Tổng quan về hệ thống an sinh xã hội ở Việt nam

Một phần của tài liệu An sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở Việt Nam (Trang 56)

2.2.1.1. Vài nét về quá trình hình thành phát triển

Cũng giống như lịch sử hình thành và phát triển hệ thống an sinh xã hội ở các nước Châu Âu, cội nguồn của những hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng có từ rất xa xưa. Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, người dân Việt Nam chúng ta đã biết nhường cơm, xẻ áo, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tinh thần tương thân tương ái đó đã đi vào ca dao và nâng lên thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là: “Lá lành đùm lá rách”. Sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau này là những phản ứng tự nhiên của cộng đồng để giúp đỡ

những thành viên của mình không may gặp phải rủi ro, bất hạnh, thể hiện tính nhân văn cao đẹp của con người.

Kể từ khi có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1945), Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, theo đúng tinh thần tuyên ngôn của Hồ Chủ Tịch đọc trong ngày Quốc khánh 2-9 năm 1945 là mọi người đều có quyền được sống, được ăn, ở, đi lại và mưu cầu hạnh phúc. Ngay trong hiến pháp đầu tiên năm 1946, điều 14 có khẳng định: “Người tàn tật và người già cả được trợ cấp”. Tiếp theo là sắc lệnh số 29 ngày 12/03/1947 của Chủ tịch nước đã quy định các chế độ đối với công nhân làm việc tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và tư nhân trong đó có quy định các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản. Đặc biệt ngày 20/05/1950 và ngày 22/05/1950 Chính phủ đã ban hành 2 sắc lệnh số 76/SL và 77/SL kèm theo 2 quy chế công chức và công nhân, trong đó quy định chế độ trợ cấp hưu trí và tử tuất cho công nhân viên chức đã đánh dấu sự ra đời khá đầy đủ các chế độ trợ cấp của bảo hiểm xã hội. Đó là nền tảng cơ bản cho việc hình thành các chính sách của hệ thống an sinh xã hội sau này.

Đến ngày 05/11/1957 Nhà nước ban hành Luật công đoàn, trong đó chứa đựng các quyền của công đoàn trong lĩnh vực đảm bảo đời sống cho người lao động. Vào tháng 10/1954, Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương sau chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1959 có ghi: Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi về già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng quyền đó”. (Điều 32).

Tuy nhiên do điều kiện hoàn cảnh khó khăn trong những năm chiến tranh, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì miền nam thân yêu” nên những khoản trợ cấp của Nhà nước cho người lao động rất hạn hẹp. Chủ yếu là các khoản trợ cấp theo quy định của các chế độ bảo hiểm xã hội nhưng cũng ở mức trợ cấp rất thấp.

Năm 1961, chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP kèm theo điều lệ bảo hiểm xã hội tạm thời bao gồm 6 chế độ trợ cấp đối với người lao động đó là: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; mất sức lao động; hưu trí và tử tuất. Ngoài ra để đảm bảo đời sống cho quân nhân trong lực lượng vũ trang,

ngày 30/10/1964, Chính phủ ban hành Nghị định 161/CP kèm theo điều lệ ưu đãi tạm thời đối với quân nhân.

Hệ thống các chính sách trước năm 1975 này đã thực sự góp phần đảm bảo ổn định đời sống của công nhân, viên chức Nhà nước và quân nhân khi gặp rủi ro, già yếu, là nguồn cổ vũ động viên người lao động và quân nhân yên tâm lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại Miền bắc của Mỹ, Nguỵ và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng trong những năm này, ở Miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã thành lập “Quỹ Văn giai” để trợ cấp cho công chức, công nhân làm việc trong công sở hoặc cơ sở sản xuất dịch vụ của chính quyền; và “Quỹ Võ giai” để trợ cấp cho binh lính, sỹ quan phục vụ trong quân đội. Các chế độ trợ cấp dưới chế độ Nguỵ quyền, một mặt cũng nhằm ổn định cuộc sống cho đối tượng khi gặp phải những rủi ro, bất hạnh, mặt khác nhằm bảo vệ và duy trì bộ máy cai trị của chúng.

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Hệ thống an sinh xã hội được hình thành theo cơ chế phúc lợi đại chúng và bình quân chủ nghĩa trong đó các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội vẫn là những trụ cột. Bên cạnh đó còn có các chính sách trợ cấp cho những người có công với nước, thương binh, gia đình liệt sỹ. Những chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đời sống của người lao động, giải quyết hậu quả chiến tranh và an toàn xã hội.

Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trước sự vận động và chi phối của các quy luật thị trường, hệ thống an sinh xã hội theo cơ chế cũ tỏ ra không còn phù hợp. Ngày 26/01/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội có nhiều nội dung thay đổi cho phù hợp với cơ chế mới. Cùng với việc ban hành Nghị định 28/CP năm 1996 về chế độ trợ cấp đối với những người có công, các chính sách trợ cấp cho người nghèo và trợ cấp khó khăn đột xuất, các tổ chức phi Chính phủ như hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện, các ban ngành như Uỷ ban mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên....tham gia vào các chương trình an sinh xã hội đã tạo nên một mạng lưới rộng khắp, che chắn cho người dân trước những dân trước “cơn bão” của kinh tế thị trường. Tuy nhiên sự tồn tại khách quan của những hiểm

hoạ đầy trắc ẩn đó đã làm cho một bộ phận không nhỏ người dân thuộc khu vực phi kết cấu không đủ sức chống lại những cơn “chấn động” xảy ra, trong khi đó hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước chưa thể bao quát hết được mọi thành viên của mình, đã làm cho nhóm đối tượng này luôn đứng trước nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là những vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

2.2.1.2. Các chính sách trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam

Hiện nay có một số nhà khoa học, tuỳ theo góc độ nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về hệ thống an sinh xã hội ở Việt nam. Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh –Viện khoa học tài chính – hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam bao gồm hai bộ phận là: Bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội. PGS.TS. Dương Đăng Chinh –Học viện tài chính – cho rằng hệ thống an sinh xã hội Việt nam bao gồm: Bảo hiểm xã hội; bảo trợ xã hội; ưu đãi xã hội. Tiến sỹ Phan Thị Cúc – Bộ tài chính- cho rằng hệ thống an sinh xã hội ở Việt nam bao gồm: Chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách bảo đảm xã hội thường xuyên; chính sách xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm; chính sách trợ giúp đột xuất; các chính sách xã hội khác như trợ cấp cho người già yếu, cô đơn không nơi tựa, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ...Còn GS.TS. Vũ Văn Hoá -Giám đốc học viện tài chính - lại cho rằng hệ thống an sinh xã hội ở Việt nam bao gồm: Chính sách vĩ mô của Nhà nước để gắn chính sách an sinh xã hội với phát triển kinh tế nhằm kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia và các quỹ về lĩnh vực an sinh xã hội; Thực hiện xã hội hoá nhằm huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong dân thực hiện có hiệu quả hệ thống an sinh xã hội.

Qua quá trình nghiên cứu về hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam trong những năm qua có thể rút ra một số kết quả như sau:

Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm:

a. B ảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội là hệ thống đảm bảo khoản thu nhập thay thế tiền lương cho người lao động trong các trường hợp bị giảm hoặc mất khả năng lao động hay việc làm, do đó mất hoặc giảm thu nhập do lao động tạo ra, nhằm bảo đảm thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu cho người lao động.

Trước đây, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung với chính sách phúc lợi xã hội đại chúng, mọi chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... được ngân sách Nhà nước bao cấp hoàn toàn mà không phải đóng góp bất cứ một khoản nào. Cơ quan quản lý các chế độ này là Tổng liên đoàn lao động Việt nam và Bộ lao động - thương binh và xã hội.

Bước vào nền kinh tế thị trường, việc duy trì cơ chế cũ tỏ ra không còn phù hợp khi mà gánh nặng tài chính để chi cho các chế độ phúc lợi xã hội ngày càng đè nặng lên nguồn ngân sách hạn hẹp của Nhà nước. Trước tình hình đó, tháng 1/1995 Chính phủ đã ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội mới, dựa trên nguyên tắc cộng đồng trách nhiệm trong trong đó có sự đóng góp của nhiều bên như người lao động, chủ sử dụng lao động và Nhà nước nhằm tạo lập một quỹ tài chính tập trung để chi trả trợ cấp cho những người gặp phải rủi ro hoặc hết khả năng lao động. Đồng thời Chính phủ quyết định thành lập cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với trách nhiệm trực tiếp quản lý và thực hiện công việc thu, chi bảo hiểm xã hội để đảm bảo 5 chế độ là trợ cấp hưu trí; tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; tử tuất; thai sản; ốm đau và dưỡng sức phục hồi sức khoẻ cho những người lao động kể từ tháng 1/1995, còn những người về nghỉ chế độ trước tháng 1/1995 do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm.

Đến tháng 12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 100/NĐ-CP chuyển cơ quan bảo hiểm y tế Việt nam trước đây trực thuộc Bộ y tế sang bảo hiểm xã hội Việt nam. Như vậy cho đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam bao gồm cả một bộ phận rất quan trọng đó là bảo hiểm y tế.

Năm 1952, tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã thiết lập các quy chuẩn về các chế độ trợ cấp an sinh xã hội bằng việc thông qua công ước số 102 quy định 9 chế độ trợ cấp, đồng thời khuyến cáo các quốc gia khi thiết lập hệ thống an sinh xã hội của mình, có quyền chỉ áp dụng một số chế độ trong quy chuẩn đó nhưng ít nhất phải có các chế độ: trợ cấp tuổi già; trợ cấp thất nghiệp; trợ cấp tai nạn bệnh nghề nghiệp; và trợ cấp tàn tật hoặc trợ cấp tử tuất. Như vậy, so với công ước 102, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay là tương đối đầy đủ và có tính bao quát rộng.

Bảng 2.10: So sánh các chế độ trợ cấp an sinh xã hội ở Việt nam với công ƣớc 102 của tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 1952

STT Công ƣớc 102 của ILO năm 1952 Các chế độ BHXH ở Việt nam

1 Chăm sóc y tế Bảo hiểm y tế

2 Phụ cấp ốm đau Trợ cấp ốm đau

3 Trợ cấp thất nghiệp

4 Trợ cấp tuổi già Trợ cấp hưu trí

5 Trợ cấp tại nạn, bệnh nghề nghiệp Trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp 6 Trợ cấp gia đình

7 Trợ cấp sinh đẻ Trợ cấp thai sản

8 Trợ cấp tàn phế

9 Trợ cấp mất người nuôi dưỡng Chế độ tử tuất

Nguồn: Cẩm nang an sinh xã hội của ILO, Hà Ngọc Quế biên dịch, Hà Nội, 1998.

Theo quy định hiện hành, chính sách bảo hiểm xã hội là bắt buộc đối với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở bán công, dân lập, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các hợp tác xã.

Mức đóng bảo hiểm xã hội là 23% tiền lương trong đó người lao động đóng 6%, chủ sử dụng lao động đóng 17%. Trong 23% quỹ lương có 3% dành cho quỹ bảo hiểm y tế, còn 15% cho chế độ trợ cấp dài hạn như trợ cấp hưu trí, tuất, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; 5% để chi các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ.

Người lao động được nhận các chế độ trợ cấp: Hưu trí khi đủ 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam và các chế độ khác khi xảy ra ốm đau tai nạn hoặc tử vong. Ngoài ra khi đủ tuổi nghỉ hưu được trợ cấp bảo hiểm y tế miễn phí.

b. Bảo trợ xã hội

Bao gồm các hoạt động:

- Cứu trợ xã hội: Là sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội về thu nhập và các điều kiện sinh sống thiết yếu khác đối với mọi thành viên xã hôị trong những trường hợp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, không đủ khả năng tự lo liệu cuộc tối thiểu của bản thân và gia đình.

Hoạt động cứu trợ thường được tiến hành trong những trường hợp bị thiệt hại do thiên tai như bão lũ, hoả hoạn, dich bệnh, kể cả những người vì một lý do nào đó mà bị rơi vào cảnh bần cùng hoá, không tự lo liệu được cuộc sống thường ngày của bản thân và gia đình.

- Ưu đãi xã hội: Do tính đặc thù, trong hệ thống an sinh xã hội của Việt nam có chính sách ưu đãi xã hội. Ưu đãi xã hội thể hiện trách nhiệm của nhà nước và cộng đồng đối với những người có công lao đặc biệt với đất nước như thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng....hoặc người già không nơi nương tựa. Đó là sự đãi ngộ đặc biệt, ưu tiên hơn mức bình thường về mọi mặt đời sống vật chất, văn hoá tinh thần đối với bản thân và gia đình họ.

- Các dịch vụ trợ giúp xã hội: Đó là các dịch vụ trợ giúp của Nhà nước, cộng đồng đối với người già, người tàn tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ, người không nơi nương tựa, các dịch vụ phục hồi chức năng cho người bị tai nạn và tàn tật, các hoạt động ty tế dự phòng, kế hoạch hoá gia đình.

Các dịch vụ xã hội này có thể được thực hiện bởi các tổ chức tự nguyện hoặc phi chính phủ.

c. Các chính sách trợ giúp của Chính phủ

- Chính sách việc làm: Đó là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn, xuất khẩu lao động...nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm và thu nhập để nâng cao đời sống.

- Chính sách xoá đói giảm nghèo: Là một loạt các chính sách nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng nghèo đói vượt qua những khốn khó và tự bản thân thoát ra khỏi cảnh nghèo đói để tự ổn định cuộc sống.

Một phần của tài liệu An sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở Việt Nam (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)