6. Kết cấu luận văn
2.3.1 Thiết lập một khung pháp lý mới phù hợp với các quy tắc hoạt động
của hệ thống đăng ký doanh nghiệp mới:
Về hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh:
Cần tiếp tục duy trì mô hình các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (các Phòng đăng ký kinh doanh). Hoạt động thường ngày của các Phòng đăng ký kinh doanh này sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ quá trình đăng ký được tin học hoá và một cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu cần hướng tới là cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về doanh nghiệp. Kinh phí thu được từ việc cấp đăng ký kinh doanh và dịch vụ cung cấp thông tin về doanh nghiệp phải đủ bù đắp chi phí vận hành của hệ thống và đảm bảo cho việc đầu tư liên tục cho hệ thống kỹ thuật, cơ sở làm việc.
Giải pháp cho những bất cập về chủ thể thành lập.
DNTN là loại hình doanh nghiệp hướng tới các nhà đầu tư là cá nhân, song các quy định về nhân thân của các đối tượng này còn tồn tại nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này pháp luật quy định chủ thể thành lập DNTN cần phải được hoàn thiện và sửa đổi theo hướng phù hợp hơn. Theo chúng tôi cần bổ sung các quy định sau:
Thứ nhất: Cần ban hành các quy định về nghĩa vụ tài sản đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập DNTN. Đối với các nhà đầu tư là người nước ngoài cần bổ sung các quy định cụ thể về tính chịu trách nhiệm tài sản của các đối tối tượng này. Vì quy định pháp luật hiện hành không nêu rõ nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập DNTN
ở Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm vô hạn đối với phần tài sản hiện có ở Việt Nam hay tài sản ở Việt Nam và tài sản ở nước ngoài. Theo tôi, đối với tính chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của người nước ngoài khi thành lập DNTN chỉ giới hạn đối với toàn bộ tài sản hiện có của các nhà đầu tư này ở Việt Nam, do tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chúng ta có thể kiểm soát và đưa ra các biện pháp chế tài khi có nghĩa vụ tài sản phát sinh. Mặt khác, cần công khai hóa toàn bộ giá trị tài sản ở Việt Nam của các chủ DNTN là người nước ngoài lên trang thông tin doanh nghiệp, điều này giúp cho các đối tác của các DNTN này có thể kiểm soát giá trị của các hợp đồng kinh doanh trong giới hạn phù hợp với giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam của các DNTN có chủ là người nước ngoài. Tránh xảy ra trường hợp nghĩa vụ tài sản lớn hơn giá trị tài sản hiện có, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đối tác của DNTN này.
Thứ hai: Cần có cơ chế kiểm soát về nhân thân của người thành lập.
Khi thành lập DNTN nhà nước đã chuyển trách nhiệm tính chính xác của các thông tin trong giấy đề nghị đăng ký kinh doanh sang nhà đầu tư, nhưng những nhà đầu tư không hợp lệ về nhân thân luôn gian lận trong việc kê khai thông tin về nhân thân của họ. Khi cơ quan đăng ký kinh doanh phát hiện thì biện pháp chế tài đối với họ là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là biện pháp chế tài quá nhẹ, theo chúng tôi để giải quyết tình trạng này cần phải có hình thức phạt thật nặng, ngoài việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải kết hợp với biện pháp phạt hành chính và phải kỷ luật nặng những đối tượng này tại đơn vị công tác. Bên cạnh đó cần phải có các biện pháp phòng ngừa các đối tượng này thành lập doanh nghiệp.
Ví dụ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước không thể thành lập doanh nghiệp, nên cơ quan chủ quản của họ cần cung cấp danh sách nhân viên cho cơ quan đăng ký kinh doanh, giúp cho việc xác định nhân thân của các nhà đầu tư khi đăng ký kinh doanh hiệu quả hơn. Hoặc, cơ quan tư pháp cần công bố danh sách các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quyết định của tòa án lên trang thông tin doanh nghiệp nhằm tránh trường hợp nhà đầu tư bị cấm thành lập doanh nghiệp ở địa phương này nhưng họ có thể đến địa phương khác thành lập doanh nghiệp.
Giải pháp cho doanh nghiệp trùng tên:
Trước thực trạng về tên doanh nghiệp, có thể thấy hệ thống quy định liên quan về tên doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung. Để giải quyết vấn đề, cần có cả những giải pháp pháp lý đồng bộ từ phía cơ quan nhà nước và giải pháp khắc phục chủ động của doanh nghiệp trước khi xảy ra hậu quả không mong muốn.
Đối với các doanh nghiệp trùng tên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thống kê chính xác tại từng tỉnh, thành phố và trên toàn quốc số lượng doanh nghiệp trùng tên. Trên cơ sở đó, căn cứ vào ngày cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trùng tên hoàn toàn để buộc doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên trên phạm vi toàn quốc.
Tuy đây là biện pháp chế tài nhưng có lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bị trùng một phần sẽ khuyến cáo (có điều kiện) các doanh nghiệp ra đời sau phải tự đổi tên nếu tên đó không phù hợp với nguyên tắc đặt tên (chỉ gồm ba tiêu chí rõ ràng: loại hình, tên riêng và chỉ một ngành nghề chính). Trong cả hai trường hợp trên, nếu doanh nghiệp không tự đổi tên, Nhà nước sẽ buộc doanh nghiệp đổi tên linh hoạt, có thể là gắn với địa danh huyện, thậm chí xã (nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) nếu vẫn trùng; hoặc phải đăng ký thêm số thứ tự vào sau doanh nghiệp.
Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể cho việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp giữa các tỉnh thành trong phạm vi cả nước tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trên các địa bàn khác cũng như các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về hoạt động đầu tư kinh doanh,bảo vệ được thương hiệu, bảo hộ quyền về tên doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hệ thống này cần cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong cả nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, doanh nghiệp được cấp tên theo nguyên tắc cụ thể, thống nhất, theo một quy chuẩn chỉ gồm ba tiêu chí: loại hình, tên riêng và một ngành nghề chính để phân biệt tên trùng và gây nhầm lẫn.
Hệ thống này cũng phải xác định được các điểm giao thoa đồng nhất với hệ thống tiêu chí của Cục Sở hữu Trí tuệ khi xét cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và điều kiện bảo hộ “tên thương mại”. Hệ thống dữ liệu này sẽ là cơ sở cho các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tham chiếu, tra cứu trước khi cấp nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị trùng tên và lĩnh vực hoạt động. Đồng thời nó còn là cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất và đầy đủ.
Giải pháp cho các quy định về vốn pháp định.
Các quy định về vốn pháp định trong giai đoạn hiện nay không mang lại hiệu quả trong việc thực thi các quy định đó và trong khâu quản lý vốn pháp định sau đăng ký kinh doanh. Việc quy định ngành nghề kinh doanh phải thỏa mãn vốn pháp định cần đảm bảo hai yếu tố: vốn pháp định của doanh nghiệp phải luôn tồn tại trên thực tế, và doanh nghiệp phải thu được lợi nhuận tương ứng từ số vốn đó.
Để giải quyết các bất cập về vốn pháp định Chính phủ cần tăng cường trong khâu quản lý số vốn pháp định của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh vì đa phần các doanh nghiệp không thể duy trì sự tồn tại số vốn này trên thực tế như được phân tích ở phần thực trạng về vốn pháp định. Theo quan điểm của tôi để tăng cường
hiệu quả của các quy định về vốn pháp định, Chính phủ cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định ngân hàng xác định nguồn vốn tiền mặt; vốn tài sản do các công ty giám định xác định vốn của chủ DNTN; sau đó cơ quan cuối cùng là Ngân hàng xác định lần cuối cùng, tổng hợp hai loại vốn trên. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức kiểm toán để kiểm tra nguồn vốn đầu tư có đảm bảo bằng hoặc hơn vốn pháp định không. Khi kiểm toán nếu thấp hơn buộc chủ DNTN phải bổ sung nguồn vốn đầu tư cho đủ vốn pháp định.
Mặt khác, danh mục các ngành nghề kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định ngày càng có chiều hướng tăng cao. Do đó cần xem xét việc ban những quy định pháp luật chuyên ngành sao cho phù hợp với tính chất của từng ngành nghề, tránh tình trạng những ngành nghề kinh doanh yêu cầu phải thỏa mãn vốn pháp định vượt mức cần thiết như hiện nay. Vì trên thực tế có những ngành nghề chi phí dầu tư thấp nhưng yêu cầu về vốn pháp định cao quá mức cần thiết không phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.
Giải pháp cho những bất cập về ngành nghề kinh doanh.
Qua phân tích thực trạng về ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh, nguyên nhân đãn đến tình trạng không thống nhất của các quy định pháp luật là do sự mâu thuẫn giữa Luật doanh nghiệp 2005 và các luật chuyên ngành. Do đó cần giải quyết triệt để xung đột giữa Luật Doanh nghiệp2005 và các luật chuyên ngành.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007, trường hợp có sự xung đột giữa các quy định tại Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành – mà cụ thể là 11 luật chuyên ngành bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giáo dục, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xuất bản, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Báo chí, Luật Dầu khí – về vấn đề hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, thì sẽ ưu tiên áp dụng các quy định pháp luật tại các luật chuyên ngành nêu trên. Quy định này phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc chỉ liệt kê 11 đạo luật chuyên ngành trên là chưa đầy đủ sẽ khiến cho quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp (2005) gặp khó khăn hơn. Chẳng hạn, nếu có sự khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Kế toán hoặc Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dạy nghề, Luật Nhà ở, hoặc Luật Dược… thì giải quyết như thế nào? Nếu hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 thì đương nhiên phải áp dụng Luật Doanh nghiệp. Điều này khiến cho những quy định về thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý trong các đạo luật chuyên ngành trên sẽ không còn tác dụng nữa. Quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 sẽ làm rắc rối hơn cho nhà đầu tư và cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Để giải quyết, chỉ cần sửa đổi khoản 2 điều 3
Luật doanh nghiệp 2005 giống như quy định tại Điều 2 Luật Doanh nghiệp năm 1999, là “trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 với các quy định của luật chuyên ngành sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật chuyên ngành đó”.
Những kiến nghị đối với các thủ tục khi đăng ký kinh doanh.
Nhằm mục tiêu hướng tới cả nước đạt 500.000 doanh nghiệp trong năm 2010 nên Chính phủ đã tiến hành cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi đăng ký kinh doanh trong thời gian qua nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường, kết quả đạt được khá tích cực. Nhưng để nâng cao hiệu quả đạt được, theo tôi cần thực hiện các giải pháp sau.
Thứ nhất: Cần nâng cao đội ngũ cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh cả về chất lượng lẫn số lượng.
Hiện nay đội ngũ cán bộ phòng đăng ký kinh doanh còn mỏng (cả về số lượng và chất lượng) không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế về đăng ký kinh doanh, khối lượng công việc còn quá lớn làm cho quá trình đăng ký kinh doanh còn chậm. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh bình quân một cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh phải xử lý trên 13 bộ hồ sơ một ngày, khối lượng công việc quá nhiều nên thủ tục thành lập doanh nghiệp còn chậm. Do đó cần bổ sung số lượng cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hiện tại nhất là trình độ chuyên ngành luật, tin học giúp cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh vận dụng tốt vào thực tiễn đăng ký kinh doanh, khi đó quá trình đăng ký kinh doanh sẽ được thực hiện nhanh hơn. Đối với đội ngũ cán bộ mới cần phải đáp ứng một tiêu chuẩn nhất định về trình độ học vấn. Tất cả cán bộ phải tốt nghiệp cử nhân luật nhằm đảm bảo quá trình tiếp cận các quy định pháp luật mới và tư vấn luật cho nhà đầu tư. Kết hợp với việc đào tạo các kiến thức chuyên môn khác như tin học, kế tóan, quản trị, ngoại ngữ…giúp cho quá trình đăng ký kinh doanh được thực hiện nhanh chóng cũng như việc quản lý, giám sát đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thực hiện công tác hậu kiểm được tốt hơn.
Thứ hai: Hoàn thiện quy định pháp luật về thủ tục.
Theo quy định của Thông Tư liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 5 ngày làm việc đối với hồ sơ hợp lệ, nhưng không quy định thời gian đối với việc yêu cầu nhà đầu tư bổ sung chỉnh sửa hồ sơ. Đa số các nhà đầu tư sau khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu có sai sót trong hồ sơ thì việc chỉnh sủa bổ sung hồ sơ chỉ được cán bộ phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu sau 5 ngày hẹn. Đây là quá trình tốn rất nhiều thời gian của nhà đầu tư, vì một lần chỉnh sửa bổ sung thì nhà đầu tư mất 5 ngày chờ đợi và có thể lặp lại nhiều lần. Do đó để khắc phục hạn chế này theo tôi cần có quy định định giới hạn giới hạn số lần chỉnh
sửa bổ sung hồ sơ là một lần và quy định trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải đảm bảo tư vấn cho nhà đầu tư hoàn thiện đầy đủ, hợp lệ hồ sơ chỉ một lần chỉnh sửa bổ sung. Nếu không thực hiện tốt công tác này sẽ có những biện pháp kỉ luật, kiểm điểm đối với cán bộ tiếp nhận hồ sơ và các biện pháp chế tài, phạt hành chính khi nhà đầu tư không tuân thủ các quy định chỉnh sủa bổ sung hồ sơ. Thêm vào đó, cần có quy định giới hạn thời hạn yêu cầu chỉnh sửa bổ sung hồ sơ là một hoặc hai ngày, khi đó cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải đăng tải những thông tin cần bổ sung chỉnh sửa lên trang thông tin doanh nghiệp của Phòng đăng ký kinh doanh.
Mặt khác, hiện nay để thực hiện công tác đăng ký kinh doanh được nhanh chóng cần mở rộng quy mô của hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, đây là phương thức đăng ký kinh doanh ít tốn thời gian và thủ tục đơn giản khi nhà đầu tư gia nhập thị trường.
Thứ ba: Nâng cao nhận thức nhà đầu tư.
Bản thân các nhà đầu tư phải tích cực trong việc phối hợp, cộng tác với cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp cũng như những biến đổi và thay đổi trong quá trình đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó để các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin và các chính sách ưu đãi đầu tư của