3.1. Khái niệm ngữ nghĩa
Mọi người đều nói, từ có nghĩa hoặc ý nghĩa, ngữ nghĩa nào đó. Vậy
nghĩa, ý nghĩa, ngữ nghĩa là gì? Chúng có khác nhau không? Để trả lời cho
câu hỏi này, chúng tôi phân biệt ba khái niệm: nghĩa, ý nghĩa, ngữ nghĩa,. Theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm ý nghĩa được hiểu: “1. Nội dung chứa đựng trong một hình thức biểu hiện bằng ngôn ngữ, văn tự hoặc bằng một kí hiệu nào đó. Bài thơ có ý nghĩa châm biếm. Lời nói hàm nhiều ý nghĩa. 2. Giá trị, tác dụng. Chiến thắng có ý nghĩa quyết định. Việc đó chẳng có ý
nghĩa gì với tôi” [41, tr.1437]. Định nghĩa này có ý nghĩa biểu hiện trong từ
và có ý nghĩa trong câu hay những đơn vị trên câu.
Về ý nghĩa trong từ, theo tác giả Đỗ Hữu Châu : “Ý nghĩa của từ biểu
thị những sự vật và hiện tượng của đời sống thực tế và đời sống tâm lý của con người. Người ta có thể hiểu biết một đối tượng nào đấy không có trước mắt khi nhắc đến cái tên gọi của nó. Như vậy là có mối liên hệ giữa từ và các đối tượng phức tạp của đời sống” [5, tr.9]. Và “Từ có khả năng vừa biểu thị khái niệm vừa biểu thị biểu tượng là do hai mức độ của nhận thức cảm tính tuy có khác nhau về chất nhưng vẫn mật thiết liên hệ với nhau. Khả năng này cũng giúp ta phân biệt nghĩa và khái niệm” [5, tr.28].
Còn tác giả Nguyễn Kim Thản (1963) cho rằng: “Ngôn ngữ bao giờ cũng gồm có hai mặt: một là cái được diễn đạt, tức là nội dung bên trong, là ý nghĩa...” và “từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ có thể tách khỏi các đơn vị
khác của lời nói để vận dụng một cách độc lập và là một khối hoàn chỉnh về ngữ âm, ý nghĩa (từ vựng hoặc ngữ pháp) và chức năng ngữ pháp” [44, tr.31].
Tác giả Đỗ Hữu Châu cũng khẳng định “Các ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp có tính chất tương đối ổn định, vững bền, chúng là những sự kiện cấu trúc ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Chúng là những ý nghĩa ngôn ngữ” [5, tr.98].
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp (1985) lại cho rằng: “Ý nghĩa từ vựng và ngữ pháp gắn bó chặt chẽ với nhau ở trong từ tiếng Việt. Vì vậy, ý nghĩa tiếng Việt thường có tính chất trừu tượng, khái quát. Chỉ khi kết hợp với các ý nghĩa của nó mới được cụ thể hóa” [18, tr71].
Về khái niệm ngữ nghĩa, theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm ngữ nghĩa được hiểu là: “1. Nghĩa của từ, câu, ...trong ngôn ngữ (nói khái quát). Ngữ
nghĩa của từ. Phân tích ngữ nghĩa của câu thơ. 2. Ngữ nghĩa học (nói tắt) ”
[41, tr.86].
Theo tác giả Nguyễn Như Ý, khái niệm ngữ nghĩa là “Toàn bộ nội dung, thông tin được ngôn ngữ truyền đạt hoặc được đơn vị nào đó của ngữ nghĩa thể hiện (như từ, hình thái ngữ pháp của từ, cụm từ, câu) ” [ 53, tr.183].
Cũng theo Từ điển Giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, cho rằng: “1. Sự phản ánh đối tượng của hiện thực (các hiện tượng, các quan hệ, phẩm chất vào trong nhận thức , trở thành một yếu tố của ngôn ngữ nhờ vào việc tạo nên mối liên hệ thường trực, liên tục với một chuỗi âm thanh nhất định nhờ đó sự phản ánh hiện thực trong nhận thức đươch hiện thực hóa... 2. Toàn bộ các chức năng của các đơn vị ngôn ngữ này biểu hiện, phản ánh là mặt nội dung của chúng. Ví dụ: Nghĩa chuyển; nghĩa số lượng. Nghĩa của từ không phải là một thực thể độc lập với ngôn ngữ đó nó tồn tại, mà chỉ là một khái niệm về sự vật khách quan được phản ánh trong ngôn ngữ. Mặt được biểu hiện, tức nghĩa của từ được xác định bởi những mối quan hệ của chúng với những từ khác trong hệ thống. Nói cách khác, nghĩa của từ là một tập hợp các nét khu
biệt (còn gọi là nét nghĩa, hay nghĩa vị). Đó là những tiêu chí mà tiếng nói giữ lại để nhận biết một loại đối tượng nào đó trong những vật thể của hiện thực. Như vậy, nghĩa của từ là một cấu trúc có thể phân xuất ra những yếu tố cấu tạo nhỏ nhất, giống như các nét khu biệt trong âm vị học. Ví dụ: Nghĩa của từ “anh” trong tiếng Việt gồm các nghĩa vị: “đàn ông”, “sinh trước”, “trước
quan hệ gia đình với người cùng thế hệ” v.v... ” [53 ,tr143]. Cách hiểu này
nghĩa cũng chính là nét nghĩa (trong cấu trúc nghĩa của từ).
Vậy, khái niệm ngữ nghĩa mà chúng tôi sử dụng trong đề tài này thuộc nhóm 1 của Từ điển tiếng Việt, chỉ: nghĩa của từ, câu trong ngôn ngữ. Ví dụ:
Tìm hiểu ngữ nghĩa của từ trong câu.