Thực trạng ngành nghề kinhdoanh khi đăng ký kinhdoanh

Một phần của tài liệu thực trạng thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay (Trang 38)

6. Kết cấu luận văn

2.2.2.3 Thực trạng ngành nghề kinhdoanh khi đăng ký kinhdoanh

Khi thành lập DNTN chủ doanh nghiệp phải chọn những ngành nghề kinh doanh nhất định. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh không thể thực hiện một cách tùy tiện mà phải tuân theo những quy định nhất định của pháp luật. Điều 8 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 quy định: “Doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào, nếu ngành nghề kinh doanh không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Nhưng khi đăng ký kinh doanh những ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh

có điều kiện hoặc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh thì phải tuân theo những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh vẫn còn tồn tại những bất cập sau:

Thứ nhất, kinh doanh những ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam quy định tại Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg.

- Đối với ngành nghề không được quy định tại Danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam, nhưng được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

- Đối với ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký theo yêu cầu và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký này, khi các cơ quan hoặc tổ chức cá nhân có yêu cầu thì doanh nghiệp có trách nhiệm giải thích rõ nội dung cụ thể mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Nhưng trên thực tế đăng ký kinh doanh khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh những ngành nghề không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam thì có nhiều vấn đề phát sinh. Khi một nhà đầu tư đăng ký kinh doanh những ngành nghề không có trong Danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam thường phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thông thường gặp những trường hợp này cán bộ tiếp nhận hồ sơ thường yêu cầu chủ đầu tư thay đổi ngành nghề kinh doanh, hoặc thay đổi tên ngành nghề sao cho giống với tên trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam nhưng tính chất ngành nghề thì không thay đổi.

Thứ hai, về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh:

Nhiều văn bản dưới luật chưa cụ thể hóa danh mục ngành nghề cấm kinh doanh , điều này đã gây sự lung túng cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Điều 4 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 đã liệt kê Danh mục của 15 ngành nghề cấm kinh doanh là chưa thực sự đầy đủ, có sự chồng chéo, trùng lắp với danh mục lĩnh vực cấm đầu tư tại một Nghị định khác của Chính phủ là Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006. Trong Danh mục 15 ngành nghề cấm kinh doanh, có hơn phân nữa là trùng lắp với Danh mục 5 lĩnh vực cấm đầu tư tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư năm 2005. Thậm chí có những ngành nghề cấm kinh doanh tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP mâu thuẫn nghiêm trọng với Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006. Chẳng hạn, Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 quy định cấm kinh doanh dịch vụ đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức. Trong khi đó, Nghị định 108/2006/NĐ-CP lại cho phép nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh casino nhưng với tư cách là lĩnh vực đầu tư

có điều kiện và nhà đầu tư chỉ làm thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư là được. Để giải quyết vấn đề này thì Chính phủ chỉ cần quy định rõ một danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh, không cần duy trì hai Nghị định tồn tại song song cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng lại quy định mâu thuẫn nhau, trùng lắp với nhau.

Thứ ba, Ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 giải thích thuật ngữ điều kiện kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thể hiện dưới 6 hình thức:

- Giấy phép kinh doanh;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; - Chứng chỉ hành nghề;

- Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; - Xác nhận vốn pháp định;

- Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Trong đó có hình thức chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đó có nghĩa là, điều kiện kinh doanh của một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện của nhà đầu tư, bên cạnh các loại giấy tờ như giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… còn được bổ sung thêm một điều kiện mới nữa, đó là sự chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền. Quy định thiếu rõ ràng này đã đi ngược lại tiến trình cải cách thủ tục hành chính và dễ tạo ra tình trạng sách nhiễu nhà đầu tư, gây khó khăn cho công dân khi thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Thiết nghĩ, quy định đó sẽ làm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tùy tiện đặt ra các điều kiện kinh doanh mới và cho mình cái quyền chấp thuận đối với nhà đầu tư. Do vậy, nên loại bỏ cụm từ chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền ra khỏi các điều kiện kinh doanh như quy định tại Điều 8 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 là phù hợp

Nhà đầu tư khi lựa chọn những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức là những giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con. Nhưng các quy định của pháp luật về giấy phép con còn tồn tại nhiều bất cập:

Một là: Số lượng giấy phép con ngày càng tăng từ 194 năm 2002 lên 246 năm 2003 và 298 năm 2004. Bất chấp những thành công ban đầu của Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp 1999, trong 2 năm từ năm 2000-2002 đã hỗ trợ Chính phủ bãi bỏ được 160 giấy phép con không còn cần thiết trong tổng số 353 giấy phép, nhưng những năm gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh mới và nhiều giấy phép con đã bị bãi bỏ lại “tái xuất”; hiện nay đã có hơn 300 giấy phép con và điều kiện kinh doanh dưới dạng văn bản của các bộ ngành và một lượng lớn những

quy định bất thành văn (chưa thể thống kê được con số cụ thể) của các cấp địa phương khác nhau. Hơn nữa rất nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh được sử dụng không có mục đích rõ ràng, không hiểu để bảo vệ và phục vụ những lợi ích gì.

Hai là, việc thực thi cấp phép còn thiếu minh bạch thể hiện ở nhiều khía cạnh: Tiêu chí để cơ quan hành chính cấp phép hoặc từ chối cấp phép không rõ ràng; quyết định cấp phép phụ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép. Doanh nghiệp bị từ chối cấp phép thường không được giải thích rõ nguyên nhân cũng không được chỉ dẫn cơ chế để khiếu nại những quyết định này. Trong một khảo sát gần đây, nhiều doanh nhân đã cho biết họ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép với lí do rất chung chung như không phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương, hay có dấu hiệu kinh doanh ngầm, khó kiểm soát hay có tiềm ẩn nguy cơ xấu cho xã hội.

Bất cập thứ ba liên quan đến những hạn chế của cơ quan ban hành các quy định về giấy phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 2005, thách thức lớn nhất trong quá trình rà soát và loại bỏ những giấy phép kinh doanh không cần thiết là việc thương lượng với các cơ quan chủ quản ban hành các loại giấy phép này. Một thực tiễn cần lưu ý là việc bãi bỏ một số giấy phép con mà không thay đổi triệt để cách làm luật của các cơ quan hành chính thường không thay đổi được “bản chất sự việc” – các cơ quan này thường tìm cách mở rộng quyền lực của mình thông qua việc tái ban hành các luật lệ cũ dưới hình thức mới. Ngoài ra việc giám sát tuân thủ các giấy phép và điều kiện kinh doanh được thực hiện kém hiệu quả do năng lực của cơ quan cấp phép còn quá hạn chế.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của Phòng đăng ký kinh doanh là hướng dẫn người đăng ký kinh doanh về ngành, nghề kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau quản lý. Ví dụ, phòng khám hoặc nhà thuốc do ngành Y tế quản lý; Kinh doanh nước giải khát có gas, rượu do ngành Thương mại quản lý; Kinh doanh karaoke do ngành Văn hoá - Thông tin quản lý... Do vậy, rất khó khăn trong việc theo dõi, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thường mang tính chuyên ngành cao, đòi hỏi phải có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu và hướng dẫn; Bản thân cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh không thể nắm hết được các điều kiện kinh doanh này. Vì vậy, giao nhiệm vụ cho Phòng đăng ký kinh doanh là không khả thi.

Một phần của tài liệu thực trạng thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)