Khái quát các quy định của pháp luật quốc tế về bình đẳng giới

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 26 - 32)

Pháp luật quốc tế (điều ước quốc tế, công ước quốc tế, ....) xác định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm BĐG trên các lĩnh vực của đời sống nói chung trong đó có lĩnh vực HN&GĐ. Một số văn bản pháp lý quốc tế có thể dẫn chứng cụ thể như sau:

1.2.2.1. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, tại khoản 1 Điều 16 quy định rõ: “Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn” [18, Điều 16].. Đây được xác định là một trong những quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và các quốc gia cam kết bằng những hành động riêng rẽ hay phối hợp, sẽ cộng tác với Liên Hợp Quốc trong việc tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.

1.2.2.2. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (International Convention on Economic, cultural, social rights - ICESCR) tại Điều 10 quy định:

Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận rằng:

1. Cần dành sự giúp đỡ và bảo hộ tới mức tối đa có thể được cho gia đình - tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội - nhất là đối với việc tạo lập gia đình và trong khi gia đình chịu trách nhiệm chăm

sóc và giáo dục trẻ em đang sống lệ thuộc. Việc kết hôn phải được cặp vợ chồng tương lai chấp thuận tự do.

2. Cần dành sự bảo hộ đặc biệt cho các bà mẹ trong một khoảng thời gian thích đáng trước và sau khi sinh con. Trong khoảng thời gian đó, các bà mẹ cần được nghỉ có lương hoặc nghỉ với đầy đủ các phúc lợi an sinh xã hội [20, Điều 10].

1.2.2.3. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (International convention on Elimination of discrimination against Women - CEDAW). Đây là công ước thể hiện rõ nét nhất quan điểm, mục tiêu của các quốc gia về việc bảo đảm quyền BĐG giữa nam và nữ, trong đó BĐG trong lĩnh vực HN&GĐ được quy định tập trung tại Điều 16 của Công ước. Cụ thể Điều 16 của Công ước CEDAW quy định:

1. Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình và đặc biệt, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, phải bảo đảm:

a. Quyền ngang nhau trong việc kết hôn;

b. Quyền tự do như nhau trong việc lựa chọn bạn đời và chỉ kết hôn khi cả hai hoàn toàn tự do và tự nguyện;

c. Quyền và trách nhiệm như nhau giữa vợ và chồng trong thời gian hôn nhân cũng như khi hôn nhân tan vỡ;

d. Có quyền và trách nhiệm với vai trò làm cha mẹ như nhau trong mọi vấn đề liên quan tới con cái, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào. Trong mọi trường hợp, lợi ích của con cái phải được đặt lên trên hết;

e. Quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này;

f. Quyền và trách nhiệm như nhau trong việc trông nom, giám hộ, bảo trợ, nhận uỷ thác và nhận con nuôi hoặc có những quy định tương tự về vấn đề này được thể hiện trong luật pháp quốc gia; trong mọi trường hợp lợi ích của con cái phải được đặt lên trên hết;

g. Vợ chồng có quyền như nhau trong việc lựa chọn tên họ, chuyên môn và nghề nghiệp của mình;

h. Vợ chồng có quyền như nhau trong việc sở hữu, mua sắm, kiểm soát, quản lý, hưởng thụ và sử dụng tài sản, dù đó là tài sản không phải bỏ tiền ra mua hay có giá trị lớn.

2. Việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực pháp lý và phải tiến hành mọi hành động cần thiết, kể cả về mặt pháp luật nhằm quy định độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn chính thức [20, Điều 16]. Quy định trên có thể thấy nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm BĐG trong lĩnh vực HN&GĐ mang tính toàn diện từ nghĩa vụ bảo đảm BĐG trong việc kết hôn, trong quan hệ hôn nhân, khi quan hệ hôn nhân kết thúc, trong quan hệ giữa cha, mẹ với con cái, trong quan hệ sở hữu, học tập, lựa chọn nghề nghiệp, trong thực hiện các quyền nhân thân của vợ và chồng… Và để thực hiện nghĩa vụ của mình, công ước CEDAW cũng quy định rõ các biện pháp mà các quốc gia cần áp dụng đó là:

a. Đưa nguyên tắc bình đẳng nam nữ vào Hiến pháp quốc gia hoặc các văn bản pháp luật thích hợp khác nếu vấn đề này chưa được đề cập tới và bảo đảm việc thực thi nguyên tắc này trong thực tế bằng pháp luật và các biện pháp thích hợp khác;

b. Xây dựng các điều khoản pháp luật và thông qua các biện pháp thích hợp khác, kể cả việc trừng phạt trong những trường hợp cần thiết, nhằm ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ;

c. Thiết lập cơ chế bảo vệ mang tính pháp lý các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới và thông qua các toà án quốc gia có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả chống lại mọi hành động phân biệt đối xử;

d. Không tiến hành bất kỳ hành động hoặc hoạt động nào có tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ và bảo đảm rằng các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước sẽ hành động phù hợp với nghĩa vụ này;

e. Áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào tiến hành;

f. Áp dụng mọi biện pháp thích hợp, kể cả những biện pháp pháp luật, nhằm sửa đổi hoặc xóa bỏ mọi điều khoản, quy định, tập quán và thực tiễn hiện đang tồn tại mang tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ;

g. Huỷ bỏ mọi điều khoản hình sự có phân biệt đối xử với phụ nữ [20, Điều 2].

Như vậy, theo quy định nêu trên, các quốc gia thành viên công uớc CEDAW có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp thích hợp và không chậm trễ nhằm bảo đảm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… trong đó có lĩnh vực HN&GĐ. Bên cạnh các biện pháp thích hợp và không chậm trễ, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ áp dụng những biện pháp đặc biệt tạm thời. Những biện pháp đặc biệt tạm thời được các quốc gia thông qua nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng trên thực tế giữa nam giới và phụ nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử theo định nghĩa được nêu ra trong Công ước CEDAW, nhưng cũng không hoàn toàn vì thế mà duy trì những chuẩn mực không bình đẳng hoặc tách biệt. Những biện pháp này sẽ chấm dứt khi các mục tiêu bình đẳng về cơ hội và đối xử đạt được.

Quy định nêu trên nhằm khắc phục tình trạng bị đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ trên thực tế, khi mà ở nhiều nơi trên thế giới phụ nữ thường phải chịu đựng sự đối xử bất bình đẳng ngay trong gia đình, thể hiện ở các hình thức như hôn nhân cưỡng bức (hay sắp đặt), quyền quyết định về con cái, quản lý tài sản… sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trên lĩnh vực này thường bắt nguồn từ những tập tục truyền thống - khía cạnh có sức ì lớn nhất. Và do đó, sự thay đổi trong những tập tục truyền thống này sẽ là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định để phụ nữ đạt được sự bình đẳng thực chất với nam giới. Vì thực tiễn cho thấy ở nhiều quốc gia mặc dù pháp luật quy định quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới rất đầy đủ và tiến bộ, song do những phong tục, tập quán tồn tại quá lâu ở vùng, ở quốc gia đó, dẫn đến thực trạng “phép vua thua lệ làng”, hạn chế đến quyền bình đẳng trên thực tế của người phụ nữ. Và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bình đẳng hình thức giữa nữ giới và nam giới.

Như vậy, theo Điều 16 nêu trên thì các quốc gia thành viên có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ ở những khía cạnh: Bình đẳng về kết hôn, thể hiện ở việc phụ nữ được tự do quyết định việc kết hôn và lựa chọn người phối ngẫu, theo đó trách nhiệm của Nhà nước trong việc quy định về độ tuổi kết hôn tối thiểu, việc đăng ký kết hôn, chế độ hôn nhân tự nguyện, cấm chế độ đa thê cũng như việc tảo hôn;

Bình đẳng trong hôn nhân và khi hôn nhân kết thúc, thể hiện ở việc phụ nữ được bình đẳng với chồng trong thời gian hôn nhân và khi đã ly hôn. Điều này liên quan đến một loạt vấn đề từ quản lý tài sản chung trong gia đình; quyền và trách nhiệm với con cái; việc xác định số con, khoảng cách giữa các lần sinh, việc cho, nhận con nuôi; những tự do cá nhân như việc lựa chọn họ tên, quyết định lựa chọn nghề nghiệp, việc làm của bản thân mà không bị phụ thuộc vào người chồng.

Liên quan đến Điều 16 Công ước CEDAW về quyền bình đẳng của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ, Ủy ban Công ước CEDAW đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể về các vấn đề có liên quan. Cụ thể như:

- Khuyến nghị chung số 21 (năm 1994) của Ủy ban Công ước CEDAW khẳng định rằng trong lịch sử có những cách nhìn nhận khác nhau đối với hoạt động của con người ở nơi công cộng và trong đời sống riêng tư. Trong tất cả các xã hội, theo truyền thống, phụ nữ thường tham gia các hoạt động trong gia đình, trong lĩnh vực riêng tư và từ lâu các hoạt động của phụ nữ thường bị coi là thấp kém. Tuy nhiên, Ủy ban Công ước CEDAW nhấn mạnh hoạt động của phụ nữ trong đời sống gia đình là vô giá đối với sự sống còn của xã hội. Do đó, không có lý do gì có thể biện minh cho việc áp dụng các luật lệ hoặc tập tục để phân biệt đối xử với phụ nữ trong các hoạt động này. Ngoài ra, Khuyến nghị chung số 21 cũng cho rằng, khái niệm gia đình có thể hiểu khác nhau giữa các quốc gia, tuy nhiên dù được hiểu như thế nào thì trong mô hình gia đình đó, việc đối xử với phụ nữ cũng phải tuân thủ quy định của Điều 16 Công ước CEDAW. Ủy ban Công ước CEDAW cũng cho rằng chế độ hôn nhân đa thê là trái với quyền bình đẳng nam nữ và có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho phụ nữ và con cái họ. Vì vậy, Ủy ban Công ước CEDAW khuyến nghị các quốc gia cấm các hành động cưỡng ép hoặc sắp đặt hôn nhân để bảo đảm quyền được chọn người phối ngẫu. Ngoài ra, theo Khuyến nghị chung này thì những quy định và tập tục ưu đãi cho nam giới trong việc hưởng thừa kế tài sản là sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên phải thừa nhận và bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề này.

- Khuyến nghị chung số 19 của Ủy ban Công ước CEDAW nêu rằng, hành động triệt sản nữ và bắt buộc phá thai cấu thành vi phạm quyền của phụ nữ trong việc quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Theo đó, Ủy ban Công ước CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên tăng cường các

biện pháp, kể cả dân sự và hình sự, để chống lại nạn bạo hành phụ nữ trong gia đình, bao gồm việc thiết lập các trung tâm phụ hồi và các nhà tạm lánh cho những phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn này.

Tóm lại, quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ một lần nữa khẳng định rõ hơn nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền bình đẳng thực chất của phụ nữ với nam giới trong các vấn đề về quốc tịch, về kinh tế, việc làm, tài sản đã được quy định trong các điều khoản trước của công ước CEDAW, tuy nhiên, nhấn mạnh các quyền này trong các quan hệ HN&GĐ - những quan hệ thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tư tưởng, định kiến về vị trí, vai trò giữa nam giới và nữ giới dẫn đến phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 26 - 32)