Bình đẳng giới trong quan hệ giữa cha mẹ và con

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 67 - 74)

dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình. Xem xét quy định cụ thể trong quan hệ giữa cha mẹ và con, Điều 16 công ước CEDAW dành 03 điểm quy định trách nhiệm của các Quốc gia thành viên trong việc bảo đảm:

d. Quyền và trách nhiệm như nhau trong vai trò làm cha mẹ, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào, về các vấn đề liên quan đến con cái họ. Trong tất cả các trường hợp, lợi ích của con cái phải được coi là điều quan trọng nhất;

e) Quyền như nhau trong việc quyết định một cách tự do và có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh, quyền được tiếp cận với những thông tin, giáo dục và các phương tiện cho phép họ thực hiện các quyền này;

f) Quyền và trách nhiệm như nhau trong các vấn đề nuôi dưỡng, giám hộ, bảo trợ, ủy thác và cho nhận con nuôi, hoặc trong những vấn đề tương tự ở những nơi mà các khái niệm này có trong pháp luật quốc gia. Trong tất cả các trường hợp, lợi ích của con cái phải được coi là điều quan trọng nhất [20, Điều 16].

Qua các quy định nêu trên cho thấy, nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên trong việc bảo đảm BĐG trong quan hệ giữa cha, mẹ, con chiếm một dung lượng khá lớn trong hệ thống các nghĩa vụ quốc gia bảo đảm BĐG trong lĩnh vực HN&GĐ. Sự bảo đảm quyền và trách nhiệm như nhau giữa vợ, chồng trong vai trò làm cha mẹ là nguyên tắc hết sức quan trọng được công ước CEDAW quy định. Đây là nguyên tắc nền chi phối đến các quy định cụ thể.

Xem xét Luật HN&GĐ năm 2014, có thể thấy BĐG trong quan hệ giữa cha, mẹ và con được xem xét ở cả hai khía cạnh, cụ thể:

2.2.4.1. Khía cạnh bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ với con

a) Trong việc kế hoạch hóa gia đình

Hiện nay kế hoạch hóa gia đình được quy định tại Pháp lệnh Dân số, trong đó khoản 1, điều 10, Pháp lệnh này quy định:

1. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền:

a) Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác,thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng;

b) Lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình [26, Điều 10].

Quy định nêu trên cho thấy, bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh vẫn là một nguyên tắc cơ bản, cốt lõi được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Điều này hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên của công ước CEDAW trong việc bảo đảm “quyền như nhau trong việc quyết định một cách tự do và có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh” [20, Điều 16] giữa nam và nữ. Tuy nhiên, thực tiễn Việt Nam cũng cho thấy mặc dù pháp luật quy định quyền tự quyết một cách bình đẳng của mỗi cặp vợ chồng, song vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà quyền tự quyết định một cách bình đẳng của các cặp vợ chồng trong việc sinh con trên thực tế ở Việt Nam không được thực hiện một cách đầy đủ vì những lý do như quan niệm “sinh con phải có đủ nếp đủ tẻ” và vì thế không ít trường hợp việc sinh con của các cặp vợ chồng bị tác động bởi những yếu tố tâm lý, và thực tế, người phụ nữ với thiên chức làm mẹ bị ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân qua những lần sinh đẻ. Ngoài ra, thiếu các biện pháp phòng, tránh thai cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc sinh con của các cặp vợ chồng ngoài ý muốn, điều này đặc biệt tồn

tại phổ biến ở các khu vực miền núi nơi các dân tộc thiểu số sinh sống. Và như vậy, ý nghĩa thực tế của quy định tự quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó, công ước CEDAW yêu cầu các Quốc gia thành viên phải bảo đảm “quyền được tiếp cận với thông tin, giáo dục và các phương tiện” [20, Điều 16] để cho phép các cặp vợ chồng quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh của mỗi cặp vợ/chồng.

Có thể coi quy định về nghĩa vụ này của các Quốc gia thành viên là một gợi ý về giải pháp đối với thực trạng kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam. Phần này sẽ được đề cập cụ thể hơn trong Chương 3 Luận văn này về những giải pháp nhằm hoàn thiện và tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật Hôn nhân và gia đình trên thực tế.

b) Trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con Một trong những quy định hết sức nền tảng trong quan hệ giữa cha mẹ và con được Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình …” [36, Điều 68], theo đó, dù cha, mẹ có quan hệ hôn nhân hay không điều đó không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha, mẹ và con theo quy định của pháp luật. Và nguyên tắc trong quan hệ cha, mẹ, con được Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rất rõ đó là lấy quyền và lợi ích hợp pháp của con làm trung tâm với quy định: “Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” [36, Điều 68].

Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định hệ thống nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ đối với con, theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền: chăm

sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, đại diện cho con; nghĩa vụ bồi thường thiệt hai do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự, quản lý tài sản, định đoạt tài sản của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ trong quan hệ với con là ngang nhau, không phân biệt giữa cha và mẹ và không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân giữa cha và mẹ. Điều này không chỉ có ý nghĩa tôn trọng quan hệ thiêng liêng giữa cha, mẹ và con mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ người phụ nữ. Về mặt pháp lý đây là những quy định trung tính, song thực tiễn thi hành sẽ góp phần bảo vệ và hỗ trợ người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh tập quán, truyền thống người Việt Nam coi trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái thuộc về trách nhiệm đương nhiên của người vợ, người mẹ, vì thế tục ngữ Việt Nam có câu: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Và đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt như người mẹ đơn thân, vợ, chồng ly dị thì quy định bình đẳng về nghĩa vụ và quyền ngang nhau giữa cha và mẹ trong quan hệ với con là cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ cho người phụ nữ.

Liên quan đến quyền nhân thân của người con, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định các quyền này của một cá nhân trên cơ sở bảo đảm BĐG giữa cha và mẹ. Cụ thể:

- Về quyền đối với họ, tên, Bộ luật Dân sự tại điều 26 quy định “1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó” [32, Điều 26]. Cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại [32, Điều 27]. Quy định nêu trên cho thấy, họ của người con có thể mang theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đang ký hộ tịch ở Việt Nam hiện nay cho thấy phần lớn người con được đăng ký họ theo họ của người cha.

Nguyên nhân của thực trạng này không nằm ở quy định pháp lý mà nằm ở những yếu tố tác động trong quá trình thực thi quy định đó chính là truyền thống “con sinh ra phải theo họ cha”, việc khai họ, tên người con do người đi đăng ký khai sinh khai và người đăng ký khai sinh trên thực tế chủ yếu là do người cha thực hiện vì người vợ đang trong thời gian ở cữ…..

- Về quyền xác định dân tộc, khoản 1 Điều 28 BLDS quy định:

1. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ [32, Điều 28].

Theo đó, cũng tương tự như đối với quyền có họ, tên, quyền xác định dân tộc của người con được thực hiện trên cơ sở tôn trọng bình đẳng giữa cha và mẹ. Dân tộc của người con có thể được lấy theo dân tộc của người cha hoặc có thể lấy theo dân tộc của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ. Tuy nhiên, xuất phát từ những tập quán của phần lớn các dân tộc ở Việt Nam đó là con sinh ra lấy theo họ cha, quy định nêu trên vô hình chung đã giúp cho người cha có ưu thế hơn so với người mẹ khi xác định dân tộc của con theo dân tộc của người cha hoặc người mẹ theo tập quán. Do đó, xuất phát từ một trong những nguyên tắc nền trong quan hệ dân sự đó là “việc dân sự cốt ở hai bên”, quá trình sửa đổi BLDS năm 2005 cần được tính đến việc ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khi đó mới áp dụng theo tập quán. Có như vậy, mới bảo đảm quyền thỏa thuận của người phụ nữ trong việc thực hiện các quyền nhân thân của người con và hạn chế những tập quán mang tính bất bình đẳng giới tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

- Về nơi cư trú của người chưa thành niên, Điều 53 BLDS quy định: 1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định [32, Điều 53].

2.2.4.2. Bình đẳng giới trong khía cạnh giữa cha mẹ với tư cách là một bên trong quan hệ với các con

Hiện nay khoản 4 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ…” [36, Điều 69]. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vẫn còn mang dấu ấn trong đời sống của nhiều gia đình người Việt. Những dấu ấn này dẫn đến những sự bất bình đẳng trong việc đối xử giữa các con vì lý do giới tính của con. Cụ thể:

- Tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam trong thời gian qua tăng nhanh ở mức báo động, chỉ tính trong 06 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ giới tính khi sinh là: 113,8 trẻ em nam/100 trẻ em nữ trong khi tỷ số giới khi sinh theo số liệu Tổng cục thống kê năm 2012 là: 112,3 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, năm 2011 là: 111,9 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, năm 2010 là 111,2 trẻ em nữ/100 trẻ em nam. Một số số liệu nêu trên cho thấy, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam ngày càng tăng lên ở mức báo động, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là tâm lý ưa thích con trai hơn so với con gái của người Việt và tập quán cư ngụ và thờ cúng do bên nội thực hiện. Từ nguyên nhân này dẫn đến hệ quả tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em nữ đó là việc nạo phá thai để lựa

chọn giới tính hoặc không nạo phá thai nhưng cố sinh bằng được con trai trong nhiều gia đình sinh con một bề (con gái). Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chính người phụ nữ và quyền được làm người của các thai nhi mang giới tính nữ.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam (Trang 67 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)