Tích cực giải quyết những vấn đề quá khứ để lạ

Một phần của tài liệu Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 33 - 36)

Trong nhiều thập kỷ qua, những vấn đề quá khứ tồn tại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là nguyên nhân cản trở quan hệ giữa hai nước láng giềng gần

gũi và có nhiều điểm tương đồng này. Nhận thức được điều đó, trong những năm đầu của thập niên 1990 ngay sau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, với chủ trương tăng cường quan hệ đối tác Nhật - Hàn, các nhà lãnh đạo hai nước đã thống nhất trước hết phải xóa bỏ những rào cản quá khứ giữa hai bên. Chính phủ Nhật Bản đã chủ động đưa ra lời xin lỗi về những thiệt hại vật chất và tinh thần mà nhân dân Hàn Quốc phải chịu đựng trong suốt thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Năm 1991, thủ tướng Kaifu đã “bày tỏ sự hối hận thành thật của mình về những hành động quá khứ của Nhật”, đồng thời khẳng định Nhật Bản “kiên quyết không bao giờ lặp lại những hành động đã gây ra những hậu quả bi thảm”. Thủ tướng Murayama (1994-1995) thì tuyên bố hành động chiến tranh của Nhật Bản là sai lầm, là “xâm lược”. Còn Thủ tướng Keizo Obuchi (1998- 2000) trong Tuyên bố chung Nhật Bản - Hàn Quốc đã công nhận sự thật lịch sử rằng, sự cai trị thực dân của Nhật Bản đã gây ra những khổ đau không thể dung thứ đối với nhân dân Hàn Quốc và ông đã chính thức đưa ra văn bản xin lỗi với

sự hối hận sâu sắc về những tội ác mà quân đội Nhật gây ra cho nhân dân Hàn

Quốc trong quá khứ. Có thể thấy đó là những cố gắng lớn của phía Nhật Bản

trong giai đoạn này so với trước đây các thủ tướng Nhật chỉ bày tỏ những suy nghĩ tình cảm của mình về quá khứ và nhận lỗi lầm một cách chung chung, tránh mọi lời xin lỗi trực tiếp. Cùng với những lời xin lỗi, để chứng tỏ sự chân thành của mình, Chính phủ Nhật còn quyết định hỗ trợ 100 tỷ yên cho một chương trình dự án 10 năm nghiên cứu về lịch sử đất nước và con người châu Á, trong đó có Hàn Quốc, đồng thời dự kiến hỗ trợ riêng 10 tỷ yên và xây dựng các trung tâm dạy nghề cho những phụ nữ Hàn Quốc và các nước châu Á đã từng bị ép làm “phụ nữ mua vui” cho quân đội Nhật [9, tr.16].

Những nỗ lực này của Nhật Bản cho thấy nhu cầu cải thiện quan hệ với Hàn Quốc đang được Chính phủ Nhật hết sức quan tâm. Nhật Bản luôn mong muốn cải thiện được hình ảnh của mình trong mắt người dân Hàn Quốc, những người đã phải chịu nhiều đắng cay nhất trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, nếu

được như vậy thì họ sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện “chiến lược tái gia nhập châu Á” của mình.

Bên cạnh “chính sách ngoại giao xin lỗi”, chính phủ Nhật Bản cũng đang nỗ lực cùng với chính phủ Hàn Quốc giải quyết một vấn đề chính trị nhạy cảm khác tồn tại từ quá khứ, đó là việc đối xử với thiểu số người Hàn Quốc đang sinh sống ở Nhật Bản. Từ trước đến nay, trong cuộc sống cũng như trong công việc những người Hàn Quốc này luôn bị phân biệt đối xử và hoàn toàn không được chấp nhận vào cộng đồng người Nhật cho dù họ là thế hệ người Hàn Quốc thứ hai hay thứ ba. Tuy nhiên, trong nỗ lực chung xóa bỏ những rào cản quá khứ cải thiện quan hệ hai nước, chính phủ Nhật Bản đã có nhiều thay đổi trong chính sách đối xử với cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống ở Nhật. Điều này được thể hiện trong Tuyên bố chung Nhật Bản - Hàn Quốc ký kết năm 1998 với việc các nhà lãnh đạo hai bên thống nhất nâng cao vị trí của cư dân Hàn Quốc ở Nhật Bản và coi họ là chiếc cầu nối trong việc thúc đẩy giao lưu và hiểu biết giữa hai quốc gia. Đặc biệt trong chuyến thăm Nhật Bản ba ngày của Tổng thống Kim Dae-jung (22-24/9/2000), lãnh đạo hai nước đã bàn bạc về vấn đề quyền bầu cử của người nước ngoài sống lâu năm tại Nhật Bản và đã được phía Nhật Bản hứa tham khảo ý kiến của các Đảng trong liên minh cầm quyền để giải quyết vấn đề này.

Những nỗ lực của Nhật Bản đã được phía Hàn Quốc đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao, đồng thời chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ phối hợp với Nhật Bản cùng vượt qua những vấn đề đáng tiếc trong quá khứ và tiến tới xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề quá khứ nhạy cảm khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần có thời gian dài, đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì của cả hai nước đặc biệt là phía Nhật Bản. Người Hàn Quốc sẽ không dễ quên đi những vết thương quá khứ cũng như không tin tưởng vào sự chân thành của Nhật Bản một khi chính phủ Nhật còn che đậy và phớt lờ “mảng tối” của thời kỳ thuộc địa trong các cuốn sách giáo khoa dạy ở

các trường trung học hay không có sự xin lỗi chính thức và bồi thường nào đối với những người phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật. Đây sẽ là trở ngại chính mà Nhật Bản phải vượt qua không chỉ để đạt mục tiêu trước mắt là tăng cường quan hệ gần gũi với Hàn Quốc mà còn tiến tới mục tiêu lâu dài là cải thiện hình ảnh để nâng cao hơn nữa vị thế chính trị của Nhật trong khu vực châu Á.

Một phần của tài liệu Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc sau chiến tranh lạnh (Trang 33 - 36)