8. Những chữ viết tắt trong đề tài
2.1. Tầm quan trọng của PPTN trong chương trình THPT mới
2.1.1. Mục tiêu chung của chương trình THPT mới
Văn bản chương trình GD cấp THPT đã trình bày mục tiêu cấp học theo Luật Giáo dục quy định: “ Giáo dục trung học phổ thông nhằm giúp HS củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông, có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động” (Điều 27, mục 2, chương II, Luật Giáo dục-2005).
Mục tiêu giáo dục THPT đã định rõ các phẩm chất và năng lực cần phát triển cho HS nhằm trước hết đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế tri thức, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của mỗi cá nhân.
Chuyển định hướng giáo dục chủ yếu là dạy chữ sang nền giáo dục kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy nghề và dạy người, chuyển nền giáo dục từ chủ yếu nặng nề về ứng thí, sính bằng cấp sang giáo dục thực học, thực làm, coi trọng năng lực, chuyển tình trạng giáo dục từ chủ yếu đào tạo theo khả năng của các cơ sở giáo dục sang đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học.
Một khi mục tiêu giáo dục đã thay đổi thì toàn bộ các thành tố của quá trình giáo dục cũng phải chuyển đổi theo một cách đồng bộ và nhất quán. Chỉ khi đó mới tạo ra được sự chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục như mong đợi.
2.1.2. Mục tiêu của chương trình THPT mới a/ Mục tiêu kiến thức a/ Mục tiêu kiến thức
Hoàn thiện cho HS hệ thống kiến thức phổ thông, cơ bản ở trình độ tú tài về vật lý, cần thiết để đi vào các ngành khoa học, kỹ thuật và để sống trong một xã hội công nghiệp hiện đại. Đó là:
Những khái niệm tương đối chính xác về các sự vật, hiện tượng và quá trình vật lý thường gặp trong đời sống và sản xuất.
Những định luật và nguyên lí vật lí cơ bản được trình bày phù hợp với năng lực toán học và năng lực suy luận logic của HS.
Những nội dung chính của các thuyết vật lí quan trọng nhất.
Những nguyên tắc cơ bản của những ứng dụng quan trọng của vật lí trong đời sống và sản xuất.
Những hiểu biết cần thiết về phương pháp thực nghiệm và phương pháp mô hình trong đời sống và sản xuất.
b/ Mục tiêu kỹ năng
Quan sát các hiện tượng và các quá trình vật lí trong tự nhiên, trong đời sống hằng ngày hoặc trong các thí nghiệm; điều tra, sưu tầm, tra cứu tài liệu từ các nguồn khác nhau để thu thập thông tin cần thiết cho việc học tập vật lí.
Sử dụng các dụng cụ đo phổ biến của vật lí, kỹ năng lắp ráp và tiến hành các thí nghiệm vật lí đơn giản.
Phân tích, tổng hợp và xử lí các thông tin thu được để rút ra kết luận, đề ra các dự đoán đơn giản về các mối quan hệ hay về bản chất của các hiện tượng hoặc quá trình vật lí, cũng như đề xuất phương án thí nghiệm để kiểm tra dự đoán đã đề ra.
Vận dụng kiến thức để mô tả và giải thích các hiện tượng và quá trình vật lí, giải các bài tập vật lí và giải quyết các vấn đề đơn giản trong đời sống và sản xuất ở mức độ phổ thông.
Sử dụng các thuật ngữ vật lí, các biểu bảng, đồ thị để trình bày rõ ràng, chính xác những hiểu biết, cũng như những kết quả thu được qua thu thập và xử lí thông tin.
c/ Mục tiêu tình cảm, thái độ, tác phong
Trong dạy học vật lí cần chú trọng bồi dưỡng cho HS những tình cảm, thái độ và tác phong mà môn vật lí có nhiều ưu thế để thực hiện, đó là:
Sự hứng thú học tập môn vật lí, nói rộng hơn là lòng yêu thích khoa học.
Ý thức sẵn sàng áp dụng những hiểu biết về vật lí của mình vào các hoạt động trong gia đình và xã hội để cải thiện điều kiện sống và bảo vệ môi trường.
Tác phong làm việc khoa học, cẩn thận, tỉ mỉ. Tính trung thực trong khoa học.
Tinh thần nỗ lực phấn đấu cá nhân, kết hợp chặt ch với tinh thần hợp tác trong lao động học tập và nghiên cứu, ý thức tự học cũng như học hỏi người khác.
2.1.3. Tầm quan trọng của PPTN trong NCKH và trong DHVL ở THPT
Một trong những điều quan trọng của phương hướng cải cách chương trình vật lí phổ thông là “Chương trình phải bao gồm những kiến thức về các phương pháp vật lí cơ bản”. Ngoài việc cung cấp kiến thức, việc xây dựng và phát triển các năng lực tư duy cho HS là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Muốn vậy, làm cho HS không những nắm vững được kiến thức mà còn hiểu rõ được con đường dẫn đến kiến thức, hiểu rõ các phương pháp nhận thức khoa học.
Đối với môn vật lí, PPTN là một trong những phương pháp nhận thức cơ bản quan trọng. Vì vậy, trong chương trình cải cách vật lí phổ thông cần phải coi trọng áp dụng PPTN của khoa học vật lý trong quá trình dạy học. Trong quá trình dạy học, cần làm cho HS hiểu được PPTN trong nghiên cứu vật lí và từng bước hướng dẫn HS tập vận dụng PPTN của vật lí học trong khi nghiên cứu các kiến thức theo chương trình và sách giáo khoa.
Để có thể vận dụng được PPTN của vật lí học trong quá trình dạy học ta cần làm rõ 2 vần đề sau:
Thứ nhất là: PPTN trong quá trình sáng tạo khoa học vật lí, với tư cách là một phương pháp nhận thức của khoa học vật lí là gì? Nó bao gồm những giai đoạn nào?
Thứ hai là: PPTN trong dạy học vật lí, với tư cách là một phương pháp dạy học ( là sự vận dụng PPTN của khoa học vật lí vào dạy học vật lí, nhằm rèn luyện cho HS phương pháp nhận thức của vật lí học) được thực hiện theo các bước dạy học như thế nào khi hình thành một kiến thức cụ thể cho HS?
2.2. PPTN trong nghiên cứu khoa học vật lí
2.2.1. Vai trò của PPTN trong quá trình nhận thức sáng tạo của KHVL
Sơ đồ ngắn gọn của quá trình nhận thức nói chung đã được Lênin nêu lên: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, rồi từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – Đó là con đường biện chứng của nhận thức chân lý, nhận thức thực tế khách quan”.
Phù hợp với quá trình nhận thức nói chung mà Lênin đã chỉ ra, quá trình sáng tạo của khoa học VL là quá trình đi từ sự khái quát hóa những sự kiện thực tế xuất phát đến xây dựng mô hình trừu tượng của hiện tượng (đề xuất giả thuyết), rồi từ mô hình dẫn đến việc rút ra các hệ quả lý thuyết và từ hệ quả các lý thuyết dẫn đến sự kiểm tra chúng bằng thực nghiệm và ứng dụng chúng trong thực tiễn. Trong quá trình sáng tạo khoa học này, nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nhận thức khoa học, trong đó đặc biệt là phương pháp thực nghiệm.
2.2.2. Phương pháp thực nghiệm
Để có thể khái quát hóa các sự kiện thực tế và xây dựng các giả thuyết khoa học về hiện tượng nghiên cứu, nhà khoa học phải tổ chức và tiến hành thí nghiệm để khảo sát hiện tượng trong những điều kiện xác định và dựa trên kết quả của thí nghiệm đó để thu được những tài liệu thực tế làm cơ sở xuất phát cho sự hoàn thành giả thuyết. Để kiểm tra sự đúng đắn của các kết luận lý thuyết thu được nhờ sự suy luận logic từ mô hình giả thuyết ( và cũng là để kiểm tra sự đúng đắn của chính bản thân giả thuyết ) lại phải tiến hành thí nghiệm để có thể đối chiếu lại kết quả của thí nghiệm với những thí nghiệm như thế gọi là Phương pháp thực nghiệm. Như vậy, phương pháp thực nghiệm không chỉ đơn thuần là làm thí nghiệm một cách mò mẫn, ngẫu nhiên. Trước khi làm thí nghiệm, nhà khoa học đã phải dựa vào những quan sát ban đầu của mình hay của những nhà khoa học khác, nêu lên một số câu hỏi cần giải đáp, nghĩa là vạch rõ mục đích của thí nghiệm: Thí nghiệm để làm sáng tỏ cái gì? Để hỏi thiên nhiên cái gì? Tiếp theo là phải bố trí thí nghiệm như thế nào, tức là tìm cách đặt câu hỏi cho thiên nhiên như thế nào để có thể thu được câu trả lời đơn giản? Câu trả lời của thiên nhiên qua các kết quả của thí nghiệm là những dấu hiệu bề ngoài của sự vật, có thể quan sát được, cần phải phân tích, khái quát hóa những kết quả đó như thế nào để thu được những kết luận có giá trị tổng quát? Cuối cùng là lời giải đáp thu được có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề gì rộng rãi hơn nữa trong thực tế, nằm ngoài những thí nghiệm đã làm không?
Vậy, Phương pháp thực nghiệm là một phương pháp nhận thức khoa học được thực hiện khi nhà nghiên cứu tìm tòi xây dựng phương án và tiến hành thí nghiệm, nhằm dựa trên kết quả của thí nghiệm để xác lập giả thuyết hoặc kiểm tra một giả thuyết nào đó.
Phương pháp thực nghiệm nói ở đây là nói về phương pháp nhận thức trong quá trình sáng tạo khoa học, chứ không phải là chỉ đơn thuần cách thức tiến hành một thí nghiệm đã có sẵn. Quá trình nhận thức này đòi hỏi tư duy sáng tạo. Khi áp dụng phương pháp thực
nghiệm nhà nghiên cứu phải tìm tòi thiết kế phương án thí nghiệm. Trong việc đề xuất phương án thí nghiệm để có thể kiểm tra giả thuyết đã nêu ra hoặc cho phép thu được những thông tin cần thiết cho việc xác lập giả thuyết, tư duy sáng tạo có vai trò quan trọng.
2.2.3. Các giai đoạn của PPTN trong KHVL
Phương pháp thực nghiệm của quá trình nghiên cứu khoa học vật lí gồm các giai đoạn chính sau đây:
Nhận biết các sự kiện mở đầu, phát hiện vấn đề ( nêu câu hỏi ). Xây dựng giả thuyết ( câu trả lời dự đoán ).
Từ giả thuyết suy ra một hệ quả có thể kiểm tra trong thực tế ( có thể quan sát, đo lường được ).
Bố trí thí nghiệm kiểm tra.
Kết luận ( thí nghiệm xác nhận hay bác bỏ giả thuyết ).
2.3. PPTN trong dạy học vật lí
2.3.1. Vai trò của PPTN trong DHVL
Thực chất của phương pháp dạy học này là ở chỗ: giáo viên tổ chức, chỉ đạo hoạt động HT của HS theo các bước tương tự như các giai đoạn của phương pháp thực nghiệm trong quá trình sáng tạo khoa học để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của HS trong quá trình lĩnh hội kiến thức, làm cho HS lĩnh hội được kiến thức một cách sâu sắc, vững chắc, đồng thời qua đó góp phần phát huy năng lực nhận thức sáng tạo của HS.
Tất nhiên khi áp dụng phương pháp thực nghiệm trong dạy học VL, GV phải sử dụng thí nghiệm (dưới dạng thí nghiệm biểu diễn của GV và thí nghiệm của HS làm). Không sử dụng thí nghiệm thì không thể nói đến phương pháp thực nghiệm. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là hễ cứ có sử dụng thí nghiệm trong dạy học thì đã là áp dụng phương pháp thực nghiệm như vừa nói ở trên. Bởi vì trong dạy học VL, thí nghiệm được sử dụng có khi chỉ như một phương tiện trực quan đơn thuần, chứ không phải là nó được thiết lập và thực hiện trong tiến trình nghiên cứu theo đòi hỏi của việc xác lập hoặc kiểm tra một giả thuyết nào đó. Việc sử dụng thí nghiệm trong trường hợp như thế thì không phải theo tinh thần áp dụng phương pháp thực nghiệm của VL học.
2.3.2. Các giai đoạn của PPTN trong DHVL
Để giúp HS có thể bằng những hoạt động của bản thân mình mà tái tạo, chiếm lĩnh được các kiến thức VL thì tốt nhất là GV phỏng theo phương pháp thực nghiệm của các nhà khoa học mà tổ chức cho HS hoạt động theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Nhận biết các sự kiện khởi đầu, nêu vấn đề
GV mô tả một hoàn cảnh thực tiễn hay biểu diễn một vài thí nghiệm và yêu cầu các em dự đoán diễn biến của hiện tượng, tìm nguyên nhân hoặc xác lập một mối quan hệ nào đó, tóm lại là nêu lên một câu hỏi mà HS chưa biết câu trả lời, cần phải suy nghĩ tìm tòi mới trả lời được.
Giai đoạn 2: Xây dựng giả thuyết
GV hướng dẫn, gợi ý cho HS xây dựng một câu trả lời dự đoán ban đầu, dựa vào quan sát tỉ mỉ, kĩ lưỡng, vào kinh nghiệm của bản thân, vào những kiến thức đã có…ta gọi
là xây dựng giả thuyết. Những dự đoán này có thể còn thô sơ, có vẻ hợp lý nhưng chưa chắc chắn.
Giai đoạn 3: Từ giả thuyết dùng suy luận logic, tìm một hệ quả có thể kiểm tra được.
Từ giả thuyết dùng suy luận logic hay suy luận toán học suy ra một hệ quả. Dự đoán một hiện tượng trong thực tiễn, một mối quan hệ giữa các đại lượng VL.
Giai đoạn 4: Bố trí thí nghiệm kiểm tra:
Xây dựng và thực hiện một phương án thí nghiệm để kiểm tra xem hệ quả dự đoán ở trên có phù hợp với kết quả thực nghiệm không. Nếu phù hợp thì giả thuyết trên trở thành chân lý, nếu không phù hợp thì phải xây dựng giả thuyết mới.
Giai đoạn 5: Vận dụng
Ứng dụng kiến thức, HS vận dụng kiến thức để giải thích hay dự đoán một số hiện tượng trong thực tiễn để nghiên cứu các thiết bị kỹ thuật. Thông qua đó trong một số trường hợp s đi tới giới hạn áp dụng của KT và xuất hiện mâu thuẫn nhận thức mới cần giải quyết.
2.3.3. Hướng dẫn HS hoạt động trong mỗi giai đoạn của PPTN
Những bài học mà HS có thể tham gia đầy đủ vào cả 5 giai đoạn không nhiều. Đó là nhiều bài học mà việc xây dựng giả thuyết không đòi hỏi một sự phân tích quá phức tạp và có thể kiểm tra giả thuyết bằng những thí nghiệm đơn giản sử dụng những dụng cụ đo lường mà HS đã quen thuộc.
Trong nhiều trường hợp, HS gặp khó khăn không thể vượt qua được thì có thể sử dụng phương pháp thực nghiệm ở các mức độ khác nhau, thể hiện ở các mức độ học sinh tham gia vào các giai đoạn của phương pháp thực nghiệm.
Giai đoạn 1:
Mức độ 1: HS tự lực phát hiện vấn đề, nêu câu hỏi. GV giới thiệu hiện tượng xảy ra đúng như thường thấy trong tự nhiên để cho HS tự lực phát hiện những tính chất hay những mối quan hệ đáng chú ý cần nghiên cứu.
Ví dụ: Cho HS quan sát sự rơi của nhiều vật khác nhau: hòn gạch, tờ giấy, chiếc lá, miếng bấc, hòn bi, cái lông chim. Sự rơi xảy ra rất khác nhau. Những câu hỏi mà HS đã quen nêu ra là: Nguyên nhân nào khiến cho các vật rơi khác nhau? Sự rơi của các vật có gì giống nhau không?
Mức độ 2: GV tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt trong đó xuất hiện một hiện tượng mới lạ, lôi cuốn sự chú ý của HS, gây cho họ sự ngạc nhiên, sự tò mò, từ đó học sinh nêu ra một vấn đề, một câu hỏi cần giải đáp.
Ví dụ: dao chém gỗ thì gỗ đứt, cũng dao đó chém vào đá thì dao mẻ, vậy lực của dao tác dụng vào gỗ ( hay đá ) và lực của gỗ (hay đá) tác dụng vào dao thì lực nào lớn hơn?