5. Cấu trúc luận văn
1.3. Chủ nghĩa hậu hiện đại và thơ việt nam đương đại
Trước khi nói về Chủ nghĩa Hậu hiện đại và thơ Việt Nam đương đại, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề Chủ nghĩa Hậu hiện đại ở những nước phát triển, những nước đã từng tồn tại khái niệm Hiện đại, với Chủ nghĩa Hậu hiện đại ở những nước bị xem là “ngoại biên”, những nước đang phát triển, chưa từng hoặc mới chỉ hình thành khái niệm Hiện đại. Bởi Hậu hiện đại như đã trình bày ở trên, nếu nhìn từ góc nhìn phương Tây, là sự chống lại chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa Hậu hiện đại là sự sụp đổ những cái đơn nhất và toàn trị để nhường chỗ cho những phần mảnh và những yếu tố ngoại biên, là sự khủng hoảng của tính nhất quán và là sự nở rộ của những sự dị biệt, là sự thoái vị của tính hệ thống và sự thăng hoa của tính đa tạp. Một cách vắn tắt, tự bản chất, Chủ nghĩa Hậu hiện đại là một thứ chủ nghĩa đa nguyên. Và thực tế, tinh thần đa nguyên ấy đã và đang đưa đến những hệ quả tốt đẹp như: chúng làm giảm thiểu tính chất kỳ thị vốn hình thành và củng cố trong suốt lịch sử chinh phục thuộc địa của các đế quốc, làm diện mạo văn hóa của nhân loại khởi sắc và đa dạng lên. Hơn thế, chúng xóa bỏ hoặc ít nhất làm mờ nhạt đi, trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, sự phân biệt trọng tâm và ngoại biên, nhờ đó mà một số hiện tượng văn học nghệ thuật từ lâu vốn bị xem là ngoại biên nay đã có cơ hội nổi lên, trở thành bình đẳng với mọi hiện tượng văn học nghệ thuật khác tại các quốc gia phương Tây. Trong các hiện tượng mới nổi lên ấy có nền văn học của các thổ dân, các cộng đồng di dân và tị nạn, những người đồng tính luyến ái. Đáng kể nhất là nền văn học nữ quyền, và hậu thực dân của những người mà trước kia, cả một thời gian dài trong lịch sử bị coi là những cái khác (Otherness), những sự ngoại lệ và bất toàn. Cho đến nay, những hiện tượng văn học ngoại biên ấy không những được bình đẳng mà còn có khuynh hướng trở thành những hiện tượng chủ đạo trong sinh hoạt văn học thế giới. Theo sự ghi nhận của W.J.T.Mitchell [31], nếu
những thành tựu lớn nhất và mới nhất trong lĩnh vực lý thuyết phê bình văn học vẫn tiếp tục thuộc về Bắc Mỹ và Âu châu thì những thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vực sáng tác lại thuộc về các nước cựu thuộc địa hoặc bị coi là ngoài lề các trung tâm văn minh hiện đại của nhân loại từ Nam Phi, Trung Đông, Nam Mỹ đến Úc và một số quốc gia châu Á. Và thực tế đã cho thấy, trong danh sách những cây bút được xem là xuất sắc của khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại, có phần đông các tác giả xuất thân từ Thế giới Thứ ba như Julio Cortazar (Argentina), John M.Coetzee (Nam Phi), Ben Okri (Nigeria), Carlos Fuentes (Mexico)… Ở phạm vi quốc gia, Chủ nghĩa Hậu hiện đại không chỉ phát triển thành những trào lưu mạnh mẽ ở châu Âu hay Bắc Mỹ, mà còn lan rộng sang các quốc gia ở châu Mỹ latinh, châu Phi và các quốc gia thuộc khối cộng sản cũ ở Đông Âu, dần dần lan sang cả các nước châu Á. Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại, với nhiều thành tựu đã được thế giới ghi nhận. Vậy ở đây, có một vấn đề cần tìm hiểu, đó là vì sao Hậu hiện đại lại có thể phát triển và nở rộ ở những nơi chưa hay mới chỉ xuất hiện khái niệm hiện đại?
Ở châu Á, khi nói đến văn học Nhật Bản, khá dễ hiểu vấn đề tiếp cận và phát triển Chủ nghĩa Hậu hiện đại ở đây. Vì về phương diện kinh tế cũng như cấu trúc xã hội, Nhật Bản rất gần gũi với phương Tây, đã bước hẳn vào thời đại hậu kỹ nghệ và hậu hiện đại. Nhưng còn ở Trung Quốc và Việt Nam thì sao? Nếu Trung Quốc tiếp cận với văn hóa và văn học phương Tây một cách nhanh chóng và tích cực thì Việt Nam lại hết sức dè dặt và có phần không thiện chí. Tuy nhiên dù tiếp cận với thái độ như thế nào, thì người ta vẫn hoàn toàn có thể nhận thấy là việc hoàn tất hay chưa hoàn tất khái niệm Hiện đại không hề quyết định hay ảnh hưởng tiêu cực tới việc có hay không có một nền văn học Hậu hiện đại. Riêng ở Việt Nam, do có một thời gian dài là thuộc địa của Pháp, văn hóa và văn học phương Tây đã tạo nên một phong trào đổi mới tích cực, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ là phong trào Thơ Mới. Đây chính là “mầm mống”, là sự “manh nha” cho việc hình thành một nền văn học hiện đại ở Việt Nam, kéo dài
suốt gần một thế kỷ qua. Nhưng do những tác động của lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế, nền văn học ấy vẫn chưa hoàn tất tính hiện đại. Giờ đây, trước xu hướng toàn cầu hóa, nền văn học Việt Nam lại đứng trước những công cuộc đổi mới táo bạo hơn.
Trong nền văn hóa phong phú, đa dạng của Việt Nam, ngoài các yếu tố vẫn mang dáng dấp trung đại và các yếu tố hiện đại, đã thấp thoáng những yếu tố mang tính hậu hiện đại (mà chúng tôi sẽ phân tích và đề cập tới ở những chương sau). Sự xuất hiện dù chỉ thấp thoáng của các yếu tố hậu hiện đại mới mẻ này chính là những điều kiện thuận lợi để giới cầm bút Việt Nam có thể tiếp cận toàn diện với Chủ nghĩa Hậu hiện đại thế giới.
CHƯƠNG 2
NHỮNG BIỂU HIỆN VỀ MẶT NỘI DUNG
2.1. Cái “tôi” trữ tình
2.1.1. Định nghĩa cái “tôi” trữ tình
Khái niệm cái tôi là một khái niệm có nội hàm rộng đến nỗi khó xác định được toàn bộ ý nghĩa của nó. Cái tôi cá nhân vừa có ý nghĩa bản thể bất biến vừa mang tính xã hội – lịch sử và vận động phát triển qua các thời đại.
Tôn giáo nói chung không thừa nhận cái tôi cá nhân và nếu có nói đến chăng nữa cũng chỉ là để hòa tan nó vào những quan niệm siêu hình. Cơ đốc giáo quy tất cả các giá trị vào linh hồn. Triết lý Phật giáo xây dựng trên căn bản thuyết Vô ngã (không có Ta). Tức là không có cái ta thường tại, cái Ta mà ta tưởng đang tồn tại thực ra chỉ là giả tưởng và do vậy mọi sở hữu của ta cũng chỉ là giả tưởng. Tư tưởng Nho giáo cũng không dành chỗ cho cái tôi cá nhân. Theo Nho giáo, cá nhân hiện diện không phải như hình ảnh của chính bản thân nó, mà trong sự chế định của tự nhiên và xã hội. Cá nhân hòa tan vào một bản chất chung của con người – tự nhiên, con người – chức năng, con người – cương thường, và không có ý nghĩa như một cái tôi tồn tại độc lập. Các triết học duy tâm hiện đại cũng rất chú trọng đến phương diện cái tôi cá nhân. Theo Kant, cái tôi bao gồm hai phương diện: chủ thể tư duy và khách thể của chính nhận thức. Như vậy, cái tôi đó cũng bắt đầu sự tự kỷ ý thức, bản thân nó cũng chính là một đối tượng để khám phá, tìm hiểu. Còn Hegel một mặt coi cái tôi như là sự tha hóa của ý niệm tuyệt đối, một mặt nhấn mạnh vai trò to lớn của cái tôi, coi cái tôi là trung tâm của tồn tại, cái tôi có khả năng, khát vọng và sức mạnh để thể hiện mình trong hiện thực. Những quan niệm này của Kant và Hegel đã có đóng góp quan trọng vào việc khẳng định vai trò của chủ thể sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật.
Tâm lý học mác-xít chú ý đến cái tôi ở nhiều phương diện: cái tôi cá nhân khác với cá thể; cái tôi như là sự tự ý thức của cá nhân, là trung tâm định hướng
và điều chỉnh nhận thức, xúc cảm, hành vi của con người. Trong khi đó, phân tâm học của Freud lại phát hiện ra thế giới vô thức trong cái tôi.
Khảo sát qua các tư tưởng triết học và nhân văn về cái tôi cá nhân, có thể nhận ra một số tư tưởng chính, có ảnh hưởng đáng kể tới nghệ thuật, thơ ca. Sự vận động và các biểu hiện đa dạng của quan niệm cái tôi trong thực tiễn lịch sử chính là căn nguyên của sự vận động cái tôi trữ tình trong thơ với những biến thái phong phú của nó. Cái tôi trữ tình như là một nhân tố khởi sự và hoàn tất của sáng tạo trữ tình. Cuốn Thuật ngữ văn học và phê bình Mỹ 1993 đưa ra quan điểm lý luận cho rằng bài thơ trữ tình là một bài thơ trong đó nhà thơ viết về những suy nghĩ và cảm xúc của mình, trong đó nhà thơ cố gắng điều khiển và tổ chức cảm xúc và ấn tượng của mình.
Cái tôi trữ tình có thể hiểu là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo, mang tính thẩm mỹ, nhằm truyền đạt năng lượng tinh thần ấy đến người đọc.
2.1.2. Cái “tôi” trữ tình đương đại
Sau ba mươi năm chiến tranh, thơ ca Việt Nam đứng trước một thời đại mới với những yêu cầu gắt gao cần được cách tân. Chính điều này đã tạo bước đà cho sự giải phóng năng lực sáng tạo của giới cầm bút. Trong sự nghiệp đổi mới đó có sự tìm về với những giá trị bản chất. Thơ trở về với trữ tình cá nhân là tìm về với một nét bản chất của trữ tình. Sau 1975, bên cạnh góc nhìn xã hội, con người đã được văn học khám phá và thể hiện bằng quan điểm bản thể luận. Đó là con người như một thế giới phong phú, phức tạp và là con người thực với những đam mê, dục vọng thường tình, những khắc khoải về số phận, những cảm xúc gần gũi, đời thường. Thơ trữ tình giai đoạn này là sự bừng tỉnh ý thức về cái tôi cá nhân. Trong bản chất, mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, trong đó phản ánh và tồn tại toàn bộ thế giới hiện thực và tất cả những thời đại lịch sử lớn.
Trong chiều sâu của chính mình, con người mới tìm thấy chiều sâu của các thời đại, các tầng bí ẩn thầm kín nhất.
Xuất phát từ đó, đi tìm mình và khẳng định mình trở thành một khát vọng âm thầm nhưng mãnh liệt trong thơ thời kỳ này. Điều đó thể hiện ở những nhan đề thơ, tên gọi những tập thơ như: Chầm chậm tới mình (Trúc Thông), Tôi vẽ mặt tôi (Lê Minh Quốc), Mình anh trong một thế giới (Trần Mạnh Hảo), Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng),…Thơ đi từ nội dung lịch sử - dân tộc, giờ đây trở về với cái tôi cá nhân tự bạch, trở về đề tài đời tư, mang tính đơn nhất, cá biệt, in dấu cá nhân và phơi bày cá tính. Nếu trước 1975, motip “ra đi” mang âm hưởng thời đại thì sau 1975, “trở về” lại hình thành một motip ám ảnh khác trong thơ. Hành trình trở về đồng thời mở ra một thế giới nội tâm của cái tôi cá nhân với muôn vàn sắc thái. Xu hướng chung của thơ là bộc bạch, giãi bày, hướng nội. Mỗi nhà thơ đều tìm cách vẽ và tạc chân dung đích thực của mình, tự thể hiện mình.
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt một đời phù du.
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Tôi vẽ mặt tôi
Bằng chất liệu bụi bặm, khói xe và son phấn.
(Lê Minh Quốc)
Đi tạc mặt vào đêm Hút hút.
(Hoàng Hưng)
Tôi thường bị đám gai của hoa hồng xua đuổi Không cách chi lọt vào mắt vô tình
Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ Tôi ấy mà một chiếc cốc vô danh.
Cái Tôi cá nhân của thơ đương đại có những trải nghiệm của hôm nay và có cả những đồng vọng của một quá khứ, một thời đại. Chính bởi vậy mà cái Tôi này rất phức tạp, giàu khả năng phân tích bản thân với tiếng nói tha thiết, quyết liệt. Trong cuộc kiếm tìm bản ngã, thơ không ngừng phơi bày những giằng co, những hỗn độn, những nghiệt ngã trong nội tại bản ngã ấy.
Tôi uống bao nhiêu phiền muộn Dài dặc sao cuộc kiếm tìm mình.
(Dương Kiều Minh)
Sao ta là con người
Quằn quại chứng nhân chính mình quằn quại.
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Anh là tháp Bayon bốn mặt Dấu đi ba còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
(Chế Lan Viên)
Và vì vậy, người cầm bút không tránh khỏi nỗi hoang mang khi nhận ra bản chất vô cùng của chính tâm hồn mình: giản đơn và rối ren – lớn lao và cạn hẹp – tôi đứng kề bên giới hạn của mình (Ý Lan).
Càng đi sâu vào cái Tôi cá nhân, đi tìm bản ngã, thơ đương đại càng gần với tâm trạng cô đơn và buồn đau khi một mình đối diện với chính mình, như là quy luật tâm lý mà Hoài Thanh đã nói : Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Nỗi buồn và sự cô đơn trở thành những chủ đề được thể hiện đậm nét trong thơ. Như tuyên ngôn của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ và một quyền của thi sĩ, quyền được buồn. Trong nỗi buồn và cô đơn của cái tôi cá nhân đương đại, có thể nhận ra những triết lý về thân phận và con người. Đồng thời, từ góc độ nhân bản, có thể xem đó như sự nhạy cảm trước mọi nỗi đau nhân thế, trước sự không hoàn thiện của cuộc sống. Đó cũng là sự khao khát hạnh phúc, đồng cảm… Cái tôi ứng nghiệm với
mọi trạng thái, mọi cảnh ngộ… và mở ra nhiều chủ đề triết lý nhân sinh trong thơ.
Tình yêu như mọi thời, luôn là một chủ đề hấp dẫn người cầm bút. Ở giai đoạn sự sáng tạo được mở rộng đến không cùng thì tình yêu trở thành chủ đề lớn nhất, thể hiện tập trung nhất cái riêng tư của con người cá nhân với mọi cung bậc, sắc thái đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, thơ tình yêu hôm nay cũng đã gặp phải khá nhiều thách đố. Với tư cách là một đề tài, nó đã đạt tới hoàng kim trong phong trào Thơ Mới. Ngoài tính chất bộc lộ nội tâm, của con người, thơ tình yêu còn là một thách thức đối với những trở lực của xã hội đương thời. Tự do quan hệ nam nữ và lối sống hiện đại hôm nay đã làm cho tình yêu được giải phóng khỏi những ràng buộc. Bên cạnh đó, nó cũng bị giải thiêng, bị trần tục hóa, bớt phần thơ mộng. Con người hiện đại vẫn say mê tình yêu như mọi thời, nhưng tình yêu với tư cách là một đề tài văn học đã không còn mới mẻ nữa. Cho đến hôm nay, có phần nào đã trở nên nhàm chán. Vấn đề bây giờ là ý thức thẩm mỹ của con người hiện đại. Thơ tình yêu chủ yếu gắn với cảm hứng lãng mạn. Tâm hồn con người hôm nay nhiều ưu tư, khắc khoải, không dễ nhập cảm với những bài thơ tình yêu như trước đây. Con người hôm nay cũng được quan niệm một cách duy lý hơn, vừa là một thực thể tinh thần và cũng là một thân xác với những khao khát rất trần tục. Người đọc thời hiện đại từng trải hơn, đòi hỏi tác phẩm phải như là một công trình nghệ thuật hơn là một thế giới cảm xúc đơn thuần. Nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến dòng thơ trữ tình của những nhà thơ nữ, từ thế hệ của Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn… cho tới Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Trương Quế Chi… Những gương mặt thơ này đã góp phần làm phong phú diện mạo thơ đương đại, và cũng chính là một biểu hiện nổi bật của xu hướng hậu hiện đại trong thơ ca.
2.1.3. Tiếng nói “nữ quyền” của thơ đương đại
Ngay từ buổi đầu, thơ là tiếng nói của tâm hồn, của trái tim và của niềm