1 Kết luận:
Với định hướng phát triển và đổi mới năng lực của Công ty CPVT thủy-VINACOMIN, là đơn vị thành viên của tập đoàn than khoáng sản Việt Nam với chức năng khai thác các tàu hàng mẫu đóng mới trong nước, chúng tôi, những Cán bộ làm công tác quản lý trên bờ mong muốn hình thành những hướng dẫn mang tính thiết yếu để kiện toàn bộ máy quản lý trên Công ty cũng như bổ sung những kiến thức về nghiệp vụ quản lý an toàn cho các Thuyền trưởng sỹ quan làm việc dưới tàu để đảm bảo khai thác đội tàu mẫu an toàn, hiệu quả đáp ứng và tuân thủ đầy đủ theo các yêu cầu mới của các luật lệ, quy định quốc tế và trong nước.
Nội dung của đề tài đã đề cập đến các quy định, luật lệ quốc tế và trong nước liên quan đến việc quản lý an toàn cho đội tàu biển họat động tuyến quốc tế; đồng thời đề tài cũng đã đề cập đến một số nguồn đáng tin cậy để thu nhận các thông tin bổ sung liên quan.
Đề tài cũng đã đề cập tới cách thức và phương pháp triển khai, duy trì và soát xét một cách hiệu quả hệ thống quản lý an toàn trên Công ty và trên các tàu cũng như cách thức triển khai và duy trì bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về an ninh đối với tàu biển.
Bên cạnh đó đề tài cũng đã giới thiệu việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để theo dõi lộ trình đội tàu và các hướng dẫn phụ trợ mà cán bộ trên Công ty có thể thu thập được để hướng dẫn và hỗ trợ cho việc hành hải an toàn của đội tàu.
Ngoài ra đề tài còn đề cập một cách khái quát về hệ thống các ấn phẩm hàng hải cần có trên tàu, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các thuyền viên cũng như là đối tượng kiểm tra của Thanh tra an toàn các cảng.
Một khía cạnh nữa cũng đã được đề cập đến trong đề tài là công tác bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm Trách nhiệm dân sự chủ tàu. Những công việc cần thực hiện bảo đảm quyền lợi chính đánh của Chủ tàu khi xảy ra sự cố, tổn thất đối với tàu.
Chúng tôi mong muốn nội dung đề cập trong luận án này sẽ được bổ sung và chỉnh lý thêm làm tài liệu tham khảo tốt cho các Cán bộ, thuyền viên Công ty CPVTthủy-VINACOMIN.
1 Kiến nghị
a. Kiến nghị đối với Công ty Cổ phần vận tải thủy VINACOMIN:
Thường xuyên nắm bắt các quy định mới cả trong nước và quốc tế để triển khai áp dụng phù hợp.
Xác định được các thiết bị trọng yếu trên tàu và lập kế hoạch bảo dưỡng, kiểm tra cụ thể cho từng thiết bị.
Xác định được các chi tiết đặc biệt quan trọng mà hư hỏng của nó có thể ảnh hưởng lớn tới tính an toàn của con tàu để có phân cấp ưu tiên thường xuyên giám sát các chi tiết này.
Xây dựng bộ phận chuyên trách trên Công ty với chức năng kiểm tra phỏng vấn kết hợp với hướng dẫn bổ sung cho các thuyền viên trước khi điều động xuống tàu.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát tàu và đánh giá nội bộ. Nên cử cán bộ về an toàn đi theo mỗi tàu một chuyến để hướng dẫn, kiểm tra giám sát các hoạt động an toàn của tàu.
Bổ sung thêm một chức danh Thuyền phó 4 chuyên chịu trách nhiệm về triển khai, áp dụng và đôn đốc hệ thống quản lý an toàn và kế hoạch an ninh trên mỗi tàu.
Cho triển khai dịch vụ Weather Routing đối với các tàu có tuyến hành trình vượt đại dương và triển khai áp dụng dịch vụ Purple Finder trên tất cả các tàu của Công ty.
b. Kiến nghị đối với các Cơ quan chức năng:
Nên tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ “Sỹ quan an toàn” để đào tạo chuyên sâu về vấn đề quản lý an toàn cho Thuyền trưởng và Sỹ quan trên tàu. Các khoá đào tạo này có thể có cấu trúc dựa trên các khoá đào tạo “Đánh giá viên” (Auditer) và đào tạo “ Thanh tra viên an toàn của Chính quyền Cảng” (Port State Control Officer).