Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu phân tích tình hình huy động vốn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện trà cú, tỉnh trà vinh (Trang 69)

7. Kết luận:

5.1Những hạn chế và nguyên nhân

Từ việc phân tích nguồn vốn huy động của ngân hàng phân theo các tiêu chí khác nhau giúp ta thấy được bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngân hàng cũng còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ giảm liên tục về mặt giá trị và tỷ trọng qua các năm, tuy những tháng đầu năm 2013 nguồn tiền gửi này có tăng nhưng không đáng kể (tăng 1,08%). Nguyên nhân là do ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn hoạt động lại là một huyện nông thôn nên nguồn vốn ngoại tệ cũng như các hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng cũng khá hạn chế, vì vậy vốn huy động từ ngoại tệ luôn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng vốn huy động.

Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay lãi suất đối với tiền gửi USD của ngân hàng giảm liên tục, cho đến những tháng đầu năm 2013, lãi suất không kỳ hạn đối với tiền gửi USD là 0,5%/năm, lãi suất có kỳ hạn là 1,25%/năm, do đó đa phần người dân đều gửi tiền bằng nội tệ để hưởng mức lãi suất cao hơn.

- Nguồn vốn thu hút từ KBNN có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2013 vốn huy động từ các TCKT cũng có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2012 nên dẫn đến lượng vốn huy động không kỳ hạn của ngân hàng cũng giảm theo.

Ngoài những nguyên nhân đã kể trên phần phân tích thì vốn huy động không kỳ hạn của ngân hàng chưa tăng trưởng cao trong những năm qua một phần còn do số lượng thẻ ATM Chi nhánh phát hành chưa thực sự phổ biến rộng rãi trong dân cư. Đa phần số thẻ được sử dụng hiện nay là các nhân viên trong các doanh nghiệp hoặc tổ chức có giao dịch với ngân hàng và đăng kí trả lương qua tài khoản. Còn nhiều đối tượng khách hàng rất tiềm năng khác cũng chưa được chú ý khai thác phù hợp. Vì đa phần người dân ở vùng nông thôn chưa hiểu rõ về tiện ích và sự an toàn trong việc sử dụng thẻ nên đều có tâm lý e ngại rằng việc sử dụng thẻ sẽ rất phức tạp và sợ sự cố máy hư không rút được tiền, sợ bị mất tiền, hoặc muốn sử dụng thẻ thì lại không biết thủ tục mở tài khoản như thế nào, do đó thay vì nộp một phần tiền dùng để thanh toán vào tài khoản ATM thì họ lại cất giữ tiền trong nhà.

- Nguồn tiền gửi từ các TCTD tuy có tăng qua các năm nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng nguồn vốn huy động (không quá 1%). Nguyên nhân là do kể từ ngày 1/1/2011 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực thi hành, luật này không quy định về hoạt động gửi tiền lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, chỉ quy định việc mở tài khoản thanh toán lẫn nhau của các TCTD nhằm phục vụ cho mục đích thanh toán, vì vậy các tổ chức tín dụng phải chấm dứt toàn bộ hoạt động gửi tiền và nhận tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác. Do đó, nguồn tiền gửi này luôn chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng vốn huy động của ngân hàng.

- Tuy lượng vốn huy động từ việc phát hành GTCG có xu hướng tăng từ năm 2012 trở về sau nhưng công tác huy động vốn bằng công cụ này cũng gặp một số khó khăn nhất định trong giai đoạn vừa qua khi lượng vốn huy động này vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn huy động của Ngân hàng, luôn dưới 5% trên tổng vốn huy động vì điểm hạn chế trong công tác huy động này là ngân hàng không thể chủ động trong kế hoạch huy động mà phải thực hiện theo chỉ tiêu, phụ thuộc nhiều về thời điểm phát hành và chấm dứt của ngân hàng cấp trên.

- Nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có sự tăng giảm không đồng đều qua các năm, năm 2010 tiền loại này là 22.389 triệu đồng nhưng đến năm 2011 giảm mạnh xuống chỉ còn 2.747 triệu đồng. Điều này làm ngân hàng phải sử dụng đến vốn điều chuyển để có thể đầu tư, kinh doanh cho các dự án trung và dài hạn. Đến năm 2012 thì lại tăng lên đáng kể là 73.330 triệu đồng.

Một phần của tài liệu phân tích tình hình huy động vốn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện trà cú, tỉnh trà vinh (Trang 69)