8. Bố cục của khóa luận
2.2.3.2. Bi kịch do chính bản thân nhân vật
Đây là kiểu nhân vật bi kịch còn khá mới mẻ trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này. Thông thường, từ thời kì trung đại đến giai đoạn những năm đầu thế kỉ XX, ta chỉ bắt gặp những nhân vật bi kịch mà nguyên nhân của mọi sự đau khổ thường xuất phát từ xã hội, từ những quan niệm sống cổ hủ, lạc hậu hay do sự đè nén của một giai cấp, tầng lớp nào đó. Đó là cách lí giải chung của các nhà văn về bi kịch của con người trong thời kì này. Thế nhưng, với Nhất Linh, ông lại có một quan niệm khác, theo ông, nguyên nhân gây ra nỗi khổ của con người, nhất là những người phụ nữ, có một phần không nhỏ xuất phát từ chính bản thân
họ. Chính những suy nghĩ, hành động và cách sống của họ đã dẫn tới bi kịch của cuộc đời mà không thể thoát ra được. Chính vì thế, nhân vật những người phụ nữ trong tác phẩm của Nhất Linh thường mang tính cách đa diện, họ được đặt trong những mối quan hệ nhiều chiều, phức tạp hơn, người đọc vì thế có thể thấy rõ bi kịch đó bắt nguồn từ đâu và cách giải thoát ra sao.
Nhân vật đầu tiên thuộc kiểu bi kịch này ta phải kể đến Tuyết trong Đời mưa gió. Tuyết là mộ gái tân thời có một lối sống lẳng lơ, phóng khoáng, cô luôn
ăn chơi trác táng và có những quan niệm hết sức “mới mẻ” về tình yêu, hạnh phúc cá nhân. Và bi kịch cũng bắt nguồn từ chính lối sống đó của cô. Tuyết không mặn mà với cuộc sống của một gia đình có vợ có chồng mà cô lại chọn cho mình cuộc sống của một “gái điếm”, chung chạ với rất nhiều loại đàn ông. Lúc trẻ trung xinh đẹp thì cô được săn đón như một bà hoàng, nhưng khi nhan sắc không còn mặn mà để làm rung động những trái tim đa tình nữa thì cô bị vứt ra ngoài đường như một thứ rác rưởi không ai thương tiếc. Có một tác giả trên
trang Giải trí. Com đã gọi bi kịch của Tuyết là bi kịch của “Môt gái điếm đa đoan”. Bi kịch đó không phải do xã hội, càng không phải do hoàn cảnh hay gia
đình gây ra, mà mọi thứ bắt nguồn từ chính bản thân Tuyết.
Tuyết mang trong mình một quan niệm sống và một lối sống khác hẳn với những người phụ nữ đương thời, thậm chí đó là một lối sống “lạc loài”, bởi vì cái cách sống đó chưa bao giờ xuất hiện ở cái xã hội nhỏ bé thời bấy giờ. Thực ra ban đầu Tuyết cũng là một cô gái ngoan ngoãn với bao ước mơ, dự định về tương lai, thế nhưng cuộc đời Tuyết lại rẽ một ngã rẽ khác khi cô đi lấy chồng năm mười bảy tuổi. Tuyết đã không thể sống cùng một người chồng ngây ngốc mà theo cô “chỉ được mỗi một nết là con cưng của một nhà quan”, cô cũng không thể sống trong một gia đình mà mẹ chồng bắt hầu hạ bà như một con ở, lại còn “cổ lỗ, bắt khoan bắt nhặt con dâu từng li từng tí” [13, Tr.71]. Tuyết không chịu chấp nhận một cuộc sống như vậy, cô ngoại tình với một người hàng xóm, và trong một lần, cô đã cùng người tình trốn đi biệt, không bao giờ dám quay trở về nữa. Cũng chính lần bỏ đi ấy là lần Tuyết bắt đầu dấn thân vào “đời mưa gió”,
bi kịch cuộc đời cô cũng bắt đầu từ đó. Ta thấy, giá như Tuyết biết bằng lòng với cuộc sống thực tại, giá như cô đừng tiên nhiễm những thói ăn chơi từ khi còn học ở Hà Nội thì có lẽ cuộc đời cô đã không phải khoác lên mình cái mác “gái điếm”. Tuyết đã đi vào con đường mà tự cô cho là “khốn nạn”, “nhơ nhuốc” ấy có một phần lớn nguyên nhân chính bắt nguồn từ chính bản thân cô. Bản thân Tuyết là con người có tính cách lẳng lơ, buông thả. Với cô, tình yêu không phải là cái gì khác mà chính là “sự gặp gỡ của hai xác thịt”, và cô chỉ cần biết có một thứ là “ái tình xác thịt”. Chính quan niệm sống đó đã biến Tuyết thành một con người dễ dãi quá mức. Từ khi dấn thân vào “đời mưa gió”, Tuyết đã ăn nằm với biết bao loại đàn ông, bởi vì chính bản thân Tuyết muốn thế, cô muốn sống một cuộc sống “không tình, không cảm, chỉ coi lạc thú ở đời như một vị thuốc trường sinh”. Tuyết gặp Chương và đến với Chương rồi lại bỏ Chương ra đi một cách dễ dàng cũng là từ tính cách đó mà ra. Sau khi được Chương cứu giúp khỏi tay gã tình nhân, Tuyết đã về nhà Chương ở, họ trở thành vợ chồng chính thức trong vòng sáu ngày. Nhưng rồi sang ngày thứ bảy thì Tuyết ra đi, cô đi tìm người nhân tình cũ mà cô chợt nhớ đến. Sau đó một tháng Tuyết lại trở về, lại ở như vợ chồng với Chương. Có thể nói một con người như Tuyết thì không cần đến tình yêu và sĩ diện, Tuyết không có cả hai thứ ấy. Khi ở với Chương cảm thấy chán nản, Tuyết lại đi tìm cho mình thứ ái tình mà chỉ có nhục dục, nàng đi theo “tiếng gọi của chốn xa xăm”. Và kết quả, Tuyết cũng phải nhận kết cục bi đát. Một lần, Tuyết bỏ đi cùng Văn, cũng là tình nhân cũ của cô khi hai người tình cờ gặp nhau ở khách sạn. Sau hơn hai tuần bỏ Chương đi, cuối cùng Tuyết cũng trở về với tâm trạng mệt mỏi “dáng điệu uể oải, Tuyết vào phòng khách nằm phịch xuống cái ghế nệm dài” [13, Tr.110]. Nàng cảm thấy cực nhục khi Văn vì có tiền mà tự phụ, coi cô như vật sở hữu khi đã bỏ tiền ra cho cô. Có lẽ bây giờ Tuyết mới thấy nhân phẩm của cô bị trà đạp, bị sỉ nhục về danh dự, bây giờ cô biết liêm sỉ. Cô lại quay về với Chương và cảm động khi nhận được sự cảm thông từ Chương, cô tự hứa với bản thân từ nay sẽ làm người vợ tốt: “tối hôm đấy, hai vợ chồng chẳng khác cặp vợ chồng mới cưới, cùng nhau bàn việc nhà, việc cửa”.
Thế nhưng Tuyết lại không làm được điều đó. Sống cùng Chương với cuộc sống khốn khó, khi nhìn mấy cô bạn cũ được sống trong nhung gấm thì Tuyết lại muốn đi tìm người xứng đáng để cô trao thân gửi phận. Lúc này, bi kịch của Tuyết chính là bi kịch tinh thần. Cô muốn thoát khỏi cái kiếp sống buôn phấn bán hoa, cô muốn sống cùng Chương, muốn xây dựng một gia đình êm ấm nhưng không thể được bởi vì cái kiếp giang hồ đã thấm vào từng tế bào trong người cô, lí trí của cô đã không đủ tỉnh táo để níu giữ cô: “Tuyết muốn rời bỏ Chương ngay mà đi, lăn lộn với cuộc đời mưa gió. Tiếng gọi ở chốn xa xăm, huyền bí hình như lại đến làm rung động tâm hồn phiêu lưu của nàng” [13, Tr.141]. Thế là Tuyết lại ra đi một lần nữa, Tuyết ra đi theo tiếng gọi của thứ “ái tình xác thịt”. Và một lần nữa, cuộc đời lại “khốn nạn” đối với Tuyết khi cô bị nhân tình bỏ rơi. Tuyết trở về tìm Chương khi “cái nhan sắc diễm lệ thủa xưa đã tàn tạ như đóa hoa rã rời sau những ngày mưa gió”. Lúc này Tuyết mới bẽ bàng thấm thía cái bi kịch bao trùm cả cuộc đời cô: bi của một cô “gái điếm đa đoan”, khi còn son sắc thì mua vui cho hết thảy các loại đàn ông thiên hạ, đến khi nhan sắc héo tàn thì cô bị người ta ruồng rẫy, từ bỏ không thương tiếc. Cho đến cuối cùng thì Tuyết vẫn chọn sự ra đi như một cách giải thoát cho mình, bởi: “một cô gái giang hồ có thể nào làm cho nàng tránh được cái đời vô định”. Và Tuyết không bao giờ thoát khỏi bi kịch của cuộc đời “mưa gió”.
Có thể nói, tất cả những tấn bi kịch của cuộc đời Tuyết đều do chính bản thân Tuyết gây ra. Nếu cô không ăn chơi trác táng, không đua đòi theo lối sống hưởng lạc, phóng khoáng, nếu cô biết trân trọng tình yêu mà Chương dành cho cô, nếu cô biết bằng lòng với cuộc sống thực tại... thì có lẽ cuộc đời của cô sẽ đi theo một hướng khác, êm đềm và hạnh phúc hơn. Thế nhưng bản thân Tuyết đã không làm được điều đó, cô không đủ quyết tâm để chống lại những cám dỗ, những ham muốn tầm thường, cô cũng không đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, trắc trở của cuộc sống. Chính vì vậy bi kịch của Tuyết là một sự tất yếu, đó là quy luật và cô chấp nhận sống thuận theo quy luật đó.
Trong tiểu thuyết của Nhất Linh, tất cả những người phụ nữ đều mang trong mình tấn bi kịch tinh thần mà một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự
nhút nhát, thiếu quyết đoán của họ. Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt và Nhung trong Lạnh lùng cũng thuộc kiểu nhân vật này. Cả Nhung và Loan đều không đủ
mạnh mẽ để chống lại lễ giáo đương thời, thoát khỏi hoàn cảnh thực tại và tìm về
với hạnh phúc cá nhân. Trong Đoạn tuyệt, ta bắt gặp hình tượng Loan - một cô
gái tân thời được học trong trường Pháp văn, nàng mang trong mình những tư tưởng mới mẻ, trái ngược hẳn với những quan niệm sống đương thời. Những tưởng một người như vậy thì sẽ rất mạnh mẽ, quyết liệt, sẽ không bao giờ chấp nhận khổ đau. Thế nhưng mọi thứ lại ngược lại, trong sâu thẳm tâm hồn thì Loan vẫn là con người của phong kiến, nàng chưa dám đấu tranh với chính bản thân mình và càng không dám chống lại những quan niệm ngặt nghèo của xã hội đương thời. Loan yêu Dũng, một tình yêu đơn phương nhưng sâu nặng, nàng muốn được làm vợ Dũng, muốn được cùng Dũng sống kiếp sống tuy nghèo nhưng sẽ hạnh phúc bởi có tình yêu. Nhưng bản thân Loan lại nhút nhát, rụt rè. Nàng không dám vượt qua sự sĩ diện của bản thân để nói ra tình yêu của mình với Dũng, thậm chí nàng còn không biết rằng Dũng cũng yêu nàng tha thiết nhưng vì không muốn nàng đau khổ nên anh đành phải “đóng vai một người bạn lãnh đạm”. Chính do sự nhút nhát, cùng với việc cha mẹ thúc giục, Loan đồng ý lấy Thân, nàng ngậm ngùi mang theo tình yêu đối với Dũng về nhà chồng. Bước chân về nhà Thân chính là bước chân khởi đầu cho chuỗi bi kịch của cuộc đời Loan. Còn gì đau khổ hơn khi phải sống cùng một người mà mình không yêu. Thực ra, Loan cũng đã cố yêu Thân, cố vui vẻ với Thân, nhưng vì cái tình của nàng đối với Dũng lớn quá, nàng chỉ thấy Thân là con người hèn nhát, tầm thường chứ không bao giờ có được cái rắn rỏi, cương quyết như Dũng. Phải sống cùng một người mà bản thân không yêu đã đành, Loan còn phải đối mặt với một sự đau đớn hơn nữa đó là mâu thuẫn giữa nàng và gia đình chồng cứ ngày một tăng lên. Ban đầu Loan còn cố gắng lấy lòng mẹ chồng, cố coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, thế nhưng càng sống thì nàng càng không thể làm được bởi họ có yêu
quý nàng đâu mà nàng có thể yêu quý họ. Đã có lúc, vì tình yêu với Dũng, vì muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại, Loan đã có ý định bỏ trốn. Đặc biệt một lần đi đền về gặp Dũng giữa đường, cái ý định muốn trốn đi cùng Dũng lại lóe lên trong đầu nàng: “Thoáng một lúc, nàng có ý tưởng liều lĩnh bỏ cả gia đình,bỏ chồng con, bỏ xã hội nàng đương sống, bỏ hết, nhắm mắt theo Dũng, liều thân sống với Dũng một cuộc đời rộn rã, rồi sau này muốn ra sao thì ra” [18, Tr.94]. Ấy vậy mà chính bản thân nàng đã không đủ can đảm để làm điều đó: “Nhưng nghĩ vậy, rồi chính nàng lại sợ cái ý nghĩ của nàng”. Vậy là Loan lại tiếp tục bằng lòng với thực tại, lại phải sống những chuỗi ngày đau khổ ở gia đình chồng. Ta thấy, giá như Loan mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ dám làm hơn thì nàng đã không phải rơi vào bi kịch như vậy. Nhưng Loan đã không thể, nàng đã không thể vượt qua được chính mình, sự thôi thúc của tình cảm đã không thể thắng nổi sự nhu nhược, hèn nhát của bản thân, nàng chấp nhận kiếp sống hiện tai như một sự đã rồi và không còn sự lựa chọn nào khác. Tất nhiên sau này Loan đã đứng lên đấu tranh thực sự để giải thoát cho bản thân, nhưng nếu như nàng dám đấu tranh ngay từ đầu khi thầy me bắt lấy Thân, hay dám chạy theo Dũng trong lần gặp nhau giữa rừng thì nàng đã không phải đánh đổi mười năm tuổi xuân để lấy những chuỗi ngày đau đớn như vậy. Bi kịch của cuộc đời Loan do vậy có một phần là do chính sự nhút nhát, do dự của nàng mà ra.
Trong Lạnh lùng, Nhung hiện lên mới thực sự là một con người nhu
nhược, hèn nhát, nàng không bao giờ dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu, không bao giờ dám sống là mình thực sự, bởi vì cái thanh danh, cái tiếng thơm đã lấn át hết tình cảm của nàng. Nhung vốn là một người phụ nữ luôn sống theo chuẩn mực của lễ giáo phong kiến, khi lấy chồng, nàng không hề yêu, thế nhưng vì đó là ý muốn của cha mẹ nên nàng không dám từ chối. Lấy chồng chẳng bao lâu chồng mất, nàng đành ở vậy nuôi con và thủ tiết chờ chồng. Cho đến một ngày Nhung bắt gặp Nghĩa nhìn mình đắm đuối thì trái tim khát tình của nàng cũng được dịp thổn thức “cái cảm giác mới mẻ của một thứ ái tình bắt đầu nhóm trong lòng” [19, Tr.12]. Bi kịch của Nhung chính thức bắt đầu khi Nghĩa viết thư hẹn
gặp Nhung ở ngoài vườn. Trong Nhung lúc này là sự giằng xé dữ dội giữa một bên là tình yêu còn một bên là lí trí. Lí trí thì bảo nàng không được đi bởi nàng đã có chồng, nàng phải giữ danh dự cho bản thân và gia đình, còn tình yêu lại ra sức thúc giục nàng hãy đi để thỏa mãn những khát khao bấy lâu nay. Nhung cũng có ý thức cố gắng kiềm chế bản thân mình, vì nàng biết nếu không nàng sẽ rơi xuống vực sâu “Nhung thấy mình như một người đứng bên một cái dốc và biết đặt chân lên chỗ dốc thì sẽ bị tuột xuống vực sâu, nên đương cố sức giữ chân lại” [19, Tr.39]. Nhưng rồi lí trí đã không thể giữ chân nàng, sau bao lâu suy nghĩ, cuối cùng nàng đã đi gặp Nghĩa, bước chân đi Nhung cũng nhận ra rằng đó là sai lầm, là đang tuột xuống một cái hố sâu, nhưng nàng vẫn đi. Bi kịch của Nhung lúc này là yêu mà lại không dám yêu. Nàng yêu Nghĩa nhưng nàng lại không dám thừa nhận là mình yêu, thậm chí đấu tranh với chính bản thân mình, bắt bản thân không được yêu nữa. Khi quyết định ra vườn gặp Nghĩa, đó là lúc Nhung đã chiến thắng được bản thân mình, dám sống thật là mình, có lẽ đó là lúc Nhung mạnh mẽ nhất, can đảm nhất. Nhưng Nhung chỉ vượt qua được bản thân chứ nàng không thể vượt qua quan niệm phong kiến, nàng không dám làm vấy bẩn đến danh giá của mình và gia đình. Tình yêu của Nhung và Nghĩa chỉ là tình yêu lén lút giữa đêm khuya, chưa bao giờ Nhung dám công khai và nàng càng không dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình. Có lẽ đây chính là bi kịch lớn nhất của cuộc đời Nhung, bi kịch đó do chính sự nhút nhát, sợ hãi của bản thân mà ra. Trong Nhung lúc này là sự đấu tranh ghê gớm giữa tình yêu và danh dự, giữa sự quyết tâm và sự từ bỏ. Đôi khi Nhung tự nhủ rằng “liều, mình cũng phải biết liều mới được”, có lúc nàng muốn vứt bỏ cái tai tiếng của mình để chạy theo Nghĩa, nhưng vì vốn là con người ủy mị, nhút nhát, Nhung đã không thể làm được, mọi thứ chỉ là suy nghĩ của nàng mà thôi. Cuối cùng Nhung đành chịu đầu