3. Các Loại Quả Có Hoạt Tính Thảo Dược
3.1 Nhóm quả chữa các bệnh về thần kinh
3.1.1 Táo ta
Tên khác: Táo chua, táo nhục, mác tảo (Tày) Tên nước ngoài: Jujube tree (Anh), jujubier (Pháp) Họ: Táo ta (Rhamnaceae)
Bộ phận dùng
Hạt táo. Khi dùng, đập vỡ vỏ hạt, lấy nhân (toan táo nhân) phơi khô.
Theo tài liệu nước ngoài, toan táo nhân là hạt chín đã được phơi hay sấy khô của thứ Zizyphus jujube Mill. Var. spinosa ( Dược điển Trung Quốc 1997, bản in tiếng Anh).
Ở Việt Nam, một số nơi dùng hạt táo ta từ nhiều nguồn gốc khác nhau để thay thế toan táo nhân.
Thành phần hóa học:
Trong nhân hạt táo Z.jujuba có sự có mặt của flavon C – glycoside ( swertisin, spinosin và acylspinosin).
Tác dụng dược lí:
Hạt táo có những tác dụng dược lí sau:
− Tác dụng an thần khi ngủ: nước sắc hạt táo thì nghiệm trên chuôt nhắc trắng bằng đường uống hoặc tiêm xoang bụng với liều 2.5g/kg và 5 g/kg đều biểu hiên rõ rệt tác dụng an thần gây ngủ. Bất kể thí nghiệm vào ban ngày hay ban đêm, chuột ở trạng thái bình thương hay bị kích thích do dùng cafein, hạt táo cũng thể hiện tác dụng trên.Với các thuốc ngủ barbitura, hạt táo có tác dụng hiệp đồng. dùng hạt táo liên tục trong nhiều ngày có tác dụng quen thuốc, nhưng chỉ ngừng thuốc sau 1 tuần lễ, hiện tượng quen thuốc biến mất. Hạt táo dùng qua đường uống có tác dụng làm giảm số lần hình thành phản xạ có điều kiện, mở rộng phạm vi nội ức chế trong đại não, trên mèo có tác dụng ức chế hiện tượng thao cuồng do morphine gây nên. Hạt táo dùng sống hoặc sao
đều có tác dụng an thần, nhưng dùng sống thì có tác dụng yếu hơn, nếu sao quá lâu, thành phần dầu trong nhân bị khô thì lại mất tác dụng.Do đó, các tác giả cho rằng tác dụng an thần của hạt táo có liên quan đền thành phần dầu trong nhân, lại có tác giả cho rằng tác dụng an thần có liên quan đến các thành phần tan trong nước. Một số tài liệu cho thấy flavon C. glycoside như swertisin, spinosin và acylspinosin chiết tách từ nhân hạt táo trên động vật thí nghiệm, có tác dụng an thần thuộc loại vừa. Trong đó swertisin có tác dụng mạnh nhất.
− Ngoài ra, theo tài liệu Nhật Bản, các dạng chiết bằng nước, cồn và thành phần acid béo chiết được từ hạt táo đều có tác dụng an thần. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, thuốc có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của hexobarbital, ức chế hoạt động tự nhiên của chuột. Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng acid acetic, hạt táo có tác dụng làm giảm số lần xuất hiện các cơn quặn đau.
Tính vị công năng: Toan táo nhân có vị chua , ngọt, tính bình, vào các kinh tâm, tỳ, can, có tác dụng dưỡng can , ninh tâm, an thần, liễm hãn.
Công dụng
Trong y học cổ truyền , toan táo nhân được dùng điều trị chứng hư phiền khó ngủ, hồi họp, đánh trống ngực, phiền khát, mồ hôi trộm. dùng riêng nghiền thành bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng hàng ngày: 0.8 – 1,2g tương đương với khoảng 15 hoặc 20 hạt. nếu dùng liều cao ( khoảng 6-10g) phải sao đen ( có lẽ đây là một hình thức để giảm độc).
3.1.2 Nhãn
Tên khác: Lệ chi nô, mạy ngận, mác nhan (Tày), Tên nước ngoài: Longan (Anh), longanier (Pháp) Họ: Bồ hòn (Sapindaceae)
Bộ phận dùng
Áo hạt còn gọi là cùi, tên thuốc là long nhãn nhục.
Thành phần hóa học.
Phần cùi nhãn chiếm 58% trọng lượng quả tươi. Cùi quả có 82.39% nước, 1.42% protein, 0.45% chất béo, 5.99% đường khử, 2.35% sucrose và sợi 0.64%.
Theo Đỗ Tất Lợi ( Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – 1999.791) cùi nhãn khi tươi có 77.15% là nước, độ tro 0.01%, chất béo 0.13%, protid 1.47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20.55%, đường sacchsarose 12.25%, vitamin A và B. Cùi khô chứa 0.85% nước, chất tan trong nước 79.77%, chất không tan trong nước 19.39%, độ tro 3.36%, trong phần tan trong nước có glucose 26.91%, saccharose 0.22%, acid tartric 1.26% và chất có nitơ 6.309%
Các acid hữu cơ trong quả nhãn là acid succinic, acid malic và acid citric với tỷ lệ 10:5:1 (CA.108,1988,36428 w)
Trong chất béo có các acid cyclopropanoid và acid dihydrosterculic khoảng 17% (CA.1969, 71, 103424 m)
Tác dụng dược lý
Dịch chiết nước từ long nhãn thí nghiệm trên ống kính, có tác dụng ức chế sự phát triển của nha bào một số nấm gây bênh.
Long nhãn có vị ngọt, tính ôn, vào 2 kinh tâm, tỳ, có tác dụng ích tâm tỳ, bổ huyết, an thần trí.
Công dụng
Nhãn là một loại quả quý, có vị thơm ngon được mọi người ưa chuộng. Ngoài công dụng làm thực phẩm, cùi nhãn được chế biến thành long nhãn là một vị thuốc bổ, chữa các bệnh suy nhược thần kinh, tim đập hồi hộp, kém ngủ, hay quên, đại tiện ra máu.
Liều dùng ngày 6 – 15g, sắc nước uống hoặc chế thành cao, ngâm rượu, viên hoàn.