Nhân vật có số phận kỳ ảo

Một phần của tài liệu ghệ thuật truyện ngắn Gabriel Garcia Marquez (Trang 29 - 35)

7. Quy ước

1.2.2Nhân vật có số phận kỳ ảo

Song song với việc “đời thường hóa” các nhân vật có nguồn gốc siêu nhiên, đưa nó trở về gần gũi với con người đời thực, Marquez lại có xu hướng nâng những con người, sự việc, hiện tượng của đời sống thường ngày lên tầm huyền thoại. Thủ pháp “kỳ ảo hóa” các nhân vật đời thường đã được nhà văn sử dụng triệt để trong việc tạo ra một chuỗi các tình tiết, yếu tố kỳ ảo, hoang đường ngẫu nhiên, góp phần tạo dựng

nên những số phận kỳ ảo. Gió bấc, Dấu máu em trên tuyết, Chuyện buồn không

thể tin được của Êrênhđira ngây thơ và người bà bất lương, Tôi đến chỉ để gọi điện thoại, Blacamăng- người hiền bán phép tiên… là những ví dụ tiêu biểu, điển

hình.

Gió bấc gợi cho người đọc những liên tưởng thú vị về thiên tai hơn là một số phận

kỳ ảo nào đó. Như là điềm báo trước cho một chuyện gì đó sẽ xảy ra, cơn gió quái ác này lại chính là người bạn duy nhất của người gác cổng, một con người đơn côi trong tâm hồn nhưng lại hết lòng sống giữa đời thường. “Cơn gió bắc như mụ đàn bà khó tính nhưng nếu thiếu nó thì cuộc sống của ông sẽ trở nên vô nghĩa”. Cuộc đời, số phận của người đàn ông gác cổng gắn bó một cách kỳ lạ đến mức khó hiểu với cơn gió thô bạo, cuồng điên này.

Thứ gió cổ xưa nhất lại chính là thước đo thời gian, năm tháng của người gác cổng theo con số những lần cơn gió bắc thổi về, tựa như “một chuyến viếng thăm nguy hiểm chết người nhưng lại vô cùng thích thú”. Người gác cổng xem đó như là lẽ

30

sống của đời mình. Bởi vậy, khi cơn gió ngừng hoạt động thì cũng là lúc người gác cổng quyết định tìm cho mình cái chết bởi lẽ với ông, đã không còn một lẽ sống nào nữa.

Gió bấc tuy có đôi chút kỳ ảo, nhưng là cái kỳ ảo có thể hiểu được nếu xem xét ở khía cạnh lẽ sống, nguồn sống. Còn với Dấu máu em trên tuyết, người đọc như lạc

trong một mê trận bát quái không có đường ra, mọi sự việc, chi tiết đều mơ hồ, khó hiểu. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới trong chuyến hành trình đến Paris đã trải qua nhiều chuyện lạ kỳ, hoang đường. Bắt đầu từ chi tiết đầu ngón tay đeo nhẫn của người vợ cứ ứa máu mãi không ngừng đến chuyện Nêna Đacôtê được đưa vào một bệnh viện khổng lồ. Cũng từ đây, người chồng Bidi Săngchêt phải đối mặt với biết bao sự việc lạ kỳ.

Trước hết, bản thân bệnh viện mà vợ anh vào cũng là một nơi kỳ quái với những quy định hết sức khó hiểu. Bidi Săngchêt bắt buộc phải đi thăm vợ bằng đường cổng chính, chỉ được phép thăm hỏi vào các ngày thứ ba hàng tuần. Lạ lùng hơn nữa, viên cảnh sát cũng buộc anh phải để xe cách hai ô phố nữa về phía trước. Khách sạn nơi anh trọ còn kỳ lạ hơn: ngọn đèn cầu thang luôn phụt tắt trước khi anh leo đến tầng của mình; trong những ngày lẻ của tháng, xe được đậu bên dãy số lẻ, còn những ngày chẵn thì phía bên kia. Mọi chi tiết vô lý đều được đẩy lên đến cực đoan, thậm chí cứu cánh sau cùng của đôi vợ chồng trẻ ở một nơi xa lạ chìa khóa của tất cả các chiếc valy, tiền bạc cũng như số điện thoại của người quen ở Paris đều ở trong túi xách tay mang theo của Nêna Đacôtê. Trong khi Bidi Săngchêt ngược xuôi tìm sự giúp đỡ của đại sứ quán, loay hoay khi không biết tên và địa chỉ cái nơi mình đang trọ thì cũng là những ngày cuối cùng người vợ hấp hối. Vào lúc hai giờ chiều ngày chủ nhật, đám tang được cử hành ở nơi chỉ cách khách sạn Bidi Săngchêt trọ hai trăm mét, nơi mà Bidi Săngchêt đang chết lặng trong nỗi đơn côi vì tình yêu với người vợ Nêna Đacôtê. Thứ mê trận bát quái mà Bidi Săngchêt trải qua ở nơi xa lạ, xét cho cùng chính là các quy chuẩn chặt chẽ, uyên bác nhất của một

31

nước văn minh, đối lập với châu Mỹ man mọi lúc bấy giờ. Màu sắc hiện thực của truyện cũng từ đây mà được tô đậm.

Những ai đọc Trăm năm cô đơn chắc còn nhớ đoạn từ trang 77 tới trang 80 (theo

bản in năm 1969 của nhà xuất bản U-ra-căng, Lahabana, Cu Ba) trong đó tác giả nói về một cô gái da lai, vì lỡ để cháy nhà bà nội mình mà bị bắt đi làm điếm lấy tiền đền số tài sản bị cháy. Cô gái đó chính là Êrênhđira và người bà bất lương của

mình. Đúng như tên truyện ngắn Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđira

ngây thơ và người bà bất lương, Êrênhđira có một cuộc đời bất hạnh chìm nổi như

cơn gió bất hạnh của đời cô nổi lên mỗi lần cô dấn thêm sâu hơn vào bể khổ.

Êrênhđira là cô cháu gái ngoài giá thú được người bà nuôi từ khi mới lọt lòng. “Cô gái ngây thơ đã xuất phát từ quan hệ bà – cháu để khu xử các quan hệ khác như quan hệ bà chủ - nô tỳ, quan hệ mụ Tú bà – con điếm” [14, tr. 106]. Lúc còn nhỏ, cô sống bên cạnh bà, hầu hạ cho bà không khác gì một cô nô tỳ. Chuỗi công việc của cô dài bất tận từ sáng đến tối mịt, rồi đêm khuya đến mức cô phải vừa làm vừa ngủ và mắc chứng mộng du. Người bà, thậm chí cả khi giấc ngủ đang từ từ đến, vẫn tiếp tục đọc tên những công việc cần làm cho cô cháu gái lúc bấy giờ chỉ còn biết trả lời như một cái máy đã được lập trình sẵn “Thưa bà, vâng ạ!”. Êrênhđira đã hầu hạ bà mà không một chút so đo, tính toán, chỉ biết nghe và làm việc đến kiệt sức. Cái đêm mà cơn gió hung bạo ùa vào phòng cô hất đổ cây đèn nến đang cháy vào màn cửa cũng là thời khắc dự báo cho những bất hạnh sẽ ập đến trong đời cô. Vụ hỏa hoạn không ngờ đã thiêu cháy phần lớn tài sản của ngôi nhà và biến Êrênhđira thành một con nợ mà theo lời người bà thì cả đời này cô cũng không thể trả nổi món nợ đó.

Cô gái 14 tuổi đã phải dấn thân đi làm điếm để trả nợ cho bà. Trong cái tiệm chứa tạm bợ do người bà dựng lên, Êrênhđira đã phải tiếp bao loại khách, sang có hèn có, có kẻ vì bản chất cố hữu hoặc vì tò mò với tâm trạng sợ hãi và khiếp đảm lúc ban đầu. Còn với người bà, đó chỉ đơn thuần là công việc làm ăn. Đánh giá hiệu quả của

32

nó, mụ ước tính trong tám năm sáu tháng mười ngày, Êrênhđira sẽ trả xong công nợ cho mụ.

Cuộc chạm trán với các giáo sĩ đã đưa Êrênhđira sang một đoạn trường mới. Thời gian sống ở tu viện, được thấy những con người và công việc nơi đây, Êrênhđira đã phát hiện ra những vẻ khác nhau của cái đẹp và nỗi đau khổ. Tất cả những trạng thái cảm xúc đó, trước đây cô chưa từng mường tượng nổi trong cái thế giới chật hẹp của mình, cái thế giới chỉ quẩn quanh bên một chiếc giường. Rồi cũng vì mưu chước của người bà, cô phải kết hôn với một người đàn ông xa lạ đã được bà trả cho hai mươi đồng bạc trước đó. Cuộc đời Êrênhđira như rẽ sang một hướng khác khi cô gặp và có tình cảm với Uylix, một trong số những người đàn ông đến chơi gái. Thế giới xung quanh Êrênhđira là thế giới trong đó quan hệ giữa người với người hết sức thô bạo giống như thiên nhiên hung bạo của miền hoang mạc nơi đây. Trong hoàn cảnh đó, Êrênhđira không thể có được sự giác ngộ bản thân. Chỉ đến khi cảm thấy mình bị làm nhục quá mức, ý thức được sống một cuộc sống của con người mới trỗi dậy mạnh mẽ, cô mới cùng Uylix vạch ra kế hoạch giết chết người bà. Kết truyện, Êrênhđira không cùng Uylix sống đời hạnh phúc mà cô nhặt lấy chiếc áo trấn thủ nhồi toàn vàng lá của người bà tích cóp bấy lâu, chạy như bay, tiến sâu vào lòng hoang mạc và mất tích ở đó, kết thúc một đời bất hạnh. Chuỗi sự việc, biến cố xảy ra trong cuộc đời Êrênhđira tưởng như vô lý thì lại trở nên hết sức có lý trong bối cảnh xã hội Mỹ Latinh bấy giờ, khi mà loại người – thú (đại diện là người bà) chiếm số đông và trở thành phổ biến.

Xung quanh dạng thức nhân vật có số phận kỳ ảo, người viết muốn đặc biệt lưu ý đến tính chất thủ tiêu hoàn toàn sự logic, cái gọi là nguyên cớ, nguồn cơn trong việc

tạo ra sự kỳ ảo, hoang đường của số phận nhân vật. Tôi đến chỉ để gọi điện thoại là

truyện ngắn chuỗi sự việc được miêu tả diễn ra hết sức tuần tự, tự nhiên. Và chính điều này lại là nhân tố chính tạo nên số phận bi đát đến lạ lùng của cô gái Maria.

33

Bị hỏng xe ngay giữa hoang mạc, tình cờ xin đi nhờ một chiếc xe có phần nhếch nhác với mong muốn có thể tìm được trạm điện thoại gần nhất để báo cho người chồng đang chờ đợi ở nhà...tất cả những chi tiết này là hoàn toàn ngẫu nhiên, dễ hiểu, thường thấy trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, Maria không thể ngờ rằng đó là chuyến xe bất hạnh, nhân tố khởi nguồn cho những sắp đặt hết sức bi đát về sau dành cho cô. Như một định mệnh, chuyến xe lạ kỳ chở cô cùng với những người đàn bà khác tới một nhà thương dành cho những người bị tâm thần. Dĩ nhiên, Maria hoàn toàn bình thường. Do đó, từ nghi hoặc, băn khoăn ban đầu nhanh chóng biến thành sự hoảng hốt thật sự khi cô nhận biết được về nơi mà mình đang đến. Nhưng rồi, phản ứng đó nhanh chóng qua đi, sau đêm đầu tiên người ta tiêm cho cô một mũi thuốc ngủ. Trong khi người chồng tìm kiếm cô một cách vô vọng, ngày này qua ngày khác bằng tất cả các mối liên hệ có được thì Maria từ phản kháng mạnh mẽ đã dần dần chấp nhận tham gia vào cuộc sống trong trại điên, cách ly hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Phản kháng cuối cùng của cô đó là cố gắng liên lạc bằng điện thoại với chồng, khi bất ngờ có cơ hội. Có thể, mong ước về một cuộc sống bình thường chưa phải đã mất hẳn trong nhận thức và suy nghĩ của Maria. Nhưng ngay cả cơ may sau cùng này cũng sụp đổ khi mà chính người chồng cũng tin rằng cô có bệnh tâm thần và cần được chữa trị.

Tôi đến chỉ để gọi điện thoại đem đến cho người đọc một cảm giác bất an từ đầu

đến cuối truyện. Thì ra, những rủi ro, bất hạnh có thể đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời và với một xã hội, bối cảnh như Maria đang sống, không còn con đường nào khác là con người phải phục tùng và cam chịu, thậm chí có thể bị làm cho tha hóa, hòa lẫn với hoàn cảnh.

Toàn bộ sáng tác của G.G.Marquez cho đến nay luôn luôn xoay quanh trục chủ đề chính: cái cô đơn. “Trên thực tế một nhà văn chỉ viết một cuốn sách. Cuốn sách mà tôi đang viết là cuốn sách về cái cô đơn” [6, tr. 102]. 36 sáng tác truyện ngắn của Marquez thể hiện sự phong phú, sinh động trong viêc xây dựng các dạng thức nhân vật trong nội hàm những đặc trưng bản chât của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Và

34

dù có là kiểu dạng nhân vật thần thánh, nhân vật ma, dạng tồn tại lưỡng phân hay dạng nhân vật có số phận kỳ ảo thì bao trùm lên tất cả vẫn là tính chất cô lập, không tìm thấy mối liên kết, tiếng nói chung với cộng đồng, xã hội, gọi chung là dạng thức nhân vật cô đơn.

Tóm lại, bằng thủ pháp “đời thường hóa” nhân vật siêu nhiên và “kỳ ảo hóa” nhân vật đời thường, Marquez đã tạo ra một thế giới nhân vật đa dạng, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự sống động cho các câu chuyện kể của mình. Hơn hết, thấp thoáng đằng sau thế giới đó là phản quang của con người và cuộc sống con người phức tạp, đa vẻ.

35

Chương 2: KHÔNG GIAN – THỜI GIAN

Một phần của tài liệu ghệ thuật truyện ngắn Gabriel Garcia Marquez (Trang 29 - 35)