Những hạn chế, nhược điểm và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự qua thực tiễn tỉnh thanh hóa (Trang 73)

* Kiểm sát các thông báo thụ lý, việc trả lại đơn khởi kiện cho đương sự của Tòa án chưa được đầy đủ, kịp thời.

Mặc dù, Viện kiểm sát địa phương rất tích cực phối hợp, đôn đốc Tòa án chấp hành pháp luật trong việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có vụ, có việc Tòa án thông báo chậm hoặc không thông báo cho Viện kiểm sát. Một số Tòa án địa phương gửi chậm thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát đã dẫn tới hệ quả là Viện kiểm sát kiểm sát không đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định, bị động trong việc phân công cán bộ thụ lý kiểm sát phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị; việc xác định vụ án Tòa án có thu thập chứng cứ, nhất là những vụ án về hôn nhân gia đình, để phân công kiểm sát viên tham gia phiên tòa có khó khăn.

Viện kiểm sát kiểm sát thông báo của Tòa án về việc trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, nhưng không có căn cứ để xác định Tòa án trả lại bao nhiêu đơn khởi kiện và có thông báo đầy đủ cho Viện kiểm sát về việc trả lại đơn khởi kiện không. Mặt khác do nội dung của Thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện chỉ ghi lý do chung chung mà không có tài liệu kèm theo nên trong thời hạn 3 ngày, Viện kiểm sát không đủ thời gian, căn cứ xem lý do trả lại đơn khởi kiện có đúng hay không.

* Chất lượng nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm còn hạn chế.

Một số Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp không nghiên cứu kỹ toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì, tính chất và nội dung tranh chấp như thế nào; Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng hay không; chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ chưa, các chứng cứ có hợp pháp không; việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, người tham gia tố tụng; xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Mặt khác, do

nhận thức tại phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng nên không quan tâm nhiều đến nội dung vụ án,căn cứ pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án.

Số bản án, quyết định sơ thẩm bị cấp phúc thẩm xét xử hủy án, sửa án còn chiếm tỷ lệ cao. Cấp phúc thẩm hủy án chiếm tỷ lệ 23,2%; sửa án chiếm tỷ lệ 32,2%. Các bản án quyết định sơ thẩm bị cấp phúc thẩm xử hủy, sửa chủ yếu do đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, chưa toàn diện, do vi phạm trình tự thủ tục, thẩm quyền, thu thập, chứng cứ tài liệu không đầy đủ; xác định sai tư cách người tham gia tố tụng; không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng… là lỗi vi phạm rất cơ bản, nhưng Viện kiểm sát phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị phúc thẩm chiếm tỷ lệ còn thấp so với số án bị hủy, sửa (16,6%) [24].

Đối với bản án, quyết định dân sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa, hủy án trước hết thuộc trách nhiệm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, nhưng cũng phần trách nhiệm và hạn chế của Kiểm sát viên. Tại phiên tòa, phiên họp đã không kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phúc; hoặc sau phiên tòa, phiên họp chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện kháng nghị, kiến nghị đối với những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự.

* Việc phối hợp trong kiểm sát bản án, quyết định dân sự chưa thường xuyên kịp thời.

Một số Viện kiểm sát địa phương thực hiện chưa nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-VKSTC-VPT1 ngày 17/5/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính; công tác phối hợp kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm dân sự chưa chặt chẽ, thường xuyên. Viện kiểm sát cấp dưới sao gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cấp trên chưa đầy đủ, kịp thời.

Với số lượng bản án, quyết định của Tòa án định kỳ chuyển cho Viện kiểm sát là rất lớn, trong khi số cán bộ, Kiểm sát viên hiện có chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa việc đầu tư nghiên cứu căn cứ pháp luật, kiểm sát bản án, quyết định không sâu, không kỹ nên không phát hiện được vi phạm để kháng nghị ngang cấp hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị trong khi án hủy, sửa ở các địa phương khá

nhiều. Mặt khác, một số Viện kiểm sát cấp trên tuy có phân công cán bộ, kiểm sát viên thụ lý các bản án, quyết định do Viện kiểm sát cấp dưới gửi để kiểm tra phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị trên một cấp.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số Tòa án chưa gửi đầy đủ bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự cho Viện kiểm sát theo quy định. Ở một số địa phương, số bản án, quyết định mà Tòa án gửi chậm cho Viện kiểm sát chiếm tới 40 %. Đối với các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chỉ kiểm sát về hình thức, không có các tài liệu kèm theo nên việc phát hiện để rút hồ sơ xem xét kháng nghị có khó khăn [24].

Số bản án, quyết định do Viện kiểm sát cấp sơ thẩm sao gửi cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm thường chậm chiếm từ 10-20% hoặc gửi không đầy đủ. Thậm chí có nơi, Viện kiểm sát cấp dưới không sao gửi cho Viện kiểm sát cấp trên hoặc gửi bản án, quyết định nhưng không có tài liệu, phiếu kiểm sát kèm theo nên phát hiện vi phạm không kịp thời.

Một số trường hợp, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự.

* Công tác kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm chưa chuyển biến mạnh mẽ và đồng đều cả về số lượng và chất lượng.

Số lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát chưa phán ánh đúng tình hình vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án. Trong kỳ, Viện kiểm sát các cấp phát hiện 14.975 bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm chiếm tỷ lệ 6,3% bản án, quyết định đã kiểm sát; ban hành 1.186 kháng nghị phúc thẩm; báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đối với 425 bản án, quyết định có vi phạm; phát hiện 1.036 bản án, quyết định phúc thẩm có vi phạm chiếm 6,8% số đã kiểm sát; báo cáo kháng nghị đối với 190 bản án, quyết định phúc thẩm có vi phạm. Như vậy, số bản án, quyết định bị Viện kiểm sát địa phương kháng nghị hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị chiếm khoảng 11,3% số bản án, quyết định phát hiện có vi phạm ở các mức độ [24].

Một số bản án, quyết định có vi phạm lẽ ra phải ban hành kháng nghị hoặc báo cáo đề nghị kháng nghị nhưng Viện kiểm sát chỉ kiến nghị Tòa án rút kinh nghiệm là chưa khắc phục vi phạm thỏa đáng. Một số Viện kiểm sát ban hành kháng nghị phúc thẩm chiếm tỷ lệ thấp so với số bản án, quyết định sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa hoặc không ban hành được kháng nghị trong khi số bản án, quyết định bị hủy sửa còn nhiều.

Chất lượng kháng nghị nhìn chung chưa chuyển biến mạnh mẽ, chưa đồng đều ở các cấp kiểm sát và các địa phương. Số kháng nghị không có căn cứ hoặc nội dung không thuyết phục nên Viện kiểm sát phải rút quyết định kháng nghị còn nhiều. Một số Viện kiểm sát địa phương chạy theo chỉ tiêu về số lượng kiến nghị, chưa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiến nghị; nhiều năm kiến nghị vẫn chỉ tập trung vào một số vi phạm như việc Tòa án không gửi đầy đủ, chậm gửi thông báo thụ lý, chậm gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát, bản án quyết định thiếu căn cứ áp dụng pháp luật.

* Công tác quản lý, điều hành chưa đổi mới toàn diện mạnh mẽ.

Việc xây dựng hệ thống biểu mẩu thống kê, sổ sách phục vụ công tác thụ lý, quản lý kết quả kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự còn chậm, chưa đầy đủ. Công tác thông tin báo cáo giữa các cấp Kiểm sát chưa được cải tiến, đổi mới. Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới làm nhiều loại báo cáo ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng công tác của các Viện kiểm sát địa phương, nhất là cấp huyện.

Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới có lúc chưa kịp thời; Viện kiểm sát cấp trên tổ chức các đoàn kiểm tra liên đơn vị nhằm tránh chồng chéo, tiết kiệm kinh phí. Tuy nhiên, hiệu quả kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu; một số nội dung hướng dẫn, trả lời thỉnh thị chưa rõ, trả lời chậm gây khó khăn cho đơn vị thỉnh thị [24].

Một phần của tài liệu Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự qua thực tiễn tỉnh thanh hóa (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)