5. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Cái “tôi” trữ tình đương đại
Sau ba mươi năm chiến tranh, thơ ca Việt Nam đứng trước một thời đại mới với những yêu cầu gắt gao cần được cách tân. Chính điều này đã tạo bước đà cho sự giải phóng năng lực sáng tạo của giới cầm bút. Trong sự nghiệp đổi mới đó có sự tìm về với những giá trị bản chất. Thơ trở về với trữ tình cá nhân là tìm về với một nét bản chất của trữ tình. Sau 1975, bên cạnh góc nhìn xã hội, con người đã được văn học khám phá và thể hiện bằng quan điểm bản thể luận. Đó là con người như một thế giới phong phú, phức tạp và là con người thực với những đam mê, dục vọng thường tình, những khắc khoải về số phận, những cảm xúc gần gũi, đời thường. Thơ trữ tình giai đoạn này là sự bừng tỉnh ý thức về cái tôi cá nhân. Trong bản chất, mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, trong đó phản ánh và tồn tại toàn bộ thế giới hiện thực và tất cả những thời đại lịch sử lớn.
Trong chiều sâu của chính mình, con người mới tìm thấy chiều sâu của các thời đại, các tầng bí ẩn thầm kín nhất.
Xuất phát từ đó, đi tìm mình và khẳng định mình trở thành một khát vọng âm thầm nhưng mãnh liệt trong thơ thời kỳ này. Điều đó thể hiện ở những nhan đề thơ, tên gọi những tập thơ như: Chầm chậm tới mình (Trúc Thông), Tôi vẽ mặt tôi (Lê Minh Quốc), Mình anh trong một thế giới (Trần Mạnh Hảo), Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng),…Thơ đi từ nội dung lịch sử - dân tộc, giờ đây trở về với cái tôi cá nhân tự bạch, trở về đề tài đời tư, mang tính đơn nhất, cá biệt, in dấu cá nhân và phơi bày cá tính. Nếu trước 1975, motip “ra đi” mang âm hưởng thời đại thì sau 1975, “trở về” lại hình thành một motip ám ảnh khác trong thơ. Hành trình trở về đồng thời mở ra một thế giới nội tâm của cái tôi cá nhân với muôn vàn sắc thái. Xu hướng chung của thơ là bộc bạch, giãi bày, hướng nội. Mỗi nhà thơ đều tìm cách vẽ và tạc chân dung đích thực của mình, tự thể hiện mình.
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt một đời phù du.
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Tôi vẽ mặt tôi
Bằng chất liệu bụi bặm, khói xe và son phấn.
(Lê Minh Quốc)
Đi tạc mặt vào đêm Hút hút.
(Hoàng Hưng)
Tôi thường bị đám gai của hoa hồng xua đuổi Không cách chi lọt vào mắt vô tình
Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ Tôi ấy mà một chiếc cốc vô danh.
Cái Tôi cá nhân của thơ đương đại có những trải nghiệm của hôm nay và có cả những đồng vọng của một quá khứ, một thời đại. Chính bởi vậy mà cái Tôi này rất phức tạp, giàu khả năng phân tích bản thân với tiếng nói tha thiết, quyết liệt. Trong cuộc kiếm tìm bản ngã, thơ không ngừng phơi bày những giằng co, những hỗn độn, những nghiệt ngã trong nội tại bản ngã ấy.
Tôi uống bao nhiêu phiền muộn Dài dặc sao cuộc kiếm tìm mình.
(Dương Kiều Minh)
Sao ta là con người
Quằn quại chứng nhân chính mình quằn quại.
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Anh là tháp Bayon bốn mặt Dấu đi ba còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
(Chế Lan Viên)
Và vì vậy, người cầm bút không tránh khỏi nỗi hoang mang khi nhận ra bản chất vô cùng của chính tâm hồn mình: giản đơn và rối ren – lớn lao và cạn hẹp – tôi đứng kề bên giới hạn của mình (Ý Lan).
Càng đi sâu vào cái Tôi cá nhân, đi tìm bản ngã, thơ đương đại càng gần với tâm trạng cô đơn và buồn đau khi một mình đối diện với chính mình, như là quy luật tâm lý mà Hoài Thanh đã nói : Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Nỗi buồn và sự cô đơn trở thành những chủ đề được thể hiện đậm nét trong thơ. Như tuyên ngôn của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ và một quyền của thi sĩ, quyền được buồn. Trong nỗi buồn và cô đơn của cái tôi cá nhân đương đại, có thể nhận ra những triết lý về thân phận và con người. Đồng thời, từ góc độ nhân bản, có thể xem đó như sự nhạy cảm trước mọi nỗi đau nhân thế, trước sự không hoàn thiện của cuộc sống. Đó cũng là sự khao khát hạnh phúc, đồng cảm… Cái tôi ứng nghiệm với
mọi trạng thái, mọi cảnh ngộ… và mở ra nhiều chủ đề triết lý nhân sinh trong thơ.
Tình yêu như mọi thời, luôn là một chủ đề hấp dẫn người cầm bút. Ở giai đoạn sự sáng tạo được mở rộng đến không cùng thì tình yêu trở thành chủ đề lớn nhất, thể hiện tập trung nhất cái riêng tư của con người cá nhân với mọi cung bậc, sắc thái đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, thơ tình yêu hôm nay cũng đã gặp phải khá nhiều thách đố. Với tư cách là một đề tài, nó đã đạt tới hoàng kim trong phong trào Thơ Mới. Ngoài tính chất bộc lộ nội tâm, của con người, thơ tình yêu còn là một thách thức đối với những trở lực của xã hội đương thời. Tự do quan hệ nam nữ và lối sống hiện đại hôm nay đã làm cho tình yêu được giải phóng khỏi những ràng buộc. Bên cạnh đó, nó cũng bị giải thiêng, bị trần tục hóa, bớt phần thơ mộng. Con người hiện đại vẫn say mê tình yêu như mọi thời, nhưng tình yêu với tư cách là một đề tài văn học đã không còn mới mẻ nữa. Cho đến hôm nay, có phần nào đã trở nên nhàm chán. Vấn đề bây giờ là ý thức thẩm mỹ của con người hiện đại. Thơ tình yêu chủ yếu gắn với cảm hứng lãng mạn. Tâm hồn con người hôm nay nhiều ưu tư, khắc khoải, không dễ nhập cảm với những bài thơ tình yêu như trước đây. Con người hôm nay cũng được quan niệm một cách duy lý hơn, vừa là một thực thể tinh thần và cũng là một thân xác với những khao khát rất trần tục. Người đọc thời hiện đại từng trải hơn, đòi hỏi tác phẩm phải như là một công trình nghệ thuật hơn là một thế giới cảm xúc đơn thuần. Nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến dòng thơ trữ tình của những nhà thơ nữ, từ thế hệ của Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn… cho tới Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Trương Quế Chi… Những gương mặt thơ này đã góp phần làm phong phú diện mạo thơ đương đại, và cũng chính là một biểu hiện nổi bật của xu hướng hậu hiện đại trong thơ ca.