Bút pháp tương phản, đối lập

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết nhất linh (Trang 56)

8. Bố cục của khóa luận

3.3.Bút pháp tương phản, đối lập

Bên cạnh nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, Nhất Linh còn sử dụng bút pháp đối lập, tương phản. Biểu hiện của bút pháp nghệ thuật này chính là hệ thống các nhân vật trái chiều: những nhân vật trái ngược nhau về mọi mặt như tính cách, quan niệm sống, lối sống... Bút pháp nghệ thuật này làm nổi bật tính cách của nhân vật chính, nhất là nhân vật những người phụ nữ bi kịch, đó cũng góp phần lí giải nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời của họ.

Bút pháp tương phản, đối lập được thể hiện rõ nhất trong Đời mưa gió. Đời mưa gió kể về cuộc đời nhân vật Tuyết với một tính cách lẳng lơ, đa tình

cùng với một lối sống hưởng lạc, ăn chơi trác táng. Và để làm nổi bật nhân vật này, Nhất Linh đã dựng lên chân dung nhân vật Chương trái ngược hẳn với Tuyết. Chương là một thầy giáo nề nếp và mực thước trong lối sống, chàng lại bị người tình phụ bạc sau một lần hỏng thi nên càng trở nên trai lì, sắt đá, nhất là đối với phụ nữ. Chàng nổi tiếng trong giáo giới là một người ghét phụ nữ, mọi người vẫn hay thầm thì bàn tán “không ngờ một người mơ mộng ái tình đến nỗi biếng lười cả việc học mà nay bỗng trở nên một người ghét phụ nữ một cách cay độc”. Tính cách này của Chương hoàn toàn đối lập với Tuyết. Tuyết là một cô gái lẳng lơ, đa tình, điều này được thể hiện ngay trong cách nói trong lần được Chương cứu khỏi tay nhân tình, dù không quen biết nhưng Tuyết vẫ ngỏ lời: “hay anh cho em ngủ nhờ một tối”. Ngay cách nói đó đã tố cáo lối sống buông thả của cô. Không chỉ có vậy, khi không được Chương đồng ý cho ngủ nhờ, hôm sau Tuyết tìm đến tận nhà Chương để cảm ơn và tìm cách lôi kéo Chương vào

vòng ái tình của cô. Tuyết càng lẳng lơ, tìm cách ve vãn Chương thì Chương càng sợ hãi giữ mình, thậm chí chàng thẳng tay đuổi Tuyết ra khỏi nhà. Đây chính là hai tính cách đối chọi nhau hoàn toàn, sự trái ngược này càng làm nổi bật hơn sự phóng khoáng của cô gái giang hồ mang tên Tuyết. Không chỉ đối nghịch nhau về tính cách mà trong quan niệm về tình ái Chương và Tuyết cũng khác nhau. Với Tuyết tình ái chỉ là “sự gặp gỡ của hai xác thịt”. Nàng sống vì nhục dục, vì những lạc thú ở đời. Tuyết luôn khắc trong mình câu châm ngôn ghê gớm “không tình, không cảm, chỉ coi lạc thú ở đời là vị thuốc trường sinh”. Ngược lại quan niệm ghê gớm đó, với Chương ái tình là “sự gặp gỡ của hai tâm hồn”. Ái tình sẽ là vô nghĩa nếu như tâm hồn của con người gặp nhau, không đồng điệu với nhau. Chính vì hai tính cách khác nhau, hai quan niệm tình yêu khác nhau nên sự biểu hiện trong tình yêu của Chương và Tuyết cũng khác nhau. Là một cô gái đa tình, lẳng lơ, Tuyết chưa bao giờ bằng lòng với thực tại, cô chưa bao giờ biết đến tình yêu đích thực và càng không nghĩ đến việc gắn bó suốt đời với một người. Tuyết cùng một lúc có thể yêu rất nhiều người, có thể ngủ với rất nhiều người miễn là người đó có thể đáp ứng được nhu cầu về nhục dục và tiền bạc. Tuyết đi tìm hết lạc thú này đến lạc thú khác, cô đắm mình trong những cuộc phiêu lưu tình ái, thứ tình ái xác thịt. Chương thì ngược lại hoàn toàn. Với Chương, một khi chàng đã yêu thì sẽ yêu hết mình, hiến dâng hết mình và chàng luôn mong mỏi được sống cùng người mình yêu đến trọn đời trọn kiếp. Vì điều này mà Tuyết ví chàng như “một cô thiếu nữ, hơn nữa như một cô gái đồng trinh”. Đó là một sự trái ngược, một sự tương phản hoàn toàn với Tuyết, và chính Tuyết cũng công nhận điều đó “cái đời của một ông giáo đạo mạo càng ngày cang thấy trái ngược với đời nàng” [13, Tr.62]. Dù Tuyết có bỏ Chương đi với người khác thì Chương vẫn một lòng một dạ yêu Tuyết, chàng bỏ qua tất cả những lỗi lầm của Tuyết, thậm chí chàng còn vui mừng khi Tuyết trở về. Cũng có lúc Chương cảm thấy ghê sợ Tuyết, nhưng tình yêu của chàng luôn có sức mạnh ghê gớm, chàng luôn dang rộng vòng tay đón Tuyết trở về và hết sức chiều chuộng cô để làm sao được cho người yêu vui vẻ và từ bỏ ý định đi với người

khác. Hai con người với hai tính cách, hai quan niệm sống trái ngược nhau lại gặp nhau và sống cùng nhau. Xây dựng nhân vật như vậy Nhất Linh muốn làm nổi bật sự “nổi loạn” của Tuyết, và đây cũng chính là một cách lí giải nguyên nhân dẫn tới bi kịch cuộc đời của một gái điếm như Tuyết.

Cũng là một cô gái tân thời, nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt hiện lên là

một người con gái mang những tư tưởng văn minh, tiến bộ, nàng mạnh mẽ và quyết đoán, điều này trái ngược hẳn với chồng và cả gia đình chồng. Chính sự tương phản, đối lập nhau trong tính cách và trong quan niệm sống đã làm cho mâu thuẫn giữa Loan và nhà chồng ngày càng gay gắt, đây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp đẩy Loan đến bi kịch. Sự đối lập trước hết là giữa Loan và Thân - chồng nàng. Loan là một người có tính độc lập, khá mạnh bạo, chủ động, còn Thân ngược lại có phần nhút nhát, thụ động, nhu nhược và đặc biệt luôn phụ thuộc vào mẹ là là bà Phán Lợi. Sự nhút nhát của Thân thể hiện ngay trong ngày cưới. Trong khi “Loan thản nhiên bước lên, trong khi hàng trăm con mắt chăm chú nhìn nàng” thì Thân lại tỏ rõ sự sợ sệt, e thẹn “người thẹn nhất lúc đó không phải là Loan mà là Thân đương đứng nấp sau sau hai người phù rể, mặt đỏ bừng khi thấy Loan tò mò nhìn thẳng vào mặt”. Điều này làm Loan thấy ở Thân là một người tầm thường ,và nàng biết một cuộc đời chắc chắn cũng sẽ tầm thường như thế. Sự nhút nhát, hèn kém đó còn thể hiện trong việc Loan bàn với Thân về việc ra ở riêng để đi buôn bán. Khi nghe Loan nói, Thân sợ hãi, sợ vì cớ thấy Loan mạnh bạo quá, lại sợ thầy me giận “tôi đã bảo mợ đừng nhắc đến nữa. Thầy me không cho phép”. Một con người hèn nhát như Thân, không bao giờ dám có chính kiến của riêng mình, cũng không dám làm điều gì tự tiện cả, mọi thứ đều phải được sự đồng ý của bà Phán Lợi. Còn Loan thì hoàn toàn ngược lại, khi thấy cuộc sống cùng gia đình chồng quá ngột ngạt, nàng muốn ra ở riêng để vợ chồng làm ăn, sống tự lập. Khi Thân không đồng ý thì Loan nhất quyết “Đã vậy thì được. Cậu không muốn làm thì cậu để mặc tôi. Tôi sẽ xin phép thầy me”. Sự bạo dạn và cách nói cứng cỏi, quyết tâm của Loan làm Thân hoảng sợ “bây giờ chàng mới tỉnh ngộ, biết rằng người vợ hiền lành, thuần thục của chàng trước kia

không phải là hiền lành thuần thục”. Không chỉ đối lập với Thân, tính cách và quan niệm của Loan còn trái ngược hẳn với gia đình chồng, nhất là bà Phán Lợi. Loan mạnh mẽ bạo dạn nhưng nàng lại là người hiền lành và tốt bụng, còn bà Phán lại là một người đanh đá, độc ác, bà bắt Loan phải làm tất cả mọi việc như một con ở. Bà luôn dùng những từ nói mát mẻ để mắng chửi con dâu là lười biếng, hư thân, là đồ mất dạy. Bà Phán luôn quan niệm rằng, đã là con dâu thì phải hầu hạ gia đình chồng, hầu hạ từ người trên đến người dưới cho chu tất. Loan thì lại có quan niệm khác: “nếu chỉ có thế thì đến con sen cũng làm được, không cần phải một nàng dâu, cháu nghĩ khác: cháu không coi đó là bổn phận chính”, và vì thế mà nàng đã không nghe theo lời sai bảo của mẹ chồng. Đó chính là sự mâu thuẫn, đối lập giữa hai quan niệm sống, cũng là giữa hai tư tưởng cũ và mới. Chính sự đối lập này là một phần nguyên nhân đẩy Loan vào quãng đời mười năm bi kịch.

Bút pháp tương phản, đối lập đã tạo ra các tuyến nhân vật trái chiều, điều này giúp người đọc có sự đối sánh giữa nhân vật này với nhân vật kia, mở ra một thế giới nhân vật đa dạng, sinh động và đầy ám ảnh. Bút pháp này giúp nhà văn khắc họa thành công hình tượng nhân vật những người phụ nữ trong xã hội nửa phong kiến Việt Nam trước cách mạng.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết nhất linh (Trang 56)