6. Cấu trúc của luận văn:
2.4. Nhân vật tính cách
Nhân vật tính cách là “kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật”. Linh hồn của nhân vật tính cách “thể hiện chủ yếu ở tương quan giữa các thuộc tính đó với nhau, với môi trường, tình huống. Nhân vật tính cách vì thế, thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hoá, do đó tính cách thường có một quá trình tự phát triển khiến cho nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó”. Hạt nhân của tính cách chính là “cá tính” của nhân vật (Theo Từ điển thuật ngữ văn học).
Theo khảo sát của chúng tôi, nhân vật tính cách trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh có hai loại: nhân vật với tính cách “lưỡng hóa” và nhân vật “bản thể tự nhiên ”.
2.4.1. Nhân vật với tính cách “lưỡng hóa”
Nhân vật với tính cách “lưỡng hóa” là nhân vật có tính cách phức tạp, không có sự rạch ròi trong khái niệm “tốt - xấu”. Nhìn ở góc độ này có thể họ là người xấu, tầm thường, bỉ ổi nhưng ở góc độ khác thì lại là người tốt bụng, hoặc đáng thương, thậm chí đáng trân trọng. Thể hiện kiểu nhân vật này, Từ Nguyên Tĩnh muốn tái hiện sự phức tạp, đa dạng của cuộc sống, đặc biệt thế giới con người. Mọi cái khuôn công thức khó mà bao trùm được thực tiễn cây đời xanh tươi.
Bà Nga trong truyện Đàn bà là một nhân vật khá phức tạp. Bà chủ quán nước chè đá đỗ đen này đã vào tuổi năm mươi nhưng khi bà ta “cười khúc khích bĩu môi ra” thì bà ta “trẻ trung ra đến mức người nghe chuyện phải lúng túng. Nhân vật người kể chuyện – gã làm thuê “biết ơn cô Nga, vì cô không họ hàng gì với tôi nhưng đối xử lại tử tế. Lúc không kiếm được khách cô cho giật tạm vài ngàn ăn cơm bình dân, cho vay thêm một hai ngàn đưa cho vợ…”[33,50]. Thế nhưng anh ta cũng nghe được nhiều lời đồn về cuộc đời của cô “Người ta khen cô là người đàn bà phúc hậu, con cái đỗ đạt
làm ăn chu chỉnh. Có kẻ lại chê cô loại gái đĩ “quý tộc”. Cô để ngoài ta mọi chuyện. Có nhiều chiếc xe con, xe máy nào tạt vào cô đều đon đả mời chào…cô vẫn trẻ trung, duyên dáng, bất cần đời”. Khi đã thành “kẻ chịu chuyện”, cô Nga đã cho hắn biết lịch sử cuộc đời cô từ tuổi mười sáu, xinh đẹp, làm y tá cơ quan bị cưỡng đoạt như thế nào. Rồi từ chỗ bị lợi dụng, đến chỗ chấp nhận để sống rồi, tận dụng, khai thác sắc đẹp để sống nhàn hạ, để được tâng bốc, được yêu chiều như thế nào. “Cô được bao nhiêu người yêu? – Nhiều, nhiều lắm hàng trăm người yêu cô!”. Kẻ đang hầu chuyện kia thú nhận: “Thứ thực nếu không vì cuộc sinh nhai, nhờ vả tôi dám thụi vào mặt người đàn bà đáng ghét đĩ bợm”. Nhưng rồi câu chuyện của cô lại làm cho hắn “chết lặng” vì bất ngờ vì sự độ lượng, vị tha của cô, vì sự “đoan chính” của cô. „Tôi phát điên lên vì hàng trăn câu chuyện của cô Nga kể như đùa. Cô chỉ vào những chiếc cúp, những lão béo từ nơi căn nhà ba tầng xuất hiện. Họ như nhau ráo. Van xin cô cho chết. Họ đi lại thế kia có vẻ oai phong, nhưng cô bắt bò bốn chân cũng phải bò. Tôi căm thù đàn bà đến mức tưởng về đến nhà là có thể giáng vào mặt vợ những cái tác. Nhưng thú thật tôi lại nghe bao nhiêu người xuýt xoa khen ngợi cô Nga. Cô ăn ở phúc đức quá. Biết trước biết sau, nhường trên nhịn dưới chơi với ai cũng giành lấy phần thiệt. Ai nhờ việc gì là loay hoay làm cho bằng được…”[33,58]. Có lần, anh ta còn chứng kiến người đàn bà ấy khấn trước bàn thờ phật: “Lạy trời lạy phật, nếu trời có hại thì hại tôi, tôi có chết cũng được, nhưng đừng bắt các con tôi chết vì chúng nó vô tội…- cô Nga khóc”. Như vậy, những gì mà nhân vật “tôi – gã làm thuê” được chứng kiến anh ta luôn có những tình cảm trái chiều: vừa thương cảm, mến phục vừa căm ghét, khinh bỉ. Những xúc cảm trái chiều ấy cứ đan xen nhau, thay thế nhau trong cách ứng xử của người chịu ơn trước người đàn bà mà từ trong cốt cách của bà ta, anh ta vừa quý vừa sợ, vừa yêu vừa ghét.
Một nhân vật khác dù không khắc họa rõ nhưng cũng phần nào thể hiện được nét “lưỡng hoá” trong tính cách là nhân vật người cha trong truyện ngắn Người cha tội nghiệp.
Ông có một mối tình đầu đẹp và lãng mạn với cô Vân “có giọng hát quan họ nổi tiếng trong vùng”. Họ đã từng thề bồi “dù ván nát thuyền lìa cũng thác với nhau trong kiếp phiêu diêu của câu hát”. Nhưng ông “được bố mẹ hỏi vợ” và cũng “không dám cởi bỏ trọng trách mà gia đình đặt cho”. Luôn đau đáu về tình yêu dang dở, ông
“xung” vào đội lính ở đồn Việt Yên mong được gần người xưa. Đối với làng xóm họ mạc việc ông đi lính cho giặc là một sự xỉ nhục, với vợ ông đã “phụ bạc trách nhiệm vợ chồng”, phản bội lại gia đình, làng nước, đến nỗi “họ hàng can gián không nổi bỏ ra về”, thậm chí con trai ông không vào được đại học cũng bởi cái lí lịch không trong sáng ấy. Nhưng mục đích của ông không giống bao người thời bấy giờ là mong tìm sự chở che, thăng tiến mà chỉ là để thoả mãn niềm yêu. ở gần người yêu, ông “năm thì mười hoạ mới ghé qua nhà” đưa cho vợ chút tiền rồi “vội vàng ra đi”. Trong lần vợ lên tận đồn đánh ghen, trái tim ông dường như “dửng dưng và lạnh lùng”.
Tuy nhiên về phía gia đình và vợ con ông lại có “sự chịu đựng đến đau lòng” và có trách nhiệm với gia đình. Ngày ông trở về nhà luôn “ngồi nơi chõng tre, kéo thuốc lào vặt” như gặm nhấm nỗi buồn cho cuộc tình dang dở. “Nỗi dày vò” từ dạo vợ đánh ghen vẫn chưa nguôi trong ông dâng lên thành nỗi buồn khó tả. Ông cũng không dám phản ứng lại vợ bởi ông vẫn thương con thương vợ, “bởi đằng nào ông cũng đem lòng yêu thương người khác”. Nhiều lần vợ dày vò ông chỉ biết “ngồi thừ ra thở dài”. Trong ông là sự dằn vặt chịu đựng đến tội nghiệp. Điều ông cần là sự cảm thông, chia sẻ. Dù vậy ông vẫn yêu gia đình, cái năm nhà không đủ ăn, vợ “chạy ngược chạy xuôi” còn ông thì phải “đi đào gạch thuê” lấy tiền cho con trai ăn học. Tình cảm ấy được người con xác nhận “ông vẫn thương tôi và em Hà đấy”. Dù thế nào trong ông tình phụ tử vẫn thiêng liêng.
Viết về nhân vật có tính cách “lưỡng hoá”, Từ Nguyên Tĩnh đã tạo nên cái nhìn biện chứng về tính cách nhân vật. Con người không phải ai cũng hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, cái chính là phải biết phát hiện và tạo điều kiện cho cái tốt trong con người ta thể hiện và phát triển. Đạt được điều đó thì cách nhìn nhận con người mới toàn diện và nhân văn hơn. Văn Từ Nguyên Tĩnh đang cố gắng đi tìm cái đẹp của cuộc sống ẩn đằng sau sự xù xì thô nhám. Họ vừa là “thiên thần” lại vừa là “quỷ sứ” (như cách gọi trong một truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh) góp phần làm cho cuộc sống thêm sinh động.
2.4.2. Nhân vật “bản thể tự nhiên ”
Trong cái khung lý luận, chưa có khái niệm cho kiểu nhân vật này. Theo quan điểm của chúng tôi, nhân vật “bản thể tự nhiên” là một dạng của kiểu nhân vật tính cách, nghĩa là “một cá nhân có cá tính nổi bật” và cá tính đó có “quá trình tự phát triển
tự nhiên, khiến cho nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó”. Chúng tôi gọi nhân vật “bản thể tự nhiên” vì tác giả không định thể hiện quan niệm đạo đức thông qua nhân vật. Họ không thuộc típ người tốt hay xấu, đúng hay sai, cao cả hay thấp hèn. Họ lựa chọn cách sống và bộc lộ bản tính hồn nhiên của mình mà không bị trói buộc bởi bất cứ nguyên tắc hay tham vọng gì và họ đã tìm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc với họ là được sống theo sở thích và khả năng của mình, không phải toan tính, bon chen, thủ đoạn. Hồn nhiên như cây cỏ, sông nước, họ đi giữa cuộc đời mà không vướng bận những lo toan. Mới nhìn, cứ ngỡ họ là những con người đơn giản, thô mộc, nhưng khi tiếp xúc, mới biết những cung bậc tâm hồn của họ cũng rất phong phú. Đặc biệt, tác giả muốn nhấn mạnh sự khỏe khoắn của tâm hồn trong những con người này. Phải chăng, thông qua kiểu nhân vật này, tác giả muốn đưa ra một quan niệm sống, đồng thời thể nghiệm một kiểu nhân vật mới chăng?
Hóa, Thơm, Tịnh trong truyện ngắn Đò dọc thuộc típ nhân vật trên. Hóa “có vợ đẹp làm máy khâu ở Quần Kênh” nhưng “tạm bỏ nghề máy khâu kiếm chiếc thuyền đi đò dọc…”. Thơm từng có “một gia đình bề thế” và từng “ước mơ học xong đại học đem kiến thức của mình đến cho đời”. Nhưng tâm hồn khẳng khái, ngay thẳng của cô sớm “chán cảnh đời giả tạo”, cô đã từ chối tất cả để dong duổi cùng sông nước. Còn Tịnh – nhân vật “tôi” cũng đã học hết cấp ba, rời làng đi bộ đội, có khiếu viết lách, có vợ là kỹ sư nông nghiệp, nhưng rời quân ngũ “không nghề ngỗng, không bằng cấp”, mặc cảm trước những “nút buộc nọ tự dưng thành nỗi buồn khó tả”. Mỗi người một lý do, họ gặp nhau và chiếc đò dọc của Hóa đã trở thành nơi hội tụ của những kẻ mơ màng, ưa tự do phóng túng, chán đời nữa tìm niềm vui và cuộc sống. Tự nguyện dấn thân và lựa chọn cuộc sống, họ hồn nhiên bộc lộ cá tính của mình. Cô Thơm, đã từng là nữ sinh lớp 12 kia, cũng đã từng mơ mộng, giờ đã ngấp nghé tuổi thiếu phụ với “nước da đỏ au màu hồng do chan nắng gió”. Cô có thể “nhảy tùm xuống nước, bơi vào bờ mặc cho nước vẫn chảy ròng ròng, chằng dây vào vai, neo người kéo thuyền như chực vập xuống cùng dòng sông”. Từ cô toát ra “hơi thở hào hển đầy mãnh lực” của những con người ăn sóng nằm gió, chứa đựng một “khát vọng sống đến vô cùng”. Có lúc cô “nuốt đến ực tiếng cười vào ngực” kéo Tịnh lăn ùm xuống sông càng thể hiện sự mạnh mẽ, khoẻ khoắn. Thơm như vị chúa của dòng sông. Đứng trước cô, người đàn ông như Tịnh trở nên thừa thãi, vụng về. Khi được anh Hoá giới thiệu cho
Tịnh, người “đồng nghiệp” mới, Thơm “nguýt một cái rõ dài, ý chừng cái loại ấy thì chấp làm gì, chỉ tội ngứa mắt”. Cử chỉ ấy cho thấy một cá tính mạnh mẽ. Cái cách cô ăn nói cũng thật bộc trực, dạn dĩ. Khi hai người vào bãi “ăn sấm lộc trời” Thơm bảo “cái món này xào tỏi làm một bát ô tô rồi ngủ là khoái”. Khi Tịnh sợ không dám cùng cô đi “ăn sấm lộc trời”, Thơm nói thẳng không cần ý tứ “Thật vô tích sự...cái ngưc anh may ra chỉ học thôi chứ làm được cái quái gì”. Nhưng đang chao chát ngang tàng thế, cô lại có thể dịu dàng, nữ tính một cách đáng yêu: “- Không mệt lắm đâu…nhưng đi lâu mỏi chân là muốn lăn ra đường ngủ đấy…; - Khéo không đâm đầu phải cầu anh ơi!; - ông trời, dậy đi nào!...mau lên, có việc đấy”. Rồi “phải biết quen với cuộc sống sông nước anh ạ! Đó là điều thú vị mà trời ban cho đấy” [33; 90]. Ngót ba mươi mà Thơm cứ hồn nhiên, bộc trực bộc lộ suy nghĩ, hành vi cử chỉ của mình. Cô không cần biết người ta nghĩ gì về mình, cô không làm duyên, làm bộ, không cầu kỳ, ý tứ. Những gì cô có cứ lồ lộ hiện ra tự nhiên. Tuy cái bản ngã trong Thơm mạnh mẽ, hồn nhiên như vậy song ở con người Thơm vẫn toát lên vẻ đáng mến. Cái đáng mến của cô là biết sống thật với chính mình, sống hồn nhiên vô tư không rơi vào những ham muốn trần tục. Tâm hồn cô thánh thiện và trong trẻo đến vô cùng.
Nếu ở nhân vật Thơm cá tính bản thể tự nhiên thể hiện thành một cái tôi mạnh mẽ, phóng khoáng, phiêu du thì ở nhân vật “tôi” trong Thợ cối xay lại là một tính cách bình lặng đến mờ nhạt, hiền lành đến thụ động.
Từ câu chuyện tuổi thơ nghịch ngợm, “tôi”- cậu cả một gia đình cũng có tiếng trong làng lại “dạm ngõ” được cô “công chúa” của làng, con bác phó cối. Những tháng ngày cùng Nhàn đi lấy trở củi về bán cho bộ đội, theo bố Nhàn đến các làng xa “cạp cối xay hoặc đóng mới cho họ” với chàng trai trẻ là những tháng ngày thật hạnh phúc. Nhiều người thấy vậy nhìn thương hại “thời buổi đất nước còn chiến tranh, tại sao lại có kẻ lạc hậu đến thế không biết. Không có chí làm trai, xông pha nơi trận mạc” nhưng anh vẫn “không nghe thấy gì cả”. Thực ra anh cũng không suy nghĩ nhiều đến thế. Rồi anh cũng vào bộ đội, Bần trong buổi tiễn bạn lên đường ra mặt trận đã nói “đúng ra cậu phải là đứa được đi du học nước ngoài mới phải (...) chuyện Nhàn ở nhà còn có bạn bè, cậu cứ yên lòng mà đi”. Anh hồn nhiên tin vào lời nói tưởng như chân thành ấy. Tin “Nhàn và Bần đã lấy nhau và định cư ở chân trời xa xôi” khiến anh cảm thấy oán giận nhưng nghĩ lại cũng thương ông Ky nên lòng “dịu lại” [33; 167].
Trở về sau cuộc chiến, anh cũng chưa định hướng gì cho tương lai, khi ông Ky bảo “Hay anh đi đóng cối xay cùng tôi”, anh cũng vác tráp theo sau như một sự phó mặc vô định trước cuộc đời. Nghề nghiệp của anh càng ngày không còn được vị trí như xưa, nhưng khi anh thợ mộc ném cái nhìn “dè bỉu coi thường”, thì anh “lờ đi cho xong chuyện”. Thực ra cũng như bao người lính khác rời nghế nhà trường là đã đi bộ đội, nay trở về không nghề ngỗng nhưng quan trọng cũng bởi anh không có chí hướng, không có mục đích kế hoạch để tạo hướng đi mới cho cuộc đời. Ngay cả chuyện trăm năm của anh, cứ như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa, anh cưới vợ do sự “tác thành” của ông Ky. Anh tin vào sự mai mối của ông Ky hay sự buông xuôi dễ dãi. Anh “tự nhiên trở thành người của bản làng” tiếp tục cái nghề cha truyền con nối. Mọi chuyện cứ diễn ra quanh cuộc đời anh một cách tẻ nhạt thể hiện sự luẩn quẩn. ở con người anh không có cái băn khoăn đi tìm lẽ sống, không có những thủ đoạn để vươn tới vòng danh lợi. Đọc truyện người đọc cảm thấy nhân vật cứ nhàn nhạt, quẩn quanh đến tội nghiệp.
Như trên đã nói, nhân vật “bản thể tự nhiên” gần với nhân vật có tính cách “lưỡng hóa” nhưng chúng không phải là một. Chúng tôi tách ra để nghiên cứu nhằm nhấn mạnh sắc thái “tự nhiên, bản thể” của con người. Nhiều khi, sức mạnh bản thể vượt lên cả hoàn cảnh. Tác giả cũng không định thể hiện họ điển hình cho tầng lớp hay giai cấp nào. Họ đại diện cho chính họ - những bản thể tự nhiên mà tạo hóa đã sinh ra.
Như vậy, qua sự nghiên cứu trên đây cho thấy thế giới nhân vật trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh quả thực phong phú đa dạng gồm nhiều kiểu người, nhiều dạng thức tính cách. Mỗi nhân vật của ông là một hiện thân cho cuộc sống phồn tạp, cắc cớ, trái khoáy, mỗi con người là “một thế giới, một tiểu vũ trụ” (1). Song dù họ là ai, họ cũng là “một bí ẩn của cuộc sống” (2) như TS Hỏa Diệu Thuý đã nhận xét.
Chƣơng ba
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM Ở PHƢƠNG DIỆN TRẦN THUẬT
Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh cũng đã tạo được dấu ấn riêng ở phương diện trần thuật. Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi giới hạn nghiên cứu một số đặc điểm nổi