Quyền trẻ em được ghi nhận là các quyền cơ bản của công dân (chương V Hiến pháp 1992) mà nội dung của quyền này chủ yếu là các quyền dân sự, bao gồm: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.
Quyền trẻ em trong quan hệ pháp luật Việt Nam bao gồm cả bổn phận của trẻ em. Các quyền và bổn phận này được hình thành trên cơ sở của mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trong đó Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trẻ em có quyền thủ hưởng các quyền do Nhà nước trao cho đồng thời phải thực hiện các bổn phận của mình theo quy định của pháp luật.
Chế định quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan do các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ban hành như: Quyền trẻ em được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và các văn bản pháp luật khác bảo gồm cả văn bản luật và văn bản dưới luật.
Việc thực hiện quyền trẻ em là trách nhiệm của quốc gia, trách nhiệm này xuất phát từ thực tiễn của quốc gia cũng như từ những ràng buộc pháp lý quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã xây dựng một bộ máy các cơ quan Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em. Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp, ban hành luật nhằm xây dựng một khung pháp lý, khởi động cho cơ chế thực hiện quyền trẻ em, đồng thời giám sát toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. Chính phủ, các Bộ, ngành có trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về quyền trẻ em cũng như các chính sách liên quan đến trẻ em. Cơ quan tư pháp có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em vi phạm pháp luật và xử lý các hành vi xâm hại đến quyền trẻ em.
1.4. Mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền trẻ em.