LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH – THỰC TIỄN ÁP DỤNG 2.1 Những quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền của
2.1.3. Thẩm quyền của Tòa án trong giai đoạn phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh
sản xuất, kinh doanh
Phục hồi hoạt động của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của phá sản đối với xã hội và góp phần làm thay đổi nhận thức về phá sản, Tòa án có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Pháp luật phá sản của bất kỳ một quốc gia nào cũng có mục đích quan trọng nhất chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ nên việc tham gia Hội nghị chủ nợ là quyền của các chủ nợ, ở nước ta Tòa án là chủ thể triệu tập và chủ trì Hội nghị chủ nợ. Khi triệu tập Hội nghị chủ nợ thì Thẩm phán của Tòa án cần xem xét các vấn đề sau:
2.1.3.1. Về thành phần tham gia Hội nghị chủ nợ
Thẩm phán cần phân biệt: Chủ thể có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ và chủ thể có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ.
Thứ nhất, chủ thể có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ gồm có:
+ Các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ này có thể ủy
quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
+ Đại diện người lao động, đại diện công đoàn được người lao động
ủy quyền;
+ Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì người bảo lãnh sẽ trở thành chủ nợ không có bảo đảm.
Bên cạnh chủ thể có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ, LPS 2004 còn có quy định chủ thể có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ.
Thứ hai, chủ thể có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ chính là
người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại các Điều 15, 16, 17 và Điều 18 LPS 2004.
Thẩm phán phụ trách tiến hành Hội nghị chủ nợ phải có trách nhiệm cử người đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã này có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có người đại diện tham gia. Khi lựa chọn người đại diện trong trường hợp này thì Thẩm phán phải chọn người am hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản và cần lưu ý là về nguyên tắc thì Thẩm phán chỉ định người đại diện cho doanh nghiệp cần chỉ định theo thứ tự chức vụ. Đối với doanh nghiệp tư nhân, nếu chủ doanh nghiệp đã chết và không có
người thừa kế hợp pháp thì Thẩm phán cần chỉ định người thân thích của chủ doanh nghiệp tư nhân đó làm người đại diện.
2.1.3.2. Triệu tập và chủ trì Hội nghị chủ nợ
LPS của nước ta rất chú trọng đến việc xác định điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là nhằm củng cố và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp để đảm bảo quyền đòi nợ cho các chủ nợ một cách có hiệu quả nhất. LPS 2004 quy định Thẩm phán có thẩm quyền triệu tập Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất để lấy ý kiến của các chủ nợ về việc xem cần phải áp dụng thủ tục nào (thủ tục phục hồi hay thủ tục thanh lý tài sản) đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Thẩm phán phải triệu tập được Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập xong danh sách chủ nợ, giấy triệu tập Hội nghị chủ nợ phải được gửi cho người có quyền và người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ, kèm theo giấy triệu tập Hội nghị chủ nợ phải có chương trình, nội dung của hội nghị. Khi chủ trì Hội nghị chủ nợ thì Thẩm phán phải xem xét điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 65 LPS 2004. Đó là khi:
+ Quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho ít nhất 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm tham dự;
+ Có sự tham gia của người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 63 LPS 2004.
Qua quy định này ta cũng thấy, sự có mặt của chủ nợ có bảo đảm một phần tại Hội nghị chủ nợ không có ý nghĩa cho việc xem xét điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ thậm chí ngay cả khi thông qua nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Trong quá trình tiến hành thủ tục phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản thì Thẩm phán có thẩm quyền hoãn Hội nghị chủ nợ một lần khi:
+ Không đủ quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho ít nhất 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm tham dự;
+ Quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm có mặt tại Hội nghị chủ nợ biểu quyết hoãn Hội nghị chủ nợ;
+ Người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ vắng mặt có lý do chính đáng.
Khi mà Thẩm phán hoãn Hội nghị chủ nợ thì Thẩm phán phải có trách
nhiệm triệu tập lại Hội nghị chủ nợ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn Hội nghị chủ nợ.
Bên cạnh đó Thẩm phán còn có quyền đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi:
+ Khi Hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 13 và 14 của LPS 2004 không tham gia Hội nghị chủ nợ được triệu tập lại;
+ Khi mà chỉ có người quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18 của LPS 2004 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ không đến tham gia Hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng;
+ Khi người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút lại đơn yêu cầu; nếu những người quy định từ Điều 13 đến Điều 18 LPS 2004 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà chỉ có một hoặc một số người rút lại đơn yêu cầu thì Tòa án vẫn tiến hành thủ tục phá sản (Điều 67 LPS 2004).
Nhằm đảm bảo quyền tự do định đoạt của chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này thì Thẩm phán cần phải xác định nếu chỉ có một hoặc một số người trong số những người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn thì Tòa án vẫn phải thực hiện thẩm quyền của mình là tiến hành thủ tục phá sản.
Theo quy định của LPS 2004 thì Hội nghị chủ nợ không phải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp như quy định của LPSDN 1993, vì Thẩm phán có thể không cần triệu tập Hội nghị chủ nợ nếu doanh nghiệp, hợp tác xã đó thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 LPS 2004 (trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được nhà nước áp dụng biện pháp tư pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp mà không cần triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng thủ tục phục hồi). Tuy nhiên, thủ tục phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh được áp dụng nếu: Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất tổ chức thành và Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
2.1.3.3. Xem xét thông qua phương án phục hồi
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, Thẩm phán phải xem xét
phương án này. Doanh nghiệp muốn được áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh phải có hai điều kiện đó là:
+ Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất tổ chức thành;
+ Hội nghị lần thứ nhất thông qua Nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Thẩm phán phụ trách việc giải quyết phá sản phải xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để quyết định có đưa phương án đó ra Hội nghị chủ nợ hay không. Thẩm phán không có trách nhiệm xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh về mặt nội dung mà chỉ xem xét về hình thức, tức là chỉ nghiên cứu xem xét phương án này đã thỏa mãn đầy đủ hay chưa các quy định một phương án phục hồi cần phải có. Kết quả xem xét của Thẩm phán sẽ cho biết phương án phục hồi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra và trình Hội nghị chủ nợ hay đề nghị doanh nghiệp bổ sung nếu phương án phục hồi hoạt động kinh doanh chưa đảm bảo về mặt hình thức quy định tại Điều 69 LPS 2004. Nếu chưa đảm bảo các nội dung thì đề nghị sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định đưa phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản ra Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án phục hồi. Thẩm phán có thẩm quyền ra quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
2.1.3.4. Giám sát việc thực hiện phương án phục hồi
Trong thời gian phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thì Tòa án có thẩm quyền xem xét báo cáo tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt
động kinh doanh ở doanh nghiệp, hợp tác xã. Kết thúc giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, Tòa án phải ra một trong hai quyết định hoặc là đình chỉ thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc mở thủ tục thanh lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, Tòa án cần phải thành lập lại Tổ quản lý, thanh lý tài sản để trợ giúp cho Thẩm phán trong việc thực hiện thủ tục thanh lý, song vấn đề này lại không được quy định trong bất cứ điều khoản nào của LPS 2004.
Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản có quyền thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của chủ nợ và doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản và gửi quyết định đó cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản và các chủ nợ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định.
2.1.3.5. Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh
Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh khi có một trong các trường hợp:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
Khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh tức là đã thực hiện thành công thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp này, sự công nhận của Tòa án bằng quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là rất cần thiết.
+ Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quá nửa số phiếu của chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên thanh toán đồng ý đình chỉ. Trong trường hợp này, tuy phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện xong nhưng với sự hiện diện của quá nửa số phiếu của các chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên chưa thanh toán đồng ý đình chỉ thì Tòa án cần phải tôn trọng ý chí định đoạt này của các chủ nợ.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được gửi cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, Viện kiểm sát cùng cấp và đăng trên báo địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản có địa chỉ chính, báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp, phải được thông báo cho chủ nợ, những người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp này, việc thi hành án dân sự chưa được thi hành hoặc việc giải quyết vụ án bị đình chỉ chưa được giải quyết thì ngay sau khi ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, việc thi hành án dân sự hoặc việc giải quyết vụ án được tiếp tục. Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi phải gửi trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 77 LPS 2004).