Người khéo léo (Homo habilis), lúc đầu có tên là người Tiền Đông Phi (Prezinj- anthropus). người khéo léo có thể tích óc là 675-680cm3, lớn hơn vượn người phương Nam nhưng lại nhỏ hơn người đứng thẳng Java. Răng người khéo léo có những nét người nhưng đồng thời cũng có những nét vượn. Người khéo léo đi 2 chân như người, nhưng ngón dài hơn người, xoè rộng, có thể còn giữ trong mức độ nào đó chức năng cầm bắt… Hiện nay, người khéo léo được coi là người sơ khai và là chủ nhân của nền văn hoá Tiền Chellean.
Sau người khéo léo là người đứng thẳng (Homo erectus). Di cốt người đứng thẳng lần
đầu tiên phát hiện được ở Java (Indonesia) vào các năm 1890-1892, được chính E. Dubois - người đầu tiên phát hiện - đặt tên là Pithecanthropus đứng thẳng (Pithecan-thropus erectus) hay người vượn Java. Di cốt người đứng thẳng phát hiện được ở nhiều nơi của châu Phi, châu Âu và châu Á. Người đứng thẳng Java có trán thấp, bợt ra phía sau, u mày nổi cao như vượn, nhưng thể tích óc đã khá lớn, từ 750cm3 đến 900cm3. Thể tích này thấp hơn nhiều so với
người hiện đại (1.300-.500cm3) nhưng lại vượt xa hơn nhiều so với vượn người hoá thạch và hiện đại (325-650cm3)…
Người đứng thẳng Bắc Kinh hay người vượn Bắc Kinh cũng thuộc nhóm người đứng thẳng Java nhưng ở một trình độ phát triển cao hơn. Di cốt người đứng thẳng Bắc Kinh đầu tiên phát hiện ở Chu Khẩu Điếm, cách Bắc Kinh 18km về phía Tây Nam. Cấu tạo cơ thể của người đứng thẳng Bắc Kinh gần giống người đứng thẳng Java, nhưng phát triển hơn. Dung tích óc của người này là khoảng 915cm3-1225cm3, trung bình vào khoảng 1050cm3. Trán người đứng thẳng này thấp, hơi bợt ra sau, nhưng cao hơn và nhô ra trước hơn so với người đứng thẳng Java. Người đứng thẳng Bắc Kinh đã xuất hiện tính chất thuận tay phải.
Phát hiện người đứng thẳng Nguyên Mưu (Homo erectus yuanmouensis) có ý nghĩa rất to lớn. Người Nguyên Mưu cổ xưa hơn nhiều so với người Bắc Kinh và Lam Điền. Đáng chú ý là, người ta đã phát hiện được 17 công cụ đá, trong đó có 7 công cụ nằm cùng tầng văn hoá với người Nguyên Mưu. Đây là cơ sở chắc chắn về việc người Nguyên Mưu biết chế tạo công cụ… Trên con đường tiến hoá của loài người, vị trí đứng sau người đứng thẳng là người
Neanderthal (Homo neanderthalensis). Người Neanderthal ở khắp các nơi đều có những đặc
điểm trung gian giữa người đứng thẳng (Homo erectus) và người hiện đại (Homo sapiens). Các nhóm Neanderthal ở các khu vực khác nhau thì có nhiều điểm không giống nhau về cấu tạo cơ thể.
Nhóm Neanderthal gần người hiện đại hơn cả là nhóm Neanderthal Tiểu Á (Palestine- Iran), nhóm Neanderthal tiến bộ. Còn người Neanderthal Solo (Indonesia) và người Neanderthal rhodesiensis mang nhiều đặc điểm nguyên thuỷ, gần với người đứng thẳng.
Thời gian xuất hiện, sự biến mất và sự chuyển biến của người Neanderthal thành người hiện đại như thế nào vẫn còn nhiều bí ẩn. Song, sự có mặt của người Neanderthal sau người đứng thẳng và trước người hiện đại là điều không còn phải bàn cãi.
Sau Neanderthal là giai đoạn người hiện đại (Homo sapiens). Người hiện đại còn được
gọi bằng các tên khác nhau, như người trí tuệ, người mới hay người văn minh. So với người Neanderthal, người hiện đại không còn nét vượn, hoàn toàn giống chúng ta ngày nay. Thể tích óc người hiện đại (1.300-1.500cm3) vượt xa người Neanderthal. Người hiện đại đi thẳng hoàn toàn, lưng không gù và cổ không cúi về phía trước như người Neanderthal. Trong cơ bản, cấu tạo thể chất của người hiện đại đã rất giống người ngày nay. Sự xuất hiện người hiện đại ở hậu kỳ thời đại đồ đá cũ có thể coi là bước nhảy vọt thứ hai, sau bước nhảy vọt từ vượn thành người trong quá trình tiến hoá của loài người.
Việt Nam nằm ở Đông Nam Á, khu vực từ lâu đã được coi là một trong những trung tâm phát sinh và phát triển của loài người. Từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay, chúng ta đã phát hiện và khai quật một số địa điểm có hóa thạch người. Theo các kết quả giám định cho đến nay là:
Các hóa thạch người ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) thuộc hóa thạch người đứng thẳng (Homo erectus).
Các hóa thạch người ở Thẩm Ồm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái) thuộc người hiện đại sớm (Homo sapiens).
Các hóa thạch ở Thung Lang (Ninh Bình) và Kéo Lèng (Lạng Sơn) thuộc người hiện đại muộn (Homo sapiens sapiens).