Về những giá trị tiến bộ

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 92 - 94)

Qua phân tích các quy định của pháp luật HN&GĐ Việt Nam đặc biệt là các quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 từ góc độ BĐG cho thấy những giá trị đạt được trong pháp luật HN&GĐ hiện hành cụ thể:

2.3.1.1. Pháp luật HN&GĐ Việt Nam là sự kế thừa trên cơ sở phát triển các quy định của pháp luật HN&GĐ của Việt Nam trước đó, qua đó ngày càng bảo vệ và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quyền con người trong lĩnh vực HN&GĐ, một lĩnh vực quan trọng và không thể thiếu trong đời sống xã hội của mỗi con người. Sự kế thừa cơ bản và quan trọng nhất có thể nhắc tới ở đây đó là những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ Việt Nam đó là chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về HN&GĐ; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt nam về HN&GĐ. Từ các nguyên tắc chung này được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật HN&GĐ.

2.3.1.2. Pháp luật HN&GĐ Việt Nam thể hiện tính tương thích với pháp luật quốc về quyền con người, bảo vệ quyền con người của nhóm yếu thế trong xã hội đó là phụ nữ và trẻ em.

Như đã đề cập nêu trên, pháp luật HN&GĐ Việt Nam thể hiện sự kế thừa các quy định của pháp luật HN&GĐ trong nước trước đó, trên cơ sở phát triển các quy định mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực HN&GĐ. Sự kế thừa và phát triển trong các quy định của pháp luật HN&GĐ Việt Nam hiện hành đã ghi nhận cơ bản toàn diện các

quyền con người trên nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử giữa các cá nhân dựa trên cơ sở giới trong lĩnh vực HN&GĐ. Tuy nhiên, sự bình đẳng không đồng nghĩa với sự cào bằng mà là bình đẳng trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt. Pháp luật Việt Nam đã tính đến các yếu tố khác biệt giữa nam và nữ để đưa ra các quy định pháp luật bảo đảm cho các bên có cơ hội được thụ hưởng và thực hiện các quyền một cách bình đẳng thực chất. Đây không bị coi là sự phân biệt đối xử và điều này phù hợp với Điều 4 công ước CEDAW quy định về các biện pháp đặc biệt tạm thời thúc đẩy nhanh sự bình đẳng trên thực tế giữa phụ nữ và nam giới sẽ không bị có là phân biệt đối xử giới. Việc các quốc gia thành viên thông qua những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ thiên chức làm mẹ, kể cả biện pháp đã định nghĩa trong Công ước, sẽ không bị coi là phân biệt đối xử.

2.3.1.3. Pháp luật HN&GĐ hiện hành phù hợp với thực tế của xã hội hiện đại

Một trong những yêu cầu đặt ra đối với quá trình xây dựng pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về HN&GĐ đó chính là sự phù hợp với thực tiễn và đóng vai trò định hướng cho thực tiễn xã hội phát triển. Trong lĩnh vực HN&GĐ, thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề mà trước đó pháp luật HN&GĐ chưa có cơ sở để giải quyết hoặc coi đó là hành vi vi phạm pháp luật HN&GĐ, đòi hỏi phải bị xử lý theo quy định. Cụ thể như xu hướng cộng đồng LGBT ngày càng gia tăng, việc tổ chức kết hôn và chung sống trong thực tế của những người thuộc nhóm LGBT; vấn đề về mang thai hộ; vấn đề chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, làm sao để vừa thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển đồng thời bảo đảm duy trì cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc.... đây là những vấn đề mà Luật HN&GĐ năm 2000 vẫn còn có những “lỗ hổng” hoặc quy định còn thiếu tính linh hoạt, ảnh hưởng chung đến các quyền con người trong lĩnh vực HN&GĐ.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, Luật HN&GĐ năm 2014 đã từng bước giải quyết các vấn đề mà thực tiễn trong lĩnh vực HN&GĐ ở Việt Nam đang đặt ra như đã nêu trên. Và đây tạo ra những giá trị mới trong Luật HN&GĐ năm 2014. Những giá trị mới, cụ thể như sau:

- Nhà nước không cấm kết hôn giữa những người đồng tính song cũng không công nhận hôn nhân đồng tính. Như đã phân tích nêu trên, giải pháp này chưa phải là giải pháp mang tính triệt để nhưng từng bước đã làm thay đổi nhận thức, quan điểm của mọi người về hôn nhân đồng tính, thông qua đó hạn chế sự kỳ thị của chính Nhà nước và xã hội đối với những cặp hôn nhân đồng tính.

- Nhà nước đề cao nguyên tắc thỏa thuận của hai bên vợ chồng trong các quan hệ về nhân thân, tài sản và trong quan hệ đối với con. Ngoài chế độ tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật, Nhà nước thừa nhận quyền tự thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ và chồng. Theo đó, chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản do vợ chồng thỏa thuận và chế độ tài sản theo Luật định.

- Mang thai hộ là một trong những quyền mới được Luật HN&GĐ năm 2014 thừa nhận với các điều kiện chặt chẽ theo quy định. Các điều kiện này nhằm hạn chế sự lợi dụng mang thai hộ để thực hiện các vụ việc thương mại liên quan đến con người - điều này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do của mỗi cá nhân con người được pháp luật quốc tế về quyền con người ghi nhận.

Và nhiều những giá trị mới cụ thể khác trong Luật HN &GĐ năm 2014 đã có sự tiếp thu trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của xã hội. Thông qua đó, thúc đẩy các lĩnh vực của đời sống HN&GĐ phát triển.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 92 - 94)