Thơ văn xuôi

Một phần của tài liệu Những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong thơ Việt Nam đương đại (Trang 68)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Thơ văn xuôi

Thơ văn xuôi là một hình thức thơ tự do viết bằng văn xuôi. Trên thế giới, nó đã tồn tại hơn một thế kỷ nay với những tên tuổi như Whitman, Baudelaire, Valery, Tagore… Ở Việt Nam, lịch sử phát triển của thơ văn xuôi vô cùng mỏng manh và liên tục bị gián đoạn. Thơ văn xuôi bắt đầu manh nha vào đêm trước của thơ mới với: Giọt lệ thu (Tương phố), Linh Phượng ký (Đông Hồ), Tình già

(Phan Khôi). Vào những năm 40 của thế kỷ XX, ý thức về thơ văn xuôi mới rõ nét hơn ở Phan Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh. Đất thơm, Giọt sương hoa là những thể nghiệm hiếm hoi của họ. Gián cách đến mười năm sau mới lại có một số tác phẩm của Chế Lan Viên, Huy Cận. Nhưng phải đến năm 1964, Xuân Diệu viết tiểu luận Vài ý kiến về thơ văn xuôi (Văn nghệ, số 88, ngày 01/01/1965) thì lần đầu tiên, thơ văn xuôi mới được chú ý với tư cách một thể loại, được bàn đến một cách khoa học và sâu sắc. Xuân Diệu cho rằng thơ văn xuôi ở ta bắt rễ sâu xa từ trong truyền thống văn học của dân tộc (thể từ phú và văn tế). Ông đặc biệt lưu tâm đến vấn đề nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ văn xuôi vốn dài, rộng, phá thể và nhạc tính bên trong câu thơ.

Nhìn chung, thơ văn xuôi vẫn còn là một phạm trù xa lạ, ít được phổ cập trong tâm lý tiếp nhận và sáng tác ở Việt Nam. Nhưng trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hình thức này đã và đang trở thành một thể thơ quen thuộc của nhiều tác giả đương đại, nhất là ở những cây bút trẻ có ý hướng cách tân, thể nghiệm như: Đặng Đình Hưng, Mai Văn Phấn, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh… Năm 1995, một tuyển tập thơ văn xuôi ra đời, tập hợp được một lượng lớn tác phẩm của 110 tác

giả Việt Nam từ 1945 đến những năm 90. Cũng như Chủ nghĩa Hậu hiện đại, cho đến nay vẫn chưa thực sự có một định nghĩa thỏa đáng cho thơ văn xuôi. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần. Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khêu gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng. Theo Khế Iêm, trong Chú giải về thơ Tân hình thức, thơ văn xuôi xuất hiện khi chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước. Nhà thơ Ba Lan có lý khi nói rằng: “Trong văn xuôi có không gian cho thơ, nhưng trong thơ chỉ có không gian cho thơ”. Vậy thì thế nào là một bài thơ văn xuôi? Ở điểm nào nó là thơ và ở điểm nào nó không phải là thơ? Điều này cần phải khởi nguồn từ những yếu tố căn bản là dòng thơ và câu thơ. Dòng thơ có thể là một câu, cũng có thể là một phần của một câu, và cần nhiều dòng mới hợp thành một câu. Khi dùng cách vắt dòng phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm cú và cú pháp, tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu không nằm ở ngôn ngữ mà ở nội dung ngôn ngữ. Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động của cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp. Thơ văn xuôi chính là sự xóa bỏ ranh giới giữa thơ và văn xuôi.

Trong thơ văn xuôi hôm nay, chất tiểu thuyết, chất truyện, kịch xuất hiện ngày càng rõ nét: gia tăng yếu tố tự sự (tình huống, lời kể, cốt truyện, nhân vật); phân chia bài thơ thành các cảnh, các lớp; bài thơ có mở đầu, diễn biến, kết thúc hoặc được chia thành các chương, đoạn; cấu trúc phức hợp, đa thanh, nhiều bè, giàu tính đối thoại (Đồng hồ vĩnh cửu – Nguyễn Lương Ngọc, Cuộc đối thoại của nước – Dạ Thảo Phương, Vịt bay – Vi Thùy Linh, Giấc mơ – Phan Huyền

Thư…). Có thể thấy rõ những ảnh hưởng của âm nhạc và sân khấu cổ điển trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhiều bài thơ của anh có cấu tạo như những tổ khúc, tổ hợp. Các bài thơ được đánh số từ I đến hết hoặc được đặt tên như: Nhân chứng một cái chết, Mười một khúc cảm, Những ví dụ, Chuyển dịch màu đen…

Thơ văn xuôi gây ấn tượng bởi lối kiến trúc bề thế, tầng lớp, hình ảnh ẩn dụ, đa nghĩa, giàu triết lý, ý tứ sâu sắc, cảm xúc tràn ngập. Nhưng bên cạnh đó cũng dễ khiến tác phẩm nặng nề, cầu kỳ, tạo cảm giác mệt mỏi, khó đồng cảm.

Thơ văn xuôi hiện diện trong đời sống thơ ca Việt Nam như một thể loại không thể bỏ qua. Nó thực sự đã có những kết tinh nghệ thuật, mặc dù vẫn đang trong quá trình vận động. Tuy nhiên, có một thực tế là sự phân chia thể loại thơ tự do và thơ văn xuôi chỉ là tương đối. Bởi thơ đương đại không chỉ là thơ như ta vẫn quan niệm xưa nay. Trong thời đại toàn cầu hóa của một “thế giới phẳng”, không gì có thể tồn tại một cách độc lập hoàn toàn. Cuộc sống hiện đại không đơn thuần là một sử thi có sự thống nhất cao độ trong cảm hứng và giọng điệu. Vì thế, cảm xúc thơ cũng không còn đơn chất, thuần nhất. Thơ hôm nay phải mở rộng chính nó để phù hợp với đối tượng của mình. Bởi vậy, đã đến lúc phải định nghĩa lại hay chính xác hơn là phải có thêm những định nghĩa mới cho thơ. Thơ đương đại không còn nhất thiết là thơ như nó đã tồn tại trong ý niệm của chúng ta. Giờ đây, nó có thể là tất cả, cái gì ta cho nó là thơ thì nó là thơ. Ngay cả những con số cũng mang trong nó những mạch ngầm thơ ca, gợi ra những ám thị về nhịp điệu của đời sống.

3.2. Ngôn ngữ và cách thức “trình diễn” thơ đương đại 3.2.1. Ngôn ngữ thơ đương đại

Xuất phát từ sự thay đổi trong nội dung, tư tưởng lẫn hình thức, cấu trúc thơ đương đại mà ngôn ngữ thơ hôm nay cũng đã có những biến đổi đáng kể. Các nhà thơ đương đại để cho thơ ca mặc sức du hành đến khắp các hang cùng, ngõ hẻm, lăn lóc với đời. Điều dễ thấy trước tiên là sự tấn công ngày càng quyết liệt của ngôn ngữ đời thường, của khẩu ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng; một bộ phận là

thứ ngôn ngữ sống sít, bụi bặm, suồng sã – ngôn ngữ vỉa hè, ngôn ngữ đường phố, xa lạ với mỹ từ.

Ngay từ những sáng tác thơ từ sau 1975, người đọc đã dần làm quen với những cách sử dụng ngôn ngữ đời thường của nhà thơ. Đi từ khát vọng muốn tiếp cận ngày càng gần hơn với đời sống trần trụi, gai góc, thơ ca không còn có thể biểu hiện chỉ bằng những ngôn ngữ mỹ lệ, giàu chất thơ. Thứ ngôn ngữ đền đài, trang nhã, mực thước đã mất dần ngôi vị thống soái. Nhưng ban đầu, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường chỉ là một phương tiện hỗ trợ cho nhà thơ trong quá trình tiếp cận hiện thực, đưa thơ đi xa khỏi quỹ đạo hàn lâm. Đi đầu cho lối thơ giản dị, gần gụi với đời sống này phải kể đến Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ ngọt ngào duyên dáng và sâu sắc. Sau đó là những sáng tác của Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh… Nếu Bùi Chí Vinh có lối thơ phóng túng, dí dỏm, cà chớn của một gã trai đa tình thì Nguyễn Duy lại có ngôn ngữ thơ rất “bụi”, rất đời mà không tục. Đọc thơ Nguyễn Duy rất tự nhiên, người đọc không có cảm giác khó chịu hay mảy may nghi ngờ về tính thơ ngay trong những câu chữ rất đời thường.

Chân mây hơi bị cuối trời Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu Cực kỳ gốc sấu bóng me

cực kỳ ngon, cực kỳ nhòe em ơi … rủ nhau cơm bụi giá bèo

Yêu nhau theo mốt nhà nghèo… vô tư!

(Cơm bụi ca)

Từ thứ ngôn ngữ “vỉa hè”, “cơm bụi” này cho đến thứ ngôn ngữ phi thơ, phi thẩm mỹ của các nhà thơ theo xu hướng hậu hiện đại là cả một bước đi dài. Đến họ, ngôn ngữ đã tiến một bước dài từ đời thường hóa đến trần tục hóa và thô tục hóa. Bằng cách của mình, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Tiến Dũng, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quốc Chánh, Lynh Bacardi… và đặc biệt là nhóm Mở miệng đã gây hấn với những ý niệm quen thuộc về ngôn ngữ thơ. Họ chủ trương đưa tới một sự bình đẳng tuyệt đối cho ngôn ngữ (không có từ đẹp, từ xấu, từ

trang nhã, hàn lâm, từ thô tục, chợ búa…), cũng như sự bình đẳng cho đề tài. Nhóm Mở miệng đã đẩy mạnh “rác” và “dơ” vào thơ. Khẩu ngữ chảy ồ ạt vào thơ, các phép tu từ bị lược bỏ tối đa, lời thơ như là lời nói trực tiếp. Các sáng tác của họ gây sự với mỹ cảm truyền thống. Không ít người cho rằng họ đang phá thơ, giết thơ… Cũng chung với tư tưởng đó, Dự báo phi thời tiết của nhóm Ngựa trời cũng là lối thơ không e sợ bất cứ điều gì, tất cả ngang nhiên phơi bày, lồ lộ và trần trụi. Ý niệm về sự trong sáng trong thơ trở nên xa lạ. Quan niệm ban đầu về thơ như là một biểu hiện của nghệ thuật, một phép thiêng trong đời sống diễn xướng của dân gian xưa cho đến hậu hiện đại dưới ngòi bút của những nhà thơ này đã trở nên hoàn toàn xa vời. Sự quá đà của việc lạm dụng khẩu ngữ của một bộ phận nhà thơ đương đại này sẽ khiến thơ họ có nguy cơ trở thành những bãi rác thực sự!

Nhưng bên cạnh đó phải kể đến những nhà thơ coi sáng tác là cuộc lao động nghệ thuật đòi hỏi những trăn trở và tìm tòi sáng tạo, để ghi tên mình trong lòng độc giả và trên hành trình cách tân thơ Việt như: Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Bình Phương, Inrasara… Miệt mài trên con đường đổi mới ngôn ngữ thơ ca để biểu đạt ngày càng cao hơn thế giới tâm hồn phức tạp của con người và đời sống đang ngày càng biến động không ngừng, những nhà thơ này đặt sự giản dị, trong sáng của ngôn ngữ lên trên hết. Bởi nếu ngôn ngữ thơ yếu kém về mặt chất lượng thì không thể biểu đạt đúng tư tưởng của người sáng tác, đương nhiên cũng không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó trong sự phát triển của văn học dân tộc. Vì thế, ngôn ngữ thơ dù có tự do hóa và hiện đại hóa đến đâu cũng cần phải hướng tới chân - thiện - mỹ. Hướng về con người mới là ngôn ngữ chuẩn mực tiếng Việt chứ không thể là thứ ngôn ngữ thơ đi ngược lại với dòng chảy của tính người và tình người. Thơ ca cho dù ở thời đại nào đi nữa, sẽ vẫn luôn là những điều dung dị và gần gũi, dễ hiểu nhất.

Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái

Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy Những người đàn bà xuống gánh nước sông.

(Những người đàn bà gánh nước sông – Nguyễn Quang Thiều) Thế là con đã tự mình kiếm được miếng ăn thay vì ở thời ấu thơ, đôi mắt con phải trông chờ bàn tay mẹ cha từng bữa

Thế là trên nẻo đường thực phẩm chúng ta đã bắt đầu chia tay nhau

Giờ đây, dù mâm cơm của con đặt ở nơi xa cha cũng còn mang tới cho con vài món ăn mà cổ nhân gọi là kinh nghiệm.

(Nghĩ về con vừa kiếm được việc làm – Lê Văn Ngân) Ngôn ngữ là một giá trị tiêu biểu của văn hóa, và phải đến khi xã hội phát triển đến một trình độ nào đó con người mới có khả năng làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng rồi sử dụng như là một biểu thị của phẩm chất văn hóa, thể hiện trong ứng xử với xã hội - con người. Từ đó, ngôn ngữ ngày thường sẽ thăng hoa, trở thành ngôn ngữ văn chương. Vì vậy mà chúng ta coi văn chương là một trong các thành tố làm nên văn hóa. Vì vậy mà qua văn chương, có thể nhận diện một nền văn hóa, nhận diện phẩm chất văn hóa của một cá nhân. Bởi “nếu không có trụ cột là tình yêu với cuộc sống thì đi tìm những thể nghiệm cách tân, hiện đại… chỉ là những mỹ từ che đậy cái anh đánh mất. Những thể nghiệm đó không đi đến đâu cả, chừng nào họ chưa tìm được tình yêu cuộc sống” (Nguyễn Thanh Sơn). Hành trình đi tìm bóng chữ còn dài, tìm ra đường thơ đích thực, ngôn ngữ thơ mang dấu ấn riêng của mình, ấy là cuộc hành trình không mệt mỏi của mỗi nhà thơ đang hướng tới cách tân…

3.2.2. Những cách thức “trình diễn” mới của thơ

“Trình diễn” thơ, cụm từ chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây trong đời sống văn học Việt Nam nhưng tìm về với tiến trình lịch sử văn học nước ta qua hàng trăm năm có thể thấy nó đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng nếu trước đây, “trình diễn” thơ chỉ là những cuộc thơ bên bàn rượu, các nhà thơ gặp nhau, cao hứng ngâm

nga những câu thơ của mình, để lại bao nhiêu giai thoại hài hước có, lãng mạn, thanh tao cũng có… Thì ngày nay, cuộc sống thay đổi và lối “trình diễn” thơ cũng đã khác nhiều. Sự hội nhập, giao thoa giữa các bộ môn nghệ thuật đã đem đến cho thơ những phương tiện mới để đến với người đọc. Sự “vay mượn” các bộ môn nghệ thuật khác cùng với sự hợp sức của ánh sáng, hình ảnh, sân khấu… làm cho thơ đáng để thưởng thức hơn. “Trình diễn” thơ không chỉ đem thơ đến gần hơn với độc giả mà chính bản thân nhà thơ cũng chia sẻ được đầy đủ hơn những tư tưởng muốn chuyển tải trong tác phẩm, đưa không chỉ thơ mà cả văn hóa của mình đến với người đọc, người nghe.

Ở các nước Âu Mỹ, từ sau Thế chiến thứ hai, các nhà thơ ngày càng coi trọng đọc thơ trước công chúng. Lịch sử thơ Mỹ còn ghi nhận buổi đọc thơ tại Gallery Six ở San Francisco năm 1955, Allen Ginsberg đọc bài trường ca , làm cử tọa phát rồ, ghi dấu ấn hình thành thời kỳ thơ mới của Mỹ - thời kỳ thơ “trình diễn”. Việc đọc thơ đã phát triển thành trình diễn thơ, nhiều nhà thơ đã trở thành người trình diễn mang tính chuyên nghiệp. Từ trình diễn thơ, thơ Mỹ đã phát triển thành riêng một loại hình thơ mới chuyên về trình diễn và có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt thơ ở quốc gia này từ mấy chục năm nay. Ý tưởng và thực hành trình diễn thơ kiểu đương đại mới du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XXI. Mở đầu cho hình thức này chính là những đêm thơ ở quán café EraWine, trong khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, do họa sĩ Như Huy tổ chức. Màn trình diễn ấn tượng nhất có lẽ là màn đọc Em ơi, Hà Nội phố của tác giả Phan Vũ. Ông đọc trong tiếng ghi-ta ngẫu hứng của Châu Đăng Khoa với tiếng vocal của một bạn diễn. Hết trang nào, tác giả lại châm lửa đốt ngay trang đó, như đốt mã cho những ngày tháng, những con người một thời đã ra đi mãi mãi. Cuối năm 2003, thì có hai đêm trình diễn tổng hợp thu hút khá đông người dự tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong dự án nghệ thuật Xuyên biên giới do tổ chức Dance Theatre Workshop của Mỹ tài trợ. Ở Hà Nội, có thể nói lần đầu tiên công chúng biết đến trình diễn thơ đương đại chính là đêm thơ Dương Tường cuối

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong thơ Việt Nam đương đại (Trang 68)