SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC 1 Sự tương đồng

Một phần của tài liệu Chính sách đất nông nghiệp của Trung Quốc và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam (Trang 85 - 88)

3.2.1. Sự tương đồng

* Về chính trị

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, trong gần một trăm năm qua, sự nghiệp cách mạng ở hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Do đó, định hướng phát triển đất nước là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận cơ bản cho mọi chủ trương, chiến lược của quốc gia. Trong những năm từ thập kỷ 40 đến thập kỷ 70 của

thế kỷ 20, cả hai nước đều đi theo mô hình xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô và các nước Đông Âu đã thực hiện. Đặc trưng của mô hình này là cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp cao độ. Trong nông nghiệp, đó là mô hình tập thể hóa, đất đai được sử dụng tập thể. Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến giữa những năm 70 của thế kỷ 20, các nước Liên Xô và Đông Âu rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Mô hình chủ nghĩa xã hội mà các nước này thực hiện bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết cần được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với xu thế, yêu cầu thực tế phát triển của nhân loại và thế giới. Vì vậy, các nước đều tiến hành cải tổ. Trước yêu cầu đó, Trung Quốc và Việt Nam cũng phải tiến hành cải cách, đổi mới. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, Trung Quốc tiến hành cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam thực hiện đổi mới từ năm 1986. Song, việc cải cách ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam đều chủ yếu tập trung khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế tập trung, bao cấp. Nói một cách hình ảnh, cả hai nước đều có chung một "căn bệnh" đó là đã kéo dài quá lâu việc thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp cao độ. Để chữa trị "căn bệnh" đó, lẽ đương nhiên là phải sử dụng những "phương thuốc giống nhau". Đó chính là lý do giải thích vì sao các chính sách mà Việt Nam thực thi trong những năm qua có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.

* Về kinh tế

Việt Nam và Trung Quốc đều có điểm xuất phát thấp, là nước nông nghiệp. Khi bước vào tiến hành cải cách Trung Quốc có tới trên 80% dân số là nông dân, sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Trước khi bước vào cải cách, Trung Quốc chưa tự sản xuất đủ lương thực phục vụ đời sống nhân dân trong nước. Giữa những năm 1990, nhiều cá nhân và tổ chức, như nhà kinh tế Mỹ Lester Brown, Ngân hàng thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật, Hội nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế.. đã dự đoán về cung cầu lương thực của Trung Quốc. Tất cả các dự đoán

đều cho rằng, đến năm 2000 Trung Quốc sẽ phải nhập một lượng lớn lương thực; có thể phải nhập đến 60 triệu tấn, theo dự đoán của L.Brown. Do đó, vấn đề lương thực là vấn đề sống còn số một đối với sự ổn định và phát triển của Trung Quốc, đúng như quan niệm truyền thống: "vô nông bất ổn".

Xuất phát từ thực tiễn đó, ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 (1978) về tiến hành cải cách toàn diện, Trung Quốc đã chọn nông nghiệp làm khâu đột phá với bước đi đầu tiên là đổi mới về chính sách đất nông nghiệp, thực hiện khoán sản phẩm đến hộ gia đình nông dân, giao ruộng đất ổn định cho hộ gia đình nông dân trong khoảng thời gian 15 năm. Thực chất là giao quyền tự chủ trong sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, thay vì giao quyền sử dụng đất cho tập thể như trước đây. Với đổi mới về chính sách đất nông nghiệp, Trung Quốc đã tạo được sự phát triển vượt bậc trong nông nghiệp. Đến năm 1998, Trung Quốc đạt sản lượng lương thực kỷ lục: 500 triệu tấn. Việc nhập khẩu lương thực với số lượng lớn như dự báo của các tổ chức quốc tế và các nhà kinh tế thế giới đã không xảy ra. Trung Quốc đã tự sản xuất đủ lương thực, tạo điều kiện tiên quyết, cơ bản để ổn định xã hội và đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế khác.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1981, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới tư duy kinh tế, chính sách đất nông nghiệp đã được chọn là khâu thực hiện đổi mới trên thực tế. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V với nội dung là khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động, thực chất là tăng quyền tự chủ cho nông dân trong việc sử dụng đất nông nghiệp. Sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về thực hiện đổi mới toàn diện, năm 1988, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về "đổi mới trong quản lý kinh tế nông nghiệp", nội dung chủ yếu là giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình nông dân. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã thực sự tạo được bước "đột phá" trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 (sau này thường

gọi là khoán 10), sản xuất lương thực ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ chỗ hàng năm phải nhập khẩu từ 0,5 đến 1 triệu tấn lương thực để ăn, đến năm 1990, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo trên thế giới.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đang ở trong quá trình chuyển đổi, đẩy mạnh hội nhập. Nhiều vấn đề kinh tế cả hai nước đều phải đối mặt: xây dựng thể chế kinh tế thị trường, cải cách kinh tế nhà nước theo yêu cầu của WTO, vấn đề tam nông...

* Về văn hóa

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Điều đó làm cho cách ứng xử của người dân, của doanh nghiệp và của nhà nước trước các vấn đề kinh tế có nhiều điểm giống nhau.

Những điểm tương đồng trên đây cho phép Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong hoạch định và thực thi chính sách đất nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Chính sách đất nông nghiệp của Trung Quốc và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)