6. Cấu trúc của luận văn:
3.1.2. Điểm nhìn trực tiếp
Điểm nhìn trực tiếp hay còn gọi là điểm nhìn bên trong tức là người trần thuật đứng ở ngôi thứ nhất số ít, xưng “tôi” trong vai trò người trong cuộc (nhân vật kể chuyện đồng thời là người trong cuộc). Qua điểm nhìn này nhà văn có thể đào sâu vào các vỉa tầng nội tâm phong phú phức tạp và hết sức tinh vi của nhân vật. Tâm trạng nhân vật được thể hiện thông qua những đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm. Đây là một biểu hiện của sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật từ bên ngoài – chủ quan vào bên trong- khách quan, nghĩa là trao điểm nhìn trần thuật cho nhân vật.
Có thể thấy, Từ Nguyên Tĩnh đã rất nỗ lực trong việc tạo ra cách trần thuật này. Đó là việc tác giả luôn ý thức trong việc tạo ra tình huống đối thoại hoặc độc thoại để nhân vật tự bộc lộ tâm hồn, tính cách của mình. Thế giới nội tâm nhân vật không phải được “kể” mà thông qua “thuật – tả”. Từ Nguyên Tĩnh đã có những trang miêu tả tâm lý khá thành công qua việc miêu tả nội tâm nhân vật. Chẳng hạn, đoạn miêu tả tâm trạng của Thu Trang trong trạng thái giằng co đau đớn giữa tình cảm thương cha “phải làm thay phần việc của mẹ, lo từng mớ rau, quả cà, cả việc vá may và thân phận người làm nghề xích lô bèo bọt” để nuôi mình khôn lớn với sự giận dữ đầy đau khổ trong suy nghĩ “cha là người bạc tình, sớm quên người vợ nằm xuống khi cỏ chưa kịp lên xanh”. Xung đột tâm trạng ấy khiến tâm hồn trẻ thơ của cô bị xáo động dữ dội. Cô bé cố gắng chế ngự suy nghĩ và tình cảm nhưng không sao che dấu tình cảm và hành động thất thường. Người cha bối rối vì không thể biện minh cho con hiểu v.v…Truyện ngắn Người tình của cha là một trong những sáng tác khá thành công khi tác giả đã tìm đến kiểu trần thuật trực tiếp để diễn tả những tâm trạng đầy mâu thuẫn của người trong cuộc.
Điểm nhìn trực tiếp còn được nhà văn sử dụng hiệu quả khi thể hiện thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật “tôi”( Tịnh) ở truyện ngắn Đò dọc. Tâm trạng Tịnh hiện lên sinh động thông qua những đối thoại và độc thoại nội tâm. Đấy là tâm trạng “buồn khó tả” của anh lính trở về sau cuộc chiến, ngơ ngác với thời đại mới và cảm thấy vô dụng, thừa thãi và bất lực trước cuộc sống đang hừng hực hồi sinh. Tâm trạng âý được thể hiện qua câu nói của Tinh với anh Hóa “Em cũng chán đời lắm, chả có nghề ngỗng gì sất. Học không hay cày ruộng cũng không biết...”. Là những lời Tịnh tự độc thoại, tự nói với mình gợi nên một cái tôi đầy cô đơn, nhỏ bé “ơi con sông! Ta nào biết bến này là bến nào...Ta chưa từng lặn hụp xuống đáy dòng. Ta chỉ là sinh linh bé
nhỏ bất ngờ được gắn ghép, chắp nối trôi đi cùng con thuyền phiêu lãng”. Rồi đến những suy tư, trăn trở và dự cảm của anh với kiếp người vùng sông nước “rồi đây những đứa nhóc ra đời, con thuyền này đã thành số phận và nghề nghiệp của chúng. Không biết sau này chúng có oán tôi, người cha đã sớm phó thác cuộc đời cho sông nước” [8; 95]. Nhờ những đọan đối thoại, độc thoại như vậy mà thế giới nội tâm phong phú với những bộn bề lo âu, trăn trở của Tịnh trở nên rất thật và rất gần gũi.
Thế giới nội tâm của nhân vật “tôi” trong Truyện Nợ làng quê lại dằn vặt, day dứt xen lẫn sự ân hận đối với quê nhà. Anh cảm thấy có lỗi với đồng ruộng quê hương đặc biệt là với Hương Mơ, người mà anh đã từng yêu và nhiều hứa hẹn. Câu chuyện là lời độc thoại lớn của nhân vật “Tôi biết mình là kẻ hèn đã phản bội lại nàng nhưng còn tự bào chữa. Tôi đã chối bỏ đồng ruộng quê nhà, mặc cho nàng phải gánh chịu sau vụ đổ bể của vụ cấy chui cấy lủi”[4; 45]. Chính điều đó bây giờ khiến anh nỗi “u hoài, buồn nản” luôn dày vò và lặp lại với anh như là “bệnh tật”.
Qua điểm nhìn trực tiếp, nhân vật tha hồ thể hiện những cảm giác của mình trước những bộn bề của cuộc sống, soi chiếu qua lăng kính chủ quan. Vì vậy thế giới chủ quan có sức thuyết phục hơn đối với người đọc. ở một phần nào đó điểm nhìn này cho ta thấy tác phẩm có dáng dấp tự truyện. Trong một số truyện của Từ Nguyên Tĩnh như Nợ làng quê, Mối tình đầu, Chờ B52, Cái thời khói lửa ta như thấy thấp thoáng bóng dáng của nhà văn. Đọc truyện ngắn như đang đọc câu chuyện của nhà văn với những chi tiết được lặp lại ở nhiều truyện.Tuy nhiên những truyện như Thợ cối xay, Mối tình đầu, Chờ B52 nhân vật xưng “tôi” trực tiếp kể về cuộc đời mình xong hầu như ít thể hiện cảm xúc mà cứ kể như câu chuyện vốn có, như người thứ ba kể chuyện. Truyện cũng ít có sự bình luận, dường như, người kể chuyện muốn dành công việc đó cho độc giả.
3.1.3. Điểm nhìn nửa trực tiếp, nửa gián tiếp
Điểm nhìn nửa trực tiếp, nửa gián tiếp hay còn gọi là “lời nửa trực tiếp”, là “biện pháp diễn đạt lời văn khi nhân vật có bề ngoài thuộc về tác giả (về mặt chấm câu, ngữ pháp) nhưng về nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật (...) cho phép người đọc thâm nhập vào ý nghĩ thầm kín của nhân vật” (Từ điển thuật ngữ văn học). Ở điểm nhìn này, người đọc khó nhận ra đâu là lời của nhà văn đâu là lời của nhân vật.
Hãy thử xem đoạn văn kể về ông Tứ trong truyện ngắn Họ hàng nông dân: “... Bố ông chết cái dạo mới hòa bình. Ông nội có làm đến Chánh đấy nhưng vì ít học, cờ bạc thành ra cũng phá sản. Ông thành dân nghèo ở đợ cho nhà ông bác đầu cành đi chăn trâu. Cái vận may đến, thiếu chân đưa công văn ông nhảy vào và hòa bình (1954) thành ngay cán bộ trẻ. Ông cứ học tắt mãi thành ra tự dưng là người có phẩm hàm”. Rõ ràng ở đây ông Tứ không tự kể về đời mình. Đã có một người vô hình “biết hết, thấy tất” giới thiệu khái quát nhưng đầy đủ về lai lịch, thân thế của ông Tứ từ thở thiếu thời cho đến lúc về già một cách khá cụ thể và chính xác. Các sự kiện trong đời ông Tứ nối tiếp nhau hiện ra tạo nên một mạch kể rõ ràng như người kể chuyện được chứng kiến, dõi theo tất cả. Tuy nhiên, có thể cho đây là suy nghĩ của ông Tứ về lý lịch của đời mình cũng không sao, sắc thái tranh luận, đối thoại trong cách diễn đạt cho thấy sự hiện diện của cái “tôi” – người trong cuộc. Cách trần thuật này tạo ra hiệu ứng “nửa trực tiếp, nửa gián tiếp” khiến mạch trần thuật trở nên sinh động, lôi cuốn hơn. Đây là suy nghĩ của ông Tứ: “Là nông dân nhưng ông cũng muốn cho họ mình phải có cán bộ chủ chốt ở xã, ông muốn tiếng nói của mình phải vang lên trong dòng họ như nói trước ngàn quân. Ông muốn một ngày nào đó cậu con trai ông ít ra cũng theo nghiệp bố, có được phẩm hàm cao hơn ông” [1; 12]. Người trần thuật đã “lặn sâu” vào bên trong để “đọc” được những suy nghĩ bên trong sâu kín của ông Tứ và khám phá ra cái lòng khát khao ham muốn danh tiếng tột bậc của ông. Song, cũng rất khó để tách bạch đâu là suy nghĩ của ông Tứ hay suy nghĩ, nhận xét của tác giả. Điểm nhìn nửa trực tiếp nửa gián tiếp cũng được sử dụng khá thành công trong truyện ngắn
Họ hàng nông dân để dẫn dắt mạch truyện. Mở đầu câu chuyện là lời dẫn “Họ này toàn nông dân. Điều đó tỏ ra không có sự gì là thiệt thòi. Bốn đời là nông dân. Thậm chí cả chục đời là nông dân. Điều đó có gì phải băn khoăn. Dân đinh thì đông, có việc họ việc làng ào một cái là tắp lự...”. Đây là giọng của người kể chuyện vô hình “biết hết, thấy tất” khẳng định chắc chắn “giai cấp” của dòng họ Công. Nhưng cũng có thể là của người trong họ, hoặc có thể đó là của người trong làng tỏ rõ thái độ lập trường đối với gốc gác của họ. Là nông dân thì có gì là thiệt thòi và băn khoăn, thậm chí còn đáng tự hào nữa bởi cả nước Việt Nam nông nghiệp từ buổi đầu sơ khai, có ai không xuất thân từ nông dân.
Sự chuyển dịch điểm nhìn từ lại từ người kể chuyện lại đến người làng “Không ai giàu ba họ nhưng họ này giàu đấy, người họ này thay nhau làm chánh, phó lý; hết cành trên lại rơi xuống cành dưới, hết cha đến con. Người ta kể ông Chánh Cò làm Lý trưởng đến con bà ba làm phó lý, lại con bà hai làm Cửu. Con ông Chánh Lung làm Lý trưởng...”[1, 5]. Trong lời kể trên người trần thuật và người làng như đang đọc ra “gia phả” của dòng họ Công với một sự kính nể, ngưỡng mộ song trong đấy dường như cũng chứa đựng sự thèm muốn, ghanh tị, đố kị của những người vốn quanh năm cơ cực. Cái điều đáng tự hào của dòng họ nông dân đặc sệt này là mỗi khi ra ngõ là được chào “Bác ạ- chú ạ” thì “Cứ là râm ran, râm ran đến vui tai”.Người kể chuyện thấy tất cả, còn người được chào nghe niềm vui rân rân trong người và ở một góc nào đấy người làng như cũng được chứng kiến cảnh ấy mà thấy tai mình cũng gióng lên. Đặc biệt khi nói về nỗi buồn của họ Công “Họ này khối chuyện buồn ra đấy. Ví dụ, ở đời nào cũng có một lão điếc, một ông mù, một ông không con (...) Cái số trời nó vậy, thương thật...” người kể chuyện như xác nhận chân lý của quy luật bù trừ và tỏ thái độ cảm thông cho họ Công nhưng đó cũng là sự hả hê, đắc chí của những người làng lâu nay vốn thua thiệt.
Đôi khi trong một câu nói chứa đựng cả điểm nhìn của người kể chuyện và thái độ của ông Thầu “Người ta nói, gạch làm nhà bếp là do ông đi hót phân rơi ở đường mà nhặt về xây đủ đấy. Cha cái bọn thấy ông giàu mà ngứa miệng; ông vay mượn, mua bán sòng phẳng chi li đến mức độ có ai được ông giúp cũng thấy nể lòng” [1; 9]. Người kể chuyện cũng đồng cảm với nỗi khổ của ông Thầu, còn bản thân ông thì bực bội với miệng lưỡi thế gian, chúng thấy ông giàu rồi mà bới móc, chế giễu. Bản tính tằn tiện, tiết kiệm cũng đáng coi trọng lắm chứ.
Như vậy chỉ qua một số đoạn trong truyện ngắn Họ hàng nông dân ta đã thấy có sự tác động qua lại phức tạp của nhiều điểm nhìn, điểm nhìn nhà văn, điểm nhìn người kể chuyện, điểm nhìn nhân vật và cả của những nhân vật khác không nằm trong cốt truyện. Ngôn ngữ của người trần thuật nhiều khi đan cài xen lẫn của những người ngoài cuộc, truyện ta như thấy nhà văn đang làm một cuộc tranh luận với độc giả về những ý kiến của mình. Với việc sử dụng nhiều điểm nhìn để có thể nhìn nhận vấn đề được đầy đủ, toàn diện, soi chiếu ở nhiều chiều tạo nên sự đa thanh, đa giọng.
Theo thống kê của chúng tôi, trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh, nhà văn sử dụng điểm nhìn trực tiếp và nửa trực tiếp nửa gián tiếp là chủ yếu, đây là sự nỗ lực của tác giả trong việc đổi mới, hiện đại hóa phương thức trần thuật.
3.2. Sử dụng yếu tố huyền ảo để dẫn dắt và kết nối mạch truyện
Sử dụng yếu tố huyền ảo trong việc dẫn dắt và kết nối mạch truyện là một đặc điểm nổi bật của nghệ thuật truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh. Phương pháp sáng tác này xuất hiện đầu tiên ở phương Tây vào những năm sáu mươi với chủ trương dùng yếu tố “kì lạ, huyền ảo là hình thức phản ánh hiện thực để tránh lối diễn đạt trực tiếp”. ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ trước, một số cây bút đã thành công trong việc vận dụng phương pháp này như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Hạ Tháp, Hiền Phương v.v...Từ Nguyên Tĩnh nằm trong số những nhà văn đã tìm thấy hứng thú trong cách thể hiện nghệ thuật ấy. Qua khảo sát các tác phẩm của Từ Nguyên Tĩnh có thể thấy để tạo ấn tượng này ông sử dụng các thủ pháp sau:
3.2.1. Khai thác đề tài dân gian để tạo dựng cốt truyện kỳ ảo
Trước hết để tạo ấn tượng huyền thoại kỳ ảo, Từ Nguyên Tĩnh lấy đề tài từ những tích truyện xưa chỉ có trong những lời đồn đại hoặc những câu chuyện dân gian còn lưu truyền, như: Kiếp cầm ca, Nước mắt quân vương…. Truyện Kiếp cầm ca kể về cuộc tình bi thương giữa thằng Đất- dân ngụ cư câu cá trộm nhưng có bàn tay vàng của một nghệ sĩ tài ba và Tuyết Tuyết- đứa ở nhưng có giọng hát vàng trời phú được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên tích truyện chỉ là cái cớ để tác giả đả phá, bác bỏ, gột rửa một quan niệm bảo thủ, cố hữu đã ăn sâu bén rễ trong dân gian đó là sự coi thường miệt thị những người làm nghề ca hát như cách gọi “xướng ca vô loài”. Đây là một thái độ đầy rộng lượng, tỉnh táo đối với “kiếp cầm ca lạc loài”. Chỉ khi nào tiếng đàn, tiếng hát được coi trọng thì loài người mới thực sự văn minh.
Truyện Nước mắt quân vương lại khai thác đề tài lịch sử để tạo nên một tác phẩm giống như truyền thuyết lịch sử. Tuy nhiên sự thật lịch sử đã được lãng mạn hóa, kỳ ảo hoá tạo nên một câu chuyện tình yêu. Mượn sự kiện Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược bị quân giặc vây bủa phải ẩn nấp khốn đốn trong vùng núi Thanh Hóa, nhà văn đã tạo nên cốt truyện độc đáo mang màu sắc huyền thoại hư ảo. Nước mắt của bậc quân vương trọng nghĩa tình có sức biến cải sâu sắc, nó không chỉ làm cho mảnh đất ân nghĩa trở thành một vùng ao hồ
rộng lớn trong lành, tươi mát mà còn khiến cho tình yêu trở thành bất tử bởi “dưới cát đó vẫn có tiếng rì rào như thể khúc tình xuân của ai thủ thỉ”. Qua giọt nước mắt của quân vương, điều mà tác giả muốn nói tình yêu có sức mạnh nhiệm màu và không bao giờ bị mai một.
Để thể hiện sự vi huyền, kì ảo, hoang đường nhà văn sử dụng những chi tiết hư hư, thực thực. Mở đầu Kiếp cầm ca là cảnh những đêm “mưa thâm gió bấc, mặt trăng bất chợt hiện ra...”, trên lòng hồ La Đá Hạ “một con thuyền ẩn hiện rì rầm trong mưa thầm gió bấc” và tiếng nhạc mơ hồ, hư ảo tạo nên một không gian đầy bí hiểm ma quái, gợi cái cảm giác rờn rợn mà tò mò. Đó là những từ ngữ phiếm chỉ: “Ngày ấy”, “Cái ngày xót xa ấy”, “Đêm ấy”, “Đêm đó” v.v... tạo nên một thời gian đầy sự xa xôi, huyền bí, mơ hồ về cuộc đời thằng Đất và ả Tuyết Tuyết. Các tình tiết cũng nhuốm màu huyền thoại qua lời truyền miệng của người đời: “Người ta nói, ban đầu Đất cũng được quan Tây cho đi theo làm phu đánh đàn...”, rồi một đêm “Người đi câu cá trộm chứng kiến một việc lạ..”, và “người ta bảo, xuống đó mà Đất vẫn còn đàn, còn Tuyết Tuyết vẫn còn hát” v.v...Tất cả những yếu tố trên xoay quanh câu chuyện tạo nên sự hư thực khiến người đọc vừa thấy gần gũi, chân thực vừa khó nắm bắt, tin tưởng.
3.2.2. Sử dụng tình tiết, chi tiết hoang đường, kì ảo làm hạt nhân của tứ truyện
Loại truyện viết theo thủ pháp này chiếm đa số trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh. Tuy nhiên cái hoang đường kì ảo này không phải của “cái ngày xa xôi ấy” mà nằm ngay trong hiện thực cuộc sống tươi nguyên, sinh động. Nó là một mắt xích đặc