Chính sách đất đai ở Việt Nam từ năm 1988 đến trước năm

Một phần của tài liệu Chính sách đất nông nghiệp của Trung Quốc và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam (Trang 76 - 77)

- Để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 1987, sau khi Luật Đất đai năm 1987 được Quốc hội công bố, ngày 5 tháng 4 năm 1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW: "Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp", trong đó trọng tâm là đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất nông nghiệp. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị chính thức mở đường cho việc thực hiện giao khoán ruộng đất ổn định lâu dài (15 năm) cho hộ gia đình nông dân (sau này nông dân quen gọi là khoán 10). Đây thực sự là bước đột phá trong chính sách đất nông nghiệp ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Tiếp ngay sau đó, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 13/HĐBT ngày 01/02/1989 và Nghị định 30/HĐBT ngày 23/03/1989 về việc thi hành Luật Đất đai.

- Quyết định 13/HĐBT ngày 01/02/1989 của HĐBT đã cụ thể hóa Luật đất đai năm 1987 thành các quy định và các nguyên tắc khi giải quyết các quan hệ về ruộng đất:

+ Kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng về ruộng đất, đồng thời sửa chữa những trường hợp đã xử lý sai, phù hợp với tình hình thực tế từng nơi.

+ Bảo đảm cho mọi người lao động sản xuất nông nghiệp đều có đất đai sản xuất, tạo điều kiện cho tình hình ruộng đất được ổn định và nông dân yên tâm sản xuất.

+ Gắn việc giải quyết vấn đề ruộng đất với tổ chức lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu sản xuất theo hướng thâm canh, tăng vụ, kinh doanh tổng hợp, mở mang ngành nghề, phân bố lại dân cư, lao động cho phù hợp ngành nghề và quy hoạch của từng vùng lãnh thổ…

- Nghị định 30/HĐBT ngày 23/03/1989 tiếp tục cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 1987. Nghị định 30/HĐBT đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình một cách đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời giúp người sử dụng đất được dễ dàng hơn khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến đất đai.

- Nghị định 30/HĐBT đã tạo ra những chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý đất đai, vừa đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, vừa mở rộng diện tích đất cho sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 1987, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Quyết định 13/HĐBT và Nghị định 30/HĐBT đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và chi tiết cho hoạt động quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta. Nhờ triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản trên mà công tác quản lý đất đai và hoạt động sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước dần dần đi vào nề nếp. Đặc biệt các tầng lớp dân cư được khuyến khích và yên tâm hơn trong việc sử dụng đất, họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài và được giao nhiều quyền sử dụng với nhiều mục đích chính đáng để tăng thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một phần của tài liệu Chính sách đất nông nghiệp của Trung Quốc và một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam (Trang 76 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)