văn, Từ Nguyên Tĩnh đã lách sâu ngòi bút của mình vào tâm hồn đồng đội, những cô
thanh niên xung phong...để chỉ ra những điểm sáng lung linh trong tâm hồn họ. Quân và dân Hàm Rồng cùng với cây cầu huyền thoại đã trở thành biểu tượng bất tử cho ý chí quật cường, bất khuất trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh và trong lịch sử đất nước.
Mỗi một nhà văn trong đời cầm bút bao giờ cũng có duyên nợ với một vùng đất nhất định. Đối với Từ Nguyên Tĩnh, làng Bàn Thạch hay là không gian Xứ Thanh không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả mà còn là nơi cung cấp cho ông nguồn văn liệu chính và cảm hứng sáng tác. Con người ông, tâm hồn ông được tắm đẫm trong không gian, hơi thở xứ Thanh. Qua những trang truyện ngắn, Từ Nguyên Tĩnh đã gửi vào đấy sự hiểu biết, niềm tự hào yêu thương xen lẫn những suy tư, trăn trở đối của mình đối với mảnh đất quê hương. Có thể coi Từ Nguyên Tĩnh là Cây bút Xứ Thanh như nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã gọi.
Chƣơng hai
THẾ GIỚI NHÂN VẬT ĐA DẠNG, PHONG PHÚ
Nếu lấy cái mốc 1975 để phân chia sự vận động và phát triển của nền văn học Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám mà giai đoạn 1945- 1975 là giai đoạn văn học