Những hoạt động kinh tế phi kết cấu xuất hiện ở Việt Nam rất sớm. Do tính chất thời vụ của một đất nước nông nghiệp truyền thống, vào những lúc nông nhàn, người dân luôn tìm thêm các công việc khác để nâng cao mức thu nhập, mức sống của mình.
Tại mỗi địa phương, do tiềm năng và sở trường khác nhau nên đã xuất hiện rất nhiều các làng nghề khác nhau như: Gốm Bát Tràng, tơ lụa Hà Đông , gỗ Đồng Kỵ.... mà cho đến ngày nay vẫn tồn tại và phát triển.
Trải qua các thời kỳ của lịch sử đất nước, những hoạt động kinh tế phi kết cấu vẫn luôn tồn tại và rất đa dạng về các loại ngành nghề. Tuy nhiên, tuỳ theo từng giai đoạn phát triển kinh tế của nước ta, khu vực phi kết cấu cũng có nhiều biến động, nhất là khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì khu vực kinh tế phi kết cấu như có lực đẩy mạnh mẽ đã ngày càng mở rộng ra.
Quá trình phát triển kinh tế mới, xu hướng đô thị hoá mạnh đã thúc đẩy quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị và các hoạt động kinh tế phi kết cấu ở những thành phố lớn một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế với khung pháp lý và thể chế chưa hoàn thiện, nhiều hoạt động kinh tế (ngoại trừ các hoạt động phạm pháp) đang không rõ thuộc khu vực nào. Đó chủ yếu là các hoạt động dịch vụ nảy sinh trong những ngành mới chưa có hoặc không được phát triển trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung ví dụ như: Môi giới thương mại, khám chữa bệnh tại gia đình, gia sư.... Các hoạt động này đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.
Từ khi hệ thống tài khoản Quốc gia (SNA) được áp dụng vào Việt nam, việc đo lường quy mô của khu vực kinh tế phi kết cấu trong nền kinh tế đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm. Tuy nhiên việc đo lường còn thiếu nhiều thông tin cũng như cơ sở dữ liệu. Cho đến nay, với sự giúp đỡ của chuyên gia quốc tế, đặc biệt là của Liên Hiệp Quốc, Tổng cục thống kê đã bước đầu thử nghiệm tính toán khu vực này. Những hoạt động sau đây được đưa vào đo lường:
- Hoạt động sản xuất phụ của hộ gia đình
- Sản xuất cá thể của các hộ gia đình ở thị trấn, thị tứ, thành phố.
- Dịch vụ làm thuê ở hộ gia đình, kể cả làm thuê cho người nước ngoài. - Hoạt động buôn bán và dịch vụ xuất nhập - khẩu của dân cư tại các cửa khẩu biên giới.
- Dịch vụ nhà ở tự có, tự ở của hộ gia đình nông thôn và thành thị.
- Thu mua, nhặt phế liệu, thu gom đồ cũ, giấy cũ, bao bì các đồ dùng sinh hoạt cũ của cá nhân và hộ gia đình.
- Dịch vụ y tế, văn hoá, đào tạo, thể dục thể thao, quảng cáo, tư vấn, môi giới, kinh doanh và cho thuê bất động sản do cá nhân và hộ gia đình thực hiện nhưng không đăng ký kinh doanh theo pháp luật.
- Hoạt động trông coi xe, cho thuê bãi để xe, thuê nhà ở của cá nhân hộ gia đình.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh phụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, hành chính sự nghiệp Đảng đoàn thể nhằm tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh trong các trại cải tạo phục hồi nhân phẩm, lao, trại phong,…
- Hoạt động của các tổ chức không vụ lợi, các tổ chức từ thiện, hội tôn giáo, hội người mù, hội chữ thập đỏ...
- Hoạt động dịch vụ nông nghiệp của hộ nông dân như thú y, gây giống, thuỷ lợi, mua bán vật tư nông nghiệp...