đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đây là một dạng mâu thuẫn khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Hà Tây trong thời gian qua, nhiều vụ việc mâu thuẫn, xung đột diễn ra gay gắt, trong một thời gian dài, nhưng việc giải quyết của chính quyền còn lúng túng, thiếu kiên quyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, làm
giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Địa bàn xảy ra chủ yếu ở nhưng nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cụm công nghiệp như: Hoài Đức, Chương Mỹ, Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì… Quần chúng nhân dân tụ tập đông người kéo đến cản trở hoạt động của các doanh nghiệp với các hình thức: Dựng lều, đóng cọc, căng dây, rải đá hộc, đào hào, căng cờ, biểu ngữ… gây áp lực đòi tăng tiền đền bù, hỗ trợ. Điển hình như vụ việc xảy ra từ một điểm ở An Khánh (Hoài Đức) không được giải quyết rứt điểm nên sau đó hội chứng này đã lan rộng đến nhiều điểm khác như Biên Giang (Hà Đông), Ngọc Hoà, Ngọc Sơn, Phụng Châu (Chương Mỹ), Thạch Hoà (Quốc Oai); Hồng Hà (Đan Phượng), Tích Giang (Phúc Thọ), Liên Phương, Văn Bình (Thường Tín)… Thậm chí có địa bàn do mâu thuẫn, xung đột giữa nhân dân với doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, đã xảy ra xô xát, gây mất ổn định an ninh và trật tự xã hội tại địa bàn nông thôn, như xóm Xoan – xã Vân Hoà (Ba Vì), trụ sở chi nhánh du lịch sinh thái Thiên Sơn - Suối Ngà (Thuộc công ty cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh) trong quá trình khai thác xây dựng cơ sở vật chất, phát sinh mâu thuẫn mới nhân dân địa phương trong vấn đề đền bù đất lâm sinh, đường dân sinh, đập nước… không giải quyết kịp thời dẫn tới xảy ra xung đột, xô xát giữa bảo vệ công ty và nhân dân địa phương làm một người bị thương, số quần chúng quá khích đã dựng hàng rào ở cổng công ty, bao vây, phong toả, ngăn cản không cho người, phương tiện đi lại nhiều ngày, gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp và an ninh trật tự ở địa phương.
Khi các khu công nghiệp được mọc lên ngay chính mảnh đất của người nông dân trước kia đang thu hút hàng nghìn lao động thì người dân ở đây vẫn không xảy nhà mà ra thất nghiệp. Trên địa bàn huyện Hoài Đức, nơi có số lượng dự án đầu tư thuộc hạng nhất nhì tại Hà Tây, theo thống kê chỉ có 20% nông dân chuyển nghiệp
xây dựng được cuộc sống ổn định. Đến An Thọ, An Khánh (Hoài Đức) có thể thấy quang cảnh xóm làng khang trang, không ít ngôi nhà cao tầng mọc lên vẫn còn tươi màu sơn, nhưng bên trong những ngôi nhà ấy chứa đựng không ít những nỗi lo về cơm áo, gạo tiền, nơi những người lao động phổ thông không dễ tìm được việc làm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Còn ở Quốc Oai, nơi có tới 100 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn với quy mô chiếm tới gần 10.000ha. Chỉ đi dọc 1 cây số từ đường Láng – Hòa Lạc đến Chùa Thầy (Sài Sơn – Quốc Oai) có thể thấy cả 13 dự án bất động sản, chiếm cả trăm ha đất thuộc loại "bờ xôi ruộng mật". Dự án nào cũng quảng bá phong cảnh đẹp, đường sá thuận lợi, xây dựng khu dân cư cao cấp, phức hợp văn phòng, khu thương mại, giải trí đẳng cấp quốc tế… nhưng trừ vài doanh nghiệp mới san lấp mặt bằng, hầu hết đều chưa nhúc nhích. Nhiều dự án cứ ôm đất xí phần rồi bỏ hoang mấy năm trời trong khi đó người dân không có đất canh tác chỉ biết đứng nhìn và tiếc rẻ.
Nguyên nhân cơ bản của những xung đột này là do việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai của địa phương có bất cập, chưa công khai, minh bạch, rõ ràng, nhiều vấn đề vương mắc trong nhân dân không được giải quyết thoả đáng. Một bộ phận quần chúng nhân dân do thiếu hiểu biết, bị các phần tử xấu kích động, lôi kéo tham gia khiếu kiện làm cho tình hình ngày cảng trở lên phức tạp. Các biện pháp giải quyết của các đơn vị chức năng chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong giải quyết những vấn đề phức tạp. Tại các cụm, điểm công nghiệp hầu hết việc áp giá đền bù không sát với thực tế, thoát ly giá cả thị trường hoặc việc vận dụng theo Nghị định của Chính phủ và một số quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về khung giá đền bù tại các khu, cụm, điểm công nghiệp còn tuỳ tiện, thiếu thống nhất, mỗi nơi vận dụng một kiểu dẫn đến bất bình nảy sinh xung đột, khiếu kiện.
Từ tình hình trên cho thấy hiệu lực quản lý Nhà nước ở một số huyện, xã còn nhiều hạn chế, mà biểu hiện cụ thể là hiệu lực chỉ đạo, quản lý của Đảng, của chính quyền ở những nơi này bị giảm sút, không điều hành, lãnh đạo được nhân dân.
Bên cạnh đó còn có một số xung đột khác nảy sinh mà nguyên nhân chính cũng từ đất đai như tranh chấp mương nước tưới tiêu giữa thôn Cu Sơn – Vân Côn (Hoài Đức) với xã Phú Hạng, Tân Phú (Quốc Oai).; Ban hành giáo xứ Yên Kiện – Đông Sơn (Chương Mỹ) đã kích động tín đồ đạp phá nhà dân, xây tường bao lấn chiếm đất công, làm đơn đòi lại đất trước của nhà thờ hiện nay xã và một số hộ dân đang sử dụng; Xứ họ Thanh Lãm (Thanh Oai), Họ giáo Yên Trung, Quyết Tiến thuộc xã Vân Côn (Hoài Đức) làm đơn đòi lại 720 m2 đất mà Uỷ ban nhân dân huyện đã cấp trả nhưng xã chưa thực hiện. Xứ Hoàng Nguyên, xã Tri Thuỷ (Phú Xuyên) làm đơn đòi đất mà trước đây là trường tiểu chủng viện cũ, hiện chính quyền đã giao cho trường phổ thông cơ sở xã sử dụng. Đáng chú ý, tại địa bàn Sơn Tây, toà giám mục Hưng Hoá đòi di chuyển nhà dòng Mến Thánh giá Sơn Tây về Tiểu chủng việc Sơn Lộc, dự kiến xây dựng mới trên diện tích 9.753m2; Việc đòi lại đất đền chùa mà trước đây chính quyền đã giao cho cá nhân ở xã Dương Liễu (Hoài Đức), Chùa Hải Giác ở Tân Hội (Đan Phượng), Sơn Đồng (Hoài Đức), khu bách hoá Đồng Quan ở xã Phượng Dực (Phú Xuyên). Tuy đây chỉ là những mâu thuẫn, xung đột đất đai có tính nhỏ lẻ nhưng rất nhạy cảm, mức độ và tính chất xung đột xảy ra quyết liệt, đụng chạm đến nhiều vấn đề của xã hội và rất dễ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng quốc tế hoá vấn đề này.
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển thì: Trong quá trình thực hiện chính sách thu hồi đất, nhiều nơi chính quyền có trao đổi, lấy ý kiến của dân chúng, nhưng chủ yếu thông báo về tiền đền bù hoặc quyền lợi vật chất cụ thể, và khi không đạt được sự đồng thuận, việc giải quyết theo kiểu tiếp cận từ trên xuống, chưa chú ý đầy đủ đến quyền lợi của dân chúng địa phương.
Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng (xã hội dân sự) lại hoạt động theo kiểu “đoàn thể cách mạng” nên chỉ đóng vai trò “giải thích chính sách” hỗ trợ chính quyền, chưa phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân… nên tính chất xung đột, bức xúc của người dân càng trở nên gay gắt hơn. Hơn nữa, sự bất bình đẳng về thu nhập giữa những người mất đất nông nghiệp (tư liệu sản xuất chính) không kiếm được việc làm với các nhà doanh nghiệp (sử dụng đất nông nghiệp thu hồi của nông dân). nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, người nông dân mất đất sẽ bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo.
Như vậy có thể thấy thực chất xung đột xã hội trong việc giải quyết đất đai ở Hà Tây chính là sự xung đột lợi ích giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn và người dân bị mất đất. Nhà nước muốn phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá thì phải thu hồi một phần đất đai của người dân, quy hoạch các khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, đem lại nguồn thuế cho Nhà nước để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội. Doanh nghiệp thì cần có địa bàn ổn định để mở rộng sản xuất, tăng năng xuất lao động, mở rộng thị trường, phát triển bền vững thì đòi hỏi phải có một đội ngũ công nhân có tay nghề; việc tổ chức đào tạo nghề phải có giới hạn về độ tuổi để đảm bảo công nhân sau đào tạo có khả năng lao động tại doanh nghiệp trong thời gian dài mới đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Người dân có đất bị thu hồi có nhu cầu tìm một việc làm mới, có chỗ ở và thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhìn bên ngoài chúng ta có thể thấy 3 lợi ích này đều mang tính hợp lý. Xã hội phát triển thì người dân được thụ lợi, các doanh nghiệp được mở rộng sản xuất và thị trường, tăng doanh thu. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều nghịch lý cần giải quyết. Vấn đề ở đây bắt nguồn từ người lao động. Nếu làm nông nghiệp theo thời vụ không kén chọn tay nghề, tuổi tác thì sản xuất công nghiệp lại đòi hỏi người có sức khoẻ, trong độ tuổi lao động và có tay nghề. Như vậy, trong số
lao động sản xuất nông nghiệp thì chỉ có khoảng 50% lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cần lao động phổ thông. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao thì tỉ lệ này còn giảm rất nhiều. Số người dân còn lại đương nhiên rơi vào tình trạng mất việc làm, không có thu nhập. Khi người dân rơi vào tình trạng khó khăn thì xã hội không thể phát triển, Nhà nước phải kiếm tìm giải pháp khắc phục, phát triển kinh tế, doanh nghiệp khó tìm được đầu ra, tiêu thụ sản phẩm… Mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không đạt được thì đương nhiên không thể có một xã hội ổn định, tất yếu nảy sinh những xung đột trong xã hội.
Trong quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, nông dân và giới chủ doanh nghiệp khi đền bù, giải phóng mặt bằng ở những nơi đã nảy sinh xung đột thì có thể thấy nông dân là người phải chịu thiệt thòi nhất cả trước mắt và lâu dài. Người dân mất đất sản xuất đương nhiên rơi vào tình trạng thất nghiệp. Từ xưa đến nay, ở nông dân, tài sản quý báu và quan trọng nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu là nhà cửa, ruộng vườn, ruộng đất vốn là một tài sản, là công cụ để duy trì sự sống của người dân; khi diện tích ruộng ngày càng bị thu hẹp thì kéo theo hàng loạt những vấn đề nảy sinh như lao động, việc làm, công cụ sản xuất, đó là chưa kể đến những hệ luỵ khi nhà máy, xí nghiệp được mọc ra gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…
Đối với giới chủ doanh nghiệp, việc mở rộng địa bàn sản xuất và hoạt động kinh tế đương nhiên mang lại nguồn lợi kinh tế, thi trường cho giới chủ doanh nghiệp. Hay nói cách khác giới chủ doanh nghiệp là người có lợi nhiều nhất trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá về trước mắt.
Còn đối với Nhà nước, Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là mục tiêu để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Xong, Nhà nước chỉ thực sự có lợi và phát huy hiệu quả kinh tế khi xã hội có sự đồng thuận và ổn định. Còn khi xã hội nảy sinh những xung đột trong việc giải quyết các vấn đề về đất đai thì Nhà nước phải chịu
nhiều thiệt hại về an ninh trật tự, kinh tế xã hội... Lợi ích lúc đó không được đem lại cho Nhà nước, có chăng chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận cán bộ tham ô, tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất.
Chính vì vậy, để bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, hay nói cách khác là để tạo ra sự đồng thuận xã hội thì đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực, toàn diện. Trong đó chủ thể Nhà nước là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính điều hoà các mối quan hệ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.
Qua nghiên cứu, phân tích thực chất xung đột trong việc giải quyết đất đai ở Hà Tây, có thể thấy: Xung đột xã hội trong việc giải quyết đất đai xảy ra trên địa bàn nào đó, việc đầu tiên là phải xác định rõ chủ thể của xung đột. Chủ thể đó có thể là nhân dân với chính quyền Nhà nước trong việc thực thi quy định chế độ, chính sách về đất đai, nhân dân với chính quyền cơ sở, hay nhân dân với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Khi xác định đúng được chủ thể của xung đột sẽ có được định hướng đúng đắn để giải quyết xung đột.
Không phải mọi xung đột xã hội trong việc giải quyết đất đai đều mang tính tiêu cực. Hầu như trong những xung đột xã hội, người dân là đối tượng chính tạo nên làn sóng xung đột xã hội (có đấu tranh mới có xung đột). Nhưng người dân không phải là chủ thể duy nhất làm nảy sinh xung đột. Do vậy, nếu xác định và giải quyết đúng xung đột thì khi ấy sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Đó chính là tính tích cực của xung đột xã hội. Ngược lại, nếu không xác định và giải quyết đúng xung đột sẽ dẫn đến tình trạng xung đột kéo dài, tất yếu phát sinh điểm nóng xã hội.