Khái quát về phong cách chức năng báo chí-công luận

Một phần của tài liệu khảo sát thành ngữ và quán ngữ trên báo tuổi trẻ cuối tuần (Trang 39)

6. Bố cục của luận văn

1.4.1. Khái quát về phong cách chức năng báo chí-công luận

Phong cách báo chí- công luận là khuôn mẫu thích hợp để xây dựng lớp văn bản trong đó thể hiện vai của người tham gia giao tiếp trong lĩnh vực báo chí- công luận. Nói cụ thể hơn đó là vai của nhà báo, người đưa tin, người cổ động, người quảng cáo, bạn đọc (phát biểu),…tất cả những ai tham gia vào hoạt động thông tin của xã hội về tất cả các vấn đề thời sự.

Dựa vào nội dung ý nghĩa sự vật- logic, người ta chia văn bản báo chí- Công luận ra các kiểu: văn bản cung cấp tin tức, văn bản phản ánh công luận và văn bản thông tin- quảng cáo. Dựa vào những đặc điểm về kết cấu, tu từ, người ta chia văn bản báo chí- công luận ra các thể loại như: mẩu tin, tin tổng hợp, điều tra, phỏng vấn, phóng sự (thuộc kiểu tin tức); ý kiến bạn đọc, trả lời bạn đọc, tiểu phẩm (thuộc kiểu công luận).

1.4.2.Chức năng của ngôn ngữ trong phong cách báo chí- công luận và đặc trưng chung của phong cách này

Chức năng của ngôn ngữ trong phong cách báo chí- công luận là chức năng giao tiếp lí trí và chức năng tác động vào nhu cầu, nguyện vọng của người nghe, người đọc. Muốn thực hiện được chức năng thông báo- tác động trong công việc thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, phong cách báo chí- công luận phải có những đặc trưng chung là tính chiến đấu, tính thời sự và tính hấp dẫn.

Phong cách chức năng báo chí - công luận có tính chiến đấu. Bởi ngôn ngữ được sử dụng trong phong cách này chính là một công cụ đấu tranh của Nhà nước, một đảng phái, một tổ chức. Đối với chúng ta, chiến đấu, đấu tranh ở đây có nghĩa là phấn đấu vì những mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội trên đất nước của chúng ta.

Phong cách báo chí - công luận phải đạt tính thời sự. Bởi vì khi đã có nội dung là sự thật rồi, thông tin còn phải truyền đi kịp thời, nhanh chóng thì mới có tác dụng. Chỉ có những thông tin mới, những vấn đề cấp thiết của ngày hôm nay mới hấp dẫn người nghe. Người ta thường đón tin giờ chót, tin cuối cùng trong ngày, tin trong loại “ báo buổi chiều” là vậy.

Phong cách báo chí- công luận phải hấp dẫn. Tin tức báo chí, đài phải được trình bày hấp dẫn, khêu gợi được hứng thú của người đọc, người nghe. Bởi vì đối tượng tiếp thu đông đảo, thời gian tiếp thu thông tin thường diễn ra trong khoảnh khắc, nội dung thông tin thì rất phong phú đa dạng; nếu ngôn ngữ không ngắn gọn, rõ ràng, trình bày không nổi bật, không hấp dẫn gây chú ý, không gợi tò mò, không “đập vào mắt” người ta thì sẽ không ai muốn đọc, muốn nghe cả.

Ba đặc trưng nêu trên đây của phong cách báo chí- công luận được biểu hiện rõ rệt trong những đặc điểm ngôn ngữ của phong cách này. Và tất nhiên sự biểu hiện này có những mức độ khác nhau trong những kiểu và thể loại văn bản khác nhau của phong cách báo chí- công luận.

1.4.3.Đặc điểm ngôn ngữ của phong cách báo chí- công luận

Về từ ngữ, lối nói báo chí- công luận sử dụng lớp từ ngữ được cấu tạo đặc biệt có màu sắc biểu cảm- cảm xúc rõ rệt và màu sắc tu từ học chức năng nổi bật, như thảm họa hạt nhân, chảy máu chất xám, diễn biến hoà bình,…Đặc điểm nổi bật của từ ngữ trong phong cách báo chí- công luận là mối tương quan giữa những từ ngữ diễn cảm (có màu sắc tu từ) và những từ ngữ dùng theo khuôn mẫu (đã mất đi màu sắc tu từ) có tính năng động và linh hoạt: sau khi xuất hiện trong một hoàn cảnh lời nói nhất định, những từ ngữ diễn cảm được lặp lại nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau, sẽ mất dần tính sắc sảo và chuyển sang những từ khuôn mẫu. Phong cách này cũng dùng nhiều từ có màu sắc trang trọng, như: thiếp lập quan hệ hợp tác toàn diện, xu thế đối ngoại, tăng cường đoàn kết,…nhiều từ ngữ có thái độ bình giá phủ định: dính

líu, trả đũa, ve vãn, tiếp tay,…nhiều từ ngữ thuộc nghề báo: thông tín viên, đặc phái

viên, đưa tin,…lớp từ ngữ quốc tế: mac xit, sô vanh,…nhiều kiểu viết tắt như: T.W

Về cú pháp, phong cách báo chí- công luận dùng những khuôn mẫu cú pháp, như: câu khuyết chủ ngữ nêu sự kiện, thường chỉ dùng ở những phạm vi nhất định như ở đầu các bản thông báo, bản tin; câu có đề ngữ làm nổi bật thông tin, thường dùng trong các đầu đề tin tức; câu có nhiều thành phần tách biệt được in thành dòng riêng, bằng những con chữ khác nhau, để nhấn mạnh nội dung thông tin, thường dùng trong các đầu đề tin tức; những yếu tố diễn cảm của cú pháp, những cách diễn đạt làm nổi bật trung tâm thông tin; những câu đơn phát triển kết hợp lời nói trực tiếp với lời nói gián tiếp để cô đặc thông tin và tăng sức thuyết phục của thông tin. Có thể nói, đặc điểm nổi bật của cú pháp trong phong cách báo chí-công luận là sử dụng kết hợp những yếu tố diễn cảm. Đặc điểm này tất nhiên được thể hiện không như nhau trong các thể loại báo chí- công luận khác nhau.

Về kết cấu của văn bản báo chí-công luận thì đặc điểm nổi bật của phong cách này là những đầu đề kép (có những đầu đề phụ đi kèm) được diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, hấp dẫn, có khả năng thâu tóm toàn bộ nội dung cả bài. Bên cạnh đó, các phương tiện tu từ, các biện pháp tu từ được sử dụng nhiều. Các văn bản thuộc kiểu cung cấp thông tin thường được kết cấu theo những khuôn mẫu nhất định, để việc truyền đạt và tiếp thu được dễ dàng nhanh chóng. Thể loại phóng sự điều tra nhằm mục đích đưa tin nhưng không phải là tin tổng hợp mà là tin miêu tả, trần thuật chi tiết cụ thể sự việc xảy ra, đồng thời cũng hướng đến một ngôn ngữ sinh động, hóm hỉnh, tinh tế để hấp dẫn người đọc, để rồi từ đó bộc lộ tình cảm, lập trường của mình. Thể loại tiểu phẩm thì nhằm mục đích châm biếm hoặc giáo dục một cách nhẹ nhàng, sâu sắc những thói hư tật xấu trong xã hội. Nó dùng hình thức viết ngắn gọn, những biện pháp châm biếm, trào phúng rất đa dạng. Quảng cáo là thể loại nhằm truyền đạt thông tin, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của hàng hóa làm ra, tác động vào nhu cầu, thị hiếu của mọi người để mọi người mua, tham gia, hưởng ứng.

Trên đây là một số điểm quan yếu về thành ngữ, quán ngữ và phong cách chức năng báo chí- công luận. Những tri thức này không chỉ nhằm cung cấp cho người đọc những hiểu biết cơ bản làm nền tảng lí thuyết cho sự tiếp nhận đề tài mà còn là cơ sở để phân tích, lí giải những hiện tượng, những kết quả mà qua quá trình khảo sát chúng tôi đã có được.

CHƯƠNG 2: VIỆC SỬ DỤNG THÀNH NGỮ, QUÁN NGỮ TRÊN BÁO TUỔI

TRẺ CUỐI TUẦN NĂM 2007, 2008, 2009

Một phần của tài liệu khảo sát thành ngữ và quán ngữ trên báo tuổi trẻ cuối tuần (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)