an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu
Thứ nhất: Hệ thống An sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu phải nhằm nâng cao sự an toàn kinh tế, giảm rủi ro và cho phép các gia đình có thể ứng phó tốt hơn với những rủi ro hay “chấn động”
Để đạt được mục tiêu này, cần phải hiểu biết rõ ràng hơn về loại nguồn lực tự thân và nguồn lực xã hội mà nhóm lao động khu vực kinh tế phi kết cấu phải dựa vào để tự bảo vệ mình trước các “chấn động”, đối phó với các các “chấn động” và phục hồi sau “chấn động” trong các hoàn cảnh khác nhau. Những nguồn lực tự thân hay xã hội này có thể bao gồm các nguồn lực vật chất, kinh tế, tự nhiên, xã hội và định chế. Việc xác định một mô hình thích hợp cho chiến lược mưu sinh đối với lao động khu vực phi kết cấu có thể giúp ta dễ dàng hoạch định được những chính sách an sinh xã hội thích hợp.
Thứ hai: Tăng cường công tác quản lý đối với lao động khu vực phi kết cấu, có những ràng buộc pháp lý đối với người lao động và chủ sử dụng lao động
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, năng lực quản lý nhà nước được nâng cao sẽ góp phần cho việc thu hẹp khu vực phi kết cấu theo đúng xu thế vận động khách quan, đưa dần số lượng lao động tự do vào diện quản lý, nhằm tạo điều kiện cho việc ban hành và triển khai các chính sách an sinh xã hội có hiệu quả.
Để quản lý được lao động khu vực phi kết cấu Nhà nước phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, đồng thời đi đôi với quyền lợi là sự ràng buộc trách nhiệm. Bên cạnh đó cần có những cơ chế, trách nhiệm pháp lý đối với chủ thuê lao động. Có giải pháp hạn chế di dân tự do từ nông thôn đến khu vực thành thị để giảm sức ép trong vấn đề giải quyết an sinh xã hội cho lực lượng lao động tự do tại các đô thị.
Thứ ba: Phải tạo điều kiện cho lao động khu vực phi kết cấu tiếp cận đầy đủ với các chính sách bảo hiểm, giáo dục, y tế, văn hoá thông tin
Đây là những nền tảng cơ bản giúp cho lao động khu vực phi kết cấu có thể tự đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Việc tiếp cận được với hệ thống giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thông tin sẽ giúp người lao động nâng cao được trình độ học vấn và sức khoẻ tốt, khả năng cập nhật thông tin được mở rộng sẽ tạo cơ hội cho người lao động có thể kiếm được những việc làm tốt, có thu nhập cao ở khu vực kinh tế chính thức hoặc khu vực phi kết cấu. Việc tiếp cận các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giúp cho người lao động giảm thiểu được những rủi ro, ổn định được cuộc sống.
Để tạo điều kiện tốt cho lao động khu vực phi kết cấu tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội đó đòi hỏi phải có chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó những chính sách ban hành ra phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện của lao động khu vực phi kết cấu thì mới khả thi và thực sự phát huy hiệu quả.
Thứ tư: Phải xoá bỏ những rào cản liên quan đến chính sách và biện pháp hỗ trợ về an sinh xã hội giữa khu vực chính thức và khu vực phi kết cấu
Sự đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế là đòi hỏi khách quan trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay các chính sách xã hội vẫn còn sự phân biệt đối xử. Chẳng hạn việc tiếp cận với hệ thống Tài chính, Ngân hàng đối với khu vực phi kết cấu còn rất khó khăn, ngay trong hệ thống an sinh xã hội, có những chính sách người lao động khu vực phi kết cấu cũng chưa thể tiếp cận được.
Để xoá bỏ những rào cản đó, đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới với mọi người lao động, cần phải đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi các chính sách an sinh xã hội, chuyển đổi từ tác phong hành chính sang phục vụ. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để đưa chính sách tới đối tượng cần hỗ trợ giúp đỡ.
Thứ năm: Phải coi các chính sách việc làm, xoá đói giảm nghèo là bộ phận quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu
Người lao động ở khu vực phi kết cấu là những người rất cần việc làm bởi vì đối tượng thất nghiệp ở thành thị chính là những lao động thuộc khu vực phi
kết cấu. Giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập, nâng cao mức sống, tự bảo vệ mình trước những rủi ro. Chính sách xoá đói giảm nghèo của Chính phủ hỗ trợ những người nghèo, người lao động khu vực phi kết cấu những điều kiện vật chất, văn hoá, tinh thần để thoát ra khỏi cảnh nghèo khó, tự ổn định cuộc sống.
Trong khi hệ thống an sinh xã hội chính thức của nước ta chưa thể giúp họ tiếp cận ngay được với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để vượt qua những rủi ro, thì chính sách việc làm và xoá đói giảm nghèo sẽ là giải pháp quan trọng giúp họ tự bảo vệ mình trước những “chấn động” nhằm đảm bảo an toàn cuộc sống.