Hiến pháp và quyền con người có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời, thể hiện qua một số khía cạnh sau.
1.2.2.1. Quyền con người tạo động lực cho sự phát triển của Hiến pháp
Từ lịch sử phát triển của quyền con người, có thể thấy tư tưởng về quyền con người gắn với những quyền tự nhiên vốn có của con người. Trong Bộ luật Hammurabi (1810 – 1750 TCN); Hiến chương Magna Carta (1251) và Bộ luật về các quyền (1689) của nước Anh; Tuyên ngôn độc lập (1776) của Hoa Kỳ…Những văn kiện này đều ghi nhận các quyền con người một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp là các quyền tự nhiên
Ví dụ, theo Lời nói đầu của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền từ do và
mưu cầu hạnh phúc” [15, tr.115]. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp khẳng định: “Người ta sinh ra đã tự do và bình đẳng về các quyền…” [15, tr.119]. Như vậy, ở đây các quyền và tự do được coi là những quyền tự nhiên, vốn có của con người, không phải là do nhà nước ban phát cho mới có được.
Trong lịch sử pháp điển hóa quyền con người trong Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới, một cấu phần của Hiến pháp (Đại Hiến chương Magna Carta, Bộ luật về các quyền của nước Anh), hoặc sự ra đời của Hiến pháp ở nhiều quốc gia (Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp) đều phản ánh ảnh hưởng của lý thuyết quyền con người là các quyền tự nhiên.
Như vậy, tư tưởng về quyền con người nói chung, các quyền tự nhiên của con người nói riêng có mối liên hệ rõ ràng và trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của Hiến pháp trên thế giới.
1.2.2.2. Quyền con người là những quy định không thể thiếu trong Hiến pháp
Mặc dù bản Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới (Hiến pháp Hoa Kỳ 1787), không bao hàm các quy định về quyền con người, nhưng trên thực tế, trước khi bản Hiến pháp này được thông qua, các phe trong Hội nghị lập hiến lúc đó đã đạt được thỏa thuận rằng ngay sau đó Quốc Hội Mỹ sẽ xem xét và thông qua các quy định bổ sung về quyền con người. Kết quả là 10 điều đầu tiên bổ sung Hiến pháp 1787 đã được thông qua, tất cả đều có nội dung về quyền con người, gọi là Bộ luật về quyền của nước Mỹ
Ở châu Âu cùng thời kỳ đó, chỉ trong vòng 35 năm (từ năm 1795 đến 1830), hơn 70 bản Hiến pháp của các quốc gia trong chấu lục đã được thông qua. Tất cả đều quy định các quyền con người như đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền 1789 của nước Pháp và Bộ luật nhân quyền của nước Mỹ [13, tr.286].
Như vậy, quyền con người, quyền công dân trở thành một cấu thành quan trọng, một nội dung cơ bản trong các bản Hiến pháp trên thế giới.
Một nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: “Nếu không có chế định quyền con người, quyền công dân, thì cũng không thể có bản thân Hiến pháp…” [11, tr.148]
Từ khi Luật nhân quyền quốc tế ra đời cùng với Liên Hợp Quốc thì thực tế trong các bản Hiến pháp của các quốc gia đã ghi nhận và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và đây là chế định không thể thiếu trong Hiến pháp.
1.2.2.3. Hiến pháp có vai trò bảo vệ quyền con người
Các quyền con người không phải là quà tặng của thượng đế, hay sự ban phát của Nhà nước mà là kết quả lao động và đấu tranh của bản thân quần chúng lao động. Do vậy, các quyền con người phải được ghi nhận, khẳng định trong pháp luật, và phải được bắt đầu từ Hiến pháp, bởi ở mọi quốc gia trên thế giới, Hiến pháp đều được coi là đạo luật gốc của quốc gia, là nền tảng để xây dựng các đạo luật thông thường khác.
Khi Hiến pháp có những quy định về quyền con người, thì chính là điều kiện để các quyền con người được tôn trọng và bảo vệ, là điều kiện để cụ thể hóa các chế đinh, quy phạm Hiến pháp về quyền con người
Hiện nay, hầu hết các quyền con người theo luật nhân quyền quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới, tuy với mức độ khác nhau. Như vậy với hiệu lực tối cao của nó, Hiến pháp đang đóng vai trò là công cụ pháp lý cơ bản để hiện thực hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người ở các quốc gia.
Nếu như các quyền dân chủ, các quyền dân sự, chính trị luôn được đề cập đầu tiên trong Hiến pháp các quốc gia ví dụ như quyền bầu cử, ứng cứ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền làm chủ của người dân thì nhóm quyền kinh tế, văn hóa, xã hội cũng là nhóm quyền không thể thiếu trong Hiến pháp và có mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau… vì nếu các quyền kinh tế, văn hóa, xã
hội có liên quan như quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế không được đảm bảo thì các quyền ứng cử, bầu cử ít có ý nghĩa với những người mù chữ, những người nghèo khổ, ngược lại việc bảo đảm các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội đều gắn liền với sự phát triển của các quyền dân sự, chính trị, bởi kết quả của việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị chính là sự ổn định, lành mạnh và hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội là yếu tố nền tảng thúc đẩy các điều kiện sống về kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi người dân.
Hiến pháp bảo vệ quyền kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua các hình thức sau:
Thứ nhất, Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước, mọi người dân phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp. Vì vậy, ghi nhận các quyền con người trong Hiến pháp đồng nghĩa với việc buộc các cơ quan nhà nước, mọi cá nhân, công dân đều phải tuân thủ và thực hiện
Cơ quan nhà nước có nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp trong tất cả quá trình từ thành lập, tổ chức hoạt động đến thực thi các chức năng do Hiến pháp trao cho trên cơ sở nhân dân làm chủ. Hiến pháp là căn cứ để nhà nước ban hành các đạo luật cụ thể với mục đích bảo vệ tối đa các quyền con người.
Thứ hai, Hiến pháp quy định sự chế ước quyền lực giữ các cơ quan nhà nước, chống lại sự tùy tiện của nhà nước trong khi thực hiện chức năng của mình, bảo vệ quyền lợi nhân dân
Thứ ba, Hiến pháp là căn cứ viện dẫn trước tòa án khi có các hành vi vi phạm các quyền được Hiến pháp công nhận.
Thứ tư, Hiến pháp đặt ra cơ chế bảo hiến làm căn cứ đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật hoặc quyết định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo đó, việc bảo vệ Hiến pháp nhằm mục đích bảo đảm tính toàn vẹn và tối cao của các giá trị, nguyên tắc, quy định của Hiến
pháp; chống lại sự vi phạm từ bất kỳ chủ thể nào. Tất cả những sự diễn giải trái với tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp sẽ bị đình chỉ và bãi bỏ bởi Tòa án hoặc một cơ quan chuyên trách thực hiện. Vì vậy, các giá trị, tinh thần và quy định của Hiến pháp sẽ được giữ nguyên vẹn, quyền của người dân sẽ không bị xâm phạm.
Chương2
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUYỀN KINH TẾ , VĂN HÓA, XÃ HỘI QUA CÁC BẢN HIẾN PHÁP VIỆT NAM