5. Cấu trúc luận văn
3.1. Cấu trúc thơ
3.1.1. Thơ tự do
Trong cuốn Văn học sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, các tác giả đã đưa ra nhận định rằng tính hiện đại trong thơ gắn liền với sự hiện diện mang tính áp đảo của thơ tự do và thơ văn xuôi so với các thể loại khác. Và quả thực vậy, thơ tự do, thơ văn xuôi giờ đây đã tràn ngập đời sống thơ ca đương đại, trở thành một phần tất yếu!
Thơ tự do không đóng cửa, giam mình trong những luật tắc an toàn giam giữ ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, tư duy thơ, hành động thơ, mà không ngớt mở rộng, đào sâu bởi điều nó bắt gặp có thể chỉ là cái tạm thời, bởi điều nó tìm kiếm có thể còn hứa hẹn nhiều hơn… Dường như thơ tự do đã có từ lâu mà không được gọi tên, ngày nay nó đã là tiếng thơ toàn cầu và không ai buồn gọi tên nó nữa. Đơn giản thơ tự do là thơ (Thơ tự do, NXB Trẻ). Các câu thơ tự do thường ngắn hơn câu thơ văn xuôi. Có thơ tự do có vần (hoặc ít vần) và thơ tự do không vần.
Thơ tự do xuất hiện rất sớm ở các nước phương Tây: Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga… và bùng phát mạnh mẽ từ sau Thế chiến thứ hai, như là một cách giải thoát những ẩn ức, những dồn nén bức bách được tích lũy trong thời tao loạn. Nó có nhu cầu khẩn thiết là phải được giải phóng dưới dạng phóng túng nhất của ngòi bút. Thơ tự do dung nạp mọi kiểu phá cách nhằm thoát ra khỏi những ràng buộc của những luật lệ cũ. Thơ tự do chỉ ra một bản chất không phải là mới nhưng phải đợi đến khi nó xuất hiện thì bản chất này mới hé lộ và mới được thừa nhận. Đó là có vần hay không có vần không phải là vấn đề cốt tử của thơ hay. Bản thân nội dung bài thơ sẽ tự tìm cho nó một hình thức phù hợp.
Vấn đề quan trọng, cốt tử của thơ truyền thống là vận luật, tiêu biểu là vần và nhạc điệu. Trong suốt trường kỳ lịch sử của thơ, vần điệu đã trở nên phổ biến và quan trọng. Chức năng nguyên thủy của nó là để tạo nhạc tính, một thủ pháp để hỗ trợ trí nhớ. Sự nhịp nhàng, đều đặn của nó dễ thôi miên người đọc, khiến họ bị ru ngủ trong nhạc tính của nó. Yếu tố này bị quy định một phần bởi thơ trước đây được lưu truyền theo hình thức truyền khẩu. Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc trở thành bản lề của đời sống hiện đại đã làm thay đổi quan niệm này. Vần điệu đã trở nên không quan trọn nữa. Với thơ tự do, thơ văn xuôi, các nhà thơ đã thoát khỏi sự cùm kẹp của vận luật, linh hoạt và tự do hơn trong việc chuyển tải những vấn đề của đời sống hiện đại vốn vô cùng đa dạng và phức tạp.
Ở Việt Nam, thơ tự do manh nha vào những năm 30 của thế kỷ XX. Ngay từ những sáng tác của Tản Đà, các bài thơ từ khúc đã có dáng dấp, cách điệu thơ tự do dù chưa thể vươn lên một hình thức thơ tự do như ở thời kỳ sau này. Một số nhà thơ khác cũng có những bài thơ tự do như Thế Lữ (Tiếng trúc tuyệt vời), Lưu Trọng Lư (Xuân về), Nam Trân (Mùa đông),… Thơ tự do thời kỳ này là thơ tự do có vần, giàu nhịp điệu. Sự ra đời của thể thơ tự do trong giai đoạn Thơ Mới thực chất là một sự phản ứng lại với những kiềm tỏ, gò bó, kìm nén quá lâu của thơ ca cách luật, là sự giải tỏa những tình cảm, cảm xúc chất chứa trong lòng. Khi mới ra đời, phong trào Thơ Mới cổ động rầm rộ cho hình thức thơ tự do. Nhưng thực tế sáng tác cho thấy, thơ tự do chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp so với các thể loại thơ khác.
Đến giai đoạn hai cuộc kháng chiến, thơ tự do đã có những bước tiến đáng kể. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Phạm Quốc Ca trong: - Thơ Việt Nam, 1945 – 1975: có 119/ 214 bài tự do.
- Thơ Việt Nam, 1975 – 2000: có 645 bài tự do và 06 bài văn xuôi/ 1144 bài.
Kể từ những bài thơ được viết theo lối tự do mang tính mở đường của Nguyễn Đình Thi, thơ tự do đã có một quá trình phát triển và hiện nay nó đang chiếm thế
thượng phong. Thơ tự do giai đoạn này về cơ bản là thơ phá thể chứ không còn là biến thể hoặc hợp thể như các giai đoạn trước. Với những ưu thế của mình, thể thơ này có vẻ rất thích hợp trong việc chuyển tải những vấn đề của đời sống hiện đại. Thơ tự do không chỉ là sự phản kháng đối với thơ niêm luật mà còn thể hiện tham vọng muốn chuyển tải được nhịp điệu thời đại và giọng điệu của nhà thơ hiện đại. Thực tính tự do biểu hiện trên mọi bình diện, từ cảm xúc đến tư duy, từ hình tượng đến cấu tứ, từ ngôn ngữ đến nhịp điệu, giọng điệu. Thơ tự do có tính thích ứng cao trong việc mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực và tăng cường chất nghị luận cho thơ. Sử dụng thể thơ này, người viết sẽ dễ dàng chuyển cảnh, chuyển nhịp, chuyển giọng, tạo ra những bất đối xứng, những vênh lệch, trật khớp… theo dụng ý của mình. Nó cũng có khả năng dung nạp ngữ điệu lời nói vốn dĩ rất được ưa thích và ngày càng trở thành một xu hướng của thơ đương đại. Các nhà thơ trẻ hiện nay – những người mong muốn phá tung mọi đối xứng đặc biệt ưa chuộng thơ tự do vì khi viết thể thơ này, họ thấy mình ở đó. “Thơ tự do cho phép tôi bộc lộ cảm xúc một cách nguyên bản nhất” (Vi Thùy Linh). Với thơ tự do, họ đã mang đến cho thơ ca một luồng sinh khí mới. Hiện thực được tiếp cận ở nhiều chiều, nhiều hướng, biên độ cảm xúc được mở rộng, thơ hiện nay bộn bề hơn, mang âm hưởng của đời sống. Những luật lệ, quy tắc bị phá vỡ bởi khuôn khổ của đời sống là cái không khuôn khổ.
Bởi không hạn định về số câu, số dòng trong bài, số chữ trong câu nên các nhà thơ cũng không có thiên hướng chăm chút giũa got để tạo nên những thần chú, nhãn tự như trong thơ có niêm luật rõ ràng. Ngược lại, họ gia công nhiều hơn trong việc sáng tạo hình ảnh, chuỗi hình ảnh. Xu hướng cách tân một cách triệt để phải kể đến: Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến, Mai Văn Phấn, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Theo hướng này, thơ tự do tiến tới hình thức cực đại (số lượng âm tiết kéo dài không hạn định, dung tích câu thơ mở rộng, giãn nở thoải mái, hình ảnh lớp lang, trùng điệp) và cực tiểu (số lượng câu chữ bị giảm thiểu tới mức tối đa, dồn nén cao độ, liên tưởng nhanh, đột ngột, bất ngờ). Có thể kể ra đây những
hình thức điển hình của thơ tự do như: 1. Thơ không viết hoa đầu dòng, vắt dòng, ngắt dòng, không tuân theo một quy tắc nào về vần luật, nhịp, số câu, số chữ. Thơ tự do là phương tiện hữu hiệu để biểu đạt thế giới của những giấc mơ nhập nhòa, không đầu, không cuối. 2.Thơ có tính kể chuyện, tình tiết, ý tưởng lớp lang như một văn bản tự sự. 3.Thơ có tính đối thoại. 4.Tổ chức bài thơ theo kiểu lắp ghép, tổ hợp, tổ khúc mang dấu ấn âm nhạc, hội họa, kiến trúc và nghệ thuật sắp đặt. Nổi bật trong số những nhà thơ đi đầu cho lối thơ tự do phải kể đến Dương Tường với cách tổ chức bài thơ giống với âm nhạc. Phát triển bài thơ theo một âm vận giống như cách phát triển theo một chủ âm của tác phẩm âm nhạc, bài thơ của Dương Tường phát triển theo một con số, một từ hay cụm từ (32, 24, Noel, se sẽ, tên là, đường dương cầm, chéo…). Sau này có Nguyễn Quang Thiều cũng rất nổi bật với kiểu thơ cấu trúc theo từng chương, lớp lang như một vở nhạc kịch (Mười một khúc cảm). Thú vị nhất là lối thơ tự do đã mang đến cho người sáng tác những đặc quyền vô hạn với con chữ. Cũng như Hoàng Cầm, Dương Tường có những sáng tác không bao giờ viết hoa chữ cái đầu câu. Các câu thơ, dòng thơ dường như hòa trộn, nhập nhòe với nhau trong một thế giới bất tận tự do.
bên cạnh anh
chỗ em nằm trống không chỗ em không bao giờ nằm chỗ đêm nào cũng em nằm chỗ anh độc quyền em
chỗ không ai đàn bà khác nằm chỗ một người đàn bà khác nằm chỗ không bao giờ em
chỗ bao giờ cũng em chỗ đêm nào anh cũng ghì trống không
Hay là những bài thơ đánh số, và cũng không bao giờ viết hoa chữ cái đầu. những ngón tay mưa trời sao bạc tím mộng Schéherazade đêm-ngàn-lẻ-hai ngã tư cột đèn ô kính những ngón tay mưa xập xòe kỷ niệm em mười chín mưa bụi sao
ngả nghiêng trời nào một chớp mi
thăm thẳm
đừng hát nữa em những ngón tay mưa những ngón tay mưa những chuyến tàu đi
(Séresnade 1)
Cách tổ chức bài thơ theo kiểu lắp ghép, cắt dán, mang đậm dấu ấn copy, giễu nhại của chủ nghĩa hậu hiện đại. Với tuyên ngôn “không làm thơ”, Bùi Chát đã xuyên tạc những bài thơ vốn được xem là điển phạm: Thời hoa đỏ, Đau đớn thay đổi… khiến không ít người không thể chấp nhận. Không cần gia công, chế biến gì nhiều, Bùi Chát bê gần như nguyên xi bài thơ nổi tiếng của Thanh Tùng – Thời hoa đỏ, chỉ có điều thêm chữ vào cuối mỗi câu theo kiểu quen cửa
miệng. Với quy tắc copy, Bùi Chát đã có tác phẩm của riêng mình mang tên
Thời hoa đỏ lè.
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao nhậu Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng vẻ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh lặng Chẳng chịu cho lòng ta yên ổn
Anh mải mê về một màu mây xa xôi Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ thó Về cái vẻ thần kì của ngày xưa rồi Em hát một câu thơ cũ sì
Cái say mê của thời thiếu nữ tặc…
Còn Lí Đợi thì nhại lại ca từ của Trịnh Công Sơn mà không có bất cứ một chú thích hay một dấu hiệu nào cho thấy anh ta đã xào xáo tác phẩm của người khác:
Điểm cấp ore điều trị ỉa chảy cấp. Hay sau khi copy gần như nguyên xi bài
Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thành bài Mang tiếng thu đông tây – F2, Lí Đợi kết bằng một câu thơ đầy chế giễu: Con nai vàng ngơ ngác/ Nó ca bài cải lương…
Động tác cắt dán này là sự nhại lại niềm tin vào những khả năng kết hợp tưởng chừng bất biến.
Bên cạnh đó là những bài thơ mang dấu ấn của kiến trúc, âm nhạc, hội họa và nghệ thuật sắp đặt. Điều này tạo nên nhiều thú vị, bất ngờ cho người đọc khi không chỉ cảm nhận nội dung mà còn được thỏa mãn bởi “không gian” mà bài thơ mang đến. Chỉ với một câu thơ “cột sống”, Vũ Trọng Quang đã dần dần cắt xén chữ, nghĩa, tạo nên những cảm giác, suy nghĩ khác nhau trong lòng người đọc:
chính em từ chối thơ tôi khó chịu chính em từ chối thơ tôi khó
chính em từ chối thơ tôi chính em từ chối thơ
chính em từ chính em
chính (design)
Bài thơ có thể đọc theo trục dọc hoặc xiên chéo từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Cấu trúc bài thơ gợi cảm hứng bưng bít, một không gian đóng kín, càng ngày càng thu hẹp đến khó thở. Hay bài thơ Đường ray sau đây lại tạo nên hiệu ứng hình ảnh rõ nét: Tay tay vẫy vẫy xa xa cây cây rũ rũ hoa hoa rầu rầu trùng trùng vút vút mau mau song song mãi mãi nào nào quy quy
Thơ tự do mở ra khoảng không vô tận cho những ý tưởng sáng tạo: triển khai bài thơ theo hướng tạo hình, đề cao vai trò của trực giác, vô thức, xóa bỏ những vần luật, cú pháp, thực hiện một thứ tự do không giới hạn cho ngôn ngữ, hình ảnh, không cần nhịp, không ngắt câu, đôi khi không quan tâm đến nghĩa, kết hợp các thủ pháp hiện đại như đồng hiện, gián cách, phân mảnh… Những
đặc điểm này thể hiện rõ nhất ở các nhà thơ viết theo khuynh hướng chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo đà phát triển, thơ tự do sẽ còn tiến xa hơn nữa và đạt được nhiều thành công hơn nữa. Mặc dù vậy trong sự vận động tìm tòi đó, đôi lúc các nhà thơ tự do vô tình đã đánh mất đi sự giản dị - cái đẹp nhất của thơ ca. Quá đề cao hình thức, thơ đi vào lối rẽ khó hiểu, xa rời độc giả mà quên mất rằng thơ ca đầu tiên là tiếng nói của tâm hồn đến với tâm hồn.
3.1.2. Thơ văn xuôi
Thơ văn xuôi là một hình thức thơ tự do viết bằng văn xuôi. Trên thế giới, nó đã tồn tại hơn một thế kỷ nay với những tên tuổi như Whitman, Baudelaire, Valery, Tagore… Ở Việt Nam, lịch sử phát triển của thơ văn xuôi vô cùng mỏng manh và liên tục bị gián đoạn. Thơ văn xuôi bắt đầu manh nha vào đêm trước của thơ mới với: Giọt lệ thu (Tương phố), Linh Phượng ký (Đông Hồ), Tình già
(Phan Khôi). Vào những năm 40 của thế kỷ XX, ý thức về thơ văn xuôi mới rõ nét hơn ở Phan Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh. Đất thơm, Giọt sương hoa là những thể nghiệm hiếm hoi của họ. Gián cách đến mười năm sau mới lại có một số tác phẩm của Chế Lan Viên, Huy Cận. Nhưng phải đến năm 1964, Xuân Diệu viết tiểu luận Vài ý kiến về thơ văn xuôi (Văn nghệ, số 88, ngày 01/01/1965) thì lần đầu tiên, thơ văn xuôi mới được chú ý với tư cách một thể loại, được bàn đến một cách khoa học và sâu sắc. Xuân Diệu cho rằng thơ văn xuôi ở ta bắt rễ sâu xa từ trong truyền thống văn học của dân tộc (thể từ phú và văn tế). Ông đặc biệt lưu tâm đến vấn đề nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ văn xuôi vốn dài, rộng, phá thể và nhạc tính bên trong câu thơ.
Nhìn chung, thơ văn xuôi vẫn còn là một phạm trù xa lạ, ít được phổ cập trong tâm lý tiếp nhận và sáng tác ở Việt Nam. Nhưng trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hình thức này đã và đang trở thành một thể thơ quen thuộc của nhiều tác giả đương đại, nhất là ở những cây bút trẻ có ý hướng cách tân, thể nghiệm như: Đặng Đình Hưng, Mai Văn Phấn, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh… Năm 1995, một tuyển tập thơ văn xuôi ra đời, tập hợp được một lượng lớn tác phẩm của 110 tác
giả Việt Nam từ 1945 đến những năm 90. Cũng như Chủ nghĩa Hậu hiện đại, cho đến nay vẫn chưa thực sự có một định nghĩa thỏa đáng cho thơ văn xuôi. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì: Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần. Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khêu gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng. Theo Khế Iêm, trong Chú giải về thơ Tân hình thức, thơ văn xuôi xuất hiện khi chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước. Nhà thơ Ba Lan có lý khi nói rằng: “Trong văn xuôi có không gian cho thơ, nhưng trong thơ chỉ có không gian cho thơ”. Vậy thì thế nào là một bài thơ văn xuôi? Ở điểm nào nó là thơ và ở điểm nào nó không phải là thơ? Điều này cần phải khởi nguồn từ những yếu tố căn bản là dòng thơ và câu thơ. Dòng thơ có thể là một câu, cũng có thể là một phần của một câu, và cần nhiều dòng mới hợp thành một