Xung đột lợi ích giữa bộ phận nhân dân với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện những quy định, chế độ và chính sách về đất đai, kinh tế, xã hội.

Một phần của tài liệu Xung đột xã hội trong việc giải quyết đất đai và nguy cơ phát sinh thành điểm nóng trên địa bàn tỉnh Hà Tây (Hà Nội hiện nay) (Trang 40 - 43)

việc thực hiện những quy định, chế độ và chính sách về đất đai, kinh tế, xã hội.

Xung đột lợi ích giữa một bộ phận nhân dân với chính quyền cơ sở chủ yếu là do nhân dân tố cáo một số cán bộ chính quyền cơ sở có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, không minh bạch, công khai trong quản lý tài chính, kinh tế, đất đai. Sự bất minh về thu nhập của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở hoặc sự bất bình của quần chúng nhân dân về tác phong, lối sống sinh hoạt, thái độ hách dịch, cửa quyền của một số cán bộ chính quyền cơ sở. Có những sai phạm của cán bộ chính quyền cơ sở trong quản lý đất đai nhưng không được xem xét giải quyết thoả đáng. Một số cán bộ đảng viên không gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, chính sách của

Đảng, pháp luật của Nhà nước… Địa bàn diễn ra mâu thuẫn, xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề trước đây cần được giải quyết như điện, đường, trường, trạm... trong khi nguồn đầu tư của Nhà nước, của các cấp chưa đáp ứng kịp thời, đội ngũ cán bộ xã thì nôn nóng mong nhanh chóng tạo sự đổi mới về cơ sở hạ tầng nông thôn. Cơ chế, chính sách huy động sức dân chưa hoàn thiện, cụ thể nhiều nơi ngân sách thu đã không đủ chi dẫn đến cán bộ xã huy động vốn bằng việc cấp, bán đất trái thẩm quyền để có khoản thu và xây dựng công trình dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân.

Trên thực tế, ở một số địa phương, việc đền bù chưa được thực hiện theo đúng quy trình, quy định trong đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến một bộ phận nhân dân không đồng tình với giá cả đền bù nên đấu tranh đòi quyền lợi, nảy sinh khiếu kiện đông người như Vạn Phúc (Hà Đông), Phú Sơn (Ba Vì).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do luật pháp và chính sách về kinh tế xã hội còn có nhiều mặt thiếu đồng bộ, chưa sát đúng với thực tế nhất là quản lý đất đai, thuế, ngân sách, chính sách đền bù. Thiết chế dân chủ ở cơ sở chậm được cụ thể hoá tạo sơ hở để cán bộ chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở lợi dụng sai phạm. Nội bộ Đảng, chính quyền đoàn thể ở một số cơ sở mất đoàn kết, bè phái, yếu kém cả về khả năng lãnh đạo, quản lý điều hành. Năng lực, trình độ hạn chế của đội ngũ cán bộ cơ sở dẫn đến thực hiện không đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây thiệt hại cho nhân dân nên quần chúng bất bình. Sự yếu kém của hệ thống chính trị ở cơ sở cùng một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất, đạo đức, thoái hoá, biến chất, không quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân; Tiêu cực, tham nhũng, cửa quyền, xa rời, ức hiếp nhân dân, vi phạm các quyền tự do dân chủ của nhân dân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Chính vì vậy mà nội dung khiếu nại, tố cáo của nhân dân phần lớn xoay quanh vấn đề: Quản lý sử dụng đất đai, giao cấp đất xây dựng cơ bản, làm nhà ở; quản lý thu ngân sách xã, tài chính xã, thanh quyết toán xây dựng các công trình cơ bản. Từ những nội dung khiếu nại cho thấy mục tiêu đấu tranh của nhân dân là chống lại các hành vi của cán bộ tham nhũng, mất dân chủ, làm sai chính sách và pháp luật, đòi công bằng, công khai, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mục tiêu đấu tranh ở đây không phải chống Đảng, chống chế độ, chống chính quyền mà muốn cho chính quyền trở lại đúng với bản chất của nó.

Dĩ nhiên, khi những yêu cầu chính đáng của nhân dân không được giải quyết, tích đọng lại có thể bùng phát thành điểm nóng thì hành vi của họ quá đà bất chấp pháp luật và chuẩn mực văn hoá đạo đức. Khi đó, những người có tiền án, tiền sự, những người bị thi hành kỷ luật đảng, xử phạt hành chính, những kẻ cơ hội chính trị… kích động, lôi cuốn quần chúng để thực hiện ý đồ xấu của họ. Bản chất nhân dân không xấu, nhưng trong khi đấu tranh cho cái tốt, nhân dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi cuốn. Ví dụ điển hình như tình hình xung đột xã hội xảy ra ở An Khánh - Hoài Đức. Do những yêu cầu của nhân dân địa phương không được xem xét và giải quyết kịp thời nên một số đối tượng cầm đầu quá khích đã lợi dụng gây rối, làm cho vụ việc ngày càng trở lên phức tạp và gay gắt.

Mặt khác, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: khi một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hoá biến chất thì hệ thống chính trị không thể vững mạnh được. Các tổ chức chính trị ở cơ sở yếu kém, mất sức chiến đấu, vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu kỷ luật. Nhưng mâu thuẫn trong nội bộ không được giải quyết trên nguyên tắc Đảng, pháp luật của Nhà nước mà bị chi phối chủ nghĩa cá nhân, gia đình, dòng họ nên rất phức tạp, kéo dài, khó giải quyết. Ở một số thôn, xã còn có hiện tượng mâu thuẫn trong nội bộ cán bộ đảng viên dẫn đến lôi kéo quần chúng làm áp lực chống đối, vô hiệu hoá, lật đổ lẫn nhau. Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở nhưng lại

xa dân, không nắm và phản ánh được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, mất uy tín với nhân dân… dẫn đến nảy sinh xung đột, mâu thuẫn giữa bộ phận nhân dân với chính quyền cơ sở là căn nguyên của khiếu kiện. Xung đột xã hội diễn ra tại thôn Dũng Cảm- Trung Tú (Ứng Hoà) là một minh chứng cụ thể. Do nắm được những bức xúc của quần chúng nhân dân trước việc chính quyền địa phương đã thiếu dân chủ trong quản lý đất đai, những đối tượng nguyên là cán bộ địa phương (đã bị kỷ luật) đã gửi đơn tố cáo cán bộ thôn, xã tham nhũng, làm sai. Các đối tượng đã đứng ra cầm đầu, tiến hành hàng loạt những vụ việc gây phức tạp, lôn xộn ở địa phương, tổ chức khiếu kiện vượt cấp, tự tổ chức bầu trưởng thôn, huỷ hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.

Thực tế ở địa phương đã chứng minh: Nếu những khiếu nại, tố cáo của nhân dân được quan tâm giải quyết kịp thời thì sẽ loại trừ được một bộ phận không nhỏ những cán bộ quan liêu, tham nhũng, khắc phục được sự yếu kém, bất lực của hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp cho địa phương đoàn kết, phát triển bền vững. Điển hình như ở một số xã thuộc huyện Phú Xuyên. Ngược lại, nếu các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể không nắm và phản ánh được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; không được dân tin cậy, khi ấy chỉ một vài phần tử xấu, cơ hội, bất mãn lợi dụng sai sót của chính quyền, lợi dụng tâm trạng bất bình của quần chúng, lôi kéo kích động quần chúng chống lại Đảng, chính quyền thì nơi đó sẽ thành điểm nóng.

Một phần của tài liệu Xung đột xã hội trong việc giải quyết đất đai và nguy cơ phát sinh thành điểm nóng trên địa bàn tỉnh Hà Tây (Hà Nội hiện nay) (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)