Dù hai nhà thơ có những nét giống nhau trong cách sử dụng từ láy như đã nêu ở trên, nhưng ở hai nhà thơ vẫn có những nét khác nhau. Những nét khác nhau đó tạo nên những đặc sắc riêng, sáng tạo riêng ở mỗi tác giả.
a) Số lượng
Theo kết quả khảo sát thống kê ở mục trên, chúng tôi nhận thấy về số lượng từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện với số lượng và tần số nhiều hơn so với Nguyễn Bính. Tỉ lệ từ láy xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính là 2,2% trong khi đó trong thơ Hàn Mặc Tử là 3%. Từ láy vì thế đã trở thành công cụ hiệu quả trong thơ Hàn Mặc Tử. Có những bài thơ chỉ với 12 câu thơ
nhưng có đến 5 từ láy (trong bài Nắng mới; Bẽn lẽn), lại có những bài có 8 từ
láy/ 18 câu thơ (Sáng trăng), bài Cuối thu có 8 từ/ 16 câu. Thậm chí chỉ bốn câu thơ nhưng đã xuất hiện tới 6 từ láy:
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ Với buồn phơn phớt, vắng trơ trơ Cây gì mảnh khảnh run cầm cập Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.
(Cuối thu, tr.59)
Với Nguyễn Bính, từ láy trong thơ ông xuất hiện không nhiều như trong thơ Hàn Mặc Tử, bài thơ có sự xuất hiện nhiều nhất của từ láy trong thơ Nguyễn Bính là bài Mưa Xuân 6 từ/ 40 câu. Nếu như từ láy trở thành phương tiện công cụ hiệu quả trong thơ Hàn Mặc Tử để nhà thơ truyền tải những tâm sự, nỗi niềm, nỗi đau đớn của chính mình bằng những câu thơ, dòng thơ thì từ láy trong thơ Nguyễn Bính thường để miêu tả, gợi tả những số phận con người cũng như tính chất của sự vật, hiện tượng, thỉnh thoảng những từ láy trong thơ ông có nói đến tâm trạng nhưng rất ít, có chăng chỉ là những nỗi niềm về tình yêu hay nỗi buồn chia xa,...
b) Cách sử dụng từ láy
Từ láy trong thơ Nguyễn Bính là những từ láy hết sức quen thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, nó dễ hiểu dễ nhớ, dễ thuộc như những vần thơ mộc mạc, bình dị, chân chất của ông:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy ... Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.
(Mùa xuân, tr.5-6)
Còn từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử lại xuất hiện rất nhiều từ mới hoặc từ láy ít được sử dụng trong thơ: thẹn thuồng, lỏn lẻn, thẹn thò, sượng sần,
sượng sùng, ngấu, rền rĩ, sóng soãi, xo xắn, the thé, hơ hớ, sượng sùng, phiếu diễu, bải hoải, mê mẩn, trộn trạo, xí xóa,...
Ống quần xo xắn lên đầu gối.
(Nụ cười, tr.36)
Đây cũng chính là nét độc đáo trong cách sử dụng từ láy của Hàn Mặc Tử so với các nhà thơ khác đương thời. Các từ láy mới lạ này nếu không đặt trong kết hợp, cấu trúc của câu thơ thì khó hiểu hết được ý nghĩa của nó. Điều này cũng dễ hiểu bởi Hàn Mặc Tử là nhà thơ theo trường phái tượng trưng siêu thực, chính thi pháp đó ít nhiều nó chi phối đến tư tưởng cũng như cách sử dụng từ ngữ trong thơ, trong đó có từ láy. Trong suốt cuộc đời mình, dù chịu nhiều đau đớn về thể xác lẫn tinh thần nhưng Hàn Mặc Tử vẫn không ngừng làm mới ngôn từ, cách sử dụng từ ngữ trong thơ, trong đó có từ láy. Đặc biệt trong dạng từ láy phụ âm đầu có những hiện tượng biến âm như:
thầm thĩ (biến âm của từ thầm thì), não nê (biến âm của từ não nề), ... đó cũng
chính là những sáng tạo độc đáo trong cách sử dụng từ láy của Hàn Mặc Tử so với các nhà thơ khác nói chung, Nguyễn Bính nói riêng. Vì vậy, Chu Văn Sơn trong “Ba đỉnh cao thơ Mới Xuân Diệu - Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử” đã viết rằng: Trong các nhà thơ Mới, Xuân Diệu thì mới nhất, Còn Nguyễn
Bính thì “quen nhất”, trong khi Hàn Mặc Tử là “lạ nhất” [42, tr.3].
Từ láy trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu là miêu tả tính chất, hình dáng của sự vật cũng như đặc điểm, tích cách, số phận của con người là chủ yếu, mặc dù vẫn có những từ láy bộc lộ tâm trạng cảm xúc của con người nhưng số lượng không nhiều. Và hầu hết những cảm xúc tâm trạng trong thơ Nguyễn Bính là những nỗi buồn của sự xa cách, hay nỗi buồn khi tình yêu không được đền đáp, sự cô đơn, lẻ loi “trong xứ người xa lạ”. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Bính là nỗi buồn phảng phất của người con xa quê luôn hướng về cố hương, hay nỗi buồn khi người yêu không đến, nỗi buồn của chàng trai yêu đơn phương. Còn từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử chủ yếu là lớp từ chỉ cảm xúc,
trạng thái tâm trạng của con người dù thỉnh thoảng nhà thơ dùng từ láy để miêu tả cảnh vật, cảnh sinh hoạt nhưng số lượng từ láy này không nhiều. Nếu Nguyễn Bính là “thi sĩ của thương yêu”, thì Hàn Mặc Tử là “thi sĩ của đau
thương”. Đau thương ở Hàn Mặc Tử là một thứ siêu nghiệm. Đau thương vừa là dạng thức vừa là cung bậc của cảm xúc thơ trong hồn thơ Hàn Mặc Tử
[42, tr.230]. Đau thương đó như được nhân lên gấp bội khi chúng ta đi sâu tìm hiểu cung bậc của các từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử đặc biệt là trong tập thơ
Đau thương: lúc đầu chỉ là nỗi buồn “phơn phớt”, sau đó cung bậc buồn cứ
tăng dần lên thành “buồn buồn”, “buồn bã”, sau đó khi nỗi đau đã lên đến đỉnh điểm thì “rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan”. Trong cơn đau đớn vì bệnh tật vì người yêu bỏ đi lấy chồng, cô đơn, lẻ loi thi sĩ kêu gào, khóc “nức nở”, say “chếnh choáng”, say “chới với” nhưng đó chưa phải là tận cùng của
sự đau đớn, mà sự đau đớn được đẩy lên đỉnh điểm khi ta bắt gặp những vần thơ kì dị cuối tập thơ Đau thương. Ở đây, ta bắt gặp một Hàn Mặc Tử đầy bi quan, chán nản, đau đớn đầy bệnh hoạn. Nhà thơ như hóa điên, luôn chìm đắm, ngập lụt trong vũng “máu đào ác lặn” với sự xuất hiện của hàng loạt từ láy trong bài Hồn là ai: no nê, sặc sụa, ngấu nghiến, sượng sần, rùng rợn,
thổn thức, ngả nghiêng, lặn lội, ...
Có lẽ trong thơ văn Việt Nam không có nhà thơ nào mà đau đớn đến vậy, một loạt các từ láy lạ, rất ít khi xuất hiện trong thơ văn nhưng nó đã được Hàn Mặc Tử sử dụng để nói về nỗi đau đớn tột cùng đó. Tất cả đều gợi lên một cảm giác ghê sợ, kì quái của căn bạo bệnh cũng như nỗi đau đớn khôn nguôi mà nhà thơ phải chịu đựng. Người ta chẳng những thấy được cái lí của những hình thức kì dị quá xa lạ, mà còn xuyên qua rào cản của những cảm giác kinh dị để nhận ra những nỗi niềm thơ chân chính của thi nhân. Đó là tiếng kêu đau đớn rỉ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫng tan hoang, là tiếng lòng thổn thức của một thân phận bị dồn đẩy đến miệng vực của cái chết, chới với bên bờ vực đau đớn để nhìn lại thế giới, nuối đời, níu đời.
2.4. Tiểu kết chương 2
Ở chương này, luận văn tập trung tìm hiểu đặc điểm của lớp từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính. Về phương diện này, chúng tôi thấy có những đặc điểm sau:
- Về số lượng và cấu tạo: Trong thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính sử dụng từ láy với số lượng khá lớn. Trong thơ Hàn Mặc Từ là 182 từ/ 60 bài với 233 lần sử dụng, trong đó láy bộ phận chiếm 89%. Trong thơ Nguyễn Bính là 88 từ với 95 lần sử dụng.
- Về từ loại: Hầu hết các từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính sử dụng đều là từ láy động từ và tính từ. Đặc biệt là lớp tính từ, đây là lớp từ có giá trị biểu cảm cao trong thơ văn, từ láy tính từ làm cho câu thơ mượt mà hơn, bóng bẩy hơn.
- Về ngữ nghĩa: Chúng tôi nhận thấy trong thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính đều sử dụng 3 kiểu từ láy: từ láy biểu trưng hóa ngữ âm giản đơn, từ láy biểu trưng hóa ngữ âm cách điệu, từ láy biểu trưng hóa ngữ âm vừa chuyên biệt về ngữ nghĩa. Trong đó, từ láy biểu trưng hóa ngữ âm cách điệu chiếm số lượng nhiều nhất.
Qua khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy cả hai nhà thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính có cách vận dụng từ láy khá độc đáo, khác với các nhà thơ khác: Nếu Hàn Mặc Tử có cách sử dụng từ láy theo trường ngữ nghĩa từ vựng trong mỗi bài thơ, ngoài ra trong thơ Hàn Mặc Tử, còn xuất hiện rất nhiều từ láy mới lạ, và ít được dùng trong thơ văn như: xo xắn, rền rĩ, thầm thĩ,... thì từ láy trong thơ Nguyễn Bính lại được sử dụng hết sức đơn giản cả
về cấu tạo lẫn lớp ngữ nghĩa. Từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử hầu như để nói về cảm xúc, tâm trạng thì từ láy trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu để chỉ tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng, trong thơ Nguyễn Bính có rất nhiều từ láy dùng để chỉ số phận, đặc điểm, hình dáng của người phụ nữ: lỡ làng, dở dang,
nhỡ nhàng,lầm lụi, ... Những nét riêng đó đã làm nên những nét độc đáo trong
Chương 3