8. Bố cục của khóa luận
2.2.3.1. Bi kịch do hoàn cảnh sống
Kiểu nhân vật rơi vào bi kịch do hoàn cảnh sống khá phổ biến trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ thời kì trung đại đến nay. Đó là cách lí giải số phận nhân vật phổ biến của các tác giả dựa trên điều kiện, hoàn cảnh mà các nhân vật đang tồn tại. Xây dựng kiểu nhân vật bi kịch như vậy, một phần các nhà văn muốn tố cáo, vạch trần bộ mặt của xã hội đương thời, cái xã hội bất công, tàn bạo đó đã đẩy con người vào ngõ cụt, đẩy con người đến với những nỗi đau đớn mà họ không thể nào vùng vẫy thoát ra được. Xây dựng kiểu nhân vật này cũng thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc của các tác giả, ở họ, văn chương luôn là nơi thể hiện tình thương, thể hiện sự cảm thông đối với những số phận bất hạnh, đối với những kiếp người nhỏ bé, lạc lõng giữa cái xã hội đầy những vị kỉ, toan tính và bất công này.
Tiếp nối truyền thống yêu thương đồng loại của con người Việt Nam, và hơn hết do sự thôi thúc của chính trái tim đa sầu đa cảm, nhà văn Nhất Linh đã xây dựng rất nhiều những nhân vật người phụ nữ rơi vào bi kịch mà nguyên nhân chủ yếu được lí giải bắt nguồn từ hoàn cảnh sống. Với Nhất Linh, tất cả những người phụ nữ đều đáng thương, họ đều là nạn nhân dù ít dù nhiều của cái xã hội Tây - Tàu lẫn lộn đương thời. Chính vì thế mà hình tượng những người phụ nữ trong tác phẩm của Nhất Linh hiện lên luôn mang trong mình nỗi khổ riêng, họ nhỏ bé, lạc lõng, họ luôn muốn vùng vẫy thoát khỏi cái kiếp đời mà họ đương sống nhưng không phải nhân vật nào cũng có đủ nghị lực để làm điều đó.
Nói về nhân vật người phụ nữ rơi vào bi kịch do hoàn cảnh sống, trước
hết ta có thể kể đến cô gái tân thời tên Loan trong Đoạn tuyệt. Loan đã trải qua
một đoạn đời đầy khổ đau và nước mắt, nỗi khổ của Loan ta có thể thấy trước hết là do hoàn cảnh mà nàng đang sống, cả hoàn cảnh gia đình lẫn quan niệm phong kiến đã chung tay đẩy nàng vào bi kịch. Loan yêu Dũng nhưng không dám thổ lộ, mặc dù vậy, tình yêu của Loan vẫn rất chân thật và tha thiết, nàng luôn mong muốn một ngày nào đó nàng sẽ là vợ Dũng. Thế nhưng ông bà Hai nhất quyết bắt Loan phải lấy Thân, thậm chí không cho Loan gặp mặt Dũng nữa. Bởi vì, gia cảnh túng bấn lúc này khiến bố mẹ Loan không còn sự lựa chọn nào khác. Loan vì cha mẹ mà chấp nhận tất cả, bởi nàng không muốn làm cho cha mẹ buồn, và hơn hết nàng không muốn trở thành một đứa con bất hiếu. Hôm cưới, mặc dù rất đau khổ, nhưng khi nhìn vẻ mặt sung sướng của bà Hai, Loan cảm thấy được an ủi phần nào “nàng cảm thấy sự hi sinh của nàng là có nghĩa lí”. Mãi sau khi lấy chồng được vài tháng, khi về thăm nhà, Loan mới biết lí do mà bà Hai nhất định bắt nàng phải lấy Thân: “nàng mới hay rằng trước nàng phải bỏ học, vì nhà túng bấn, nhà bà Phán Lợi chính là nhà cứu giúp nhà Loan” [18, Tr.62]. Bây giờ Loan mới đau đớn khi biết “việc nhân duyên của nàng chỉ là việc mua bán”. Loan giống như một cô dâu “gạt nợ” vậy, và nàng đúng là một cô dâu “gạt nợ” bởi “mẹ nàng đem nàng bán một cách gián tiếp cho nhà bà Phán Lợi, đã làm hỏng cả đời nàng mà không ích gì”. Loan đau đớn và tuyệt vọng, nhưng nàng không thể trách mẹ, cái bi kịch mà ngày hôm nay nàng phải chịu đựng cũng không phải lỗi tại bà mà là do hoàn cảnh xô đẩy. Chính hoàn cảnh gia đình Loan đã gián tiếp đẩy nàng đến làm con dâu nhà bà Phán Lợi, đẩy nàng rời xa Dũng. Vì hoàn cảnh mà cha mẹ nàng đã làm cái việc mà theo nàng đó là tội ác khi bán cả linh hồn và xác thịt con gái: “Trước kia, cha mẹ Loan giao ước cho nàng làm vợ Thân đã làm một việc bán linh hồn của con đi, nay cha mẹ bắt nàng làm vợ Thân là đã bán xác thịt nàng, bán nàng vì một số tiền ba nghìn bạc” [18, Tr.63]. Nhưng khi Loan biết tất cả điều đó thì mọi sự đã rồi, Loan đành nhắm mắt chấp nhận, nàng tủi hờn cho thân phận của một cô dâu “gạt nợ”. Bây giờ
Loan mới biết tại sao tất cả những người trong gia đình chồng, ai ai cũng muốn làm cho nàng khổ. Loan cũng biết rằng người ta cưới nàng về là để hầu chứ không phải để làm một con dâu: “Phải, người ta cưới nàng về để hầu chứ không phải để làm một người vợ. Việc này là việc phụ. Vì vậy, đầu tiên người ta dạy bảo Loan như dạy bảo một con ở” [18, Tr.56]. Bên cạnh việc phải làm một người ở thì cô dâu “gạt nợ” như nàng còn có một nhiệm vụ khác nữa đó là làm cái máy đẻ: “bổn phận nàng là cái máy đẻ, thì nàng phải coi nàng như cái máy đẻ và những cử chỉ của chồng nàng lúc nào cũng nhắc cho nàng biết rằng thân phận nàng chỉ có thế và chỉ có thế thôi” [18, Tr.60]. Loan ngậm ngùi chấp nhận những điều đó như là bổn phận, vì nàng cũng không thể còn cách nào nữa, vì hoàn cảnh buộc nàng phải sống như vậy. Tuy vậy, bi kịch cuộc đời Loan chưa dừng lại ở đó, nếu như hoàn cảnh gia đình đẩy Loan vào bi kịch cuộc đời thì những quan niệm phong kiến cứng nhắc, cổ hủ bên nhà chồng lại tiếp tay đưa nàng dấn sâu hơn nữa vào chuỗi ngày bất hạnh. Loan vốn là một cô gái “tân thời”, nàng được học trong trường Cao đẳng tiểu học, nàng biết tiếng Pháp, nàng mang trong mình tư tưởng tiến bộ của Tây Âu. Thế nhưng ngược lại với tư tưởng văn minh, tiến bộ của Loan chính là gia đình chồng nàng, một gia đình mang đầy đủ những quan niệm cứng nhắc, áp đặt và có phần cổ hủ về phận dâu con trong gia đình. Một người sống theo lối sống hiện đại, văn minh mà lại phải ăn đời ở kiếp với những tư tưởng lỗi thời đó thì tất yếu sẽ dẫn đến bi kịch. Bi kịch xảy ra là do sự đối lập và xung khắc giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu mà cái lạc hậu, đó cũng là cái lạc hậu chung của phần lớn xã hội bấy giờ. Gia đình bà Phán thì quan niệm đã là con dâu thì là người của nhà chồng, phải phục tùng gia đình chồng, bà bắt con dâu phải đảm đương tất cả mọi việc trong gia đình, phải hầu hạ từ người trên xuống người dưới. Ngược lại, theo quan niệm của Loan thì đó không phải là tất cả của bổn phận làm dâu, nếu chỉ làm như thế thì “đến con sen cũng làm được chứ không phải đợi đến nàng”. Vì thế Loan nhất quyết không làm theo, và kết quả nàng bị gia đình chồng nói ra nói vào, nói bóng nói gió và bị bà Phán ghét ra mặt. Cuối cùng khi mọi thứ quá sức chịu
đựng thì Loan đã dũng cảm đứng lên đấu tranh để giàng giật lại quyền công bằng và quyền hạnh phúc cho bản thân, nàng đã chống lại sự hành hạ của chồng và gia đình chồng. Loan đã thực sự thoát khỏi cái địa ngục trần gian khi vô tình gây ra cái chết của Thân. Cái chết đó là cái chết ngoài mong đợi nhưng lại là cái chết kết thúc quãng đời bi kịch của Loan, cái chết đó mở đường cho Loan đến với hạnh phúc thực sự của cuộc đời nàng. Ta có thể coi Loan là nhân vật nửa bi kịch bởi vì cuối cùng nàng đã đấu tranh chống lại khổ đau và giải thoát cho chính mình.
Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh luôn sống trong sự giày vò ghê gớm về tinh thần, mà nguồn cơn của những nỗi đau đó trước hết là do hoàn
cảnh sống gây nên. Cùng với Loan thì nhân vật Nhung trong Lạnh lùng cũng là
đại diện tiêu biểu nhất cho kiểu bi kịch này. Nhung, một cô gái hai tư tuổi nhưng mang trong mình rất nhiều nỗi đau về tinh thần: nỗi đau mất chồng khi tuổi đời còn rất trẻ, khi mà cuộc đời ái ân còn đọng lại cho nàng bao nhiêu hương vị, nhưng có lẽ cái bi thảm nhất đó là bi kịch yêu Nghĩa mà không dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu. Sở dĩ như vậy vì Nhung bị ràng buộc bởi hoàn cảnh, hầu như tất cả những gì xung quanh nàng, hay nói khác đi, mọi hoàn cảnh lớn nhỏ đều ép nàng phải sống theo một khuôn khổ, theo một quy tắc nhất định mà nàng không đủ dũng cảm và cũng không đủ bản lĩnh để phá vỡ nó.
Nhung lấy chồng từ năm mười tám tuổi, một người chồng mà nàng chỉ “kính chứ không yêu”, cho dù vậy thì nàng vẫn hạnh phúc khi sống những ngày tháng bên chồng. Nhưng hạnh phúc thật quá ngắn ngủi, đến năm hai tư tuổi thì Nhung đã góa bụa được ba năm. Trong ba năm đó nàng vẫn luôn là một con dâu ngoan hiền, luôn biết giữ mình và luôn sống phải đạo với nhà chồng. Nhung thảo hiền đến nỗi, khắp làng xóm, láng giềng, không ai là không biết đến tiếng thơm của nàng, nàng là niềm vinh dự, niềm tự hào cho cả gia đình nàng và gia đình chồng nàng. Chính vì cái danh giá của nàng quá lớn, vì sự kì vọng của mọi người với nàng cũng quá lớn nên Nhung không bao giờ dám làm gì để vấy bẩn lên cái danh giá cao quý đó. Ngay khi có tình cảm với Nghĩa, nàng cũng không
dám yêu, nàng làm đủ mọi cách để kìm nén tình yêu lại, bởi nàng nghĩ: “Nhiều cái khổ mình phải chịu lấy một mình. Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải biết đến nhà mình, đến danh giá...” [19, Tr.20]. Cuối cùng sau bao nhiêu sự giằng xé giữa tình cảm và lí trí thì nàng cũng yêu, nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vụng trộm, tình yêu mà Nhung biết một ngày nào đó sẽ phải chia xa, tình yêu mà khi dấn thân vào nàng tự cho nàng là “con đà bà khốn nạn”. Đó chính là bi kịch đau đớn nhất của Nhung. Bi kịch yêu mà không dám yêu, yêu mà cứ phải kìm lòng để quên đi, yêu mà cứ phải phải lén lút, vụng trộm mặc dù chẳng có gì phải vụng trộm hết. Dường như tất cả mọi thứ xung quanh đều ép nàng phải sống không được làm chính mình, tất cả đều chung tay đẩy nàng vào bi kịch mà nàng không biết tỏ cùng ai và cũng không thể thoát ra được. Nhung đau đớn nhận ra: “một cách rõ rệt sự đè nén khốc liệt của cái xã hội nhỏ quanh mình. Em nàng vài hôm sau nữa sẽ đi với chồng xa hẳn được, nhưng còn nàng thì không biết bao giờ mới thoát khỏi. Nào cha mẹ đẻ, nào cha mẹ chồng, nào họ hàng, làng nước, bao nhiêu thứ bắt nàng không thể sống theo ý muốn của mình được. Nàng biết rằng mọi người đã muốn cho nàng là một người đàn bà góa bụa ở vậy thờ chồng thì nàng phải ở vậy thờ chồng” [19, Tr.46]. Đôi khi nàng muốn giải thoát cho chính mình, muốn trốn đi thật xa cùng người yêu, thế nhưng chỉ mới nghĩ thế thôi nàng đã sợ hãi, “nàng cho đó là một việc táo bạo không bao giờ dám làm”. Bởi vì “cái xã hội nhỏ” quanh nàng đã ràng buộc nàng, nó như một thứ dây thừng cột chặt nàng phải sống cái đời hiện tại, cột chặt lí trí của nàng không cho nàng từ bỏ gia đình, không cho nàng vấy bẩn lên thanh danh của mình. Sự chi phối của hoàn cảnh mạnh mẽ đến nỗi nó làm Nhung không dám sống với chính mình, nàng luôn luôn phải sống giả tạo để khoác trên mình bộ mặt ngoan hiền, đúng với mong mỏi của mọi người. Sự chi phối ấy đè bẹp mọi ý chí đấu tranh của Nhung, nó làm cho Nhung không đủ dũng cảm để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc của mình, nó đã biến nàng thành một kẻ nhu nhược, hèn nhát, trở thành một người “lạnh lùng”, một người độc ác khi nhẫn tâm vứt bỏ tình yêu của
mình. Cuối cùng, Nhung đã chọn cho mình con đường đi mà không có ái tình, con đường đi mà nàng biết sẽ giữ trọn được tiếng thơm cho đời.
Kiểu nhân vật rơi vào bi kịch do hoàn cảnh như Loan, Nhung là kiểu nhân vật phổ biến trong các tác phẩm của Nhất Linh nói riêng và của các nhà văn giai đoạn này nói chung. Kiểu nhân vật này đã góp phần phản ánh mặt trái của xã hội đương thời. Sống trong cái xã hội Tây - Ta lỗn lộn, khi mà quan niệm phong kiến hàng nghìn năm nay đã ăn sâu trong tiềm thức của con người, ngược lại, những tư tưởng của phương Tây lại quá lạ lẫm, quá văn minh khiến nhiều người cho đó là sự “lạc loài” và không thể chấp nhận được. Sống trrong xã hội như vậy thì bi kịch xảy ra là điều tất yếu. Bởi bên cạnh những người bảo thủ, khư khư giữ lấy những tư tưởng xưa cũ thì cũng xuất hiện những người được đi học, được tiếp thu, được ảnh hưởng bởi những tư tưởng “lạ lẫm” của phương Tây. Và bi kịch xảy ra đối với cả hai loại người đó. Một người vì văn minh quá, “Tây” quá nên không phù hợp để sống cùng những người lạc hậu nên bi kịch sảy ra. Một người vì cứ khư khư giữ lấy những quan niệm xưa cũ, không đủ can đảm đấu tranh để vứt bỏ nó đi thì cũng chuốc lấy bất hạnh khi phải sống “giả đạo đức”, phải kìm nén, thậm chí vứt bỏ tình yêu, hạnh phúc của bản thân. Xây dựng kiểu nhân vật này, Nhất Linh muốn lên tiếng bênh vực những người phụ nữ, nhà văn cũng lên tiếng tố cáo xã hội và hoàn cảnh đã chung ta đẩy họ đó vào bi kịch đau đớn của cuộc đời.