Điều kiện tự nhiên của Hà Nội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình sử dụng chất thải rắn nông nghiệp và tác động của một số hình thức xử lý rơm rạ đến môi trường đất lúa ở Hà Nội (Trang 56 - 61)

1.5.1.1.Vị trí địa lý

Hà Nội có vị trí từ 20°53' đến 21°32' vĩ độ Bắc và 105°18' đến 106°02' kinh độ Đông. Hà Nội nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, có địa giới tiếp giáp với 8 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc; Bắc Giang - phía Đông Bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên - phía Đông; Hà Nam ở phía Nam; Hòa Bình ở phía Tây Nam; Phú Thọ ở phía Tây; Vĩnh Phúc ở phía Tây Bắc.

1.5.1.2. Địa hình

Thành phố Hà Nội có địa hình đa dạng, bao gồm: vùng núi, vùng đồi và vùng đồng bằng.

Vùng núi có độ cao từ 300 m đến trên 1.000 m, trong đó có đỉnh Ba Vì cao 1.281 m và một số dãy núi đá vôi ở phía Nam (thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức), các núi này thường có độ dốc lớn, hay bị xói mòn khi mùa mưa đến. Phía Bắc Hà Nội có dãy Sóc Sơn với đỉnh Chân Chim cao 462 m.

Vùng đồi chủ yếu ở khu vực Hà Tây cũ, với độ cao từ 30 m đến 300 m. Địa hình vùng đồi dốc thoải với độ dốc trung bình 8 - 20%.

Vùng đồng bằng chiếm phần lớn diện tích của Hà Nội, bao gồm khu vực phía Đông của tỉnh Hà Tây cũ và hầu hết diện tích Hà Nội cũ (trừ khu vực vùng núi Sóc Sơn) và huyện Mê Linh.

1.5.1.3. Khí hậu

Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa; mùa hè nóng mưa nhiều và mùa đông lạnh ít mưa. Do tác động của khí hậu biển nên Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn, trung bình 114 ngày mưa một năm. Thuộc vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh nǎm tiếp nhận lượng bức xạ

53

mặt trời rất dồi dào và có lượng nhiệt cao. Khí hậu Hà Nội là sự khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Mùa hè nóng kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9, kèm theo mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 29,2ºC. Mùa đông lạnh từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau với nhiệt độ trung bình 15,2ºC.

1.5.1.4. Thủy văn

Hà Nội có hai con sông lớn là sông Hồng, sông Đà chảy qua. Sông Hồng có chiều dài 1.183 km, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài 163 km, chiếm khoảng 1% chiều dài của con sông này trên đất Việt Nam. Sông Đà là ranh giới giữa Hà Nội với Phú Thọ, hợp lưu với dòng sông Hồng ở phía Bắc thành phố, khu vực huyện Ba Vì. Ngoài hai con sông lớn kể trên, qua địa phận Hà Nội còn nhiều con sông khác như sông Đáy, sông Đuống...

Hà Nội cũng là một thành phố đặc biệt nhiều đầm hồ, có thể kể đến như Hồ Tây (có diện tích lớn nhất, khoảng trên 400 ha), Hồ Gươm, Trúc Bạch, Thiền Quang... đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu cho khu vực nội thành và tạo cảnh quan đẹp cho Thủ đô Hà Nội.

1.5.1.5. Thổ nhưỡng

Theo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội [46], Hà Nội có 7 nhóm đất với 21 loại đất.

1/ Nhóm đất cát: chủ yếu là cồn cát và bãi cát ven sông (ký hiệu Cb): Diện tích 406,0 ha, chiếm 0,12% diện tích tự nhiên. Loại đất này ở ngoài đê, tiếp cận với sông hoặc ở giữa dòng; tập trung ở các xã ven sông của các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm và huyện Ba Vì. Ở những nơi cát thô hoàn toàn dành cho khai thác phục vụ xây dựng. Ở nơi lớp mặt có phù sa phủ được sử dụng trồng màu, các loại cây vụ đông xuân như: ngô, khoai lang, khoai tây, đậu đỗ…

2/ Nhóm đất phù sa: đây là nhóm đất chủ yếu với diện tích 118.779 ha, chiếm 35,73% diện tích tự nhiên. Nhóm đất phù sa gồm có 8 loại đất, đặc điểm của chúng như sau:

- Đất phù sa được bồi trung tính ít chua (ký hiệu Pbe): có diện tích 16.288 ha, chiếm 4,90% diện tích tự nhiên. Loại đất này chủ yếu nằm ngoài đê ven sông Hồng,

54

sông Đà, sông Đuống và một phần diện tích trong đê thuộc các huyện nằm trong vùng phân lũ.

- Đất phù sa được bồi chua (ký hiệu Pbc): có diện tích 542 ha, chiếm 0,16% diện tích tự nhiên, chỉ phân bố ở huyện Sóc Sơn, vùng ven sông Cầu và sông Cà Lồ. Nhìn chung đất phù sa được bồi là loại đất tốt, rất phù hợp cho việc phát triển cây trồng đa dạng từ rau, màu, lương thực đến các cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả...

- Đất phù sa không được bồi trung tính ít chua (ký hiệu Pe): Diện tích 49.434 ha chiếm 14,87% diện tích tự nhiên. Đây là loại đất có diện tích lớn nhất trong nhóm đất phù sa. Loại đất này phân bố tập trung ở tất cả các huyện của thành phố.

- Đất phù sa không được bồi chua (ký hiệu Pc): Diện tích 945 ha, chiếm 0,28% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố ở vùng đất ven sông Cầu và sông Cà Lồ thuộc huyện Sóc Sơn và Đông Anh, trong đó chủ yếu là ở huyện Sóc Sơn. Đất phù sa không được bồi hiện đang được sử dụng trồng lúa, rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhìn chung loại đất này rất thích nghi cho sinh trưởng và phát triển của các cây trồng cạn ưa điều kiện thoáng khí, thoát nước. Đây cũng là loại đất khá lý tưởng đối với các cây ăn quả như nhãn, vải, xoài, hồng xiêm, bưởi, đu đủ, na, cam quýt. Tuy nhiên chỉ nên phát triển cây ăn quả ở những vùng có địa hình cao. Những chân vàn đất nên ưu tiên trồng lúa hay lúa - màu (rau, ngô, khoai tây hay các cây họ đậu...).

- Đất phù sa glây (ký hiệu Pg): có diện tích 44.637 ha, chiếm 13,43% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố ở tất cả các huyện trong thành phố, chủ yếu được sử dụng để trồng lúa 2 vụ, kết hợp nuôi cá hay chăn nuôi thuỷ cầm.

- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (ký hiệu Pf): Diện tích 3.636 ha, chiếm 1,09% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố ở địa hình cao, tập trung ở Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm, Gia Lâm, Ba Vì. Có thể phát triển cây ăn quả, đặc biệt là xoài, vải, na, bưởi ở những chân đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng địa hình cao.

- Đất phù sa úng nước (ký hiệu Pj): Diện tích 3.208 ha chiếm 0,96% diện tích tự nhiên, phân bố ở các khu vực thấp trũng thuộc huyện Thanh Trì, phía Nam huyện Sóc Sơn, phía Đông huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai. Biện pháp chủ yếu để sử dụng loại đất này là thuỷ lợi, rút nước thừa để cấy 2 vụ lúa. Nơi

55

trũng, thấp, ngập sâu có thể cải tạo thành hồ chứa nước nuôi cá. Cần coi trọng bón vôi (1.500 - 2.000 kg/ha) để khử chua. Các chất dinh dưỡng trong đất đều thấp nên cần bón đầy đủ để cân bằng dinh dưỡng.

- Đất phù sa ngòi suối (ký hiệu Py): Diện tích chỉ có 89 ha, chiếm 0,03% diện tích tự nhiên. Loại đất này chiếm diện tích không đáng kể, chủ yếu ở ven suối vùng đồi núi huyện Sóc Sơn. Trên loại đất này hiện nay thường được trồng hai vụ lúa, 1 vụ màu hoặc một lúa, 1 màu (xen 1 vụ mạ), năng suất cây trồng thấp. Vào vụ đông xuân hoa màu thường bị hạn.

3/ Nhóm đất lầy và than bùn (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Đất lầy (ký hiệu J): Diện tích hiện nay có 554 ha, chiếm 0,17% diện tích tự nhiên; phân bố ở địa hình thấp trũng thuộc huyện Quốc Oai. Hiện nay chỉ có một số diện tích rất ít ven vùng đất lầy thụt đã được khai thác để cấy 1 vụ lúa chiêm.

- Đất than bùn (ký hiệu T): diện tích hiện nay có 137 ha, chiếm 0,04% diện tích tự nhiên. Loại đất này được hình thành ở địa hình thấp, trũng do thực vật phát triển mạnh, sau khi chết tích luỹ lại tạo thành các lớp xác thực vật dày tới hàng mét. Loại đất phân bố ở huyện Mỹ Đức, hiện nay chủ yếu còn hoang hoá, một phần nhỏ đã được khai thác để trồng lúa nước và làm phân bón hữu cơ và chất độn chuồng cho chăn nuôi.

4/ Nhóm đất xám bạc màu: diện tích 18.696 ha, chiếm 5,62% diện tích tự nhiên. Nhóm có 2 đơn vị phân loại đất: đất xám bạc màu trên phù sa cổ và đất xám bạc màu glây.

- Đất xám bạc màu trên phù sa cổ (ký hiệu B): Diện tích 5.991 ha chiếm 1,80% diện tích tự nhiên, phân bố ở huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thị xã Sơn Tây.

- Đất xám bạc màu glây trên phù sa cổ (ký hiệu Bg): Diện tích 12.705 ha, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố ở Sóc Sơn, Đông Anh và Ba Vì. Có thể bố trí một cơ cấu cây trồng đa dạng. Với cây ăn quả, xoài, na, đu đủ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở đất này.

5/ Nhóm đất đỏ vàng: Diện tích 47.860 ha chiếm 14,39% diện tích tự nhiên, gồm 06 loại đất sau:

56

- Đất đỏ nâu trên đá macma bazơ và trung tính (ký hiệu Fk): Diện tích có 1.862 ha, chiếm 0,56% diện tích tự nhiên; phân bố ở huyện Ba Vì. Đây là loại đất tốt trong nhóm đất đỏ vàng, nhưng ở đây loại đất này nằm trong khu vực vườn quốc gia, vì vậy trồng rừng phòng hộ vẫn là mục đích hàng đầu.

- Đất đỏ nâu trên đá vôi (ký hiệu Fv): Diện tích có 283 ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở huyện Mỹ Đức. Đây cũng là loại đất tốt trong nhóm đất đỏ vàng, giàu dinh dưỡng, kết cấu khá, phù hợp cho trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và cây màu.

- Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (ký hiệu Fs): Diện tích có 18.714 ha, chiếm 5,6% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, phân bố trên địa hình dốc vì vậy sản xuất theo mô hình trang trại là thích hợp nhất.

- Đất vàng nhạt trên đá cát (ký hiệu Fq): Diện tích có 36 ha, chiếm 0,01% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở huyện Mê Linh. Đây là loại đất có độ phì thấp, tuy nhiên ở đây loại đất này thường có tầng đất không dày, phân bố trên địa hình dốc vì vậy sử dụng bền vững vẫn là mô hình trang trại.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ (ký hiệu Fp): Diện tích 21.571 ha, chiếm 6,49% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất và Thị xã Sơn Tây. Đây là loại đất có độ phì thấp, nhưng lại phân bố trên địa hình khá bằng phẳng, gần nguồn nước; vì vậy có thể trồng cây ăn quả trên chân đất có tầng dày > 70 cm, cây công nghiệp ngắn ngày và đặc biệt là đồng cỏ chăn thả ở nơi có tầng đất mỏng hơn.

- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (ký hiệu Fl): Diện tích 5.394 ha, chiếm 1,62% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở huyện Ba Vì, Thạch Thất. Đất được hình thành trên các loại đất đỏ vàng được sử dụng trồng lúa nước 1-2 vụ/năm. Sử dụng hiệu quả loại đất này vẫn là trồng lúa nước 1-2 vụ hoặc 2 vụ lúa + màu, song trong quá trình sử dụng cần chú ý đến việc chủ động nguồn nước tưới, tiêu.

6/ Nhóm đất thung lũng dốc tụ

Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (ký hiệu D): Diện tích 123 ha chiếm 0,04% diện tích tự nhiên. Đất phân bố rải rác ở Sóc Sơn, dưới chân đồi núi phiến

57

thạch sét. Vùng địa hình vàn, thấp, đủ nước trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu; vùng địa hình cao trồng 1 vụ lúa mùa, 2 vụ màu đông xuân. Cần thâm canh, xen canh với cây họ đậu để cải tạo đất, giữ ẩm lớp đất mặt, hạn chế quá trình rửa trôi đất.

7/. Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi

Đất mùn vàng đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (ký hiệu Hk): Có diện tích 221 ha, chiếm 0,07% diện tích tự nhiên; phân bố tập trung ở huyện Ba Vì. Loại đất này lại nằm ở độ cao lớn, địa hình bị chia cắt và thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ba Vì, vì vậy trồng rừng phòng hộ vẫn là mục tiêu hàng đầu, ngoài ra còn có thể tận dụng để trồng cây dược liệu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình sử dụng chất thải rắn nông nghiệp và tác động của một số hình thức xử lý rơm rạ đến môi trường đất lúa ở Hà Nội (Trang 56 - 61)