Kiểu nhân vật tiên phong – nhân vật bảo thủ

Một phần của tài liệu Kịch lưu quang vũ qua một số tác phẩm viết về vấn đề đổi mới (LV1184) (Trang 50 - 69)

7. Bố cục luận văn

2.2.2.1.Kiểu nhân vật tiên phong – nhân vật bảo thủ

Được coi như “người nổi gió cho cánh người rộng mở”, Lưu Quang Vũ đã sớm có những dự cảm về cuộc sống đổi thay của đất nước. Bản thân là người đã từng kinh qua chiến tranh và mang nặng trong lòng những trăn trở về cuộc sống, khi ra khỏi cuộc chiến, trút bỏ những gánh nặng nhiệm vụ của một thời, con người phải trở về với cuộc sống đời thường với biết bao âu lo thường nhật, Lưu Quang Vũ đã phản ánh kịp thời những vấn đề hiện thực của cuộc sống nóng bỏng. Trong các vở kịch viết về vấn đề đổi mới của Lưu Quang Vũ, gắn liền với kiểu xung đột giữa cái mới, cái tiến bộ với cái cũ, lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, hình ảnh những con người mới xuất hiện với một tần suất lớn. Tiên phong, theo nghĩa tiếng Việt là đi trước, dẫn đầu, hăng hái, tích cực nhất. Nhân vật tiên phong là những người có tư tưởng tiến bộ, có năng lực nhiệt huyết, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái trì trệ để giành lấy cái tốt, cái công bằng trong xã hội. Đó là những con người ý thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của mình trước mọi người. Với trái tim sục sôi nhiệt huyết, họ dám nghĩ, dám làm, dám xả thân để vươn tới đích dẫu con đường đi của họ không hề bằng phẳng, thậm chí còn phải chịu biết bao áp lực và những thua thiệt. Kiểu nhân vật này điển hình với Hoàng Việt, Thanh và một số nhân

vật phụ như Lê Sơn, ông Quých trong Tôi và chúng ta; Định, Dũng trong

Nếu anh không đốt lửa. Đây là những đại diện tiêu biểu cho cái mới, cái tiến bộ dám đương đầu với lực cản ghê gớm của cơ chế cũ.

Trong vở kịch Tôi và chúng ta, Hoàng Việt – một người lính trở về từ chiến trường được nhận cương vị quyền giám đốc một xí nghiệp đang làm ăn thua lỗ, không có việc cho sản xuất, đời sống công nhân trong xí nghiệp khó khăn, đang có nguy cơ giải thể. Vì thế đã có nhiều người bỏ xí nghiệp. Với khát vọng đẩy mạnh sản xuất để nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên, bằng sự đổi mới cung cách làm ăn, giám đốc Hoàng Việt được nhiều người ủng hộ, nhưng đồng thời cũng bị trói buộc bởi cơ chế quan liêu bao cấp và một số người bảo thủ luôn muốn duy trì cơ chế này để mưu lợi cá nhân. Với tư tưởng dân chủ và cái nhìn tiến bộ, Hoàng Việt đã sớm phát hiện ra đằng sau cái vỏ bọc thắng lợi là sự bê bối, mọi khâu đều trì trệ, mất dân chủ nặng nề. Cuộc sống như vậy cứ khó khăn triền miên… Hàng trăm các nguyên tắc của đủ các ban ngành tuy đã lỗi thời nhưng vẫn áp đặt một cách máy móc khiến cho cả bộ máy xí nghiệp từ người đứng đầu đến công nhân chỉ là những kẻ ăn hại. Nói như nhân vật Hoàng Việt trong cảnh hai của vở kịch : “200 con người ở đây là 200 kẻ ăn hại, sống bám vào đồng lương nhà nước một cách đáng xấu hổ”. Căn bệnh quan liêu, duy ý chí là một căn bệnh trầm kha: “Cấp trên cao lại dựa vào cấp trên cao hơn nữa, nghĩa là các kế hoạch được đề ra rất ngược đời. Đáng lẽ phải do cơ sở đưa lên, dựa vào khả năng cơ sở và yêu cầu của thị trường …”

Sau 4 tháng im lặng tìm hiểu, khi đã nhận ra những bất cập trong cơ chế quản lí cũng như điều hành xí nghiệp, Hoàng Việt đã tiến hành chấn chỉnh, mạnh dạn vượt qua những nguyên tắc gò bó đã lạc hậu với tình hình, kiên quyết đấu tranh với những kẻ làm ăn vô trách nhiệm, dựa dẫm, ỷ lại, không quan tâm đến công nhân. Bên cạnh Hoàng Việt, những người như

Thanh, ông Quých, bà Bộng, cô Ngà luôn cổ vũ anh. Hoàng Việt đã bứt phá, cải tạo hoàn toàn phương thức sản xuất kinh doanh của xí nghiệp theo cung cách mới: “muốn được quyền chủ động trong công việc muốn thay đổi những điều quá ư bất hợp lý trong cơ chế quản lí”. Hoàng Việt bày tỏ khát vọng tha thiết của mình: “Tôi căm ghét cái nghèo, cái trì trệ nhưng quan trọng hơn là tôi rất thương và tin các công nhân của tôi. Nhờ họ mà tôi dám làm !”. Anh trở thành người tiên phong trong công cuộc đổi mới xí nghiệp Thắng Lợi, quan trọng hơn nữa là đổi mới cả một cơ chế bảo thủ vốn đã tồn tại bao lâu nay, đổi mới những bộ óc vốn đã quen yên ổn trong vòng tay bao cấp. Anh loại bỏ những chức vụ không cần thiết nhưng tăng thêm lao động nhằm tăng năng suất xí nghiệp; thực hiện chế độ khoán lương theo sản phẩm đảm bảo công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giúp cho công nhân phát huy hết khả năng, năng lực sáng tạo, tăng thêm thu nhập đồng thời kích thích sản xuất chung của toàn xí nghiệp. Hoàng Việt tiêu biểu cho một kiểu người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đối mặt với những chống đối, phản bác từ phía lực lượng bảo thủ, kể cả cấp trên của mình để đặt ra những nguyên tắc mới: “Miễn là nó giúp chúng ta làm được nhiều hơn sản phẩm”. Niềm tin ấy của Hoàng Việt là chỗ dựa cho những nhân tố mới trong xí nghiệp, và họ sẽ cùng anh đưa xí nghiệp thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ, đời sống công nhân ngày một cải thiện hơn. Với cách nhìn bao quát và lối làm việc năng động của anh, sau một năm xí nghiệp “ăn ra làm nên” được đông đảo khách hàng tín nhiệm, năng suất tăng gấp bốn, năm lần, đời sống công nhân viên cải thiện trông thấy, ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Giám đốc Hoàng Việt điển hình cho những người tiên phong trong lối làm ăn kiểu mới, xuất hiện trong phong trào đòi cải tạo cơ cấu quản lý quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán xã hội chủ nghĩa.

“Phải có một người ra khỏi hang trước …. Phải có một người đi trước!”. Tư tưởng tiên phong đó luôn thường trực trong con người Hoàng Việt. Phải có

một người đi trước, mặc dù nguy hiểm đe dọa đến cả tính mạng của mình. Đấy là sợi chỉ xuyên suốt hành động có tính cách mạng của kĩ sư giám đốc Hoàng Việt, một cựu chiến binh thời chống Mỹ. Mọi người còn nghi ngờ về anh, lắm kẻ cơ hội đớn hèn chống phá anh bằng mọi cách có thể, nhưng đa số công nhân và những người tiên tiến đều tin vì “anh ấy tin vào sự thắng lợi của những quy luật”. Đoạn kết của vở kịch, giám đốc Việt đứng giữa sự bao bọc, che chở của những người công nhân. Con người tiên phong ấy đã tìm được sự đồng cảm, đồng lòng của tập thể. Bởi anh đã vì họ mà lao lung trên con đường cải cách lối làm ăn, anh không ngại khó khăn phải đương đầu. Lẽ sống của anh là lẽ sống vì mọi người. Mặc dù vở kịch dường như chưa hoàn kết, nhưng chúng ta tin rằng rồi anh sẽ được minh oan và khẳng định tính đúng đắn thực tiễn, khoa học trong cách làm của mình.

Bên cạnh Hoàng Việt là Thanh, Thanh cũng đứng trong hàng ngũ của những người tiên phong. Trước khi Hoàng Việt trở thành giám đốc của xí nghiệp Thắng Lợi, Thanh đã là kíp trưởng của một kíp làm việc. Cô sớm nhận thức được những bất cập trong bộ máy xí nghiệp nhưng mới chỉ biết cố gắng trong giới hạn bằng cách cho phép công nhân trong kíp của mình được giành ba tiếng để làm việc cá nhân nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công việc đã được giao phó. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là giải pháp tình thế mang tính tự phát, thậm chí vi phạm đến kỉ luật chung của xí nghiệp. Nhờ Hoàng Việt, tư tưởng tiến bộ của nữ công nhân ấy được định hướng và chính cô trở thành trợ thủ đắc lực giúp hiện thực hóa con đường của anh: “Cả nước đang đứng trước một bước ngoặt lớn: hoặc tiến lên phía trước, hoặc cứ ôm chân, ôm tay nhau để cùng lao xuống vực thẳm… Đây thực sự là một cuộc chiến đấu nhưng những gì hợp quy luật thì sẽ thắng”. Những lời ấy của vị bộ trưởng kết thúc vở kịch không chỉ cho thấy niềm tin vào sự chiến thắng của Hoàng Việt trước cơ quan pháp luật mà còn khẳng định vị trí, ý nghĩa của vai

trò tiên phong trong cuộc cách mạng lớn vì tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội của vị giám đốc này.

Nếu anh không đốt lửa cũng rất thành công khi xây dựng được kiểu nhân vật tiên phong. Để đổi mới không phải cứ nói, cứ hô hào chung chung mà tự bản thân mỗi cá nhân phải nhen nhóm lên trong mình ngọn lửa ấy. Và

nói như tác giả Cao Minh trong bài Kịch Lưu Quang Vũ và những vấn đề

của đời sống: “Ngọn lửa ấy được cháy trong không khí dân chủ sẽ nhân lên gấp bội” [25]. Ngay từ mở đầu vở kịch của mình, Lưu Quang Vũ đã mượn lời của các thủy thủ để nói lên chủ đề tư tưởng của mình:

“Nếu anh không đốt lửa Nếu tôi không đốt lửa

Nếu chúng ta không đốt lửa lên Thì làm sao bóng đêm

Lại có thể biến thành Ánh sáng?

Nếu anh không đốt lửa Nếu tôi không đốt lửa

Nếu chúng ta không đốt lửa lên”

Ý tưởng của tác phẩm đã được hé mở ngay từ đầu. Phải có một ai đó trong chúng ta là người đốt lên ngọn lửa, bởi bóng đêm sẽ mãi là bóng đêm nếu không có người đứng ra thắp lên ánh sáng. Hoặc là anh, hoặc là tôi, hoặc là tất cả chúng ta. Trong bất cứ điều kiện nào cũng phải có người đi trước, phải đốt lên ngọn lửa nhiệt tình trong trái tim của mỗi người. Phải chăng đó chính là cốt lõi tư tưởng để Lưu Quang Vũ xây dựng lên hình tượng con người tiên phong – những người mang lại ánh sáng cho nhân loại, chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Nhân vật chính trong vở kịch là Định – người dũng cảm đứng lên để đốt lên ngọn lửa. Bản thân anh sẽ chìm nghỉm như bao thủy

thủ khác, sống cuộc đời cam chịu, chấp nhận hoàn cảnh nếu không một lần dám đứng lên “đốt lửa”. Anh đã nghĩ “nếu xí nghiệp ở tay mình thì mọi việc sẽ khác, mình sẽ sắp xếp nó như trên một con tàu…”. Và vì vậy không cần phải Dũng đề cử, Định đã tự ứng cử mình vào chức giám đốc. Trong anh đã có sẵn tố chất của một người tiên phong, nhìn ra được những trì trệ, bảo thủ của hoạt động sản xuất. Khi được nắm quyền giám đốc trong tay, với 102 việc cụ thể, Định đã làm việc với từng bộ phận và cá nhân cụ thể. Định đã xây dựng và cải tiến những thứ mà trước đây chưa ai làm, những thứ đã tồn tại từ bao đời giám đốc, những thứ được cấp trên ủng hộ mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại nó không còn hợp với quy luật như: tổ chức phân công lại công việc, giải quyết lương khoán theo sản phẩm, đưa ra cách giải quyết khó khăn về vật liệu, sáng kiến thửa lại khổ máy cho hợp người… Tất cả những phương án đó nhằm kích thích mỗi người công nhân tự nhận thức được năng lực, quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà hăng hái tham gia sản xuất, làm lợi cho bản thân cũng như xí nghiệp. Nhờ những cải cách đó mà xí nghiệp đã thay hình đổi dạng, đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, khi xây dựng nhân vật Định, tác giả vẫn mắc phải những hạn chế nhất định, bởi Định có quan niệm và cách thức hành động mang tư tưởng tiến bộ nhưng chưa có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Anh cho rằng tất cả mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ làm đúng theo năng lực, chức năng của mình. Quyền chủ động để cho mọi người phát huy năng lực của mình là phù hợp nhưng việc để cho một bộ máy vốn đã quá quen với cách làm việc thụ động xưa cũ, hoạt động tự do theo hướng quản lý việc chứ không quản lý người và mất cảnh giác thì lại là sai lầm. Định có phần ảo tưởng và cũng trở nên bảo thủ trên con đường thực hiện các chủ trương đổi mới của mình khi không nhận ra những đòi hỏi và sự thay đổi cần có trong những hoàn cảnh phù hợp.

Sự thất bại của anh là điều khó tránh khỏi. Định là người có công thắp ngọn lửa nhưng anh chưa thể thổi cho nó cháy bùng lên.

Nhân vật ông Thụy trong Quyền được hạnh phúc cũng là con người đón đường cho lối làm ăn mới. Tám năm trước ông đã có những quyết định mà sau đó vì những quyết định ấy khiến ông phải vào tù. Tám năm trong tù không phải là một khoảng thời gian ngắn ngủi đối với một người vô tội. Nếu như trước đây họ coi những quyết định của ông là sai lầm, là chống đối lại những đường lối chính sách của Đảng, thì giờ đây những quyết định ấy lại được khẳng định là đúng đắn: “ví dụ việc dùng thợ hợp đồng. Hồi đó người ta coi là anh phạm một tội lỗi tày trời, giờ là một biện pháp chủ yếu về giải quyết nhân sự của công ty ta” (Lời Đát, giám đốc công ty). Con người dám đưa ra những quyết định táo bạo trong hoàn cảnh phức tạp lúc bấy giờ đã phải gánh chịu biết bao oan khiên, bất hạnh: bị cách chức, kết tội, đi tù, gia đình lục đục, nền nếp bị phá vỡ… Nhưng nếu không có những con người đi tiên phong như thế, cuộc sống hẳn sẽ mãi mãi đứng yên ở chỗ cũ!

Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy ngòi bút của mình đầy ưu thế khi viết những kịch bản dàn trận tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ với cái tích cực, tiến bộ. Kịch bản của Lưu Quang Vũ, vì thế, mang hơi thở của đời sống hiện đại với những vấn đề thời sự được phát hiện từ con mắt và tấm lòng của ông. Khi xây dựng những con người đi tiên phong, Lưu Quang Vũ không hề có ý định minh họa cho một kiểu lý tưởng nào, cũng không nhằm vào mục đích giáo huấn. Bởi họ đều là những con người bình thường, rất gần gũi, thậm chí họ cũng mắc phải những sai lầm… nhưng ở họ luôn có một nhiệt huyết đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp. Những nhân vật như Hoàng Việt, Định ý thức một cách sâu sắc về vai trò của mình, trách nhiệm của mình trong xã hội. Họ không khoanh tay đứng nhìn để mặc con tạo xoay vần, buông xuôi mọi sự. Ở đây ý thức công dân và trách nhiệm với cuộc sống

là động cơ chi phối hành động của họ. Những nhân vật ấy mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức tốt đẹp của tác giả và thời đại. Họ trở thành tấm gương về phẩm chất cao đẹp của con người một thời.

Có thể nói, với kiểu nhân vật tiên phong, Lưu Quang Vũ đã góp tiếng nói mạnh mẽ nhằm cổ vũ cho bầu không khí dân chủ và tiến bộ trong xã hội; cho công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Và nói như PGS. TS Lý Hoài Thu: “Chính Lưu Quang Vũ với vai trò tiên phong của người cầm bút đã mở đường cho nhân vật và đi tới đích cuối cùng theo đúng tinh thần của kịch” [45, tr281]. Kiểu nhân vật tiên phong thực sự xứng đáng là hình ảnh phản chiếu của Lưu Quang Vũ – chim báo bão của nền kịch nói Việt Nam những năm 80.

Nhưng cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ với cái lạc hậu bảo thủ không hề đơn giản. Trong cuộc chiến đấu ấy, cái tiến bộ, cái chính nghĩa luôn phải đối mặt với sự cản trở, phá hoại của các lực lượng đối lập. Và vì vậy khi tìm hiểu kịch, ngoài sự phát hiện, xây dựng nên những nhân vật mang dáng nét con người mới hôm nay và ngày mai, tác giả còn không ngần ngại phê phán những kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống – kiểu nhân

Một phần của tài liệu Kịch lưu quang vũ qua một số tác phẩm viết về vấn đề đổi mới (LV1184) (Trang 50 - 69)