Năm 1945 là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm của chế độ phong kiến phương Bắc, đem lại độc lập, chủ quyền cho đất nước, đem lại tự do và các quyền con người, quyền công dân cho nhân dân Việt Nam
Một năm sau, Hiến pháp 1946 ra đời là Hiến pháp của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Hiến pháp dân chủ và tiến bộ đầu tiên ở Đông Nam Á. Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn, phức tạp ở buổi đầu của cách mạng, quan hệ đến sự mất, còn của chính quyền nhân dân non trẻ; giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm cùng một lúc đe dọa nền độc lập dân tộc mới giành lại được, Hiên pháp năm 1946 thực sự là công cụ đặc biệt quan trọng và có hiệu lực nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng và thực hiện quyền lực nhân dân trên nền tảng dân chủ. Hiến pháp năm 1946 là cơ sở cho việc ghi nhận và thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện mối quan hệ pháp lý cơ bản giữa nhà nước và công dân ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam được Hiến pháp xác nhận có tư cách công dân của một nhà nước độc lập, có chủ quyền và các quyền con người được đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm thực hiện, trở thành các quyền cơ bản của công dân.
Hiến pháp ngày 9/11/1946 (gồm Lời nói đầu, bảy chương, 70 điều). Quán triệt ba nguyên tắc xây dựng Hiến pháp là đoàn kết toàn dân, bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và gián tiếp của nhân dân. Trong bảy chương thì chương về quyền và nghĩa vụ của công dân được xếp thứ hai sau chương về chính thể (Chương II) với tiêu đề “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”. Trong Chương II, Hiến pháp năm 1946 dành 16 điều (các điều 4-18, 20, 21) quy định bốn nguyên tắc chung của quyền con người, 27 quyền của công dân về chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội và bốn nghĩa vụ của công dân. Nét nổi bật của những quy định trong Hiến pháp năm 1946 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam là các quy định này chỉ được tập trung trong Chương II.
Bốn nguyên tắc chung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam được thể hiện trong bốn điều (các Điều 6, 7, 8, 16) của Hiến pháp năm 1946, gồm:
“Mọi công dân đều ngang quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa” [23, Điều 6]; “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” [23, Điều 7]; “công dân thuộc dân tộc thiểu số được Nhà nước và xã hội giúp đỡ về mọi mặt để đạt trình độ chung của xã hội” [23, Điều 8]; “người nước ngoài đấu tranh vì dân chủ và tự do mà bị bức hại thì được Nhà nước Việt Nam cho cư trú tại Việt Nam” [23, Điều 16].
Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận các quyền cụ thể của công dân trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Do hoàn cảnh lịch sử nước nhà vừa mới giành được độc lập, có hơn 90 % dân số mù chữ, bởi vậy, diệt giặc dốt là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước và toàn dân, cho nên Hiến pháp năm 1946 chỉ quy định một quyền văn hóa nói chung của cá nhân – đó là quyền học tập
bảy quyền kinh tế, xã hội của công dân, trong đó một quyền dành cho mọi công dân là bình đẳng nam, nữ về mọi phương diện ; sáu quyền cho công dân có đặc điểm, hoàn cảnh riêng: công dân thuộc dân tộc thiểu số; trí thức, người lao động chân tay, người già không làm được việc , người tàn tật không làm được việc, trẻ em .
Từ những quy định trong Hiến pháp 1946 có thể rút ra nhận xét sau đây
Các quy định của Hiến pháp năm 1946 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam, thể hiện chính sách của nhà nước Việt Nam về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; kết hợp hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của công dân, giữa lợi ích chính đáng của cá nhân với lợi ích chính đáng của tập thể và của xã hội trong điều kiện nước nhà vừa mới độc lập, lại đang chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống sự xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.
Các quy định của Hiến pháp năm 1946 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam là cơ sở pháp lý đầu tiên để Nhà nước và xã hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các giai đoạn tiếp theo của cách mạng.
Có thể nói xét về kỹ thuật lập hiến, cách thức quy định trong Hiến pháp là ngắn gọn, khúc triết và có tính hàm xúc hay tính mở cho việc thể chế hóa thành luật. Chẳng hạn như: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”, “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền”… [31].
Việc những giá trị quyền con người nói chung, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội nói riêng được long trọng ghi nhận trong Hiến pháp 1946, vào thời điểm chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ đang phải đối mặt với các nguy cơ, những mối đe dọa nghiêm trọng từ “thù trong, giặc ngoài” cho thấy sự quan tâm tiến bộ đặc biệt của Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực này.
Chế định quyền công dân trong Hiến pháp 1946 thực sự đã thể hiện nội dung cốt lõi trong Hiến pháp của một nhà nước dân chủ kiểu mới ở Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lập hiến và lập pháp về quyền con người ở Việt Nam trong các giai đoạn sau này.
Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp (1946 -1954), mặc dù những tư tưởng và quy phạm pháp lý tiến bộ về quyền con người, trong đó bao gồm các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.Tuy nhiên, do đất nước đối mặt với những khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến tranh để bảo bệ độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như bảo vệ phẩm giá cho con người, nên việc bảo đảm các quyền con người nói chung, cũng như các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội nói riêng còn tương đối hạn chế.