Sau khi giành độc lập không lâu, thì toàn dân tộc đã phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Chín năm kháng chiến trường kỳ (1946 -1954) cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954 đã mở ra thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đồng thời tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam. Hiến pháp 1959 được thông qua thay thế cho Hiến pháp 1946 để đáp ứng nhiệm vụ chính trị này.
Về mặt hình thức, Hiến pháp năm 1959 có hai điểm khác so với Hiến pháp năm 1946 là sử dụng cụm từ “quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đặt tên cho Chương III và các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được chứa được chứa đựng trong nhiều chương chứ không phải chỉ tập trung ở Chương III. Như vậy, Hiến pháp năm 1959 chỉ quy định các quyền và nghĩa vụ “cơ bản” của công dân chứ không quy định tất cả các quyền và nghĩa vụ của công dân; quyền con người
được ghi nhận thành quyền công dân nhiều hơn, phong phú hơn so với Hiến pháp năm 1946 và theo đó, nghĩa vụ của công dân cũng tăng lên nhằm đảm bảo nguyên tắc quyền và nghĩa vụ của công dân đi đôi với nhau.
Hiến pháp năm 1959 quy định về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội như sau:
Về quyền kinh tế, Hiến pháp năm 1959 dành năm điều (các Điều 11, 14, 15, 16, 30) quy định bảy quyền kinh tế của công dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, khi miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó xây dựng và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng hàng đầu.
Hiến pháp năm 1959 quy định quyền làm việc tại Điều 30. Bên cạnh đó, tại các Điều 11, 14, 15, 16, Hiến pháp năm 1959 còn quy định năm quyền kinh tế của công dân thuộc các giai cấp và tầng lớp lao động khác nhau – đó là:
“Quyền sở hữu của người làm nghề thủ công và người lao động riêng lẻ khác đối với tư liệu sản xuất” [24, Điều 11]; “Quyền của nông dân được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu đối với ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác” [24, Điều 14], “Quyền của người làm nghề thủ công và người lao động riêng lẻ khác được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất” [24, Điều 15], “Quyền của nhà tư sản dân tộc được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất và của cái khác” [24, Điều 16].
Đối với quyền kinh tế của nhóm (tập thể) công dân thì Hiến pháp năm 1959 chỉ quy định “quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất của hợp tác xã” [24, Điều 11].
Về quyền văn hóa, Hiến pháp năm 1959 mở rộng các quyền này của
công dân bằng những quy định về các quyền mới ngoài quyền học tập đã được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1959 dành ba điều (các Điều 3, 33, 34) quy định sáu quyền văn hóa của công dân (năm quyền dành cho mọi cá nhân công dân và một quyền của cộng đồng công dân).
Năm quyền văn hóa của mọi cá nhân công dân là: quyền về học tập, sáng tác văn học, sáng tác nghệ thuật, tham gia các hoạt động văn hóa khác, nghiên cứu khoa học.
Một quyền của cộng đồng công dân được quy định tại Điều 3 là: “quyền của các dân tộc được duy trì hoặc sửa đổi các phong tục, tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc” [24, Điều 3].
Về quyền xã hội, Hiến pháp năm 1959 dành các Điều 24, 31, 32, 35
quy định 12 quyền xã hội của công dân, có hai quyền – trong đó có một quyền mới đó là: “bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” [24, Điều 24].
Tại bốn điều, Hiến pháp năm 1959 quy định 10 quyền cho những chủ thể là cá nhân công dân ở vào những hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có tám quyền mới, gồm:
“Nữ công nhân được hưởng chế độ thai sản, nữ viên chức được hưởng chế độ thai sản, người mẹ sinh con và nuôi con nhỏ được Nhà nước bảo hộ, trẻ em được Nhà nước bảo hộ”[24, Điều 24]; “công nhân viên chức được nghỉ ngơi,người lao động khi già yếu được nhà nước giúp đỡ về vật chất” [24, Điều 31]; “người lao động ốm đau được nhà nước giúp đỡ về vật chất, người lao động mất sức được Nhà nước giúp đỡ về vật chất” [24, Điều 32]; “thanh niên được Nhà nước chăm sóc, giáo dục” [24, Điều 35].
Từ những trình bày ở trên về các quy định Hiến pháp năm 1959 về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội có thể rút ra nhận xét sau đây
Thứ nhất, có sự kết hợp hài hoà giữa kế thừa và phát triển, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1946 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam. Điều đó thể hiện tính liên tục và nhất quán trong chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ hai, so với Hiến pháp 1946 số lượng các quyền con người trong Hiến pháp 1959 đều tăng lên đáng kể, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Sự gia tăng này vừa phản ánh thái độ của Nhà nước luôn tôn trọng quyền con người nói chung và các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội nói riêng, nhắm kết hợp mở rộng quyền của công dân, quyền con người với việc nâng cao nghĩa vụ của công dân, vừa thể hiện bước phát triển mới của xã hội Việt Nam khi bước vào xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Thứ ba, một điểm mới đáng chú ý trong Hiến pháp năm 1959 là trong 22 Điều quy định các quyền công dân thì có tới 16 Điều (các Điều 14, 15, 16, 18,19, 24,25,27, 28, 29, 30, 31,32,33,34, 35) quy định những bảo đảm của Nhà nước. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề kỹ thuật lập hiến mà quan trọng hơn là sự nhận thức đúng đắn và thái độ quan tâm của Nhà nước đối với quyền con người và quyền công dân trong một nước vừa mới giành độc lập, tự do.
Với việc mở rộng các quyền công dân mà phần lớn các quyền được mở rộng là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, tiêu biểu như: quyền được ưu tiên đối với bè mẹ, trẻ em; quyền được làm việc cải thiện điều kiện làm việc và lương bổng; quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao độn; quyền học tập; quyền được tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác....
Tuy vậy, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, một số quyền trên chỉ được đảm bảo ở mức độ nhất định, về cơ bản, việc bảo đảm các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội ở thời kỳ này chủ yếu mới đạt về số lượng, chưa đạt về chất lượng.